Quay về nẻo thiện

Thứ Năm, 01/10/2015, 09:00
Chỉ có 9 ngón tay nhưng biệt tài móc túi thì thuộc hàng cao thủ. Mới tí tuổi đầu, Đỗ Của đã ngạo nghễ vỗ ngực xưng tên trong giới giang hồ. Của "chín ngón" từng trở thành nỗi khiếp sợ đối với nhiều người trên cung đường xe khách từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Chặt ngón tay làm cướp

Đỗ Của sinh năm 1965 tại miền đất võ Bình Định. Gia cảnh nghèo khó, Của thất học từ nhỏ, suốt ngày lang thang cùng lũ bạn quẩn quanh ở bến xe Quy Nhơn (Bình Định) để kiếm ăn. Người dân thấy Của gầy tong teo, dặt dẹo ở bến xe thường cho bánh mỳ, hộp cơm. Của nhận và ăn ngấu nghiến trong những cơn đói rệu rã.

Kiếm ăn lâu ngày ở bến xe, Của dần dần thoát xác thành đứa trẻ cứng cỏi, dạn dày sương gió. Của không bằng lòng với cuộc sống ngửa tay ăn xin, mà "trườn" sâu vào từng ngóc ngách trong môi trường "chợ trời". Tận mắt chứng kiến trò "kiếm ăn" của những đứa trẻ khác, Của bắt đầu "vùng dậy" để được bằng bạn bằng bè. Lần đầu tiên, Của bị người ta "bắt tận tay, day tận trán", vì là đứa trẻ nên Của chỉ bị "ăn" vài bạt tai nảy đom đóm mắt.

Của không lấy đó làm bài học mà còn cay cú, hậm hực vì bị đánh. Của ủ mưu ăn trộm tiếp lần sau để thách thức các ông chủ bà chủ. Lâu dần, hình ảnh bất hảo của đứa trẻ miệt ruộng với biệt tài ăn trộm, móc túi trở thành cái gai trong mắt dân làm ăn buôn bán ở bến xe và các khu chợ lân cận. Người ta bắt được cũng chỉ chửi bới một hồi rồi bỏ đi chứ không dám bạt tai Của nữa. Lì lợm, chai mặt khiến mọi người ngán ngẩm mỗi khi Của xuất hiện.

Họ thường lảng tránh hoặc đề cao cảnh giác với y. Tất cả mọi hoạt động, ngay cả việc ra tiệm ăn một đĩa cơm Của cũng bị đối xử khác người. Cảm thấy không thể sống nổi ở đây, Của nhảy tàu vào TP Hồ Chí Minh. Mấy ngày trên tàu đói rạc, Của sẵn sàng uy hiếp mấy bà đi buôn đòi ăn rồi "thó" đồ luôn. Bảo vệ tàu phát hiện truy đuổi, Của nhảy lên đầu toa rồi lựa cánh đồng nào mềm mại phi xuống, ém binh chờ chuyến tàu thứ hai chạy qua để nhảy tiếp. Nhảy ba lần thì Của cập ga TP Hồ Chí Minh.

Mỗi ngày, Đỗ Của còng lưng khuân vác bao hàng lên núi.

Lận lưng được cái nghề đầu trộm đuôi cướp, Của tiếp tục phát huy sở trường của mình mà không bao giờ có ý định sẽ làm một việc gì đó lương thiện. Giang hồ TP Hồ Chí Minh không hiền như Của nghĩ, mới chân ướt chân ráo mò mẫm vào bến xe, Của bị một nhóm lôi vào túp lều ven sông "dằn mặt". Lần đó, Của bị rụng hai chiếc răng, mặt mũi bầm dập. Sau lần "chào hàng" ấy, Của nghĩ bụng: "Không lẽ cứ để bọn chúng đánh, mà đánh thế này chỉ hai ba trận không mất xác cũng tàn phế. Một là đối đầu, hai là quay về quê".

