Vụ sập mỏ than ở Hòa Bình:

Hơn 150h căng thẳng tột độ cứu hộ nạn nhân vụ sập hầm ở Hòa Bình

Thứ Ba, 24/11/2015, 10:30
Khoảng 8h ngày 18/11,  mỏ khai thác than thuộc xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) bị sập khiến 3 công nhân chết và mất tích. Hàng nghìn lượt người cùng với nhiều lực lượng đã tham gia công tác cứu hộ với tinh thần quyết tâm cao nhất. Sau 6 ngày triển khai cứu hộ, thi thể ba nạn nhân đã được tìm thấy và bàn giao cho gia đình lo hậu sự. 

Hàng nghìn lượt người tham gia cứu hộ

Sự cố sập mỏ than xảy ra vào 8h sáng 18/11, khi đó một nhóm công nhân gồm 7 người đang tiến hành thăm dò khai thác than của Công ty TNHH Tân Sơn trên địa bàn xóm Đồi, xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình thì bất ngờ hầm lò đổ sập xuống. 

Khi xảy ra vụ việc, 4 công nhân làm việc ở phía bên ngoài đã nhanh chân kịp chạy thoát. Ba công nhân còn lại gồm: anh Bùi Văn Thỏn (36 tuổi), Bùi Văn Quý (24 tuổi) và anh Bùi Văn Tuấn (22 tuổi) cùng trú tại xã Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đã bị mắc kẹt trong hầm lò. Đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã đưa được thi thể nạn nhân Bùi Văn Thỏn ra khỏi hầm lò. 

Từ đêm 18/11 đến nay, hàng nghìn lượt người thuộc nhiều lực lượng như: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, lực lượng cấp cứu mỏ của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Quân khu 3… đã chia thành nhiều nhóm, thức trắng đêm thay nhau vào hầm để khắc phục và tìm kiếm nạn nhân bị mắc kẹt.

Đại tá Nguyễn Ninh Khải, Trưởng phòng cứu hộ cứu nạn Quân khu 3 cho biết: "Việc cứu hộ được làm theo ca. Số lượng người trong mỗi ca lại phụ thuộc vào từng thời điểm khác nhau. Thời gian đầu khi còn ở gần cửa hang thì mỗi ca sẽ là 50 người và thời gian cứu hộ là 2 tiếng. Nhưng càng sâu vào trong cửa hang càng hẹp theo hình ống phễu thì số lượng người mỗi ca chỉ còn khoảng từ 7 đến 10 người. Và mỗi ca cũng chỉ kéo dài được từ 45 phút đến 1 tiếng, vì càng vào trong điều kiện môi trường rất khắc nghiệt, không khí càng ngột ngạt. Hiện vẫn phải bơm ôxi từ ngoài vào".

Các chiến sĩ tranh thủ giải lao sau ca của mình.

Do đặc điểm của hầm càng vào sâu càng hẹp lại nên lực lượng chức năng không thể đưa máy móc hiện đại vào trong lò. Thay vào đó, công việc cứu hộ được làm rất thủ công, những người phía trước sẽ có nhiệm vụ bới đất trước mặt rồi quẳng lại phía sau. Những người phía sau sẽ có nhiệm vụ cho đất vào bao tải sau đó chuyền tay nhau đưa ra phía cửa hang.

Phía ngoài, hàng chục lán trại được lực lượng chức năng dựng ngay cạnh hiện trường. Ngoài những lán trại dựng cho lực lượng cứu hộ nghỉ tạm còn có cả lán trại dành cho người thân của nạn nhân.

Sau 4 ngày cứu hộ với tinh thần tập trung cao nhất và huy động lực lượng đông nhất, đến khoảng 17h30’ ngày 21/11, nạn nhân Bùi Văn Tuấn đã được tìm thấy trong tình trạng đã tử vong. Đến 19h, thi thể của nạn nhân Tuấn đã được đưa ra khỏi hầm lò. Ngay sau đó Công an huyện Tân Lạc đã tổ chức khám nghiệp pháp y và bàn giao cho gia đình nạn nhân lo hậu sự.

Đại tá Trần Mạnh Hải, Trưởng Công an huyện Tân Lạc cho biết: "Kể từ khi xảy ra sự việc đến nay đã có hàng nghìn lượt người tham gia công tác cứu hộ. Hiện lực lượng cứu hộ đã đào kịch đường hầm và đã đào lên thượng để tìm kiếm nạn nhân cuối cùng".

Dù rất đói và mệt nhưng bà Linh vẫn cố bám trụ hiện trường chờ tin tức của người thân.

Ngồi cạnh các cộng sự của mình, đồng chí Đồng Đức Trí, cán bộ PC66 không giấu được sự mệt mỏi. Anh chia sẻ: "Đây là lần thứ 3 trong ngày chúng tôi tham gia cứu hộ. Tuy thời gian cứu hộ không nhiều nhưng vào trong đó không khí ngột ngạt khiến cơ thể mất rất nhiều năng lượng. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để cùng với mọi người trong thời gian nhanh nhất tìm được nạn nhân cuối cùng, đưa thi thể họ về với gia đình". Đến 5 giờ sáng 23/11 nạn nhân cuối cùng là Bùi Văn Qúy cũng được lực lượng chức năng tìm thấy và đưa ra khỏi hầm lò.

Ngay sau khi đưa tử thi ra khỏi hầm lò, lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, vì đã trải qua 5 ngày chôn vùi dưới lòng đất, nên tử thi đã bắt đầu phân hủy.

