Rau trồng nghĩa địa tràn lan chợ nội thành

Thứ Hai, 18/04/2016, 18:27
Chưa khi nào, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm lại được dư luận quan tâm như hiện nay. Một trong những thực phẩm thiết yếu, rau sạch cũng được người tiêu dùng đặc biệt chú trọng. Rau được trồng tràn lan tại các khu nghĩa địa, kể cả những phần mộ vừa mới hung táng là nguồn thực phẩm không hề nhỏ hằng ngày tràn lan tại các chợ nội thành.


Không cần phun thuốc, bón phân quá nhiều, chỉ cần dùng nước tại khu vực ở đây tưới là có những bó rau xanh non mơn mởn. Có ý kiến cho rằng lo ngại việc ăn rau tại nghĩa địa chỉ là vấn đề tâm linh, tuy nhiên các chuyên gia khẳng định “ảnh hưởng đến sức khỏe con người”.

Để tìm hiểu “đặc sản rau nghĩa địa”, chúng tôi đã có một buổi mục sở thị tại xóm 1, Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì, Hà Nội). Với những gì chúng tôi chứng kiến, quả không sai khi người ta gọi nơi đây là “kinh đô rau nghĩa địa”. Rau được người dân trồng mọi nơi, chỗ nào có đất trống là được trồng. Hàng trăm ngôi mộ lớn nhỏ, kể cả những ngôi mộ hung táng, vòng hoa còn tươi mới đã được người dân trồng rau xen kẽ vào đó. Có mục sở thị “vườn rau” ở đây mới thấy rùng rợn. Rau được trồng khắp nơi, nước mương dùng để tưới đen kịt, thậm chí người ta còn tận dụng cả lỗ huyệt vừa được thay cát làm bể chứa nước tưới. “Ối dào! Có làm sao đâu, như vậy càng tốt. Còn hơn người ta phun thuốc hóa học vào rau”, bà M. vừa múc nước dưới mương đen kịt vừa hất hàm với chúng tôi.

Tận dụng từng mét vuông đất trong nghĩa địa để trồng rau.

Qua tìm hiểu của phóng viên, gần 100% các hộ gia đình ở xóm 1 (Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh) làm nghề trồng rau mà chủ yếu là trồng xen lẫn các ngôi mộ quanh địa bàn. Theo người dân ở đây, diện tích rau được trồng lên tới cả chục héc ta. Hơn nữa số lượng những ngôi mộ ngày càng tăng lên vì người dân vẫn còn thói quen chôn cất người chết không theo quy hoạch.

Bà Lê Thị H (người dân Quỳnh Đô) chia sẻ: “Đúng là đa số dân chúng tôi trồng rau xung quanh nghĩa địa cả chục năm nay rồi. Trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng năng suất không thể bằng rau được nên chuyển hẳn sang trồng rau. Rau ở đây đủ loại, mùa hè trồng rau muống, rau lang, mùa đông trồng rau cải xoong, rau cần…”.

Những thương lái đặc biệt ưa chuộng rau muống tại khu vực này, vì thế rau muống được trồng nhiều nhất. Với rau muống trồng ở đây có mẫu mã đẹp, nhỏ ngọn, lá xanh mướt, đặc biệt ăn rất giòn và dai. Điều khiến các thương lái đặc biệt yên tâm lấy hàng vì rau được trồng tại nghĩa địa đều không sử dụng thuốc hóa học. Bà Hồng, một lái buôn tại chợ Quỳnh Đô tiết lộ: “Người ta trồng được luống rau non, xanh  mơn mởn là phải bón rất nhiều hóa chất. Nhưng ở đây người dân đặc biệt không sử dụng thuốc gì rau vẫn xanh non. Nhìn rau càng được trồng gần mộ thì càng xanh tốt”.

Chính vì trồng rau tại nghĩa địa rất tốt nên càng ngày càng thu hút được nhiều người trồng. Sau khi rau được cấy xuống, người dân phun 1 lần thuốc nhẹ, bón 2 đợt đạm, khoảng 10 đến 15 ngày là có thể thu hoạch được. Bà Hiến (người dân trồng rau) nói: “Từ ngày chúng tôi trồng rau ở nghĩa địa đời sống phất lên trông thấy. Có nhà xây được nhà, mua được xe nhờ trồng rau đấy. Ở đây nhà trồng ít cũng phải 1 sào, nhà nhiều có khi gần 1 mẫu. Bao nhiêu năm nay trồng rau ở đây, bán đi, rồi ăn có làm sao đâu. Độc hại gì đâu?”.

Không chỉ tại khu vực huyện Thanh Trì mà tại nghĩa trang xã Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) cũng được người dân tận dụng trồng rau thương phẩm. Theo quan sát của chúng tôi tại đây rất nhiều luống rau cải, bầu, đậu mọc lên mơn mởn. Ban đầu những hộ sống quanh khu vực nghĩa địa muốn gieo trồng chút ít để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Sau một thời gian nhận thấy trồng rau tại đây hợp và rất tốt nên nhiều người mở rộng diện tích, thu hoạch bán cho các đầu mối. 

Chị Hằng, người có diện tích trồng rau rộng nhất tại đây nói: “Ngày trước tôi có quán nước trà ngay cổng nghĩa trang, thỉnh thoảng có mang hạt rau vào đây gieo để đỡ phải mua rau chợ. Không ngờ trồng rau ở đây lại tốt thế, dần dần tôi mở rộng diện tích hơn. Cũng vì ăn không hết nên cắt bán cho mọi người xung quanh, thế là thành người trồng rau bán từ khi nào không hay. Thấy tôi trồng hiệu quả, dân quanh vùng đua nhau vào đây trồng ăn, rồi bán. Giờ tìm được một khe đất trống cũng khó, mọi người nhận phần hết cả rồi”.

