Quán cơm tùy tâm cho người mắc bệnh hiểm nghèo

Thứ Tư, 29/03/2017, 11:23
Chồng qua đời vì căn bệnh ung thư phổi nên bà Nguyễn Thị Hoa (Thường Tín, Hà Nội) hiểu hơn ai hết sự đau đớn, tuyệt vọng và tốn kém của những người chẳng may mắc phải căn bệnh "hiểm nghèo". Chính bởi sự thấu hiểu đến tận cùng đó nên bà quyết định mở quán cơm chay từ thiện lấy tên "Tùy Duyên", đối diện với Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội). Khách đến quán chủ yếu là những người mắc bệnh ung thư và người nhà đi theo chăm sóc.


Duyên được đến đâu sẽ  làm đến đó

Chúng tôi đến quán cơm chay Tùy Duyên đúng vào giờ ăn trưa, quán chật kín người. Theo quan sát của phóng viên, bất kể vị khách nào khi bước chân vào quán đều chắp 2 tay trước ngực và nói "A di đà phật". Sau đó thì tự mình phục vụ lấy đồ ăn. Khách có thể lấy bao nhiêu đồ ăn tùy thích nhưng điều tối kỵ là không được để thừa.

Sở dĩ có quy định đó là vì bà Hoa vốn là người theo đạo Phật nên luôn tâm niệm, để thừa đồ ăn là tội lỗi. Quán cơm chay của mẹ con bà Hoa phục vụ khách cả buổi trưa và buổi tối. Vì thế khối lượng công việc rất lớn, nhiều khi là quá sức với hai mẹ con bà.

Buổi sáng bà Hoa thường phải thức dậy lúc 4 giờ để làm một số việc chuẩn bị cho các công đoạn nấu nướng. Để nguyên liệu luôn tươi mới, con trai bà Hoa sẽ dậy lúc 5 giờ sáng đi chợ. Nguồn rau được lựa chọn hết sức kỹ lưỡng, thường lấy ở những mối quen, cơ sở chuyên trồng rau sạch, không phun thuốc.

"Mình làm chủ yếu cho người mắc ung thư, vì thế phải lựa chọn loại rau sạch tuyệt đối. Họ đã ốm yếu bệnh tật, không may ăn phải rau có thuốc chẳng phải giết họ à?" - bà Hoa giải thích. Sau khi đã có đủ thực phẩm, mẹ con bà lại vội vã bắt tay vào chế biến và nấu nướng.

Địa chỉ quen thuộc của bệnh nhân ung thư.

Dẫn chúng tôi vào gian bếp phía trong, bà Hoa chia sẻ: "Do không có điều kiện nên mẹ con tôi phải nấu nướng trong cái chỗ chật hẹp này. Xung quanh kín mít, chẳng có quạt thông gió. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè thì nhiều lúc tôi cảm thấy ngạt thở, chỉ muốn xỉu. Nhưng do nhà mình thuê nên không thể tùy tiện sửa chữa theo ý của mình được".

Không chỉ thế mà vào mùa mưa, quán cơm của mẹ con bà Hoa thường xuyên bị ngập. Thấy mẹ già vất vả, con trai bà nhiều lần khuyên mẹ nên chuyển cửa hàng tới một nơi cao ráo, thoáng đãng hơn. Mỗi lần như thế bà Hoa lại bảo với con rằng, bà mở quán cơm ở đây là vì muốn phục vụ những bệnh nhân ung thư. Chứ nếu vì lợi nhuận thì bà đã đi thuê chỗ khác lâu rồi.

Hỏi lý do nào mà bà Hoa lại lấy tên quán cơm chay từ thiện của mình là "Tùy Duyên" thì bà giải thích: "Ngay từ khi mở quán tôi đã nghĩ khả năng mình làm được đến đâu thì sẽ cố gắng hết sức. Còn như nếu mẹ con tôi không còn đủ vốn để duy trì quán ăn này nữa thì cũng đành phải chịu, coi như hết duyên".

Để duy trì quán ăn đó, mẹ con bà Hoa đã phải làm thêm rất nhiều việc. "Hồi người ta chưa dẹp vỉa hè thì tôi tranh thủ bán nước mía trước cửa quán cơm, rồi đi nấu cỗ chay thuê cho người ta. Tôi còn làm thêm cả ruốc nấm để bán. Phải xoay xỏa nhiều việc lắm mới có thể duy trì cửa hàng" - bà Hoa chia sẻ.

Khu bếp nhỏ hẹp hàng ngày bà Hoa nấu nướng.

Khoảng hơn 1 năm đầu, hai mẹ con bà phải hoàn toàn tự xoay xỏa để tiệm cơm chay được tồn tại. Thời gian gần đây, khi quán cơm chay "Tùy Duyên" của mẹ con bà được nhiều người biết tiếng nên đã có một số nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ. Người cung cấp gạo, người cung cấp dầu ăn, người lại ủng hộ mẹ con bà tiền gas hàng tháng. Có những người không có tiền thì đến ủng hộ quán cơm chay của bà bằng sức lao động.