Cũng chỉ tại cái nghèo

Có chứng kiến quá trình cứu hộ mới thấy được sự căng thẳng đến tột độ của tất cả những người có mặt tại hiện trường. Những tiếng thở dài, lắc đầu của những người trực tiếp cứu nạn, ánh mắt thất thần của người nhà nạn nhân khiến cho không khí ở đây ngột ngạt hơn bao giờ hết. Khu mỏ nằm tách biệt khu dân cư chừng 10km, vốn yên ả thì nay bị đánh thức bởi tiếng người, tiếng máy móc gầm rú.

Một chiến sĩ bị thương nhẹ ở chân sau khi vào mỏ tìm kiếm nạn nhân.

Cơn mưa rừng bất chợt khiến con đường vào mỏ than lầy lội, trơn trượt. Không ngừng hướng về phía hầm bị sập, anh Dương (giám sát chung mỏ than) vẻ thất thần, người gầy sọp cứ lẩm nhẩm: "Nhanh thêm vài phút thôi, mọi sự đâu đến nỗi này". Mọi người lại nhìn nhau chẳng nói câu nào. Anh Dương kể tiếp: "Đáng lẽ ra hầm đã không sập. Chỉ nhanh có vài phút thôi, nếu mấy anh em không cố lấy thêm mảng than nữa. Chắc là mỏ than sâu quá. Tầng trên là những lò than đã khai thác bỏ không nhiều năm nay chưa được lấp, nước đọng lưu lại nhiều, cũng có thể anh em đã chọc bục túi nước".

Để không làm ảnh hưởng tới công tác cứu nạn, toàn bộ người dân phải đứng từ phía xa theo dõi. Ngồi khu vực lán chờ là thân nhân của những người còn mắc kẹt. Bà Bùi Thị Linh (cô của nạn nhân Bùi Văn Quý) ngồi ôm gối kiệt sức chờ đợi tin tức của cháu mình. Bà Linh bảo, bố mẹ Quý già yếu lắm, biết tin đã ngã quỵ, dù rất muốn đến đây chờ tin con nhưng đành bất lực.

Nói đến đây bà Linh không cầm được nước mắt: "Thằng Quý làm ở mỏ này người ta trả cho 200 nghìn đồng/ ngày, trừ tiền ăn 60 nghìn chẳng còn là bao. Vậy mà cháu tôi phải làm từ 6 giờ sáng cho đến tối mịt. Thằng Quý mới cưới vợ và sinh được một thằng con trai kháu khỉnh lắm. Con nó vừa mới chỉ biết bập bẹ gọi "ba, ba" thôi. Nó đi làm than, ai cũng biết là nguy hiểm nhưng nhà nghèo vẫn đành phải nhắm mắt đưa chân thôi".

Ban chỉ đạo cứu nạn phác lại sơ đồ hầm than.

Phía góc đồi xa xa chúng tôi nhận ra mấy người đang hì hụi thắp hương khấn vái. Hỏi ra mới biết đó là những người thân trong gia đình Quý. Ông Bùi Văn Thinh (bác ruột của Quý) cho biết: "Anh em họ hàng chúng tôi đã đến từ mấy hôm trước. Chúng tôi phải đi ra phía xa thắp hương cầu khấn cho Quý được bình an. Vào trong kia người ta không cho khóc, cũng không cho thắp hương đâu. Người ta bảo ảnh hưởng đến việc cứu nạn, mà mới chỉ mất tích thôi chứ đã biết thế nào đâu mà hương với khói? Quý là con cả trong nhà có hai anh em. Gia đình cũng khó khăn trăm bề, không biết rồi sau này bố mẹ, vợ con nó trông cậy vào ai".

Không khí vội vã của lực lượng cứu nạn, tiếng máy móc gầm rú, dường như chẳng ai để ý đến một cậu thanh niên chừng 17 tuổi. Từ hôm xảy ra tai nạn sập lò, cậu đã có mặt ngay buổi chiều hôm đó. Gặng hỏi mãi cậu thanh niên mới cho biết là Bùi Văn Xinh (em trai nạn nhân Bùi Văn Tuấn, người còn mắc kẹt trong hầm).

Theo những chiến sĩ, công nhân tại đây, đã 2 đêm liền Xinh không ăn uống cũng chẳng hề chợp mắt lấy một phút. Chúng tôi hỏi sao Xinh không ngủ đi một lát, cậu thanh niên đưa ánh mắt vô hồn về phía cửa hang: "Ngủ nhỡ người ta tìm được anh thì sao, không có người thân ở đó anh sẽ thấy tủi thân".

Trời mỗi ngày một tối hơn, cơn mưa rừng càng nặng hạt. Manh áo mỏng không đủ ấm thân nhưng dường như nó chẳng còn quá quan trọng với những người như em Xinh, bà Linh… Xinh nói mà nước mắt cứ giàn giụa: "Em đang phụ hồ ở Bắc Ninh, nghe tin anh bị kẹt dưới hầm mà chân tay như không cử động được nữa. Anh Tuấn với em rất thân thiết với nhau, do hoàn cảnh khó khăn mà anh ấy phải bỏ học vào Nam làm, rồi sau đó ra lại ngoài này làm phu than… bây giờ anh ấy lại ở trong kia. Tất cả cũng chỉ tại cái nghèo. Biết là nguy hiểm mà vẫn phải đâm đầu vào như đánh bạc!".

Phong Anh
.
.
.