Quán cơm chay từ thiện của đại gia Tuyên Quang giữa lòng Hà Nội

Thứ Năm, 31/12/2015, 14:00
Nếm trải những thất bại cay đắng trên thương trường, đại gia Trần Văn Thái (xã Tân Tiến, Yên Sơn, Tuyên Quang) đã có thời điểm phải lên chùa để tĩnh tâm. Cũng chính tại nơi cửa Phật từ bi đã khiến anh Thái thay đổi rất nhiều trong nhận thức. 

Sau khi vực lại được kinh tế, anh quyết định xuống Hà Nội mở quán cơm chay từ thiện Khang Thịnh. Anh chia sẻ: "Nói là từ thiện nhưng quán cơm chay của mình không phải chỉ dành riêng cho người nghèo mà cán bộ, công nhân viên chức, thậm chí là những người giàu có vẫn có thể đến ăn. Cái mà mình muốn là hướng mọi người đến việc ăn thực phẩm sạch để bảo toàn giống nòi".

Mong muốn thay đổi tư duy ăn uống của người Việt

Chúng tôi đến quán cơm chay Khang Thịnh đúng vào giờ cơm trưa. Quán chật cứng người. Ước tính ngay tại thời điểm đó cũng có đến hơn 100 lượt khách. Chị Mai, quản lý quán cơm chay cho biết: "Mỗi ngày quán đón bình quân từ 400 đến 500 lượt khách. Những ngày mồng 1, ngày rằm con số này có khi lên tới 800, 900 người". Anh Thái hài hước bảo: "Bạn cứ thử tưởng tượng mà xem, nếu nhà bạn có đám cưới, bạn phục vụ 1, 2 ngày cũng thấy mệt phờ. Đằng này nhà mình ngày nào cũng phục vụ "đám cưới", "đám cưới này kéo dài cũng được 9 tháng rồi đấy".

Quán chay miễn phí Khang Thịnh ngày càng trở thành địa chỉ quen thuộc của người Hà Nội.

Ban đầu chỉ là những người sống xung quanh con phố Ngụy Như Kon Tum đến thưởng thức cơm chay miễn phí. Sau rồi người này giới thiệu người kia có những người ở tận ngoại tỉnh nghe tiếng cũng tìm đến ăn. Họ tìm đến quán không phải là vì được miễn phí đồ ăn mà vì biết chắc đó là những thực phẩm sạch, được chính chủ quán trồng ở trang trại trên Ba Vì.

Để phục vụ được lượng khách "khổng lồ", gần 20 nhân viên của quán phải làm việc chăm chỉ từ hơn 5h sáng. Mỗi người một việc, người nhặt rau, người chế biến thức ăn, người kê dọn bàn ghế… 11h, cơm và thức ăn đã được nấu chín và sẵn sàng để đón những thực khách đầu tiên.

Khi đến quán, khách được tự ý chọn đồ ăn theo sở thích và theo khả năng của mình. Theo tìm hiểu của phóng viên, trên địa bàn Hà Nội hiện cũng có rất nhiều quán cơm chay nhưng giá cho mỗi suất cơm chay không hề rẻ. Nếu là hình thức cơm chay tự chọn như quán của anh Thái giá có khi lên tới xấp xỉ 200 nghìn.

Khách đến với quán cơm chay có thể thoải mái lựa chọn các món ăn mình thích.

Khi chúng tôi hỏi, từ khi mở quán cho tới thời điểm này anh Thái ước tính mình lỗ bao nhiêu tiền thì anh chỉ cười và gạt đi: "Nếu tính lỗ lãi thì mình đã chả làm từ thiện. Mà nói ra việc lỗ lãi cũng là hết phước rồi". Đem câu hỏi đó tới người quản lý quán thì được chị Mai chia sẻ: "Mỗi tháng quán phải bù lỗ ít nhất cũng phải 70 triệu, nhiều có khi lên tới cả trăm triệu, chỉ tính riêng tiền thuê nhà đã mất hơn 30 triệu rồi, còn lương nhân viên, còn thực phẩm nữa…".

Nhiều người khi đến quán, chứng kiến sự tận tình chu đáo từ nhân viên đến ông chủ quán và nhất là biết mình đang được thưởng thức những đồ ăn sạch nên một số người sau khi ăn xong vẫn để lại một số tiền nhỏ, coi như một sự ủng hộ, đồng hành cùng chủ quán. Bởi chính những thực khách đến đây cũng tự nhẩm tính được sự thiệt thòi của chủ quán cơm chay.

Anh Thái cười tươi chia sẻ lý do tại sao mở quán chay miễn phí tại Hà Nội.

Khi mở quán cơm chay, anh Thái có tâm niệm muốn thay đổi tư duy ăn uống của người Việt. Anh chia sẻ: "Có nhiều cách để làm từ thiện. Chẳng hạn nếu một ai đó mắc bệnh hiểm nghèo, bạn thấy thương và rút tiền từ túi của mình để từ thiện, để giúp họ mong họ khỏi bệnh. Nhưng dường như lúc đó là quá muộn, sao bạn không giúp ngay khi họ đang khỏe mạnh, sao không định hướng cho họ biết làm thế nào để sống khỏe".

