Quy hoạch nghĩa trang ở Hà Nội: Không được bỏ quên người có thu nhập thấp

Thứ Năm, 10/04/2014, 11:00

Theo quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đã được phê duyệt cho giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 273 héc ta tại khu vực đô thị và khoảng 63 héc ta cho các khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố từ nay cho tới năm 2020. Diện tích này sẽ tăng gấp đôi tới năm 2030.

Do tốc độ đô thị hóa đang diễn ra quá nhanh nên quỹ đất nghĩa trang thành phố Hà Nội đang dần trở nên quá tải. Mặc dù Thành phố đã có quy hoạch tổng thể về đất nghĩa trang trên cơ sở bám sát quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2005, nhưng người dân Hà Nội đang phải gánh một mức chi phí quá lớn cho việc mua lại mộ phần từ các nghĩa trang doanh nghiệp tư nhân với mức giá cao. Dù các nghĩa trang mới được đánh giá là mô hình mới, thân thiện, văn minh với môi trường và là xu hướng tất yếu của xã hội nhưng với mức giá vài chục triệu thì đây quả là điều khó khăn với những người có thu nhập thấp.

Đất mộ đắt hơn đất ở

Hà Nội là thành phố có tốc độ phát triển dân số cực lớn, hệ quả tất yếu là quỹ đất cả cho "người âm" và "người dương" đang bị thiếu trầm trọng. Các nghĩa trang hiện có đang quá tải và không còn quỹ đất để mở rộng. Tại nghĩa trang thành phố Văn Điển, thành phố cũng đã phải đóng cửa việc mai táng vào 7/2010 do không còn quỹ đất. Các nghĩa trang tập trung khác như: Xuân Đỉnh, Mai Dịch, Văn Phúc, Yên Kỳ 1 và Sài Đồng cũng sẽ xảy ra tình trạng tương tự chỉ trong 3 năm tới.

Theo quy hoạch nghĩa trang Hà Nội đã được phê duyệt cho giai đoạn từ nay đến 2020, tầm nhìn 2050, quỹ đất dành cho xây dựng nghĩa trang thành phố sẽ là 273 héc ta tại khu vực đô thị và khoảng 63 héc ta cho các khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố từ nay cho tới năm 2020. Diện tích này sẽ tăng gấp đôi tới năm 2030.

Theo đề án trên, có tới gần 300.000 ngôi mộ phải di dời trong khu vực đô thị, chiếm khoảng 20% tổng số ngôi mộ phải di chuyển, tương ứng với diện tích phải di dời đến năm 2020 là 86 héc ta, và lên tới 216 héc ta vào năm 2030.

Nhiều nghĩa trang mới sẽ được xây dựng theo hình thức xãî hội hóa đầu tư, ví dụ như nghĩa trang Thanh Tước - Mê Linh, hay nghĩa trang Yên Kỳ 2, nghĩa trang Vĩnh Hằng, nghĩa trang Minh Phú.

Tuy nhiên một vấn đề nghịch lý là những người sống tại Hà Nội đang phải bỏ một chi phí khá lớn cho việc thuê, mua đất dành cho người khuất. Đất nghĩa trang dành cho những người làng đã hiếm, đất dành cho những người ở xa quê lên lập nghiệp ở Hà Nội còn hiếm gấp nhiều lần.

Đã có nhiều gia đình chuyển mộ từ Hà Nội lên Hòa Bình.

Trong vai một người đi tìm mua đất nghĩa trang cho người thân, đến đâu chúng tôi cũng được nhận cái lắc đầu rằng nghĩa trang chỉ nhận người làng. Được biết, mỗi suất đất (tầm 3-4m2) ở nghĩa trang Xuân Đỉnh có giá khoảng 50 -55 triệu đồng. Nếu là đất cải táng từ mộ cũ chuẩn bị hoặc đã di dời, giá dao động từ 30 - 24 triệu đồng/suất. Còn lại, những phần đất hướng Đông Nam, sát đường (tiện cho việc chăm sóc, thăm nom), giá lên mức 90-100 triệu đồng/suất.

