"Quan tài sinh thái" hút khách ở Nam Phi

Thứ Hai, 05/03/2018, 19:32
Công ty Eco Furniture ở thành phố George, Nam Phi đã sử dụng gỗ của những loài thực vật xâm lấn có ảnh hưởng đến nguồn nước để sản xuất quan tài giá rẻ, thân thiện với môi trường. Ý tưởng của Eco Furniture nhận được sự ủng hộ của nhiều người, nhất là cộng đồng dân cư nghèo ở Nam Phi.


Những chiếc quan tài thực hiện nhiều mục đích

Mới đầu giờ sáng nhưng không khí làm việc ở Eco Furniture đã rất nhộn nhịp. Những người phụ nữ trong bộ quần áo màu vàng, đeo mặt nạ chống bụi đang làm việc bên máy cắt gỗ. Phía bên ngoài, những người đàn ông nhanh tay hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để cho ra đời chiếc quan tài hoàn chỉnh.

Emile Mopp, Giám đốc Công ty Eco Furniture chia sẻ rằng, sự khác biệt là những chiếc quan tài do Eco Furniture sản xuất được làm từ gỗ, sơn nước, keo không độc hại và rất thân thiện với môi trường.

"Ngoài ra, những chiếc quan tài này còn thực hiện nhiều mục đích "bổ sung" khác. Chúng là một phần trong nỗ lực nhằm kiểm soát các loài thực vật và cây cối xâm lấn nguồn nước cũng như đáp ứng nhu cầu tang lễ cho cộng đồng người nghèo ở Nam Phi".
Emile Mopp, Giám đốc Công ty Eco Furniture.

Được biết, lượng mưa hằng năm ở Nam Phi rất thấp. Cape Town, một trong những thành phố đông dân nhất của Nam Phi hiện đang trong tình trạng khủng hoảng nước sau thời gian hạn hán kéo dài.

Dự trữ nước không đủ buộc thành phố phải cắt nước tại nhiều khu vực, chỉ ưu tiên cung cấp cho các dịch vụ thiết yếu. Điều đáng quan tâm hơn là những loài cây xâm lấn nguồn nước như thông, bạch đàn, keo… đang lan rộng.

Emile Mopp cho biết thêm, từ năm 2012, Chính phủ đã có chủ trương khuyến khích sản xuất đồ gỗ sinh thái như nội thất, quan tài giá rẻ từ những loài thực vật xâm lấn.

Quan tài do Eco Furniture sản xuất có giá bán phổ biến là 20 euro. Ngoài ra, công ty cũng có loại đắt hơn để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân. Giá quan tài cao nhất ở đây là 339 euro.

Quan tài giá rẻ, thân thiện với môi trường của Eco Furniture được nhiều gia đình Nam Phi lựa chọn khi có người thân qua đời. Gia đình Monwabisi Ndlazulwana, 27 tuổi, bị đâm chết trong một vụ cướp cố ý vào cuối năm 2017 cũng đã sử dụng quan tài của Eco Furniture. Cha mẹ Monwabisi sống ở thị trấn Thembalethu, gần thành phố George. Ông bà không có việc làm và sống bằng trợ cấp thất nghiệp.

"Chúng tôi không có tài sản gì đáng giá. Nếu không có sự giúp đỡ từ cộng đồng và sản phẩm giá rẻ của Eco Furniture thì chúng tôi không thể chôn cất thi thể con trai mình", mẹ  Monwabisi Ndlazulwana nói.

Giám đốc Emile Mopp nói rằng, ai cũng có thể mua quan tài sinh thái. Eco Furniture hướng đến mọi đối tượng khách hàng, nhất là những gia đình nghèo như gia đình Ndlazulwanas.

Mopp hy vọng rằng sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn của Chính phủ. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tang lễ thân thiện với môi trường. 

"Chúng tôi muốn mở rộng quy mô sản xuất để cung cấp nhiều sản phẩm hơn cho thị trường. Để làm được điều đó, cần sự hỗ trợ về chính sách, vốn từ các cơ quan quản lý nhà nước", Mopp nói.

Chi phí tang lễ cao so với thu nhập của người dân

Chi phí tang lễ ở Nam Phi cao so với thực tế là 27% dân số thất nghiệp và thu nhập trung bình hằng tháng của hộ gia đình là khoảng 778 euro. Theo tờ báo The New Age của Nam Phi, giá quan tài "rẻ tiền" do nhà cung cấp dịch vụ tang lễ hàng đầu đất nước AVBOB Mutual Assurance Society bán ra có giá 443 euro. Ngoài ra, cũng có quan tài có giá lên đến 4.000 euro. Đó là chưa kể đến các dịch vụ tang lễ khác.

Cũng như ở nhiều quốc gia khác, phần lớn người dân Nam Phi quan niệm rằng, mua quan tài trang trí cầu kỳ, đắt tiền là thể hiện sự tôn trọng với người đã khuất cũng như khẳng định vị thế của gia đình. Nếu gia đình không mua được những chiếc quan tài sang trọng thì sẽ nhận nhiều điều tiếng không hay từ hàng xóm, láng giềng.

Samuel Radebe, Giám đốc một công ty dịch vụ tang lễ cho biết, nhu cầu tìm mua những chiếc quan tài đắt tiền không bắt nguồn từ quan điểm truyền thống. "Trong văn hoá Phi châu, người ta thường chôn người chết trong da bò chứ không phải quan tài.

Chính xác là người thân cần phải thực hiện các nghi lễ đối với người quá cố chứ không phải mua quan tài đắt tiền. Thực tế cho thấy, nhiều người Nam Phi đã nghèo càng nghèo hơn khi người thân qua đời. Họ phải vay nợ để mua quan tài cho tang lễ", Samuel Radebe nói.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.