Quảng Nam:

Mạnh tay với nạn khai thác, mua bán cát trái phép

Thứ Năm, 08/06/2017, 13:47
Tình trạng cát, sỏi bị khai thác trái phép tràn lan đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước và hiện là vấn đề rất “nóng”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự của địa phương.


Trong khi Chính phủ phải chi kinh phí khủng để hỗ trợ khẩn cấp, lãnh đạo chính quyền tỉnh cùng các nhà khoa học tích cực tìm phương cách “cứu cát”… thì những ngày gần đây, Quảng Nam lại xảy ra không ít “lùm xùm” xung quanh việc “hút, lấp, bồi” cát.

Thậm chí, Công an tỉnh Quảng Nam vừa làm rõ vụ làm giả quyết định lãnh đạo tỉnh để “bán cát” ra Đà Nẵng khiến dư luận không khỏi bức xúc…      

Từ ngăn chặn khai thác để khẩn cấp "cứu cát"

Những ngày gần đây, việc tìm giải pháp “cứu cát, cứu bờ” đã không còn chỉ riêng chính quyền TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Hàng loạt nghiên cứu, hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, thậm chí hàng chục tỉ đồng Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp “cứu cát” cũng đã được triển khai.

Trong đó: “Cấm tất cả các hình thức khai thác cát dọc theo sông Thu Bồn, quanh biển Cửa Đại và khu vực ven biển Hội An. Cấm xả thải xác trầm tích từ các hồ chứa thượng lưu do các chất ô nhiễm trong trầm tích mắt kẹt trong lòng hồ. 

Đồng thời, cấm xây dựng các kè bảo vệ các khách sạn một cách cục bộ vì các công trình này sẽ gây mất ổn định tổng thể bờ biển Hội An. Đặc biệt, nâng cao nhận thức của quần chúng tham gia bảo vệ bờ biển”… chính là biện pháp bảo vệ bờ biển Hội An một cách bền vững mà các nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế đã nghiên cứu và “đề xuất” khẩn đến lãnh đạo tỉnh Quảng Nam từ tháng 7-2016 đến nay…

Tuy nhiên, với tình trạng bờ biển tiếp tục sạt lở trở lại, đang xuôi về phía Bắc (khu vực giáp thị xã Điện Bàn hướng ra Đà Nẵng) thì với giải pháp “nôi bãi, tạo bờ” của các nhà khoa học chỉ mới là một phần.

Tình trạng cát, sỏi bị khai thác trái phép tràn lan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, tác động xấu tới tình hình an ninh trật tự tại tỉnh Quảng Nam.

Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Việc ngăn chặn cát tặc, tình trạng khai thác cát vô tội vạ dọc sông Thu Bồn và trên nhiều nhánh sông khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mới chính là giải pháp “cứu cát” triệt để… 

Tỉnh Quảng Nam đã và đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng khai thác, vận chuyển cát trên địa bàn, thậm chí có thể sẽ rút giấy phép khai thác mỏ đối với những đơn vị bị phát hiện có sai phạm nghiêm trọng.

Một trong những “điểm nóng”, nhiều diễn biến phức tạp về tình trạng khai thác cát trái phép của tỉnh Quảng Nam chính là huyện Đại Lộc, địa phương nằm ở hạ lưu sông Vu Gia, nơi có đến 18 mỏ cát đang được hoạt động.

Theo Đội CSGT Công an huyện Đại Lộc cung cấp: Từ tháng 3-2017, khi đưa cân tải trọng vào kiểm tra các phương tiện vận tải và xe chở cát trên địa bàn đến nay, đơn vị đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp xe tải chở cát chở quá trọng tải.

Cụ thể, cuối tháng 3-2017, trong lúc tuần tra kiểm soát, Đội CSGT Công an huyện đã phát hiện xe tải BKS 43C-041.29 do Nguyễn Văn Phơ (25 tuổi, trú xã Đại Phong, huyện Đại Lộc) điều khiển có biểu hiện chở cát quá tải. Lực lượng tuần tra đã ra hiệu lệnh dừng xe, tiến hành cân tải trọng và phát hiện xe này chở quá tải trên 150%.

Trước đó, ngày 22-3, Đội CSGT Công an huyện cũng phát hiện xe tải BKS 43C-113.45 do Phan Tấn Đức (34 tuổi, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) chở cát quá tải trên 150% và đã tạm giữ phương tiện để xử lý theo quy định.

Tiếp giáp với huyện Đại Lộc, thị xã Điện Bàn cũng là địa phương có tình trạng khai thác, vận chuyển cát xây dựng rất sôi động.

Theo ông Phạm Ngọc Anh, Phó Trưởng phòng TN&MT thị xã Điện Bàn thì hiện trên địa bàn thị xã có 8 đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác mỏ. Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc khai thác cát, chính quyền thị xã đã phải xây dựng 6 trạm chốt chặn quản lý hoạt động tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, dọc sông Yên gồm 2 trạm ở xã Điện Hồng, Điện Tiến; dọc sông Thu Bồn các trạm đặt tại các xã Điện Thọ, Điện Phong, Điện Phương; sông Vĩnh Điện có trạm tại phường Điện Ngọc. 

Thống kê cho thấy trên địa bàn thị xã Điện Bàn hiện có 21 tổ chức, cá nhân đang hoạt động kinh doanh mua bán cát, sạn tại các địa điểm bến, bãi tập kết cát, sạn nằm dọc theo nhánh chính và nhánh phụ sông Thu Bồn, nhánh chính sông Vĩnh Điện và sông Yên. Đa số các bến, bãi này đã hình thành từ lâu.