Một suất 3-4m2 tại Lạc Hồng Viên có giá ngót 35-40 triệu đồng nhưng hầu như đã kín chỗ sau 3 năm nghĩa trang đi vào sử dụng. Giá cao gấp nhiều lần các nghĩa trang ở Hà Nội nên Lạc Hồng Viên và Vĩnh Hằng thường nằm ngoài khả năng tài chính của những người lao động có thu nhập thấp. Việc tìm mua các phần đất cho người đã khuất, hay một khu đất dành cho gia tộc càng trở nên khó khăn do nghĩa trang Văn Điển không nhận hung táng từ năm 2010. Kèm theo đó, việc nhiều nghĩa trang từ chối nhận người ngoài (ở địa bàn khác tới) cũng như giá cả, hay vị trí không thuận lợi đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh "đỏ mắt tìm nơi an nghỉ cho người đã khuất".

Nhiều người dân đi tham quan để mua mộ dự phòng quy hoạch.

Anh Huân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Quê tôi tận Điện Biên, nhà tôi xuống Hà Nội từ lâu lắm rồi. Bố tôi đang bệnh nặng nên gia đình chủ trương đi tìm đất cho cụ trước, nhưng mà tình hình giờ đất đai đắt đỏ quá. Các nghĩa trang nhỏ trong thành phố hầu như ngừng tiếp nhận mộ, muốn có chỗ phải đi các nghĩa trang xa, nhưng giá cả hơn chục triệu 1m2, tùy từng vị trí mà nhà tôi cũng không có điều kiện. Đưa cụ về quê thì cũng không đành, vì đường sá xa xôi quá, anh em tôi lại công tác hết dưới này. Thật khó nghĩ quá".

Trường hợp như anh Huân không hiếm khi ở Hà Nội hiện nay có rất nhiều người ở quê ra lập nghiệp, thu nhập còn rất nhiều khó khăn, có được một ngôi nhà ở đã khó nay lại phải lo lắng tìm đất cho những người đã khuất.

Kinh doanh trên đất của người "âm"

Việc đất nghĩa trang dành cho người khuất ngày càng trở nên khan hiếm đã đẩy giá đất nghĩa trang lên cao chóng mặt. Nhiều ban quản lý nghĩa trang địa phương còn lợi dụng điều này để kinh doanh.

Theo anh Toàn, nhân viên kinh doanh của nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình, thì tại đây, Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ đã mua hẳn một khu đất để làm nghĩa trang chung cho khu Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan chuyển lên. Tuy nhiên đến nay mới có khoảng 40 mộ di dời, số còn lại do chưa có điều kiện nên cũng phải chờ. Những gia đình có mộ phần ở nghĩa trang Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan muốn chuyển mộ lên đây thì phải bỏ tiền ra để mua lại của Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ.

Một nhân viên văn phòng của Hợp tác xã Thương mại Láng Hạ cũng đã xác nhận điều này khi chúng tôi đến tìm hiểu. Điều này đồng nghĩa với việc, những gia đình có mộ phần tại nghĩa trang khu vực đã mất tiền mua đất một lần, nếu theo quy hoạch phải di dời ra khỏi nội thành thì lại một lần nữa phải bỏ tiền với giá cao hơn để mua đất nghĩa trang ở khu vực khác. Việc phí chồng phí đã khiến nhiều gia đình thực sự e ngại khi nhắc đến việc quy hoạch nghĩa trang trong tương lai.

Khu nghĩa trang di dời của người dân láng Hạ - Vũ Ngọc Phan.

Bác Quý, người sống gần nghĩa trang Láng Hạ-Vũ Ngọc Phan cho biết: "Tôi cũng đã nghe thấy thành phố có quy hoạch nghĩa trang trong tương lai, theo đó các ngôi mộ trong nội thành sẽ được di dời ra ngoại thành. Điều này là rất đúng đắn, bởi lâu nay người sống người chết ở cạnh nhau ghê quá, nhiều nơi ô nhiễm không chịu được. Như nghĩa trang Láng Hạ - Vũ Ngọc Phan này dù nhỏ toàn mộ khô nhưng vẫn thấy ghê ghê. Hiện nay cũng có nhiều gia đình ở đây tự nguyện di dời mộ phần đi lên nghĩa trang ở Hòa Bình, nhưng đấy là những người có nhiều tiền. Còn những người có thu nhập thấp thì họ cũng kệ. Thành phố cho di dời đi đâu thì đi thôi, nhưng nếu phải mất nhiều tiền thì chắc chúng tôi cũng chịu".

