Quan trọng là làm cho nghiêm!

Thứ Hai, 08/06/2020, 14:59
Giám sát cũng cho thấy tại một số địa phương, chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 97,29%; Phú Thọ 97%; Cà Mau 95,9%…


Chỉ trước 2 ngày khi vào "Tháng hành động vì trẻ em năm 2020", chiều 29-5, một bé gái bị trói 2 tay vào thùng xe đỗ bên lề quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bố Trạch, Quảng Bình, bên cạnh có tấm bảng ghi "phạt trộm". Mẹ và ông bà ngoại của bé ở đó, dùng nhiều lời lẽ đe nẹt vì nghi cháu lấy trộm tiền.

Cùng thời điểm, mạng xã hội "nóng" lên với đoạn clip dài ghi cảnh Danh Đa (ngụ tỉnh Sóc Trăng) trói tay con gái 6 tuổi đánh đập hết sức tàn nhẫn do cháu lấy gạo đổ vào cát để đùa nghịch.

Cả 2 vụ này đều xảy ra ngay sau thời điểm Quốc hội thảo luận báo cáo kết quả giám sát về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em. Những số liệu từ báo cáo khiến nhiều người phải rùng mình: Từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019 cả nước phát hiện, xử lý hình sự và xử lý hành chính 8.442 vụ với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Hậu quả từ tình trạng này là 191 trẻ bị giết, 146 trẻ bị các hình thức xâm hại dẫn đến tử vong, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật…

Giám sát cũng cho thấy tại một số địa phương, chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ và có xu hướng gia tăng, như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 97,29%; Phú Thọ 97%; Cà Mau 95,9%…

Có rất nhiều nguyên nhân đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra, như mức xử lý chưa nghiêm, rồi do tác động mặt trái của kinh tế thị trường, sự xuống cấp đạo đức xã hội; lạm dụng rượu bia, chất kích thích; gia đình thiếu sự chăm sóc...

Nhưng đại biểu Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) thì cho rằng "đổ thừa" cho mặt trái của kinh tế thị trường hoặc rượu bia là chưa đầy đủ mà nguyên nhân quan trọng nhất là cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan chuyên môn chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt chỉ đạo, thậm chí một số nơi còn coi nhẹ công tác này, cụ thể là: "40/63 tỉnh, HĐND tỉnh, TP chưa có nghị quyết chuyên đề chỉ đạo nội dung này mà chủ yếu lồng ghép vào nghị quyết chung về KT-XH, nội dung chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu; chưa thấy cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cá nhân nào bị kiểm điểm, xử lý vì thiếu trách nhiệm để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em ở địa phương mình quản lý". "Tôi cho đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân" - đại biểu này kết luận.

Rất đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Hồng Vân.

Điều đáng mừng là cùng với việc nhiều đại biểu tâm huyết hiến kế để ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em thì ngày 26 tháng 5 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. 

Chỉ thị này nêu rõ: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em, bạo lực, xâm hại tình dục, trẻ em lang thang kiếm sống trên địa bàn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em" và "Xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em với phương châm đúng người, đúng việc, đúng thẩm quyền, đúng trách nhiệm".

Vậy thì trong khi chờ có những thay đổi về các hình thức xử phạt nghiêm khắc hơn thì việc dễ làm nhất là thực hiện cho nghiêm những nội dung của chỉ thị 23/CT-TTg cũng chắc chắn sẽ cải thiện được tình hình. Vấn đề là các địa phương và cơ quan chức năng có làm cho nghiêm hay không, nếu cũng chỉ "ầu ơ ví dầu" thì cho dù có tăng mức xử phạt ngay thì cũng chẳng hy vọng gì.

Minh Khôi
.
.
.