Quyền riêng tư của trẻ em trên môi trường mạng và truyền thông chớ xem nhẹ

Thứ Sáu, 09/06/2017, 17:04
Luật Trẻ em 2016 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, theo đó quy định, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.


Từ quy định của Nhà nước, nhìn lại những năm qua, quyền riêng tư của trẻ em có xu hướng bị lạm dụng ngày càng nhiều, gây nên những hậu quả đau lòng. Trong đó, phải đặc biệt nhấn mạnh đến việc trẻ em bị xâm phạm quyền riêng tư trên môi trường mạng và trên các phương tiện truyền thông.

Nguy cơ trẻ em mất an toàn trên mạng xã hội

Ngày nay, việc các bậc làm cha mẹ, người giám hộ, hay thậm chí là người xa lạ với trẻ em đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng xã hội không còn là việc hiếm. Nó phổ biến đến nỗi, mọi người đã quên mất trách nhiệm của mình phải hỏi ý kiến trẻ em (đối với những trẻ từ 7 tuổi trở lên), được các em đồng ý cho phép đăng tải hình ảnh trên mạng thì mới được phép đăng. 

Với những trẻ nhỏ tuổi, việc đăng hình ảnh các em nhất thiết phải được cha mẹ, người giám hộ đồng ý. Tuy nhiên, vi phạm quyền riêng tư của trẻ trên môi trường mạng đa số lại đến từ cha mẹ, người thân, người giám hộ của trẻ. Hành vi của các bậc phụ huynh bắt đầu từ tình yêu với con cái, không có dụng ý xấu, nhưng vô tình lại phạm vào các quy định của pháp luật về quyền riêng tư của con trẻ. 

Chúng ta dễ dàng bắt gặp các ông bố bà mẹ khoe con trên mạng xã hội (face book, zalo hay Twitter) với niềm tự hào, có thể kèm kết quả học tập, hay mục đích vui là chính. Hành động tưởng như rất vô tư đó vô hình trung đã mang đến sự không an toàn cho trẻ nhỏ và thậm chí là cho cả gia đình của các em.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, các bậc cha mẹ phải hết sức thận trọng trong việc đưa hình ảnh con em mình lên mạng xã hội. Một số nước đã đưa vào Luật Hình sự để thực thi, theo đó, cha mẹ tuyệt đối không được đưa ảnh con lên mạng, và nếu cố tình làm sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí phải ngồi tù. 

Ở nước ta, dù luật đã quy định, nhưng nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa nhận thức hết các mối nguy hại mà con cái của họ phải đối mặt khi đưa hình ảnh con lên mạng cá nhân. Bởi nếu họ không cài đặt chế độ riêng tư, thì hình ảnh và thông tin của trẻ bất kỳ ai cũng có thể tìm thấy. 

Ví dụ, một người mẹ đăng ảnh con đi học, mặc đồng phục rõ tên trường là rất nguy hiểm. Những kẻ xấu trên mạng có thể lần theo thông tin bạn tiết lộ trên trang cá nhân như: thường đón con muộn, hay chồng đi công tác vắng, thì bạn có thể không hình dung hết những màn kịch mà kẻ bắt cóc trẻ em sẽ tạo dựng nên. Trong thực tế, không phải không từng có những ví dụ đau lòng từ việc bất cẩn đưa thông tin và hình ảnh trẻ em lên mạng xã hội như vậy.

Đưa ảnh con đang tắm (không áo quần) lên mạng cũng là hành vi nguy hiểm không kém. Kẻ xấu có thể sử dụng hình ảnh con bạn vào những mục đích khiêu dâm mà bạn không hề biết. 

Ngoài ra, hình ảnh đã đưa lên mạng thì thường tồn tại trên môi trường đó rất lâu, có thể khi con bạn lớn hơn, vô tình chúng nhìn thấy hình ảnh đó trên mạng, chúng sẽ xấu hổ, hoặc có tâm lý không tốt. 

Luật Trẻ em 2016 nước ta vừa có hiệu lực đã quy định rất rõ ở Điều 33 về các thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em…

Như vậy, các bậc cha mẹ cần thiết phải nâng cao hiểu biết của mình để có ý thức bảo vệ con cái, bảo vệ gia đình thông qua những gì bạn đăng tải trên mạng xã hội.

