Nhân ngày gia đình Việt Nam 28-6

Quanh chuyện ăn chung, ăn riêng

Thứ Tư, 28/06/2017, 14:28
Cuộc sống càng hiện đại thì những cặp vợ chồng trẻ càng thích tự do. Do đó, họ muốn cưới xong là ra ở riêng, ăn riêng để thoải mái ăn uống và làm những gì mình thích. Nhất là vợ chồng trẻ ở thành thị.


Song, không phải đôi vợ chồng nào cũng có điều kiện, ngược lại, họ phải chấp nhận ăn chung cùng bố mẹ chồng, trong khi đó các nàng dâu thường mâu thuẫn với mẹ chồng.

Mẹ chồng, nàng dâu "vênh nhau"

Gia đình nhỏ của chị Hà Thị Ngoan (ngõ chợ Khâm Thiên) đã ăn chung với bố mẹ chồng từ ngày cưới đến nay được 3 năm. Song, do những bất tiện trong sinh hoạt, chị đang đề nghị với chồng xin bố mẹ cho ăn riêng.

Trước đây, anh Dũng chồng chị Ngoan có nói với vợ: "Nhà có hai ông bà với hai vợ chồng mình, ăn riêng nấu hai nồi làm gì. Ăn chung cho gọn ghẽ, với lại như thế thì vợ chồng mình cũng tiện chăm sóc ông bà hơn".

Nghe chồng nói vậy, chị Ngoan cũng bỏ qua luôn "cái cữ" là sẽ ăn riêng ba tháng kể từ ngày cưới, và sau đó sẽ… mỗi hộ một nồi. Thế rồi, cuộc sống có nhiều biến đổi, và sinh hoạt của bố mẹ chồng rất "vênh" so với nếp sinh hoạt của chị Ngoan.

Bởi chị đi làm, nhiều khi phải ở lại cùng anh em trong công ty, rồi sinh nhật bạn, liên hoan. Anh Dũng cũng thường phải tiếp khách, gặp gỡ bạn bè. Vậy là ở nhà, ông bà nội nấu cơm đợi. Một vài lần anh chị quên không gọi điện về báo, ông bà lại trách. Hơn nữa, bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" đang được chiếu trên truyền hình rất "hot" mà các thành viên đều xem. Trong lòng dường như ai cũng soi vào đó để ngẫm đến mình và suy nghĩ nhiều đến chuyện… ăn riêng, ở riêng cho lành!

"Có khi vợ chồng thích cải thiện ở bên ngoài mà ông bà lại không muốn đi. Ông bà muốn ăn món này, còn vợ chồng trẻ lại thích món kia. Rồi bà còn thích mua những thứ quê ơi là quê. Người già thường tham rẻ nên mua toàn đồ ôi về. Vậy là tôi nghĩ cần phải tính cách ăn riêng cho tự do thoải mái", chị Ngoan tâm sự.

Cũng chung tâm trạng ấy, chị Trần Thị Hợi, phường Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một cách chia sẻ bất ngờ: "Vợ chồng tôi thương ông bà cả đời vất vả vì con cái nên thường chịu khó mua hoa quả, những đồ ăn ngon về. Bà nội lại bảo: Vợ chồng mày phải tiết kiệm. Rồi có những hôm mình cắt bỏ miếng mỡ, miếng da có lông của cân thịt lợn thì bà nội lại nhặt từ trong xô rác ra và nói: phải tiết kiệm. Miếng mỡ đó thì ăn làm sao được cơ chứ!".

Chị Hợi có phần bực tức nên nói với chồng về cái tính tiết kiệm một cách phiền phức của bà mẹ chồng. Chẳng may bà mẹ chồng nghe được, thế là trong nhà không còn êm ấm nữa. Bà mẹ chồng gắt gỏng: "Từ nay ăn riêng, tao không thể chịu được chúng mày nữa".