Cân đo đong đếm mãi, cuối cùng Của quyết định chặt đứt ngón tay với lời thề quyết chiến để tồn tại. Của tìm đến những bến xe liên tỉnh từ TP Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước… ở các tuyến này khách đi về nườm nượp, nhiều thương nhân mang hàng đi trao đổi. Đã chuẩn bị "huyết chiến" từ trước, nên gặp nhóm bảo kê ở bến xe, Của nhe nanh trợn mắt thách đấu. Trận đầu tiên, Của đâm rách cánh tay tên đại ca khiến đàn em của hắn hoảng loạn chạy tan tác.

Thông tin về một oắt con có chín ngón tay đang náo loạn ở bến xe liên tỉnh lan truyền chóng mặt. Thêm chi tiết "chín ngón" nữa càng khiến giới giang hồ ái ngại. Nhiều lời bàn tán rằng, Của "chín ngón" chính là anh em còn sót lại của "Phước tám ngón" hay "Lâm chín ngón" gì đó. Mà hai người này là những cao thủ lẫy lừng trong giới giang hồ, đại ca nào chẳng "ngán".

Mặc dù không có dính dáng gì đến hai nhân vật kia nhưng Của như mở cờ trong bụng vì sự lầm tưởng này. Từ một thằng nhóc đầu đường xó chợ, ăn trộm vặt nay được dựa hơi những giang hồ từng làm mưa làm gió đất Sài Gòn những năm 90 của thế kỷ trước, đó là một lợi thế tuyệt vời cho Của rộng đường làm ăn.

Chỉ vài năm, Của chiếm địa bàn và độc quyền móc túi ở bến xe liên tỉnh. Làm được bao nhiêu, Của nướng vào cờ bạc, gái gú hết. Của chưa bao giờ nghĩ đến việc phải gửi tiền về quê cho cha mẹ già yếu. Có chút "tiếng tăm", nhưng Của "chín ngón" vẫn thấy mình cô độc và trơ trọi. Sống trong môi trường "chợ búa" này, người ta chỉ chăm chăm lọc lừa nhau, cướp giật nhau mà tồn tại, nên cái tình cũng vì thế mà không có chỗ đứng.

Tiền kiếm trên mồ hôi nước mắt của người lao động chân chính, nhiều lúc khiến lòng Của trùng xuống. Trong một chuyến xe từ TP Hồ Chí Minh đi Tây Ninh, Của "thó" được một chiếc túi của người đàn bà trung niên.

Như thường lệ, Của xuống xe mở túi ra kiểm tra chiến lợi phẩm thì phát hiện một ít tiền lẻ và tờ giấy bán máu. Của đứng lặng hàng giờ bên lề đường. Lúc đó, phần người trong y trỗi dậy, Của có ý muốn tìm để trả lại chiếc túi cho người đàn bà tội nghiệp kia, nhưng biết người ở đâu mà tìm giữa vùng đất mênh mông này.

Suốt thời gian sau, Của nằm lì ở phòng, đàn em đến gọi y cũng không dậy. Đùng một cái, Của "chín ngón" tuyên bố lấy vợ. Vợ Của là một người phụ nữ hiền lành, chất phác, mới từ quê vào nên không hề biết "nghề" của chồng.

Từ ngày có vợ, Của bỏ "nghề", đi làm bảo vệ cho một công ty. Tiền kiếm được từ sức lao động không đủ lo cho cuộc sống gia đình, Của nghĩ ngay đến nghề cũ. Vợ Của phát hiện sự thật đã lẳng lặng ôm con ra đi. Đỗ Của bắt đầu sống cuộc đời của kẻ "lữ hành cô độc".

Phục thiện

Nạn móc túi ở bến xe bị Công an trấn áp, Của đã chủ động rút về khu vực núi chùa Bà (Tây Ninh). Ngày đó, đây là địa bàn hoạt động của băng nhóm Hùng "đen" chuyên đi cướp vào ban đêm. Của "chín ngón" phải bắt tay với Hùng, chấp nhận đứng dưới trướng của hắn để tồn tại. Một thời gian dài, Của "chín ngón" và băng nhóm Hùng "đen" trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi ra ngoài vào ban đêm. Của giống như "cú đêm", ngày trốn vào hang hốc để ngủ, đêm mới mò đi tìm "con mồi".

