Quyết tâm giữ cho bản làng không còn tiếng súng

Thứ Tư, 01/04/2015, 07:00
Trung tá Hà Công Ử - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mai Châu bằng tâm huyết, trách nhiệm đã vận động người dân giao nộp hàng trăm khẩu súng, thay đổi nếp nghĩ tồn tại từ nhiều đời nay.

Đối với mỗi gia đình ở huyện vùng cao Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, khẩu súng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần, biểu tượng cho sức mạnh gia đình, dòng tộc. Trước đây, khẩu súng được người dân sử dụng công khai, treo ở những vị trí trang trọng trong gia đình. 

Khẩu súng cũng là nguyên nhân dẫn đến biết bao cái chết thương tâm, ảnh hưởng tới cuộc sống bình yên của nhân dân. Việc thay đổi thói quen đã ăn sâu vào tiềm thức người dân tộc không thể chỉ thực hiện trong một sớm, một chiều.

Thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người dân, Trung tá Hà Công Ử - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện Mai Châu bằng tâm huyết, trách nhiệm đã vận động người dân giao nộp hàng trăm khẩu súng, thay đổi nếp nghĩ tồn tại từ nhiều đời nay.

Chúng tôi trở lại huyện Mai Châu khi những con đường rợp cờ hoa, nhịp sống vùng cao sôi động trong lễ hội đầu năm. Đến Mai Châu thời điểm này, mọi người chìm đắm trong lễ hội Xên Mường, một nét văn hóa đặc sắc của người Thái, hay trải nghiệm khu du lịch sinh thái Pom Coọng, Bản Lác, được thưởng thức món ăn truyền thống đậm đà bản sắc như: cơm lam, thịt gà đồi, cá suối, lợn mán…  

Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chàng trai, cô gái súng sính trong bộ trang phục đa sắc màu xuống phố, nụ cười nở trên môi. Nhờ thế mạnh về du lịch, sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị mà Mai Châu là điểm đến an toàn, ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, ít ai biết rằng, chỉ mới đây thôi, Mai Châu còn là điểm nóng về an ninh trật tự và ma túy của khu vực Tây Bắc. 

Sau cuộc vây bắt tội phạm ma túy khiến 3 chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh, tình hình an ninh trật tự trở nên khá phức tạp và khó kiểm soát. Một số kẻ xấu lợi dụng điều đó kích động, lôi kéo đồng bào người Mông cản trở, chống đối lực lượng chức năng thi hành công vụ. Các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ trôi nổi trong nhân dân mà không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ.

Trước đây, khu vực biên giới Việt – Lào vốn là kho súng của thực dân, đế quốc. Sau khi đất nước thống nhất, kẻ địch tháo chạy bỏ lại kho súng khổng lồ mà không có sự quản lý, kiểm soát của chính quyền. Theo thời gian, toàn bộ số súng bị đánh cắp và trôi nổi trong nhân dân, đe dọa tới sự ổn định và bình yên của nhân dân. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách tăng cường quản lý chặt chẽ vũ khí, vật liệu nổ, song do lịch sử để lại mà nhiều khẩu súng không xác định nguồn gốc xuất xứ. 

Nguy hiểm hơn, Hang Kia tiếp giáp với khu vực tam giác vàng. Lượng ma túy cực lớn từ đây tỏa đi khắp các khu vực trên thế giới. Quá trình vận chuyển, tội phạm ma túy được trang bị các loại vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt. Thông qua bọn tội phạm này, một số lượng vũ khí lớn được thẩm thấu vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau. Trong đó, địa bàn Mai Châu là điểm trung chuyển quan trọng mà các đầu nậu lựa chọn để vận chuyển ma túy và các loại vũ khí vào Việt Nam.

Lãnh đạo Công an tỉnh Hòa Bình kiểm tra súng thu hồi.

Trung tá Hà Công Ử chia sẻ: Từ xa xưa, khẩu súng không đơn giản là vật dụng sử dụng để bảo vệ mùa màng, săn bắn và trưng bày kỷ niệm mà sâu thẳm trong tâm thức truyền đời, khẩu súng đã trở thành vật gia bảo, bất ly thân. Có những khẩu súng được truyền từ đời này sang đời khác, được nâng niu cất giữ. Đó là linh hồn, niềm tự hào của cả một gia đình, dòng tộc. Là người dân tộc Thái nên anh hiểu hơn ai hết tâm lý đồng bào về việc giao nộp vũ khí tự chế.

