Quan trọng nhất vẫn là chất lượng đầu ra

Thứ Hai, 29/02/2016, 10:05
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký tờ trình Thủ tướng Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Một trong những điểm mới được nhiều người đặc biệt quan tâm là đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo đại học còn 3-4 năm. Những điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.

1. Với hy vọng sau khi ra trường sẽ có nhiều cơ hội kiếm việc làm, trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, con gái tôi đã nộp hồ sơ vào Khoa Quản trị kinh doanh của một trường đại học. Cả nhà thở phào sau cuộc "chơi chứng khoán" bất đắc dĩ.

Những ngày đầu nhập học, con bé phấn khởi lắm. Đi học về là kể đủ chuyện trường lớp, thầy cô, bạn bè và những hàng quà bánh quanh trường. Hai tháng sau, những câu chuyện hồn nhiên đó thưa dần. Nó bắt đầu kêu mệt, bố mẹ hỏi gì cũng chỉ trả lời cho có. Ăn tối xong là vội vội vàng vàng lên gác xem lại bài vở, tìm kiếm tài liệu trên mạng, chát chít với bạn bè để trao đổi thêm kiến thức.

Minh họa của Lê Tâm.

Tôi thì lu bù công việc, thỉnh thoảng cũng hỏi nó dăm ba câu chuyện trường lớp và biết nó chưa phải thi lại môn nào. Sang học kỳ II, tưởng là đã thích nghi với môi trường mới, nó sẽ phấn khởi trở lại và hào hứng học tập, ai ngờ khi được hỏi, nó kể bằng một giọng ấm ức.

Chả là học kỳ I nó phải học 9 môn với 18 tín chỉ, sang học kỳ II là 10 môn với 28 tín chỉ. Hỏi học môn gì thì toàn là các môn "khó nuốt" là chính trị, ngoại ngữ, thể dục, toán cao cấp, tin học cơ bản, pháp luật đại cương, lý thuyết xác suất và thống kê toán…

Tóm lại trường nhồi nhét đủ các môn học mà chưa động chạm gì tới chuyên ngành. Học gần hết môn là cuống cuồng lo ôn thi. Thầy cô giáo giảng bài kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" nên lúc thi cử cứ quay như chong chóng, tưởng là vào đại học thoát cảnh học thêm, ai dè vẫn phải học, lại còn học vào các ngày cuối tuần…

Nghe con kể mà tôi chỉ biết thở dài. Thời tôi học đại học đã vậy, cứ nhồi hàng đống kiến thức mà chẳng thấy liên quan gì đến chuyên ngành sau này. Đến giờ, sau mấy chục năm, con cái vẫn học kiểu như thế. Điều tôi buồn nhất là ngọn lửa yêu nghề của con cứ lịm dần, đuối dần. Nếu cháu được học những kiến thức chuyên ngành ngay từ năm đầu tiên có phải tốt biết bao.

2. Trong bài phỏng vấn mới đây với một PGS.TS từng là Trưởng ban Đào tạo của một trường đại học danh tiếng ở Hà Nội, vị PGS này đã thẳng thắn cho rằng: Ở nhiều nước trên thế giới, thời gian học đại học là 3-4 năm nhưng sinh viên được học rất sâu về ngành chứ không phải học nhiều môn vô bổ như ở Việt Nam.

Vị PGS lấy thí dụ điển hình ở nước Mỹ, cũng đào tạo đại học 4 năm, nhưng 4 năm của họ là làm việc thật sự chứ không chia thời gian cho những môn học như ở ta. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên phải hoàn thành được một bài tập cụ thể và phải tham gia được vào nghiên cứu khoa học.

Tới năm thứ hai, sinh viên phải xuống thực tế tại các nhà máy, các cơ sở lao động và phải có được một bài tham luận.

Tới năm thứ ba, sinh viên được tham gia vào các công trình nghiên cứu khoa học của thầy cô, được trực tiếp làm một số việc đơn giản, qua đó hiểu về quy trình, cách thức làm một đề tài khoa học.

Năm cuối cùng, sinh viên đã có một khóa luận thực sự, có được công trình nghiên cứu của riêng mình. Vì học với hành liên kết chặt chẽ như vậy nên sinh viên của Mỹ nắm rất chắc cả lý thuyết với kỹ năng.

Còn ở ta, đa số các trường đại học học 4 năm nhưng năm đầu tiên là một mớ kiến thức đại cương, tổng hợp. Sinh viên học xong không biết vận dụng vào đâu, đó thật sự là một bài toán lãng phí, cần phải rút ngắn và có những thay đổi cần thiết cho phù hợp với xu thế và hội nhập.

3. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký tờ trình Thủ tướng Đề án hoàn thiện cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Một trong những điểm mới được nhiều người đặc biệt quan tâm là đề xuất rút ngắn thời gian đào tạo đại học còn 3-4 năm. Những điều chỉnh này sẽ giúp cho hệ thống giáo dục đại học tiếp cận hơn với chuẩn mực chung của quốc tế trong tổ chức đào tạo đại học và sau đại học.

Rõ ràng việc rút ngắn thời lượng đào tạo đại học là cần thiết, nhưng điều chúng ta quan tâm hơn cả vẫn là chất lượng đầu ra. Không chỉ nắm vững lý thuyết, sinh viên tốt nghiệp còn phải được thực hành thường xuyên, có nhiều kỹ năng tác nghiệp, tham gia các hoạt động cộng đồng và luôn dành cho ngành nghề mình lựa chọn một tình yêu đặc biệt. Vì lẽ đó, các trường đại học cần mạnh dạn thay đổi trong cấu trúc giảng dạy để sinh viên được thu nạp những kiến thức thiết thực, tự tin khi bước vào cuộc sống.

Tuấn Nguyễn
.
.
.