Quả lạ đón Xuân

Thứ Sáu, 31/01/2014, 11:40

Nông dân mình tài thật! Đó là lời thán phục của rất nhiều người, khi mỗi dịp Tết đến xuân về được nhìn thấy những quả dưa hấu hình chiếc xe hơi, những trái bưởi hình quả hồ lô và đứng trước cây ra 5 loại quả vàng rực rỡ.

Cây ngũ quả đón Xuân

Một nông dân ở Hà Nội đã khiến người ta tò mò, rồi đâm ra thán phục khi bỏ công lai tạo ra một cây cho 5 loại quả khác nhau đón Tết. Đó là ông Lê Đức Giáp, ở xóm Bãi (xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội).

Chuyện ghép cây thì đâu còn gì mới, nhưng ghép tài tình đến như ông Giáp thì tôi mới chỉ thấy có một. Từ một cây bưởi, ông đã lai ghép tạo ra cây ngũ quả rất đặc biệt. Và đặc biệt là ở chỗ, các loại quả đều chín vàng để đón Xuân. Đó mới là thành công riêng, dấu ấn riêng để mỗi dịp Tết đến vườn nhà ông lại tấp nập khách đến xem, đến mua cây về làm quà biếu vì cây ngũ quả không những mang tính thẩm mỹ cao, mà vào ngày Tết chỉ cần bước chân vào nhà có thể ngửi thấy mùi hương của các loại quả, nhất là trái bưởi.

Ông Lê Đức Giáp đã ở tuổi lục tuần. Chẳng phải tự nhiên mà ông có được thành quả ấy. Ông đã nhiều lần thử nghiệm rồi thất bại. Thất bại nhưng ông không nản. Ba năm trời mày mò. Hơn 1.000 ngày không ngừng thử và thử, để rồi niềm vui vỡ òa khi các loại cây ông ghép đều trổ hoa, đậu quả, và đẹp nhất vào những ngày Tết.

Năm loại quả trên cây là cam, quýt, bưởi, phật thủ, quất. Trừ quả phật thủ phải mua từ bên ngoài, thì các loại quả khác ông Giáp đều trồng tại vườn. Không giấu giếm bí mật lai ghép làm của riêng, ông Giáp cho biết, mỗi loại cây có một chu kỳ ra hoa, đậu quả khác nhau. Vì thế, vào tháng 4, ông và nhân viên làm vườn bắt đầu ghép bưởi Diễn, tháng 6 ghép cam đường, tháng 7 ghép cam ghép mã lai và quýt, tháng 10 ông sẽ ghép quả phật thủ. Như vậy các loại quả sẽ chín đều vào đúng dịp Tết.

Ông Ba Thành đang chăm sóc trái bưởi hồ lô.

Giá của cây ngũ quả lớn năm ngoái đã lên tới 20 đến 25 triệu. Cây nhỏ hơn có giá 5-6 triệu. Cái độc đáo nữa của cây ngũ quả này, theo lời ông Giáp, là các gia đình có thể để hết tháng Giêng. "Các quả trên cây vẫn giữ vị ngọt, chua như các cây bình thường khác", ông Giáp chia sẻ. Ngoài làm cây ngũ quả, ông Giáp còn lai tạo cả những loại cây cho ra 3 loại quả, phục vụ bà con có nhu cầu.

Dưa hấu hình vuông, thỏi vàng, và… xe hơi

Thời gian gần đây, cứ vào dịp cuối năm giáp Tết người ta lại thấy hình ảnh về những trái dưa hấu có hình thù lạ mắt: hình vuông, hình thỏi vàng, thậm chí hình xe Mercedes 4 chỗ. Vì lạ mắt, nên giá của chúng cũng rất “lạ”, từ 2 đến trên 10 triệu đồng/cặp. Vậy mà hàng bán tại vườn đắt như tôm tươi, “tiền trao cháo múc”. Cho tới khi có mặt tại các đô thị lớn, những cặp dưa đẹp có hình thù độc và lạ này giá cả có thể còn tăng lên mà vẫn “cháy”, phải đặt trước mới có.

Người làm ra những trái dưa lạ mắt , được nhiều người biết tới, là ông Trần Thanh Liêm, ở khu vực 7, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ). Ông Năm Liêm cho biết, mấy chục năm trước, gia đình ông chỉ chuyên trồng lúa và rau màu, chỉ đủ tiền mua gạo. Đến năm 2000, ông quyết định chuyển qua trồng dưa hấu, vì ông nghĩ dưa hấu trồng được quanh năm.

Nhưng dưa hấu đã nhiều người trồng, năm hên năm xui. Cho tới năm 2004, tình cờ xem được một tài liệu người ta nói về trái dưa hấu vuông ở Nhật Bản, ông Liêm chợt “giật mình”. Ông nghĩ “người ta làm được, chắc mình cũng làm được”. Vậy là ông lao vào tìm hiểu, thử nghiệm. Nhưng vấn đề quan trọng với ông lúc đó là tạo ra được cái khuôn để ép dưa hấu “phải vuông” đúng ý muốn. Trải qua nhiều thất bại, ông Năm dần đúc rút những bí quyết độc để tạo hình dưa hấu. Và đến năm 2005 những quả dưa hấu vuông mang thương hiệu Thanh Liêm lần đầu tiên xuất hiện tại các siêu thị lớn của Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Sau mỗi năm, dưa vuông của ông Năm Liêm lại càng đẹp, càng to hơn, thương hiệu dưa tạo hình Thanh Liêm cũng dần được nhiều nơi biết đến.

Ông Lê Đức Giáp bên cây ngũ quả.

