Quản lý đất lỏng lẻo, cả người dân và chủ đầu tư đều khổ

Thứ Bảy, 22/11/2014, 18:00

Vốn là đất nông nghiệp, đất xen kẹt nằm giữa các khu dân cư, nhưng do chính quyền buông lỏng quản lý, nên người dân tự ý mua bán trao tay rồi xây dựng nhà ở, chuyển đổi mục đích sử dụng. Đến khi thành phố Hà Nội có chủ trương quy hoạch xây dựng các công trình công cộng, nhà ở… thì các hộ dân không đồng ý phương án đền bù để giải phóng mặt bằng, trong khi chủ đầu tư thì bỏ ra một đống tiền, nhưng mòn mỏi, bao năm quy hoạch vẫn giậm chân tại chỗ, gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Đó là thực trạng đang diễn ra tại nhiều khu vực quận, huyện của thành phố Hà Nội.

Ri rm cho c hai bên

Theo đơn kêu cứu của bà Bùi Thị Nguyệt, trú tại số 10 Trần Quốc Hoàn, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đại diện cho 22 hộ dân nằm trong khu vực dự án của Công ty Indeco: Ngày 23/3/2010, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 912/QĐ-UBND về việc chấp thuận cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Indeco làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu nhà ở thấp tầng tại khu đất TT-04. Tuy nhiên, trước đó 13 ngày, ngày 10/2/2010, Công ty Indeco đã bán đất trên giấy cho người dân trước khi UBND thành phố Hà Nội  chấp thuận cho đơn vị này làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, toàn bộ dự án không hề được chính quyền và chủ đầu tư thông báo và lấy ý kiến người dân.

Bà Nguyệt cho rằng, tại các lô đất xen kẹt TT-04, đa phần đều nằm ngoài hành lang lưới điện, người dân đã sinh sống ổn định nhiều năm nay, nay bắt người dân phải phá đi và giao cho Công ty Indeco xây nhà kinh doanh và bán với giá hàng trăm triệu đồng/m2 và chỉ đền bù với giá 250.000 đồng/m2 là không hợp lý.

Anh Hiệp, trú tại nhà số 3, phố Trần Quốc Hoàn bức xúc cho biết: "Chúng tôi đã sinh sống ở khu vực này hơn 20 năm nay. Bảo là đất nông nghiệp, nằm trong hành lang an toàn lưới điện là không đúng, bởi khi ấy, xung quanh đều đã có nhà ở, đã có phố như bây giờ, thì không thể trồng cấy được gì nữa. Khu đất của chúng tôi cũng đều nằm ngoài hành lang an toàn lưới điện. Những nhà nằm dưới đường dây điện thì đều đã xây nhà cao tầng. Mà thành phố đã có chủ trương chuyển đổi đất xen kẹt nằm giữa các khu dân cư thành đất ở, nhưng nhiều lần chúng tôi làm đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất ở và quyền sử dụng nhà ở, chính quyền sở tại đều không chấp nhận. Thậm chí chúng tôi xin nộp thuế đất cũng không cho".

Cũng theo anh Hiệp thì việc thu hồi đất và đền bù với giá đất nông nghiệp, nhưng lại dùng đất để xây nhà ở để bán chẳng khác gì là tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Bao năm nay những người dân ở đây cũng không thể mắc được điện nước, cũng như đăng ký hộ khẩu, xây nhà ở bởi vì đất không có sổ đỏ.

Để tìm hiểu sự việc khách quan, phóng viên CSTC đã có buổi làm việc với đại diện Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Indeco. Đại diện cho Indeco cho biết: "Theo quy hoạch chi tiết quận Cầu Giấy,  Chúng tôi được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt làm chủ đầu tư dự án nhà thấp tầng từ năm 2010, sau khi hạ ngầm được đường điện  110kV lộ 173-174 Chèm - Giám, đoạn nhánh rẽ đi trạm biến áp 110kV Nghĩa Đô.