Phần lớn những bến, bãi tập kết cát, sạn nằm sát với các tuyến giao thông đường bộ và nằm liền kề các khu dân cư; do đó việc hoạt động kinh doanh mua bán tại các bến, bãi này thường xuyên xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…

Buổi họp báo “nóng” vấn đề làm giả quyết định của Công ty Khai thác cát tại Quảng Nam.

Đến những "con sâu" bất chấp pháp luật "ăn" tài nguyên cát

Một vấn đề thu hút sự quan tâm rất lớn của báo chí, dư luận đó chính là cuộc họp báo của UBND tỉnh Quảng Nam vào chiều 31-5-2017 về Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI – 2017 và một số nét lớn về tình hình kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp báo này, xung quanh vụ việc: Những khuất tất, nghi vấn Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tây Trường Sơn Quảng Nam (viết tắt là Công ty Tây Trường Sơn) sử dụng “Quyết định giả” đã được lãnh đạo tỉnh, Công an tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin…

Và theo kết quả điều tra của Công an tỉnh Quảng Nam: Chính kế toán Công ty Tây Trường Sơn đã làm giả quyết định lãnh đạo Quảng Nam để “bán cát” cho công trình xây dựng tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi của các phóng viên đã đưa ra: Không thể một mình vị kế toán công ty đủ khả năng làm giả, mà đằng sau đó sẽ còn những điều chưa được “hé lộ”…

Cát vẫn bị nhiều đơn vị khai thác ồ ạt.

Trước đó, UBND huyện Tây Giang (Quảng Nam) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng về việc phản hồi một số thông tin phản ánh trái chiều về việc khai thác cát trên địa bàn Tây Giang phục vụ dự án Đa Phước (TP Đà Nẵng)…

Theo văn bản của UBND huyện Tây Giang, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí đã phản ánh về việc cát lậu Hội An tuôn chảy ra Đà Nẵng để phục vụ cho công trình lấn biển dự án The Sunrise Bay (Khu đô thị mới quốc tế Đa Phước tại phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng) do Công ty TNHH The Sunrise Bay làm chủ đầu tư. TP. Đà Nẵng cũng đã yêu cầu chủ đầu tư giải thích rõ nguồn vật liệu, trong đó có khai thác cát từ huyện Tây Giang...

UBND huyện Tây Giang cho rằng, Tây Giang là huyện miền núi của Quảng Nam, cách Đà Nẵng 120km về phía Tây, nguồn tài nguyên khoáng sản cát làm vật liệu xây dựng chủ yếu phân bố dọc theo các sông, suối nhưng trữ lượng rất ít không đủ cung cấp cho các công trình xây dựng của huyện, phải vận chuyển cát từ Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) hoặc cát từ Sông Voi (huyện Đông Giang) lên phục vụ nhu cầu xây dựng nông thôn mới và nhu cầu xây dựng nhà ở của người dân trên địa bàn huyện.

Mặt khác, trên địa bàn huyện không có mỏ cát nào và từ năm 2003 đến nay, UBND tỉnh Quảng Nam cũng không cấp phép khai thác cát trên địa bàn huyện. Do vậy, UBND huyện Tây Giang kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam và UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, xác minh lại các hợp đồng mua bán, vận chuyển cát của Công ty Trung Nam để có phản hồi...

Song song với công văn của UBND huyện Tây Giang, để đảm bảo tính khách quan và nhận được sự đánh giá công bằng cũng như xác định rõ trách nhiệm của các bên đối với những nội dung liên quan đến giấy phép khai thác cát tại huyện Tây Giang, Quảng Nam (Quyết định số 1193/QĐ-UBND ngày 6-4-2015), lãnh đạo Công ty Trung Nam cũng đã có văn bản đề nghị Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành điều tra làm rõ sự việc và xử lý theo pháp luật.

Do vậy, ngay tại cuộc họp báo liên quan đến việc làm giả quyết định cho phép khai thác cát gần đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo kết quả điều tra ban đầu. Qua điều tra cho thấy, vào ngày 20-9-2016, Công ty Tây Trường Sơn và Công ty CP Trung Nam ký hợp đồng mua bán 1 triệu m³ cát để Công ty CP Trung Nam san lấp dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước (quận Hải Châu,TP Đà Nẵng).

Tính đến tháng 12-2016, Công ty Tây Trường Sơn đã bán cho Công ty CP Trung Nam 20.199 m³ cát và xuất 3 hóa đơn. Và sau khi báo chí phản ánh việc trộm cát ở Cửa Đại (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) và đặt nghi vấn dự án Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước sử dụng nguồn cát trộm ở Cửa Đại, Công ty CP Trung Nam đã đề nghị Công ty Tây Trường Sơn cung cấp các hồ sơ chứng từ thì doanh nghiệp này cung cấp cho nhà thầu quyết định giả.

Kết quả điều tra, Công an Quảng Nam đã phát hiện đối tượng Ngô Thị Thanh Vân (32 tuổi; ngụ phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng), thủ quỹ Công ty CP Kim Toàn đồng thời là kế toán Công ty Tây Trường Sơn chính là người đã chỉnh sửa, tẩy xóa quyết định cho phép Công ty CP Kim Toàn khai thác đá ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) thành quyết định cho phép Công ty Tây Trường Sơn khai thác cát ở Tây Giang (tỉnh Quảng Nam).

Sau khi làm giả, Vân đưa đến công chứng tại Phòng Công chứng số 3 Đà Nẵng để “hợp thức hóa” cho khối lượng cát không có nguồn gốc hợp lệ. Hiện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục mở rộng điều tra, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm liên quan công khai trước dư luận…

Hoài Thu
.
.
.