“Quét sạch” tệ nạn ma túy ở Trung Sơn

Thứ Hai, 03/12/2018, 08:41
Trung Sơn từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy của huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Trước đây, ma túy như “cơn lốc đen” len lỏi vào cuộc sống người dân. Từ tệ nạn ma túy phát sinh các loại tội phạm, trộm cắp, cờ bạc… một điều chưa từng xảy ra trước đó. Chỉ đến khi cả hệ thống chính trị vào cuộc, lòng dân đồng thuận thì tệ nạn ma túy mới bị đẩy lùi, cuộc sống bình yên trở lại với người dân nơi đây.


Trong số những người nghiện ma túy ở xã Trung Sơn thì anh Bùi Văn Mẫn, SN 1980, ở thôn Bến Cuối, thực sự là tấm gương điển hình cai nghiện thành công, trở thành chủ cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nhớ lại những ngày tháng mắc nghiện, anh Mẫn cho biết: “Chỉ một chút thiếu tỉnh táo, không làm chủ bản thân mà tôi trở thành nô lệ “nàng tiên nâu”, trở thành gánh nặng của gia đình”.

Mẫn bị mọi người xung quanh xa lánh, ngay cả những người thân thích phải đề phòng bởi “thằng Mẫn là chuyên gia trộm cắp”. Mẫn được chính quyền địa phương đưa vào Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động xã hội tỉnh Hòa Bình.
Đại diện các xóm của Trung Sơn ký kết xây dựng địa bàn trong sạch, không có tệ nạn ma túy.

Sau khi Bùi Văn Mẫn trở về địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và gia đình đã chuẩn bị phương án giúp đỡ, động viên để anh hòa nhập với cộng đồng. Không như trước đây, để cai ma túy và tránh xa cám dỗ từ những người bạn nghiện, Mẫn đóng cửa ở biệt trong nhà, cách ly với xã hội. 

Anh tiếp tục chịu đựng những tháng ngày vật vã từ cơn thèm thuốc, rồi anh đã chiến thắng chính mình. Anh được các đồng chí Công an viên và các ban, ngành, đoàn thể trong xóm đã thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ tìm công việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Hàng tháng anh lên xã viết cam kết không tái nghiện và làm xét nghiệm cho  đến khi đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy.

Anh Mẫn được gia đình đầu tư tiền để xây chuồng trại nuôi vịt, phát triển sản xuất. Sau một năm chăm chỉ làm ăn, từ tiền bán vịt, vợ chồng anh thu được 50 triệu đồng. Sau đó anh còn được Hội Nông dân xã tín chấp giúp vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn được 25 triệu đồng để phát triển kinh tế. Có đồng vốn trong tay, anh mạnh dạn đầu tư mua máy móc nhận thầu xây dựng công trình. 

Từ đó anh dần trả hết vốn vay và tiếp tục mua thêm máy móc, thuê nhân công để nhận nhiều công trình thi công ngày dài ở địa bàn thị xã Sơn Tây, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Từ ngày Mẫn đi làm xa nhà, cả mẹ và vợ anh đều đi theo để đỡ đần việc cơm nước. Hiện tại, Mẫn có trong tay 20 thợ với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/tháng…

Trong căn nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, chúng tôi cảm nhận nụ cười rạng ngời hạnh phúc của bà Bùi Thị Hòa (mẹ của Mẫn) và chị Bùi Thị Vân, người vợ hết mực thủy chung đã sát cánh cùng Mẫn ngay cả lúc anh gặp khó khăn nhất trong cuộc sống. Sóng gió cuộc đời lắng xuống, giờ là lúc cả gia đình được tận hưởng thành quả mà họ phải đánh đổi để đạt được.

Trung Sơn là xã thuần nông, nằm ở phía Đông Nam của huyện Lương Sơn. Toàn xã chia thành 6 xóm với 1.151 hộ, 5.210 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 90%. Trung Sơn là xã miền núi, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân với phần đông bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa sống nhờ ruộng nương; nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức về pháp luật hạn chế; thanh thiếu niên thiếu việc làm “nhàn cư vi bất thiện” gây ra những phức tạp về an ninh, trật tự. 

Có thời điểm, Trung Sơn là điểm nóng về ma túy, nhiều con nghiện ngang nhiên mua bán, trao đổi và hút hít ma túy trước những ánh mắt non nớt của con trẻ, mầm mống tương lai của địa phương. Điều này gây quan ngại và lo lắng cho các bậc phụ huynh và người dân trong xã. 

Không để tệ nạn xã hội và ma túy tiếp tục hoành hành, Đảng ủy, UBND xã Trung Sơn có những bước đi, lộ trình hết sức cụ thể, thiết thực với mục tiêu không để phát sinh thêm đối tượng, tập trung cai nghiện, chữa trị những người nghiện, tạo điều kiện để họ tái hóa nhập cộng đồng. 

Cấp ủy, chính quyền địa phương lập ra Ban chỉ đạo phòng – chống tệ nạn xã hội, do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban Chỉ đạo, phân công các đồng chí trong thường trực Đảng ủy xã, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, trưởng các xóm trong xã tham gia Ban Chỉ đạo.

Đến nay, 6/6 xóm đã có hàng chục dòng họ hoạt động hiệu quả, duy trì các cuộc họp để giáo dục con cháu và tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách. Các nhà trường thì tổ chức tuyên truyền  phòng chống ma túy lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, ngoại khóa, hoặc thi tìm hiểu, thi báo tường... khiến các em nhỏ rất háo hức, tham gia đông đảo.

Dẫn chúng tôi mục sở thị tại các địa điểm trước đây là “điểm nóng” về ma túy của Trung Sơn, Chủ tịch xã Bùi Văn Ban phấn khởi cho biết, nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xã mà tệ nạn ma túy bị đẩy lùi. Sau hơn 3 năm triển khai Đề án, Trung Sơn đã trở thành điểm sáng trong công tác quản lý, giáo dục người lầm lỡ tại cộng đồng của huyện Lương Sơn.

Từ tấm gương cai nghiện vươn lên làm giàu của anh Bùi Văn Mẫn, nhiều người lầm lỗi hoặc mắc nghiện tìm đến anh như tấm gương để học tập, tự sửa mình. Đã xuất hiện nhiều trường hợp đoạn tuyệt ma túy, trở thành điển hình làm kinh tế giỏi như: anh Bùi Văn Sơn, anh Bùi Cao Thiên, anh Nguyễn Hoài Phương, anh Lê Đình Giáp ở xóm Lộc Môn; anh Bùi Văn Chung, anh Nguyễn Văn Nhường ở xóm Bến Cuối... 

Bộ mặt nông thôn ở Trung Sơn có nhiều khởi sắc, kinh tế phát triển, đời sống người dân được cải thiện. Đó là những tín hiệu vui.

Như Hùng
.
.
.