Nhưng đến nay sau 4 năm không thể giải phóng được mặt bằng, trong khi quyết định là phải hoàn thành từ năm 2011, dù đã hạ ngầm xong đường điện. Vướng mắc chủ yếu ở khâu giải phóng mặt bằng, các hộ dân không đồng tình với phương án đền bù của công ty. Trong khi đây là đất nông nghiệp, nhiều hộ dân đã vi phạm pháp luật, tự ý mua bán trái phép đất nông nghiệp, tự ý xây dựng nhà ở dưới hành lang cách ly an toàn lưới điện".

Đến nay, các nhà hàng xây dựng trái phép tại phường Quảng An và Nhật Tân vẫn chưa bị xử lý.

Cũng theo đại diện của công ty thì việc bà Nguyệt tố cáo Công ty Indeco bán đất trước khi được duyệt dự án là không đúng sự thật. Công an quận Cầu Giấy cũng đã có kết luận Công ty Indeco không liên quan đến việc này. Công ty cũng đã lập phương án giải phóng mặt bằng theo đúng luật, được các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Thậm chí công ty còn lập dự toán bồi thường, hỗ trợ vượt khung theo quy định của UBND quận Cầu Giấy. Theo phương án này đã có một số hộ dân đồng ý nhận tiền đền bù và giao đất cho công ty. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ dân đòi giá cao hơn và làm đơn khiếu kiện vượt cấp.

Đại diện Công ty Indeco cho biết thêm: “Hiện tại, công ty cũng đã lập phương án đền bù theo luật mới theo quy định của thành phố, để phương án nào có lợi hơn thì sẽ làm cho người dân để  tránh thiệt thòi cho dân".

Trách nhim thuc v chính quyn ?

Vụ việc lùm xùm giữa Công ty Indeco và các hộ dân tại khu phố Trần Quốc Hoàn không phải là trường hợp cá biệt mà hiện nay trên địa bàn còn có rất nhiều vụ việc tranh chấp khiếu kiện kéo dài giữa dân và chủ đầu tư. Rõ ràng nguyên nhân cơ bản là do việc buông lỏng quản lý đất đai ở khu vực này nhiều năm nay. Tại sao người dân có thể ngang nhiên mua bán, chuyển nhượng, làm nhà ở trên đất nông nghiệp từ rất lâu mà chính quyền không xử lý? Để đến khi thành phố Hà Nội có quy hoạch thì không thể thực hiện được vì không thỏa thuận được đền bù với người dân.

Đem thắc mắc này đến UBND phường Dịch Vọng Hậu thì ông Vũ Quang Dương - Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu cũng thừa nhận đây là những vi phạm quản lý đất đai tồn tại trong một khoảng thời gian dài của phường Dịch Vọng khi chưa tách ra.

Ông Dương cho biết thêm: "Khu đất nằm trong dự án của Công ty Indeco trước đây đều là đất nông nghiệp do Hợp tác xã phường Dịch Vọng giao cho các hộ dân từ năm 1993. Những vi phạm của các hộ dân khu vực này đều xảy ra từ những năm 1993. Đây là những tồn tại có từ lâu kéo dài hàng chục năm do lịch sử để lại trong quá trình đô thị hóa. Thành phố đã có chủ trương chung thì trách nhiệm của phường là khi thành phố giao cho quận, rồi quận chỉ đạo xuống phường, lúc đó phường sẽ triển khai thực hiện. Tất cả những vi phạm đều xảy ra từ lâu, thì quận sẽ thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng, phường chỉ là một thành viên tham gia. Trách nhiệm hiện giờ của phường là giữ nguyên hiện trạng không để phát sinh các công trình xây dựng trên khu đất này. Để xử lý được những vi phạm thì phải có kế hoạch từ quận và các cơ quan chức năng phải vào cuộc".

Khu dự án của Công ty Indeco 4 tại phố Trần Quốc Hoan Cầu giấy vẫn ngổn ngang do không giải phóng được mặt bằng.