Nhiều người không khỏi rùng mình khi nhìn thấy người ta trồng rau như thế này.

Do rau trồng ở nghĩa địa được người tiêu dùng ưa chuộng nên các lái buôn về tận nơi gom hàng. Người dân không phải trực tiếp cắt rau rồi đem rao bán. Khoảng 3 giờ sáng khu vực nghĩa địa thuộc xóm 1 (Quỳnh Đô, Vĩnh Quỳnh) bắt đầu nhộn nhịp. Rau tại đây được các lái buôn đem đổ mối tại các chợ như Long Biên (quận Long Biên, Hà Nội), chợ Vồi (huyện Thường Tín, Hà Nội) hoặc một số chợ khác như chợ Nghĩa Tân, chợ Ngã Tư Sở, Dịch Vọng Hậu… 

Chị Bùi Thị Thoa (Nghĩa Tân, Cầu Giấy) chia sẻ: “Quả thực bây giờ rất khó khăn để chọn mua rau sạch. Ra chợ mua thì chủ yếu bằng mắt thôi, mua của người quen, thấy tươi ngon là mua. Nếu mà biết rau được trồng ở nghĩa địa chắc tôi cũng chẳng dám ăn vì chỉ cần nghĩ thôi cũng đủ rùng mình, không cần biết nó có độc hại hay không”.

Một thương lái tên Ngoan (Thanh Oai, Hà Nội) cho hay: “Rau lấy ở đây đảm bảo không có thuốc, lại xanh non, mã đẹp. Ngày nào tôi cũng đến đây khoảng 4 giờ sáng để lấy rau muống đổ cho các chợ. Có ngày tôi lấy vài trăm mớ rau muống ấy chứ. Giá lấy buôn là 4.000 đồng/mớ, đổ cho dân lẻ ở chợ là 4.200 đến 4.500 đồng/mớ. Chúng tôi đi buôn còn được tiền trăm mỗi ngày, nói gì người ta tự trồng ở đây. Trồng ở đây công chăm cũng ít, phân, hóa chất không phải dùng nên chi phí đáng là bao”.

Khi được hỏi, liệu rau trồng trên đất nghĩa địa có ảnh hưởng tới sức khỏe con người không thì nhiều chuyên gia đã khẳng định là có. Theo ông Phạm Quang Hà, Phó Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp thì: “Dù các loại rau không hấp thụ chất hữu cơ từ xác người nhưng trong quá trình cải táng, nhiều chất hữu cơ sẽ được đưa lên mặt đất và hòa vào môi trường xung quanh. Các chất này sẽ bám vào rau, nếu ăn phải sẽ dễ bị mắc bệnh. Mà bệnh dễ mắc nhất đó là bệnh truyền nhiễm”. 

Rau tuy hấp thụ chọn lọc nhưng nếu bị váng mỡ của người chết bám vào sẽ chứa một số vi khuẩn độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người ăn rau vẫn lầm tưởng chỉ có rau thủy sinh mới bị nhiễm ký sinh trùng. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Đề, chủ nhiệm bộ môn ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết: “Có những loại rau đúng là trồng ở trên cạn nhưng lại tưới bằng nguồn nước ô nhiễm nên việc bị nhiễm ký sinh trùng cũng là điều bình thường.

Nước tưới rau có nhiều nguy cơ nhiễm kim loại độc hại.

Những vùng trũng ở Hà Nội đa số là nước thải sinh hoạt từ các khu đô thị hoặc nước thải công nghiệp. Nếu dùng nước ở những con mương chứa những loại nước thải này sẽ ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm”. Không chỉ tưới rau mà việc rửa rau từ các con mương bẩn và ô nhiễm như nói trên sẽ có nguy cơ cao nhiễm các kim loại độc hại. Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ và Thực phẩm sinh học (Đại học Bách Khoa, Hà Nội) khuyên rằng, ở khu vực nghĩa địa người dân không nên trồng các loại rau ăn mà chỉ nên trồng các loại cây lấy gỗ. 

Điều đó không chỉ bảo vệ những người tiêu dùng mà còn bảo vệ cả những người trồng rau. Bởi lẽ, nếu thường xuyên có mặt ở nghĩa địa rất có thể chính những người nông dân sẽ bị nhiễm những vi khuẩn độc hại. Chúng tôi có mặt tại Trung tâm Thương mại Cầu Bươu – một khu chợ vừa mới khai trương. Nhiều người khi được hỏi nếu biết đây là loại rau được trồng ở nghĩa địa thì họ cảm thấy thế nào. Đa số họ đều tỏ ra rất bức xúc. 

Chị Nguyễn Thị Hải (Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) bảo rằng: “Đó là hành động không thể chấp nhận được. Chưa cần nói đến chuyện nó có nhiễm độc hay không chỉ cần nghĩ tới việc những mớ rau mà mình đang ăn được trồng trên những ngôi mộ hay cạnh những chiếc quan tài cũng đủ thấy rùng mình lắm rồi. Giờ đi chợ mua đồ ăn chả khác nào đánh bạc đâu. May thì mua được thức ăn không nhiễm độc, không tẩm hóa chất. Không may thì ngày nào cũng tống đủ các loại chất độc vào người. Bảo sao bây giờ nhan nhản người mắc bệnh ung thư”.

Thiết nghĩ, bên cạnh sự lựa chọn sáng suốt của người tiêu dùng thì ý thức của người trồng rau cũng cần đặt lên hàng đầu. Các cơ quan liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm cần có biện pháp siết chặt đối với cá nhân, hộ gia đình, và cả những doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm không an toàn.

Phong Anh
.
.
.