Réhahn và “Di sản vô giá” về các dân tộc Việt Nam

Thứ Hai, 07/08/2017, 08:22
Những chân dung về con người và trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam được chụp bởi một người Pháp đang trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học. Với Réhahn, đó là những di sản vô giá đang có nguy cơ biến mất trong đời sống hiện đại.


Chuyện phía sau bức ảnh

35 bức chân dung của Réhahn đã tái hiện sinh động và đa dạng cuộc sống, văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam. Ở đó, ta cảm nhận được vẻ đẹp đa sắc màu của văn hóa dân tộc. Điều thú vị trong từng bức chân dung là sự tự nhiên, mộc mạc của con người ở vùng cao.

Bởi “hoàn thành mỗi tác phẩm, niềm vui lớn nhất của tôi là thỏa mãn được sự tò mò trước kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam đầy quyến rũ và bí ẩn nhưng cũng đang dần bị mai một. Vì vậy, tôi không muốn mình chỉ là nhiếp ảnh gia mà còn muốn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa đa dạng đó” - Réhahn chia sẻ.

Nhiếp ảnh gia Réhahn trò chuyện về những bức ảnh của mình.

35 bức ảnh trưng bày trong triển lãm lần này tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chỉ là một phần trong gia tài của Réhahn. Mỗi bức ảnh đều mang dấu ấn của những chuyến đi trong hành trình khám phá vẻ đẹp bí ẩn của văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đó là những câu chuyện kể về đời sống, về văn hóa, về những vẻ đẹp đang có nguy cơ bị biến mất trong sự xâm thực của xã hội hiện đại. Những bức chân dung giản dị về các cụ già, cô gái, em bé của nhiều vùng miền khác nhau như Stiêng, Bana, Brâu, Tà ôi, Vân Kiều...

Đến bản làng, anh khuyến khích bà con mặc trang phục truyền thống, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản, phong tục tập quán của cộng đồng. Khi thực hiện tác phẩm, anh kể lại những dấu ấn văn hóa mà anh được trải nghiệm.

Đó là cô bé Kim Luân, dân tộc Mnông, lần đầu tiên Réhahn gặp trong chuyến đi thăm người Mnông vào tháng 10 năm 2014, đó là một cô bé rụt rè nhưng lại có thể gần gũi với những chú voi to lớn. Réhahn tò mò tìm hiểu. Với người Mnông, voi có vai trò quan trọng trong đời sống của họ.

Đó là một cụ già người Ơđu. Vào tháng 7 năm 2016, Réhahn được đến thăm dân tộc ít người nhất Việt Nam này. Thông tin về dân tộc này không có trên mạng Internet,  mất 2 ngày anh mới tìm đến làng. Réhahn gặp vị trưởng bản và điều ngạc nhiên là cả dân tộc này chỉ còn 5 bộ quần áo truyền thống hoàn chỉnh.

“Tôi được bà Vi Thị Dung, 78 tuổi, người cuối cùng còn biết làm váy áo truyền thống trong làng, nhưng hiện không còn làm nữa. Tôi cũng phát hiện ra, chỉ còn 10 người trong làng có thể nói tiếng Ơđu và họ đều trên 70 tuổi. Tuy nhiên, không ai trong số họ có thể đọc hay viết ngôn ngữ này” - Réhahn nói. Đó chính là những ngậm ngùi, tiếc nuối trong hành trình đi chụp ảnh của Réhahn.

Bức ảnh An Phước, cô bé với đôi mắt xanh.

Và cũng rất nhiều gian nan trong hành trình hơn 6 năm của Réhahn. Anh mất gần 3 năm trời để có thể liên lạc và được đến một địa điểm xa xôi ở vùng Sa Thầy, Kontum.

Rehahn kể: “Nhờ sự nỗ lực giúp đỡ của kênh truyền hình VTV1, vào tháng 11 năm 2016, anh đến thăm làng Rơmăm, cách biên giới Campuchia 20km, để ghi lại cuộc gặp gỡ đặc biệt này, anh và đoàn làm phim đã đi mất 3.5 giờ đồng hồ di chuyển bằng xe địa hình, vượt 51km đường núi đến làng. Và trong làng chỉ còn lại 12 bộ trang phục truyền thống được họ giữ như những bảo vật vì không ai còn biết làm nữa”.

Càng đi, càng khám phá, Réhahn nhận ra rằng, những vẻ đẹp, những giá trị truyền thống đang dần mai một, thậm chí biến mất. Tôi rất ấn tượng với bức ảnh Réhahn chụp một người Lô Lô trong bộ quần áo truyền thống cũ nát.

Đó là năm 2013, anh gặp người Lô Lô ở Bảo Lạc, Lâm Đồng, rất nhiều phụ nữ trong làng mặc đồ truyền thống. Nhưng chỉ 2 năm sau, chỉ 2 năm thôi, khi anh quay lại thì không còn nhiều người mặc nữa. Và bức ảnh Réhahn chụp với bộ quần áo sờn rách khoác trên người cụ già đó tượng trưng cho những xưa cũ đang dần biến mất.

Và giấc mơ về một carnival  54 dân tộc Việt Nam

Vì sao một người Pháp lại mê đắm với văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam đến vậy? Réhahn cười, nụ cười thân thiện. Trước đây, anh là người nhút nhát, ngại ngần trước đám đông. Chính nhiếp ảnh đã giúp Réhahn phá bỏ rào cản đó. Trước khi đến Việt Nam, anh đã đi qua nhiều nước, khám phá vẻ đẹp của nhiều vùng miền.

