Quản và cấm

Thứ Tư, 26/04/2017, 21:13
Cấm cũng là một cách quản. Cấm để làm gì nếu không phải để phục vụ khán giả được thưởng thức trong lành hơn?

-Chương trình sắp tới bỏ ra ngoài mấy ca khúc này nhé. Mấy bài này chưa được cấp phép lưu hành.

- Nhưng quảng cáo cả tháng rồi anh ơi. Bây giờ thay đổi, lại mang tiếng.

- Chấp hành cho mau tiến bộ. Khán giả quen rồi.

Vài tuần sau:

- Lại cho hát mấy bài đó nhé. Trên rút lại văn bản cấm rồi.

- Ơ hay! Sáng đúng chiều sai, đến mai lại đúng à?

- Chấp hành cho mau tiến bộ.

Ai dám thắc mắc với quản lý nào? Cái gì chả phải quản. Muốn biết sản phẩm văn hóa có an toàn không phải quản chứ. Phải có bộ phận công nhận ISO, phải có bộ phận cho phép lưu hành chứ lỡ ra khán giả "ăn" vào ngộ độc thì nguy. Cấm cũng là một cách quản. Cấm để làm gì nếu không phải để phục vụ khán giả được thưởng thức trong lành hơn?

Minh họa của Tả Từ.

- Nhưng kể cũng phức tạp. Chưa được cấp phép thì không được sử dụng. Hẳn rồi. Ấy thế mà giở ra thì không ít ca khúc tuyệt vời hay lại chưa từng được cấp phép. Thậm chí tác giả của những ca khúc còn mãi với thời gian cũng đã xa lìa cõi tạm từ lâu. Thế mà tác phẩm vẫn chưa có giấy tờ, ký, triện.

Đã quản lý phải chặt chẽ. Thỉnh thoảng vẫn có những sáng tác mới rất phản cảm đấy thôi. Chi bằng ta tiến hành quy định. Các tác giả muốn sáng tác cần xin giấy phép. Sau khi có giấy rồi thì tha hồ về nhà mà thai nghén, mà lên phương án phác thảo và công bố. Nghệ sĩ nhiều anh cũng như con chim ngứa cổ hót chơi. Hót nhiều quá là lại không đồng bộ. Không đồng bộ với đồng nghiệp và không đồng bộ với khán giả đã vốn định hình đôi tai theo năm tháng.

Lại nói chuyện cấm xe máy. Thời đại ô-tô chạy đầy đường chiếm hết không gian mà lại cho xe máy chạy cũng khó coi. Đô thị chúng ta đều hướng tới một Singapore giữa lòng thành phố cơ mà.

Gần đây, một chuyên gia lại lên tiếng một chủ đề đã xới nát trong nhiều năm. Ông này có quan điểm cấm hết xe máy, đừng đưa cái nghèo ra để dọa? Nghe đến đây, có cán bộ tự ái. Nghèo đâu mà nghèo. Ngôi biệt thự hoành tráng của vị này được xây bằng tiền chạy xe ôm đấy. Chính vị này kể đã tích cóp tiền những ngày chạy xe ôm để xây biệt thự mà. Điều đó gây cảm hứng rất nhiều cho những cử nhân thất nghiệp đang chuẩn bị khởi nghiệp mà thiếu ý tưởng. 

"Starup" bằng xe ôm. Tại sao không?

Thực ra. Việc cấm chẳng bao giờ khả thi khi điều kiện thực sự chưa chín. Vấn đề không phải là cấm xe máy mà là làm sao để người dân không cần phải  đi xe máy nữa. Nếu phương tiện công cộng giải quyết toàn bộ giao thông thì tội gì mà đi xe máy chứ.

Cái từ "cấm" được chúng ta rất ưa dùng trong các hoạt động công cộng. Chúng ta có rất nhiều biển cấm, bởi ta tin rằng cái biển đó có đủ uy lực. Thực tế thì chỗ nào có biển cấm họp chợ thì người ta xúm xít mua bán. Chỗ nào có biển cấm tiểu tiện thì chỗ đó khai um. Không ít bức ảnh đã ghi lại người vi phạm ngay tại biển cấm.

Các nước rất hạn chế dùng biển cấm trên đường. Họ thường dùng biển chỉ dẫn bắt buộc như biển mũi tên "Hướng đi phải theo". Phải theo là cứ thế mà theo, thắc mắc gì. Vẫn là bắt người ta thực hiện đúng quy định, nhưng chữ "phải theo" vẫn ngọt mắt hơn chữ "cấm" nghìn lần. Ở nước ta thì chắc còn lâu mới bỏ được chữ "cấm". Vậy thì đề nghị trước khi cấm phải nghĩ ngợi, phải dùng đến cái nằm trong hộp sọ.

Còn bạn. Nếu cứ đọc thấy chữ “cấm” mà thấy bình thường thì bạn đang bị mất cảm giác đấy.

Lê Tâm
.
.
.