'Quân ta' hại 'quân mình'

Thứ Năm, 15/10/2015, 09:00
Người Việt ta đang hại lẫn nhau chỉ vì lợi ích trước mắt mà bất chấp tình người, bất chấp luật pháp. Chúng ta cứ nhập dần bệnh tật vào người, nguy nhất là đối với con trẻ. Vậy xin hỏi những người kinh doanh thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, hàng giả, hàng nhái… hàng ngày hàng giờ tuồn bệnh giết người thì có gọi là dã man hơn mấy bảo mẫu cầm tinh con Cám kia không?

Chuyện hai bảo mẫu cầm tinh con Cám ở Quảng Bình đã chốt hạ. Những hành động hành hạ trẻ em như thế được gọi là dã man, ai nhìn vào mà chả phẫn ngùn ngụt. Loại hành vi này thỉnh thoảng vẫn diễn ra nhưng suy cho cùng cũng chỉ là loại con rôm cái sảy "đập phát chết luôn". Nhìn con trẻ nó hoảng loạn, thân thể nó bầm dập thế thì có cãi đằng giời. Nhưng đáng tội đồ và độc ác hơn thì phải kể đến những kẻ nhắm mắt lượm tiền rồi "kê đơn bốc thuốc" cho người lớn người bé chả biết sẽ về chầu ông vải vào lúc nào. Đó là những "ác tăng" chuyên sản xuất và buôn hàng giả, hàng bẩn, hàng quá date…

Hàng giả, hàng lậu được cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy (ảnh minh họa).

Bây giờ còn ghê răng hơn là trộn thuốc tránh thai vào sữa rồi gắn mác sữa ngoại cho trẻ tăng cân nhanh. Chiêu sốc "hủy diệt" ngọt ngào và âm thầm ấy thì phải gọi là gì đây, dã man, dã tâm, thất đức hay độc ác? Trong khi đó thì các mẹ đi mua sữa "cho Bống cho Tôm" cứ như lạc vào ma trận, nghe các thánh nổ mù mịt chả biết thật giả đằng nào mà lần. Thôi thì chắc ăn cứ nhằm hàng sữa ngoại hồn nhiên móc hầu bao, thấy con mình uống sữa ba bảy hăm mốt ngày mà hồng da thắm thịt lại tăng cân vù vù là sướng âm ỉ rồi. Mới chỉ là kiểm tra sơ sơ một đoạn phố mà khui ra cả loạt cửa hàng như thế thì trên cả nước có biết bao nhiêu chỗ kinh doanh và con trẻ đã uống bao nhiêu thuốc tránh thai rồi. Câu hỏi chắc chỉ giời mới biết.

Đấy là chuyện của con trẻ.

Với người lớn thì còn kinh khủng khiếp hơn nhiều bởi những kiểu kinh doanh bất chấp pháp luật, miễn là vơ tiền nhanh. Ví dụ, người ta trộn Salbutamol vào trong thức ăn cho lợn để tạo ra loại siêu nạc, hay nuôi gà bằng thức ăn trộn chất Vàng Ô (loại hóa chất dùng để trộn vào vôi vào sơn mà quét tường nhà) để thịt gà con nào con ấy vàng ươm ngon ngay từ con mắt thì chắc sẽ ngọt đến xương. Lại còn các chiêu bơm nước vào trâu bò lợn gà, rồi thạch aka vào tôm vào cá để tăng trọng lượng, tẩm ướp hóa chất vào rau củ quả... Tất cả đều có nguy cơ gây ung thư và vô khối bệnh tật cho con người. 

Mở mắt ra ăn bát phở bát bún là đã đầy đủ chất độc, từ nước dùng, hàn the, nước tương, tương ớt hoá chất độc hại, thêm giá đỗ có chất tăng trưởng nữa thì thôi rồi. Chiều đến lại lai rai quán nướng nhai đủ thứ nội tạng, chân gà thối được phù phép bằng các loại hóa chất và gia vị, đã đậm đà lại ngát hương thì ai còn nghĩ mình đang nhồi hàng bẩn. Kỹ nghệ chế thực phẩm ôi thiu thành tươi rói thơm ngon của ta bây giờ đã vượt qua tầm châu lục rồi.

Mới gần đây cơ quan chức năng còn hốt hàng chục vụ kinh doanh thực phẩm chức năng giả, mỗi vụ xộ kho là bưng ra cả chục tấn. Ôi giời, bắt được chục tấn thì người tiêu dùng đã nuốt cả trăm tấn rồi. Ai cũng thế thôi, cứ nghe nói khỏe và đẹp là "rung rinh" ngay, lại thêm cái mác hàng ngoại nữa thì coi như chắc ăn, lượm thêm mấy hộp biếu xén trọng thị nữa chứ đâu chỉ phục vụ riêng mình. Mỗi năm thanh tra kiểm tra chỉ lượn sơ sơ thôi mà cũng vồ hàng chục ngàn vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, thu giữ tiêu hủy hàng chục tấn.

Trong số hàng chục ngàn vụ kinh doanh thực phẩm bẩn, hàng giả hàng nhái, hàng độc hại thì chỉ có một số rất ít (khoảng 10%) số vụ được xử lý hình sự và tước giấy phép, còn lại thì chỉ phạt tiền. Tại sao sự việc quả tang sờ sờ ra đó nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người như thế lại chỉ phạt và phạt để rồi lấy thành tích báo cáo chém gió mù mịt là ta thu được cả tỷ tiền phạt. Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và kinh doanh hàng giả có đến ba bốn bộ cùng chung tay nhưng khâu thanh tra kiểm tra xử lý vẫn còn yếu kém, thì thử hỏi người tiêu dùng đi giữa trận đồ bát quái như thế làm sao có thể là "người tiêu dùng thông thái" được.

Ngồi mà tính nhẩm cả nước mỗi năm bắt được bao nhiêu vụ vi phạm VSATTP và số người bị ngộ độc thì hơi bị khó bởi nó quá mênh mang. Chỉ xin mượn một chút số liệu thống kê này thôi: "Mỗi năm, Việt Nam có từ 130.000-160.000 trường hợp mắc mới ung thư, 115.000 người tử vong do căn bệnh này (gấp 7-10 lần số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông)".

Theo các chuyên gia, tỉ lệ này tiếp tục gia tăng khi môi trường ngày càng ô nhiễm, thực phẩm bẩn, trái cây tẩm độc... được phát hiện nhiều hơn. Nói chắc cục gạch luôn là những con số thống kê của nhà chức trách chắc chắn chỉ điểm được các vụ ngộ độc nghiêm trọng, có báo cáo. Và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, còn hậu quả do hóa chất bảo quản, tẩm ướp, chất kích thích tăng trưởng, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật với sức khoẻ người dân thì khó có thể tính toán chính xác được. Chúng ta có đủ luật rồi, như Luật An toàn thực phẩm (ATTP), Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP đã quy định cụ thể giải pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định về ATTP.

Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính vi phạm những quy đinh về ATTP. Điều 244, Bộ luật Hình sự quy định rõ về tội danh và hình phạt đối với tội Vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Như thế đã đủ cơ sở pháp lý để xử rồi nhưng tại sao lại vẫn không mạnh tay áp luật? Báo chí nói mãi rồi, tốn nhiều giấy mực lắm rồi, nhưng xem ra sự chuyển biến thì người dân còn hóng dài cổ.

Đinh Nam Nghị
.
.
.