Quyết ngăn chặn mũ bảo hiểm rởm

Chủ Nhật, 31/12/2017, 09:31
Mới đây, chúng ta vừa kỷ niệm một sự kiện khá đặc biệt, tuy không ồn ào nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong đời sống xã hội, đó là 10 năm thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, trong đó có quy định người tham gia giao thông bằng mô-tô, xe gắn máy… bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm (MBH).


Còn nhớ những ngày đầu, khi người tham gia giao thông chưa có thói quen đội MBH, các cơ quan chức năng đã phải tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau. Tất nhiên, khi sự tự giác chưa có thì buộc phải dùng đến biện pháp bắt buộc là xử phạt hành chính.

Rất may, mấy tháng sau, thói quen tốt đẹp dần hình thành. Mọi người tự giác sử dụng MBH bởi hơn ai hết, họ biết quý trọng sức khỏe, tính mạng của bản thân mình. Và mỗi khi ra đường, nếu trên đầu không có MBH, họ sẽ cảm thấy mình trở nên lạc lõng.

Đội một chiếc MBH đúng chất lượng ra đường, không hẳn là bạn đã loại trừ được những tai nạn rủi ro, những thiệt hại về người và tài sản. Nhưng có một điều bạn có thể biết được, đó là khi tai nạn xảy ra, toàn bộ vùng đầu, mặt của bạn sẽ được bảo vệ tốt hơn. Là người khuyết tật đã khổ, nhưng nếu bị chấn thương sọ não thì khổ gấp trăm ngàn lần, không chỉ với người bị nạn mà cả với người thân của họ.

Minh hoa của Lê Tiến Vượng.

Những con số thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia khiến chúng ta ấm lòng: tỷ lệ người đội MBH khu vực nội đô đã đạt trên 90%. Qua đây, giúp giảm 60% nguy cơ chấn thương đầu, 40% nguy cơ tử vong đối với nạn nhân tai nạn giao thông, tiết kiệm 3,5 tỷ USD về chi phí y tế, tổn thất, thương tật…

Sau 10 năm, có nhiều bài học được rút ra, nhiều kinh nghiệm được phổ biến, nhiều vấn đề cần trao đổi… song có 2 vấn đề khá nổi cộm mà các cơ quan hữu quan cần vào cuộc. Thứ nhất, đó là việc người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu tự giác trong việc đội MBH. Việc xử lý của các cơ quan chức năng nơi đây cũng chưa kiên quyết và hiệu quả. 

Thứ hai, tình trạng MBH rởm, chất lượng kém vẫn bày bán công khai trên thị trường với giá rất rẻ mà không bị xử lý. Người sử dụng những chiếc MBH này để đối phó với các cơ quan chức năng còn thực chất loại mũ này không hề có tác dụng trong việc phòng ngừa khi tai nạn xảy ra.

Tất nhiên, với những khu vực không phải thành phố lớn, để việc đội MBH thành thói quen, công tác tuyên truyền, giáo dục cần tiếp tục được phát huy ngay từ trường học với nhiều hình thức phong phú, tiến tới sâu rộng. 

Cùng với đó là việc xử phạt nghiêm khắc. Những công tác này cần làm liên tục, thường xuyên với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Chắc chắn, việc đội MBH của người tham gia giao thông nơi đây sẽ có những chuyển biến tốt.

Còn việc kinh doanh MBH rởm, có thể thấy ngay rằng, đi trên các tuyến phố trong nội đô hay các tuyến đường ngoại thành Hà Nội, tại một số khu chợ đêm, chúng ta dễ bắt gặp những cửa hàng, các sạp hàng nhỏ lẻ hay một góc vỉa hè bày bán la liệt mũ bảo hiểm rởm (không dán tem hợp quy, hợp chuẩn) phong phú về mẫu mã, chủng loại với giá rất mềm, từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/chiếc. 

Không khó khăn gì khi gọi đó là những chiếc mũ rởm bởi nó nhẹ tênh, không có xuất xứ hàng hóa và chỉ cần đập xuống đất vài cái là vỡ vụn. Điều vô lý là việc kinh doanh MBH rởm diễn ra công khai, trong một thời gian dài nhưng không hề thấy bóng dáng các cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý?

Trên thực tế, từ cửa hàng kinh doanh MBH, không khó khăn gì khi lần tìm ra những cơ sở sản xuất, tiêu thụ MBH rởm. Chỉ là các cơ quan chức năng có làm hay không mà thôi. Đối chiếu với những quy định của pháp luật hình sự thì việc sản xuất, tiêu thụ MBH rởm có những tình tiết tăng nặng như: ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và sản xuất với số lượng lớn… và tất nhiên, người bị xử lý sẽ phải nhận bản án nghiêm khắc.

Còn người sử dụng MBH rởm, bạn có thể qua mặt các cơ quan chức năng khi đội những chiếc mũ nhẹ tênh đó, nhưng bạn không thể lừa dối chính mình. Tai nạn xảy ra là điều không ai muốn, nhưng nếu nó bất ngờ đến với bạn và để lại những hậu quả nặng nề cho hệ thần kinh thì đó là một kết cục đã được báo trước.

Tuấn Nguyễn
.
.
.