"Có một chị đồng nát, đều đặn cứ tầm trưa là ghé quán của tôi phụ giúp. Chị ấy giúp tôi dọn dẹp, rửa bát đũa. Xong việc chị ấy lại tiếp tục đi rao đồng nát. Người có tấm lòng như vậy tôi cảm phục lắm. Thú thực để thuê người làm cho mình bây giờ cũng rất khó. Nếu họ không có tâm thì sẽ không thể nào làm được. Bởi trả nhiều tiền thì mẹ con tôi không có, mà trả ít thì mấy ai người ta nghe. Người ta cũng phải kiếm tiền để trang trải cuộc sống chứ" - bà Hoa trải lòng.

Mỗi tháng chỉ tính riêng chi phí thuê nhà, điện nước quán cơm chay của bà cũng ngốn tới 15 đến 17 triệu đồng. Nhận thấy sự vất vả của mẹ con bà Hoa, đã có rất nhiều bạn sinh viên tình nguyện vào quán đỡ đần bà việc nấu nướng. Bạn Trần Thị Ngọc Ly - sinh viên năm thứ 3 Học viện Quân y tâm sự: "Thực sự em rất cảm động tấm lòng của bác Hoa, không phải ai trên đời này cũng làm được như bác. Em học trường Y nên cũng có chút kiến thức, biết cách ăn uống thế nào là tốt cho sức khỏe bệnh nhân. Vì thế em thường xuyên qua đây phụ giúp nấu nướng với bác".

Bà Hoa tâm sự: Duyên được đến đâu sẽ làm đến đó.

Làm để tâm được thanh thản

Đa số những bệnh nhân mắc ung thư đều phải nằm viện rất dài, thuốc men điều trị vô cùng tốn kém. Địa chỉ ăn chay từ thiện của bà Hoa như thể một nguồn sáng, sự cứu cánh, giảm chi phí cho các bệnh nhân. Hơn thế nó như một sự an ủi cần thiết với những bệnh nhân đang mang trong mình "án tử".

Chị Nguyễn Thị Nhanh (Kinh Môn, Hải Dương) đang điều trị ung thư vú xúc động: "Mọi người cùng phòng điều trị mách cho tôi vào đây ăn. Anh chị biết đấy, điều trị ung thư tốn kém lắm, bao nhiêu là thứ cần dùng đến tiền. Nói thật là tôi không đủ tiền để ăn những hàng quán có cá thịt. Gần 1 năm nay tôi vào đây ăn chay, nhận thấy rất tốt cho sức khỏe. Chị Hoa làm các món ăn rất ngon, rất nhiều món. Tôi đến đây ăn, có tiền thì bỏ vào cái hòm từ thiện, không có cũng chẳng sao. Muốn ăn bao nhiêu cũng được, miễn là không được bỏ thừa".

Bản thân bà Hoa hiểu hơn ai hết nỗi đau khi có người thân mắc bệnh ung thư. Trước đó cuộc sống gia đình đang êm ấm thì chồng bà thấy trong người mệt mỏi. Cả nhà lo lắng đưa ông đi khám, mọi người bàng hoàng khi được các bác sĩ thông báo ông bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Sự sống của ông chỉ kéo dài được vài tháng. Thời điểm đó các thành viên trong gia đình bà đều suy sụp. Cố gắng thuốc thang cho chồng tốt nhất có thể nhưng cuối cùng chồng bà vẫn bỏ mẹ con bà mà đi.

Từ khi chồng mất, bà thường đi lễ Phật và quyết định ăn chay. "Có một lần tôi nấu thức ăn cho cháu, tự nhiên thấy buồn nôn khi ngửi thấy mùi thức ăn như: thịt, cá, mỡ… Từ đó hễ thấy mùi đó là nôn cho bằng sạch. Có lẽ tôi có căn duyên với nhà Phật, thế là ăn chay luôn từ ngày đó" - bà Hoa kể lại.

Khách đến ăn được thoải mái lựa chọn món, thanh toán tùy tâm.

Từ đó bà bắt đầu nảy ra ý tưởng mở một quán ăn chay từ thiện cho bệnh nhân bị ung thư. Bà tâm niệm, đã là người con của Phật thì nên làm một việc gì đó để mình thấy thanh thản và đúng với con đường mình đang đi. Ý tưởng của bà lại được hai con ủng hộ nhiệt tình. Đặc biệt là cô con gái đang chữa bệnh tim bên Đức. Hàng tháng phải có hàng chục triệu, thậm chí vài chục triệu để duy trì cửa hàng, từ tiền thuê nhà cho đến tiền mua thức ăn. Bà Hoa đã quyết định bán hết nhà cửa ở Thanh Trì để toàn tâm toàn ý lo cho quán cơm chay của mình.

Nói đến đây bà Hoa rớm nước mắt: "Gia đình tôi cũng khó khăn lắm, con gái thì đang điều trị bệnh tim bên Đức. Không có điều kiện chăm con, lo lắng cho con lắm cũng chỉ biết hàng ngày làm tốt công việc của mình, cầu nguyện cho con sớm bình phục. Chỉ có làm việc thiện mới khiến tôi thấy yên lòng".

Sau cuộc trò chuyện vội vã, bà Hoa lại nhanh chóng chuẩn bị cho bữa chiều. Sự mệt mỏi hằn rõ lên khuôn mặt của bà nhưng chúng tôi cảm nhận được bà đang rất vui, rất hạnh phúc với công việc của mình.

Song Anh
.
.
.