Còn bà Hòa (Kim Liên, Hà Nội) thì lắc đầu ngán ngẩm: "Chồng tôi mất cách đây 4 năm, cũng đang thuê đất ở Văn Điển. Sắp tới sang cát cho ông ấy, tôi cũng chưa biết phải đưa ông ấy về đâu. Quê tôi ở Hà Tĩnh, vợ chồng tôi theo các con ra đây 20 năm rồi, giờ mà bảo đưa ông ấy về quê thì xa quá, tôi già rồi, các con thì bận không thể đi lại thăm nom ông ấy được, mà mua đất cho ông ấy ở Hà Nội giờ khó quá vì các nghĩa trang đều bắt đầu ngừng tiếp nhận. Các công viên nghĩa trang thì xa và quá đắt. Chúng tôi cũng muốn di dời phần mộ ra ngoại thành lắm chứ vì khu nghĩa trang nằm giữa khu dân cư cũng gây mất mĩ quan và ô nhiễm nhưng người ít tiền như chúng tôi thì biết di dời mộ đi đâu, về đâu".

Nói về vấn đề kinh doanh những khu đất nghĩa trang như vậy, ông Trần Tuấn Anh - PGĐ của Lạc Hồng Viên cũng cho biết: "Tôi biết có nhiều công viên nghĩa trang cũng có hiện tượng này xảy ra. Dẫu sao đây cũng là một sản phẩm dù mang tính chất tâm linh và có giá trị nhân văn của riêng nó. Thế nhưng phải làm thế nào đừng để sản phẩm này được bán thương mại quá, làm mất đi giá trị, cái đẹp của nó…".

Việc quy hoạch nghĩa trang của Thủ đô trong tương lai là điều cần thiết khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, dân cư đông đúc nhưng phải có sự tính toán thế nào cho hợp lý. Theo văn hóa của người Việt, vấn đề tâm linh rất được coi trọng nhưng cũng vì thế mà nhiều người có thu nhập thấp phải đắn đo trong việc lựa chọn mồ mả cho người thân trong gia đình. Khi đất cho người "âm" cũng bị thương mại hóa thì khó khăn dành cho những người thu nhập thấp lại càng trở thành mối lo chẳng kém chuyện cơm, áo, gạo, tiền là bao.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm - Hội Qui hoạch Phát triển đô thị Hà Nội (nguyên Giám đốc Sở Qui hoạch - Kiến trúc) cho biết: "Với chủ trương xã hội hóa thì nghĩa trang hiện nay đã tương đối giải quyết tốt cho nhu cầu nghĩa trang nói chung, nhưng nếu như vấn đề xã hội hóa mà người ta bỏ vốn ra làm nghĩa trang, thì một mặt nó vừa có tính từ thiện, một mặt nó vẫn mang tính chất kinh doanh. Vậy đặt ra vấn đề là nghĩa trang cho những người thu nhập thấp sẽ như thế nào. Chúng ta đã quan tâm vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, thì cũng quan tâm đến những người sắp mất. Ở đây phải giải quyết được mối quan hệ giữa nguồn vốn từ xã hội hóa và nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để đảm bảo công bằng giữa những người có thu nhập khác nhau. Nếu đặt ra vấn đề như vậy thì thứ nhất là cần phải suy nghĩ có nguồn vốn ngân sách.

Hiện nay tỷ trọng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư cho nghĩa trang còn chưa tương xứng với tỉ trọng của người thu nhập thấp. Thứ 2 là phải cố gắng vận động phương thức cải táng. Hiện nay những trường hợp hỏa táng còn rất ít, sắp tới Nhà nước cần khuyến khích và đồng thời hỗ trợ những chủ trương hỏa táng, tăng cường xây dựng dãy nhà hỏa táng bằng các yếu tố hiện đại. Hai yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến vấn đề nghĩa trang cho người thu nhập thấp".

Thời gian qua, một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng công viên nghĩa trang, tuy rất đẹp nhưng giá quá đắt nên chỉ người giàu mua được. Người nghèo đặc biệt là người dân nghèo đô thị không thể tiếp cận, gây nên áp lực cho Thủ đô. Quy hoạch nghĩa trang của Thủ đô Hà Nội phải đặc biệt quan tâm đến người dân nghèo. Cần đề xuất phương án quản lý hợp lý, đồng thời cân đối nguồn lực thực hiện quy hoạch,… để mọi người dân, đặc biệt là người dân nghèo đô thị, khi người thân mất, tiếp cận đất được dễ dàng và bộ mặt đô thị trở nên đẹp hơn.

N.Trâm - L. Phong
.
.
.