Trong đời sống tâm linh đồng bào Thái có cây kiếm thờ là vật “hội tụ” linh hồn ông bà tổ tiên. Với đồng bào dân tộc Mông và một số dân tộc sống gần rừng, khẩu súng săn, con dao quắm là những vật bất ly thân từ nhiều đời nay của họ. Họ dùng để bắn báo hiệu, vì nhà nọ với nhà kia cách nhau cả quả đồi. Họ dùng để bắn trong đám ma, để đuổi ma tà, đưa linh hồn người chết siêu thoát. Họ dùng để đi rừng, kiếm sống và tự vệ. 

Việc sử dụng súng tự chế đối với một số đồng bào vùng dân tộc có tâm lý vừa thể hiện sự trưởng thành của người đàn ông, vừa khẳng định uy quyền, vị trí của gia đình cũng như cá nhân người sử dụng. Nếu như các lực lượng chức năng không có biện pháp kiên quyết và khéo léo, thì người dân sẽ không tự nguyện giao nộp vũ khí, mà giấu trong rừng, trên lán nương, hoặc chỉ nộp báng súng. 

Đây thực sự là khó khăn, thách thức đối với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các vụ  việc vi phạm do khẩu súng gây ra.

Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia Khà A Lau cho biết: Trước đây, hầu hết các gia đình người Mông đều có súng và được treo ở những vị trí trang trọng. Khẩu súng có giá trị bằng cả gia tài. Súng có nhiều loại, từ súng do người dân tự chế, súng thể thao, súng săn, thậm trí có cả súng quân dụng. Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn xã có khoảng hàng trăm khẩu súng được cấp phép, ngoài ra còn hàng ngàn khẩu súng không rõ nguồn gốc lưu hành trong nhân dân. Đó thực  sự là nỗi lo thường trực, đe dọa trực tiếp tới tính mạng và sự bình yên của nhân dân.

Chính những khẩu súng khi được sử dụng bừa bãi đã gieo nỗi đau cho nhiều gia đình. Theo thống kê của Công an huyện Mai Châu, trong khoảng thời gian từ năm 1996 đến nay, toàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ đi săn bắn nhầm người và dùng súng tự chế (súng kíp) để giải quyết mâu thuẫn. Ngần ấy vụ bắn nhầm cùng đồng nghĩa với ngần ấy số người chết và bị thương. 

Nếu tính chung số vụ đi săn mà bắn nhầm nhau trên địa bàn toàn tỉnh còn hơn. Có nhiều vụ xảy ra rất thương tâm và đau xót như con bắn nhầm cha, anh bắn nhầm em; bạn săn bắn nhầm nhau. Không chỉ có vậy, trong quá trình thực hiện chuyên án vây bắt tên tội phạm truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua ở xã Hang Kia, một số đối tượng quá khích còn sử dụng súng kíp làm phương tiện để đe dọa lực lượng vây bắt.

Theo kinh nghiệm của mình, Trung tá Hà Công Ử cho rằng, công tác vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ phải được thực hiện có lộ trình, triệt để, không nóng vội và quyết tâm chính trị cao. Trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ tác hại của việc sử dụng súng trong dân cư. Khi người dân đã thấm, đã hiểu thì họ sẽ tự nguyện giao nộp. “Phòng quan trọng hơn chống, tuyên truyền vận động quan trọng hơn cưỡng chế” – Trung tá Ử nhấn mạnh.

Trước thực trạng đó, Trung tá Hà Công Ử đã tham mưu cho các cấp, các ngành của Huyện triển khai thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh số 16 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị định 47 của Chính phủ, Đề án 1081 của UBND tỉnh Hòa Bình, tổ chức vận động toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. 

Anh biết rằng, việc thay đổi thói quen vốn ăn sâu vào tiềm thức nhân dân không thể là chuyện một sớm, một chiều, anh đã nhiều lần xuống cơ sở, thực hiện “4 cùng” với nhân dân để tuyên truyền, giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật. Anh đến tận bản làng, gặp gỡ từng người dân để tuyên truyền, giải thích về tác hại của việc sử dụng súng tự chế. 

Thời gian đầu, việc tiếp cận các hộ gia đình gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Thấy bóng dáng anh, họ đều tìm cách trốn hoặc tìm lý do để tránh gặp mặt. Nếu có gặp thì họ một mực khẳng định không có súng trong nhà. Thậm chí, một số kẻ quá khích còn lớn tiếng, chống đối quyết liệt cho rằng, anh có ý đồ không tốt. Không nản chí, anh và các đồng đội kiên trì vận động, thuyết phục, anh tin rằng, người dân sẽ hiểu và chấp hành nghiêm túc. 