Tại đây, nhiều giang hồ quay đầu phục thiện.

Đại ca Hùng "đen" một thời quấy nhiễu người dân xứ chùa Bà, sau khi được một sư thầy trên núi khuyên giải đã quay đầu sám hối. Hùng "đen" giải tán đàn em và ra Công an đầu thú. Của "chín ngón" không nơi bấu víu, lang thang, vất vưởng khắp nơi. Của nhớ đến vợ con.

"Đó là một ngày giáp Tết. Tôi về nhà, nhưng không dám vào, chỉ đứng nhìn từ xa. Một thời gian không gặp, nay nhìn vợ tiều tụy, con ốm đau khóc vật vã vì không có tiền đi chữa bệnh, tôi thấy đau đớn vô cùng. Lúc ấy, tôi chỉ kịp chạy vào nhà dúi vợ nắm tiền bảo cô ấy đưa con đi bệnh viện, sau đó vội vã bỏ chạy" - Của kể.

Của lao chạy trong đêm tối, gã tự dằn vặt, tự trách bản thân. Của tìm đến rượu, cảm giác không chốn dung thân những ngày cuối năm càng khiến gã đàn ông cô đơn và khao khát mái ấm gia đình hơn bất cứ lúc nào. Nốc cạn cả lít rượu mà Của vẫn không say.

Hình ảnh vợ con nheo nhóc trong căn nhà trống hoác cứ ám ảnh mãi.Hôm sau, Đỗ Của quyết định cạo đầu hoàn lương. Vợ nghe tin Đỗ Của làm ăn chân chính đã bế con quay về, tha thứ tội lỗi quá khứ cho chồng. Từ đó, biệt danh Của "chín ngón" đã không còn xuất hiện nữa. Nó đã bị chôn chặt từ ngày Đỗ Của tự cạo đầu thay cho lời thề "rũ bỏ quá khứ".

Đường vào núi Bà thăm thẳm.

Ở dưới chân núi này, ngoài Đỗ Của ra còn có trùm cướp giật Nguyễn Văn Công đang ẩn mình ở chùa Hang. Công là chiến hữu thủa "giang hồ" của Đỗ Của. Khi Của cạo đầu gác kiếm đã kéo Công quay về nẻo thiện. Công chủ động giải tán băng nhóm, ra đầu thú. Chấp hành pháp luật xong, Công tìm về chân núi, lao động và làm tất cả những gì có thể để sám hối. Đường lên núi chưa bao giờ dễ dàng với bất cứ ai. Những du khách thường xuyên lên viếng chùa Bà chắc hẳn sẽ biết đường lên đỉnh khó đi tới mức nào.

Chỉ duy có đoạn sắp lên đến điện Bà có những bậc thang được xây bằng đá hoa cương, thì đường đi mới đỡ vất vả. Ít ai biết rằng, để xây được đường đá hoa cương, Đỗ Của và những người trong đội khuân vác đã phải cõng từng bao xi măng, từng thanh sắt, từng viên đá lên núi. Thỉnh thoảng, trong những câu chuyện phiếm sau một ngày vất vả, họ lại đem chuyện quá khứ kể cho lớp trẻ nghe. Không phải để khoe khoang cũng không phải thị uy mà họ muốn nhắc nhở con cháu về quy luật cuộc đời, luật nhân quả.

Ánh chiều vàng khuất dần sau ngọn núi, Đỗ Của vẫn lặng lẽ mưu sinh, lặng lẽ gồng gánh trách nhiệm gia đình. Hiện con trai của vợ chồng Đỗ Của đã là sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh. Ở tuổi xế chiều, dù phải lao động cực nhọc nhưng ngày mai, ngày kia và nhiều ngày sau nữa, con đường Đỗ Của đã chọn để quay đầu là con đường đúng đắn và ý nghĩa nhất. 

Ngọc Thiện
.
.
.