Truyền thông khai thác thông tin trẻ em quá đà

Trong thời đại bùng nổ thông tin, trẻ em đã trở thành một công cụ giúp các nhà sản xuất chương trình hái ra tiền. Nếu như với đối tượng là người trưởng thành, truyền thông thường thận trọng hơn trong việc khai thác, đăng tải thông tin, thì với đối tượng là trẻ em, truyền thông có lúc xem nhẹ việc này. Nguyên do là bởi trẻ em vô tư, chưa có khái niệm về việc kiện cáo, đòi quyền lợi cho mình. 

Các nhà sản xuất cần thận trọng khi khai thác hình ảnh trẻ em trong các chương trình truyền hình thực tế.

Tình trạng bùng nổ game show trên truyền hình kéo theo một số lượng lớn những game show lựa chọn người chơi là trẻ em. Đưa các em vào sân chơi truyền hình, các nhà sản xuất đã rất nhanh nhạy để khai thác những thông tin cá nhân của từng hoàn cảnh cụ thể phục vụ cho mục đích câu view, tăng rating của mình. 

Không hiếm những chương trình tìm kiếm tài năng nhí… tỏ ra lạm dụng trẻ em khi khai thác quá sâu những chi tiết đời tư của các em. Có một mô típ chung là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt thì luôn được nhà sản xuất quan tâm đặc biệt. Cách lấy nước mắt của khán giả, lấy tin nhắn bình chọn của khán giả thường được đi sâu qua khai thác cuộc sống đời thường của nhân vật. 

Không hiếm em nhỏ, sau khi tham gia một chương trình truyền hình, mọi thông tin cá nhân về cuộc sống, gia đình của em được phơi bày hết với khán giả. Có thể ban đầu các em và cha mẹ các em cũng vô tư đồng ý với việc khai thác thông tin của truyền thông, nhưng sau một thời gian, hệ lụy của việc không còn bí mật, nhất là những bí mật không lấy gì làm hạnh phúc, vui vẻ, no ấm được trưng ra với đám đông, thì người trong cuộc thường có tâm lý tự ti, tổn thương nặng nề.

Truyền thông đã từng nếm trái đắng khi đăng ảnh một bé gái bị xâm hại mà không dùng kỹ thuật làm mờ gương mặt của em, sau đó em xấu hổ và tìm cách tự tử. Trong không ít vụ án xâm hại trẻ em gái, hình ảnh nạn nhân (để phục vụ công tác điều tra) lại được truyền thông đăng tải công khai, làm tổn thương lâu dài tinh thần của trẻ em. 

Ngay cả việc truyền thông “săn” những tấm hình trẻ nhỏ, là con của những ngôi sao, những người nổi tiếng, nếu đăng tải mà không được sự đồng ý của họ thì họ hoàn toàn có quyền kiện ra tòa án. Tóm lại, đạo đức của người làm truyền thông cần được đặt ra trong vấn đề sử dụng, khai thác hình ảnh trẻ nhỏ.

Trung Quốc từng ban hành lệnh cấm trẻ em tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế, vì lo ngại việc các em bị truyền thông khai thác thông tin quá đà dẫn đến những tổn thương tâm lý. Riêng ở nước ta, cùng với bùng nổ các game show, còn là tâm lý của nhiều bậc cha mẹ muốn con lên truyền hình để “nổi tiếng sớm”. Vì nôn nóng lại thiếu hiểu biết, nhiều bậc cha mẹ đã sẵn sàng đẩy con vào “vòng xoáy” thị phi, biến con thành công cụ kiếm tiền từ sớm.

Trên thực tế, những thu nhận được về lợi ích từ việc khai thác thông tin riêng tư của trẻ chẳng thấm vào đâu so với mất mát mà các em phải trải qua, đánh đổi. Nhiều đứa trẻ vì phải làm “ngôi sao” quá sớm mà mất đi cả tuổi thơ, không được sống và phát triển như bạn bè bình thường cùng trang lứa. Khi gặp khó khăn hay chịu không nổi những áp lực của đời sống, các em rất dễ bị trầm cảm.

Đã đến lúc các bậc làm cha mẹ phải sáng suốt nhìn lại việc cung cấp thông tin, khai thác thông tin của con mình sao cho thật hợp lý. Mục tiêu cuối cùng là bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, đảm bảo các con được lớn lên trong một môi trường lành mạnh, không có bất kỳ nguy cơ hay rủi ro nào.

Hội Quân
.
.
.