Có thực khách tuổi đã ngoài 80 nhưng nghe danh quán cơm chay của anh Thái đã không ngại bắt taxi hàng mấy chục cây số đến quán xếp hàng để được vào ăn.

Không chỉ mở quán cơm chay từ thiện mà anh Thái còn thường xuyên mở những khóa học miễn phí dạy nấu đồ chay. Anh hồ hởi khoe: "Có những người trước khi đến lớp học nấu đồ chay của mình thì thường xuyên uống rượu và ăn thịt chó. Nhưng đến khi đăng ký vào học lớp của mình thì tự nhiên thấy dửng dưng hẳn với những thứ mà trước kia họ từng rất thích".

Làm từ thiện để "trả nợ" đời

Nhiều người biết tiếng quán cơm chay miễn phí nhưng không phải ai cũng biết về chủ nhân của quán. Đó là một người đàn ông ngoài 50 tuổi với giọng nói nhẹ nhàng, khuôn mặt toát lên vẻ chất phác. Trước anh Thái từng là một đại gia lẫy lừng xứ Tuyên, là Giám đốc của một công ty chuyên chế biến gỗ. 

Năm 2005, công việc buôn bán đang lên như diều gặp gió thì không may gia đình anh gặp họa. Chỉ vì đi sai một nước mà cả gia sản của anh đổ xuống sông xuống biển. Sau đó anh Thái phải thanh lý toàn bộ khu xưởng và máy móc lên tới 15 tỷ đồng để trả nợ. Cứ nghĩ đến công sức của mình gây dựng nay đã tan tành, anh Thái rơi vào hoảng loạn.

Nhiều người tự nguyện đến đây làm việc không công.

Anh kể: "Lúc đó tâm trạng mình tệ lắm, chả thiết tha gì nữa, đầu óc như điên loạn. Thấy vậy người thân và bạn bè cứ động viên mình nên vào chùa một thời gian để tĩnh tâm lại".

Anh bảo, ở chùa có lẽ là thời gian quý giá nhất của đời anh. Nơi đây, anh đã thật sự tĩnh tâm nhìn lại những gì đã qua. Khi đã xác định được mất mát, thua lỗ kia không phải vì đen mà do chính sự chủ quan của mình anh đã quyết tâm đứng dậy. Anh tâm sự: "Hiện giờ mình đã trả được hết số nợ trước đây, mình muốn thực hiện lời dạy của thầy.

Thật sự, nếu không có quãng thời gian ở chùa thì có lẽ cuộc đời của mình đã chìm xuống đáy rồi. Đang từ đỉnh cao thành công, thế mà bỗng chốc trở thành tay trắng thử hỏi có mấy người không choáng váng. Nếu không có thầy khai tâm thì có lẽ mình đã buông bỏ rồi. Thế nên khi vực lại được kinh tế mình thực tâm muốn làm một điều gì đó giúp đỡ mọi người, những mong lòng mình được nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Có như vậy mình mới thấy hạnh phúc".

Anh bắt đầu nuôi ý tưởng của mình bằng việc để lại vợ con ở Tuyên Quang, xuống Hà Nội tìm phương cách giúp người. Bỏ tiền ra thuê hàng chục hécta tại Ba Vì (Hà Nội) trồng rau sạch và nuôi lợn rừng. Với hơn 60 hécta đất rừng anh trồng rau sạch và nuôi khoảng 1.000 con lợn rừng. Hằng năm lợi nhuận thu về cũng hàng chục tỷ đồng. Tiền lãi từ nuôi lợn anh đầu tư mạnh vào việc trồng rau sạch chuyển xuống Hà Nội bán và mở quán cơm chay miễn phí phục vụ mọi người.

Lượng khách đến quán có ngày lên tới 900 người.

Anh chia sẻ: "Thấy mình mở quán ăn chay miễn phí, nhiều người thấy thế thì tự nguyện đến xin phục vụ. Tại đây mình cũng bán luôn rau sạch với giá rất rẻ, mục đích để mọi người thấy được tác dụng của việc ăn rau sạch, ăn chay".

Vốn là một chuyên gia về chiết suất các loại vi chất từ thực vật, anh Thái nhận ra cây chùm ngây là một loại cây siêu dinh dưỡng. Anh quyết định đầu tư trồng 12.000 gốc cây này. Đưa chúng tôi đến xưởng chế biến cây chùm ngây, anh khoe: "Sản phẩm này bọn mình đã nghiên cứu thành công và đang phối hợp với các chuyên gia dinh dưỡng của Việt Nam, Nhật Bản để sản xuất. Đây là sản phẩm chiến lược giúp nâng cao thể chất của người Việt, vốn nhỏ bé so với mặt bằng của thế giới".

Phong Anh
.
.
.