Tất nhiên, anh Huy chồng chị Hợi không đồng ý. Anh cố níu kéo. Chẳng lẽ mấy năm ăn chung, giờ tách ra, người ta nghĩ chính anh không lễ phép, thậm chí bất hiếu. Mà anh thì rất muốn phụng dưỡng bố mẹ. Anh Huy đã nghĩ ra cách là cầu cứu bố để ông tác động với mẹ chồng. Nhưng mọi việc không tiến triển theo chiều hướng tích cực, bởi bà mẹ chồng đã cương quyết, mà cô con dâu lại chẳng có thiện chí.

Ông Giáo tại xưởng mộc.

Một bếp hai bà nội trợ

Thế nhưng, đâu phải cứ ăn riêng, một căn bếp có hai bà nội trợ đã là êm thấm. Chính chị Hợi cũng phải thừa nhận, đã ăn riêng thì vợ chồng chị phải "bố trí" thêm bình gas nhỏ, rồi phải sắm thêm đồ dùng, gia vị. Thế rồi, ngay cả chuyện hành, tỏi, ớt ấy cũng sinh chuyện.

Nhiều lúc bà mẹ chồng cứ nói bóng nói gió: "Mày phi làm gì mà nhiều tỏi thế, điếc hết cả mũi. Cứ như không làm vậy thì người ta không biết mày đang nấu ăn". Chị Hợi cắn răng chịu đựng. Rồi cũng có lần, bà mẹ chồng khiến chị không chịu nổi nên dù đã chế biến được một nửa, chị bỏ đó đi mua cơm hộp về cho chồng con ăn.

Nhưng chuyện còn đi xa hơn thế. Đó là chị nấu ăn ít, do buổi trưa con trai ăn tại trường, hai vợ chồng ăn tại cơ quan, vậy mà đồ gia vị để trên bếp vẫn… vơi nhanh. Chị biết ai là thủ phạm, bởi đã đánh dấu và xác định được cả thời điểm bà mẹ chồng tự ý lấy và dùng. Nhất là hộp đường chị mới mua để pha nước chanh cho gia đình nhỏ, nhưng đã bị bà mẹ chồng "rút" mất một nửa. Uất quá, chị nói ra với mẹ. Thế là một cơn tam bành diễn ra đến nỗi ngay cả ông bố chồng, chồng chị Hợi cũng không biết xử lý tình huống ra sao. Cuối cùng, vợ chồng chị Hợi phải "bóp mồm bóp miệng" vay mượn, mua một căn nhà nhỏ để sống riêng.

Về điều này, không ít bà nội trợ có kinh nghiệm cho rằng, hạt cơm còn vương vãi, chồng bát cũng có lúc xô nhau nên mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu trong các gia đình là đề tài muôn thuở. Bởi vậy, các bà, các chị cần cố gắng tránh những va chạm không cần thiết.
Tại các diễn đàn mạng, một số chị em đã chia sẻ những kinh nghiệm rằng một căn bếp có hai bà nội trợ, được chia thành hai để mỗi bên sử dụng một nửa là vô cùng tốn kém, lại bừa bộn.

"Nên theo tôi, nếu vợ chồng trẻ xác định ăn riêng thì cũng nên làm một cái gì đó chung với ông bà, gọi là để cho gia đình còn có được sự liên kết. Ví như vẫn nấu cơm chung, hoặc cô con dâu nên thường xuyên nhờ bà làm một số việc như đi chợ nếu bà ấy sành chợ. Có thể về nhà chế biến chung, rồi sau đó chia ra làm hai mâm để tiện sinh hoạt. Tiền chi phí thì "cưa đôi" với mẹ chồng", chị Thảo Nhiên chia sẻ.

Bà Hoàng Thị Yên thường dạy các cháu học tập.

Thực tế ngoài cuộc sống, một gia đình sống ba, bốn thế hệ và vẫn ăn chung được là điều khá hiếm hoi. Đa số các cặp vợ chồng trẻ hiện nay đều muốn sống riêng, ăn riêng. Tuy thế, tìm trong dòng chảy xã hội, tôi cũng gặp được những tấm gương gia đình hòa thuận.