Anh tham mưu cho cấp ủy, chính quyền kéo các đoàn thể, quần chúng vào cuộc, tham gia tuyên truyền, vận động. Sử dụng đồng bộ nhiều các biện pháp tuyên truyền như: thông qua các cuộc họp dân, họp ở nhà, dòng họ, các hoạt động văn nghệ, thể thao và tuyên truyền trên hệ thống loa phóng thanh của địa phương. Sau khoảng 3 tháng tuyên truyền, vận động, các anh đón nhận tín hiệu tích cực từ nhân dân. Từ các thôn bản, lác đác một số người dân mang súng đến UBND xã tự nguyện giao nộp.

Với người dân tộc, thì những già làng, trưởng bản, thầy mo, thầy cúng, người có uy tín trong cộng đồng có tiếng nói quyết định tới các việc lớn, bé trong bản. Tiếng nói của họ có giá trị hơn hàng chục buổi tuyên truyền, vận động theo phương thức truyền thống. Nắm bắt điều đó, anh đã tranh thủ người có uy tín để tuyên truyền, vận động con cháu tự nguyện giao nộp súng. 

Ông Sùng A Giống, Bí thư Chi bộ xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò, là người có uy tín điển hình trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp hàng chục khẩu súng các loại.

Hàng ngày, ông Sùng A Giống lại có mặt tại khu dân cư để gặp gỡ từng người dân. Từ khi chính quyền địa phương triển khai đề án 1081 về tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ông Giống là một trong nhiều người tích cực trong việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục người thân trong gia đình, dòng họ tự giác giao nộp vũ khí tự chế. 

Để làm gương, ông tự nguyện giao nộp khẩu súng như “vật gia bảo” để lại từ nhiều đời nay. Sự kiên trì của ông dần có kết quả. Người dân nhận ra rằng, nếu số vũ khí, vật liệu nổ kia không được quản lý chặt chẽ sẽ gây hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới chính cuộc sống bình yên của người dân. 

Khi biết thông tin anh Sùng A Páo (người dân trong xóm) hiện đang cất giữ một khẩu súng quân dụng. Ông Giống đã nhiều lần trực tiếp tới gia đình Páo tìm hiểu, đồng thời vận động, thuyết phục để Páo nhận ra việc tàng trữ vũ khí quân dụng là vi phạm. Ông đã kiên trì tác động, thuyết phục bằng tình làng, nghĩa xóm. Sau đó không lâu, Páo đã nhận ra sai lầm và tự giác tới UBND xã Pà Cò giao nộp 01 khẩu súng AK và 01 hộp tiếp đạn… 

Từ tấm gương điển hình của ông Giống, cấp ủy, chính quyền đã nhân rộng ra toàn xã. Các già làng như: Sùng A Xa, Sùng A Dễ ở xã Pà Cò, Vàng A Tình ở xã Hang Kia… đều là nhân tố tích cực trong vận động người dân giao nộp vũ khí.

Cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, Trung tá Hà Công Ử tham mưu củng cố hệ thống chính quyền, nâng cao đời sống nhân dân 2 xã người Mông Hang Kia, Pà Cò. Những con đường trải nhựa tới từng thôn, bản, các mặt hàng tiêu dùng cung ứng đủ cho nhân dân địa phương. Trạm phát sóng FM, bưu điện, trường họp, trạm quân dân y kết hợp được củng cố hơn. Với cây ngô và cây dong riềng, đời sống đồng bào người Mông cũng đang dần khởi sắc. Đó đang được xem là những tín hiệu vui cho những ngày bão tan. 

Nhờ tích cực vận động, tuyên truyền mà số người liên quan đến ma túy giảm dần, người Mông không tin, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, lôi kéo. Toàn huyện đã thu hồi 3.430 khẩu súng các loại, 154kg đạn ria các loại; 100 nòng sắt chế tạo súng săn, 6kg đạn súng hơi. Trong đó, riêng địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã thu trên 300 khẩu súng các loại. Nhịp sống bình yên trở lại với bản Mông.

Trung tá Hà Công Ử chia sẻ: “Bây giờ để tìm thấy một cây súng treo trên vách nhà làm kỷ niệm ở Mai Châu là chuyện hiếm hoi chứ nói gì đến chuyện người ta nghênh ngang đeo dao, vác súng vào rừng như trước nữa”. Sự thay đổi này ở một vùng vốn được xem là “kho súng” của tỉnh này có được là “nhờ sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng cùng các ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương. Trong thành công đó có sự đóng góp âm thầm, hiệu quả của Trung tá Hà Công Ử, người con của núi rừng Tây Bắc.

Như Hùng
.
.
.