Chưa chịu dừng lại với dưa hấu hình vuông vì đó là sản phẩm “bắt chước” bên Nhật, ông Năm Liêm nảy ra ý định ép dưa phải biến thành… thỏi vàng. Năm đầu tiên (2008), ông Năm bắt đầu thử nghiệm với khuôn đúc bằng bê tông, và chỉ ép thành công 5 cặp dưa hấu thỏi vàng. Mỗi cặp được bán với giá 550.000đ. Tết năm 2012, ông tăng lên, sản xuất 100 cặp, nhưng chẳng mấy chốc lượng dưa lạ của ông cũng bán hết. Những thương lái nghe tiếng dưa hấu thỏi vàng “độc và lạ”, đánh trúng tâm lý khách hàng thành phố đã đổ xô về đặt hàng tới tấp. Được đà, năm sau ông Năm Liêm ép đến 500 khuôn (bằng khuôn nhựa composite). Một cặp dưa thỏi vàng loại từ 1,7 đến 2kg, ông Năm Liêm bán giá tại vườn là 3,5 triệu đồng một cặp, loại nhỏ hơn giá 2,5 triệu.

Ông Năm Liêm tâm sự, “lúc đầu cũng từng bị nhiều người cười cợt, bảo “đâm đầu mần những ý tưởng tào lao làm gì”. Nghe vậy cũng buồn chứ, nhưng bây giờ thành công rồi thì ai… cười cũng không sao”.

Ông Năm chia sẻ: "Tôi chỉ đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm dưa hấu hình thỏi vàng thôi, vì đó là ý tưởng của tôi. Còn dưa hấu vuông là của Nhật, không phải của mình nên khỏi. Đăng ký xong vậy là yên tâm. Thương hiệu dưa tạo hình Thanh Liêm cũng đăng kí luôn rồi, giờ làm ăn khỏe re".

Mấy năm gần đây ông Năm Liêm còn tung ra thị trường dưa hấu hình chiếc xe ôtô Mecerdes 4 chỗ ngồi, có in chữ “Phước” nổi trên mui xe. Ông Liêm cho biết: “Dưa hấu hình xe hơi tui phải mày mò gần 3 năm mới tạo được khuôn. Loại dưa này được trồng từ giống dưa Bảo Quán có màu xanh sọc. Dưa xe hơi có trọng lượng mỗi trái từ 1,7-2kg. Loại dưa này được thương lái ở TP Hồ Chí Minh xuống tận nhà đặt hàng trước với giá tại ruộng là 10 triệu/cặp”.

Bưởi hồ lô

Cũng chung khát vọng sáng tạo ra những nông sản có hình thức lạ để gây dựng thương hiệu riêng, ông Ba Thành (tên thật là Võ Trung Thành, nông dân xã Phú Tân, huyện Châu Thành - Hậu Giang) lại chọn trái bưởi Năm Roi để… sáng tạo. Ông đã biến trái bưởi vốn có hình tròn thành hình chiếc hồ lô mang chữ “Tài” và “Lộc”...

Công việc này được ông Ba Thành bắt tay sản xuất từ năm 2008, nhưng mãi cho đến cuối 2010 mới bước đầu mang tới thành công. Thành quả này là sự sáng tạo không mệt mỏi của người dân miệt vườn Hậu Giang.

Kể chuyện với nhà báo, ông Ba Thành cho biết: “Hồi trước tui là giáo viên tiểu học, không đủ sống nên về quê trồng bưởi Năm Roi. Một bữa nằm võng coi tivi thấy chiếu phim “Tây du ký”, các nhân vật đeo trái hồ lô, trên nhỏ dưới to, tự dưng nảy ra ý tưởng phải ép trái bưởi Năm Roi thành hình dáng hồ lô. Sau đó mấy hôm, vô tình thấy một trái bưởi bị kẹt giữa hai nhánh cây; đoạn giữa trái bị ép nhỏ nhưng hai đầu phình to. Tôi hái trái bưởi này, xẻ ra thì thấy ruột bưởi vẫn bình thường. Từ đó càng nung nấu ý định làm bưởi hồ lô. Đầu tiên tôi dùng ống hút nước bằng nhựa buộc ngang 1/3 thân trái bưởi, hy vọng khi lớn nó sẽ có ngấn thành hình hồ lô; nhưng thất bại. Kế đến, tôi dùng dây kim loại cũng không thành công”.

Trải qua nhiều thử nghiệm thất bại, cuối cùng ông Ba Thành mới có được những trái bưởi hồ lô tương đối ưng ý. Tuy nhiên tỉ lệ thành công rất thấp, chỉ dưới 20%. Nhưng những trái bưởi này không phụ công người sáng tạo ra chúng, bởi khi mang ra thì trường có giá khá cao: 2-3 triệu đồng/cặp. Được thị trường đón nhận là tín hiệu lạc quán khiến ông Ba Thành tiếp tục mày mò hoàn thiện trái bưởi hồ lô, đúc hẳn khuôn nhựa để ép trái bưởi. Dần dần, tỉ lệ sản xuất thành công bưởi hồ lô của ông Ba Thành đạt đến 80% tạo nên sự tự tin cho ông. Nhất là từ khi sử dụng khuôn nhựa, ông còn tạo ra những trái bưởi hồ lô có chữ tài, lộc, hình rồng, hình phụng nổi trên vỏ trái bưởi được nhiều người ưa chuộng.

Tháng 4/2012, bằng độc quyền về nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy” của ông Ba Thành được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Để nhân rộng thành công, ông Ba Thành còn lập Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A với vài chục hội viên để cùng sản xuất bưởi hồ lô, phục vụ nhu cầu của thị trường

Thư Hoàng
.
.
.