Như gia đình bà Hoàng Thị Yên ở làng Tây Mỗ, xã Tây Mỗ (Nam Từ Liêm - Hà Nội), đến nay ba thế hệ trong gia đình vẫn sống hòa thuận bên nhau. Đặc biệt, bà Yên có ba con là Nghiêm Xuân Tuấn Sơn, Nghiêm Xuân Hà và Nghiêm Thị Cẩm Bình đều đã dựng vợ, gả chồng, làm việc cơ quan nhà nước, có chức vị nhưng vẫn ăn chung cùng mẹ, như xưa mẹ vẫn ăn chung cùng ông bà nội.

Với mỗi gia đình bình thường, để duy trì được việc này không đơn giản. Ngay như các làng quê hiện nay cũng không còn nhiều gia đình sống chung, ăn chung ba thế hệ.

"Để giữ hòa khí, ăn chung được như gia đình tôi là hiếm lắm. Tôi cũng theo dõi phim "Sống chung với mẹ chồng" đang phát trên tivi. Tôi càng hiểu mình cần phải giữ nề nếp gia đình. Để tổ ấm lớn được yên bình thì trước hết người mẹ, người cha phải gương mẫu, hiếu thuận với bề trên, mẫu mực, hy sinh cho con, cháu. Không phải cứ chửi mắng mà các con nghe lời đâu. Tôi luôn chọn cách bảo ban, mưa dầm thấm lâu", bà Yên chia sẻ.

Hay đại gia đình "tứ đại đồng đường" của ông Nguyễn Văn Giáo ở Từ Hồ, xã Yên Phú (Yên Mỹ - Hưng Yên), có bốn thế hệ với 29 người hiện đều… tiêu tiền chung một túi.

Từ nhiều năm trước, ông Giáo đã nghĩ đến chuyện gia đình phải sống hòa thuận, êm đềm và ăn chung, có không gian sinh hoạt chung bên nhau như cha ông đã làm. Vậy là khi dựng vợ gả chồng cho các con, ông đã "chủ trương" xây dựng năm ngôi nhà cạnh nhau để làm chỗ sinh hoạt cho sáu cặp vợ chồng.

Ông Nguyễn Văn Giáo trước bàn thờ gia tiên.

Nhiều năm qua khu sinh hoạt chung của gia đình đều là chỗ mọi người nấu và ăn cơm chung. Các cơ sở chế biến gỗ, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng được bố trí trong thôn để mọi người tiện quán xuyến và quan tâm đến nhau.

Ông Nguyễn Văn Giáo cho biết: "Mọi người đều có phần việc riêng phù hợp với bản thân, ngày ngày đi làm mộc, bán hàng nhưng không chấm công và không lĩnh lương tháng. Tiền thu được đều đưa về một mối thuộc sở hữu chung cho vào két do tôi quản lý. Đây là một mô hình mà tôi nghĩ sẽ phải duy trì mãi".

Tuy nhiên, ông Giáo cũng chia sẻ, để làm được như thế thì vợ chồng ông ngoài là tấm gương sáng đẹp cho con cháu thì phải duy trì dạy dỗ con cháu về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ và tôn trọng nhau để luôn luôn có hòa khí. Nhất là gia đình nào đông người, chị em, anh em rồi các cháu sống với nhau đôi khi không khỏi nảy sinh chuyện "chín người mười ý".

Bữa cơm tối trong gia đình ông Giáo.

Ông Giáo nhấn mạnh: "Các con cháu tôi đều tôn trọng nề nếp gia phong. Dù có cháu đỗ đạt, đi học xa thì những ngày cuối tuần trở về, vẫn duy trì nền nếp rất tốt!".

Nói gì thì nói, nếu các cặp vợ chồng trẻ còn ở chung nhà với bố mẹ thì chuyện xô xát là khó tránh khỏi. Nhất là chuyện ăn chung, ăn riêng. Theo đó, mỗi gia đình cần tìm cách dung hòa tình cảm đối với những người trong gia đình để tìm ra một cách giải quyết hiệu quả. Có vậy thì cuộc sống mới bớt mệt mỏi trong cảnh "chín người mười ý".

Mong rằng, trong cuộc sống hiện đại, những cô con dâu trẻ là những người có học, có kinh nghiệm sẽ tìm được cách sống tốt, vui vẻ bên bố mẹ chồng.

Diên Khánh
.
.
.