Theo ông Dương, để giải phóng được mặt bằng thì phải có phương án bồi thường, phương án hỗ trợ từ Hội đồng giải phóng mặt bằng. Trong công tác giải phóng mặt bằng thì phường chỉ có trách nhiệm là một trong những thành phần tham gia.

Câu chuyện nhiều dự án được thành phố Hà Nội phê duyệt đã nhiều năm nhưng không thể thực hiện được vì không thể giải phóng được mặt bằng đang tồn tại ở rất nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội. Chẳng hạn như việc Công ty cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư Khu Đô thị mới Cầu Bươu, Thanh Trì, Hà Nội từ năm 2004. Dự án đã được thành phố bàn giao mặt bằng và chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.

Nhưng một số ô đất trong khu đô thị bị một số cá nhân chiếm dụng, xây nhà trái phép trên diện tích hàng nghìn m2 đất nhưng chưa ai phải chịu trách nhiệm về quản lý nhà nước… Hay như khu đất đầm Bảy ở phường Nhật Tân (quận Tây Hồ) thuộc dự án Công trình xử lý nước thải của TP Hà Nội nhưng đang bị "xẻ thịt", khai thác dịch vụ kinh doanh trái phép khiến dư luận bức xúc, phản ánh đến cơ quan báo chí thời gian qua.

Nguyên nhân sâu xa lại bắt nguồn từ chính việc quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Hiện nay, ở Hà Nội còn nhiều khu đất "nhảy dù", đất nông nghiệp đang bị lấn chiếm, mua bán bất hợp pháp, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự quản lý chặt chẽ của chính quyền để tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài giữa người dân và chủ đầu tư các dự án gây thiệt hại kinh tế nặng nề cho cả chủ đầu tư và người dân.

Dân an cư thì mới lạc nghiệp, ở trên mảnh đất không có sổ đỏ, không được xây dựng nhà cửa thì khác nào ở trên mảnh đất vô chủ, có thể bị giải phóng bất cứ lúc nào. Còn chủ đầu tư, khi đã đổ một đống tiền để làm dự án mà công tác giải phóng mặt bằng kéo dài từ năm này qua năm khác thì tổn thất không biết bao nhiêu mà kể. Trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, Nhà nước đã có những giải pháp mạnh như gói tín dụng 30 ngàn tỉ cứu các dự án bất động sản, hay ngân hàng hỗ trợ cho vay mua nhà lãi suất thấp… nhằm kích cầu phát triển kinh tế.

Chính quyền quận, phường sở tại cũng nên có những biện pháp giải quyết thỏa đáng dứt điểm, đừng để tình trạng há miệng mắc quai như hiện nay để cho người dân được mua đất đúng pháp luật để ở. Về chính quyền, nếu đã buông lỏng quản lí rồi thì sai đâu sửa đấy. Nên có những biện pháp chế tài đủ mạnh tạo điều kiện cho chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, để không rơi vào tình trạng phá sản tồi tệ như nhiều chủ đầu tư các dự án bất động sản hiện nay.

Năm 2013 có đến 10.077 doanh nghiệp xây dựng phá sản trong số gần 70.000 doanh nghiệp xây dựng đang hoạt động. Con số này nằm trong báo cáo tình hình năm 2013 của Bộ Xây dựng được công bố đầu năm 2014. Trong đó, việc các dự án bị đình trệ, gây thất thoát tài sản cho các doanh nghiệp cũng là một trong các nguyên nhân khiến doanh nghiệp bị phá sản. Hiện lượng tồn kho bất động sản đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, giá trị tồn kho toàn quốc vẫn ở mức cao, vào khoảng 94.458 tỷ đồng. Hai địa phương có lượng tồn kho lớn nhất là Hà Nội với giá trị 12.900 tỷ đồng và thành phố Hồ Chí Minh là 17.480 tỷ đồng.

Ngọc Trâm
.
.
.