Nhưng đến Hội An, bị mê dụ bởi vẻ đẹp tĩnh lặng, bình yên và cổ kính của vùng đất này, Rehahn quyết định chọn Hội An làm ngôi nhà thứ 2 của mình. Đó là năm 2007. Và câu chuyện về “Di sản vô giá” bắt đầu hình thành trong anh khi Réhahn lên Sapa, bị hấp dẫn bởi những người Mông trong những bộ trang phục truyền thống của họ.

Anh đọc sách tìm hiểu và càng tìm hiểu, anh càng bị cuốn hút. Réhahn đi tìm người Kơtu ở Quảng Nam, người Tà Ôi ở Huế, người Vân Kiều ở Lâm Đồng… “Tôi đi và khám phá theo cảm xúc của mình chứ không hoàn toàn theo chủ định phải làm cái gì”.

Trong hành trình khám phá vẻ đẹp bí ẩn của 48 dân tộc trên 54 dân tộc thiểu số Việt Nam, Réhahn nhận ra, những người dân tộc họ rất yêu văn hóa, truyền thống của họ và họ tự hào về nó nên sẵn sàng giúp đỡ anh thực hiện bộ ảnh quý giá này. Réhahn không đến chỉ để chụp ảnh, anh sống cùng họ, có thể ngồi bệt xuống đất ăn cơm, tập uống rượu, thậm chí hút thuốc lá bằng tẩu (những thứ mà anh không biết dùng).

Réhahn chia sẻ: “Tôi phải xây dựng mối quan hệ với những nhân vật mà mình định chụp ảnh. Tìm gặp và trò chuyện với họ, như người Hà Nhì, tôi dùng bữa trưa với họ, dù không biết uống rượu, nhưng rất tôn trọng đời sống, văn hóa của họ và hòa cùng nhịp sống với họ. Sau đó mới chụp ảnh”. Vì thế, những bức ảnh của anh mang hơi thở của cuộc sống.

Trong series ảnh của Réhahn có một bức ảnh đặc biệt được đăng tải trên nhiều báo chí nước ngoài, đó là cô bé có đôi mắt xanh, An Phước. Gia đình cô bé không đồng ý cho Réhahn chụp ảnh và phải mất 3 ngày, trò chuyện, chia sẻ, họ mới thoải mái. Bây giờ thì Réhanh và gia đình bé An Phước trở thành những người thân tình.

An Phước là một cô bé người Chăm, có biệt danh “cô bé có đôi mắt Mèo, và Réhahn phát hiện ra, cô bé được thừa hưởng nét độc đáo này từ ông cố người Pháp. Bức ảnh và các nhân vật liên quan được đăng tải trên nhiều ấn phẩm Việt Nam cũng như trên các phương tiện truyền thông quốc tế như National Geographic, BBC, Bussiness Insider, Independent UK và gần đây được chọn làm trang bìa cho tờ Globe- Trottenrs ở Pháp.

Vì sao Réhahn chọn Việt Nam khi anh đã đi qua 35 quốc gia. Vì những vẻ đẹp nguyên sơ của các dân tộc Việt Nam, những vẻ đẹp đang có nguy cơ biến mất.

Réhahn tin rằng: “Cách hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa của các dân tộc là thúc đẩy họ vươn ra bên ngoài, tạo cho họ niềm tự hào về những di sản và phong tục tập quán của cộng đồng. Đôi khi, chúng ta chỉ nhận ra giá trị của mình qua cách nhìn của người khác”.

Đó cũng là động lực khiến anh thành lập phòng tranh “Di sản vô giá” vào ngày 1-1-2017 tại Hội An. Réhahn muốn người xem tiếp cận với những câu chuyện đằng sau những bức ảnh để hiểu hơn về những giá trị truyền thống.

Với mong muốn gìn giữ và bảo tồn, theo cách nhìn của Réhahn, những giá trị cần được cộng đồng thừa nhận, anh đã 3 lần đưa người Kơtu và lễ hội của họ xuống Hội An. “Họ nhìn thấy mọi người yêu thích và trân trọng vẻ đẹp văn hóa của họ nên họ có động lực hơn để giữ gìn”, anh nói.

Có mặt tại khai mạc triển lãm “Di sản vô giá” ở Hà Nội, anh Bliếc người Kơtu kể ông từng chứng kiến Réhahn mất 2 ngày mới chụp được 1 tấm hình. Thậm chí có lần Réhahn suýt bỏ mạng vì tai nạn giao thông khi phóng xe máy tìm đến người Kơtu bên Lào.

Bức ảnh Người Bru - Vân Kiều, một tác phẩm trong bộ sưu tập.

“Với những người Kơtu chúng tôi, Réhahn gieo nguồn cảm hứng cho người Kơtu phục hồi những di sản văn hóa để phát triển du lịch. Và mỗi tác phẩm của anh luôn là những lao động cực nhọc thấm bao ký ức người dân Kơtu”, ông Bliếc nói.

Còn với Réhahn, hành trình của anh chưa dừng lại. Anh sẽ đi tìm và chụp những bức chân dung về 6 dân tộc còn lại và khi đã có trong tay đủ đầy những bức ảnh về 54 dân tộc, Réhahn mong muốn sẽ tổ chức một lễ hội carnival hội đủ 54 dân tộc Việt Nam ở Hội An.

“Điều đó sẽ rất thú vị và thu hút du khách quốc tế, không kém gì các lễ hội carnival nổi tiếng trên thế giới” - Réhahn nói. Bởi với anh, đó là những di sản vô giá cần được gìn giữ và bảo tồn, cần được cộng đồng nhìn nhận và trân trọng nó.

Réhahn sinh tại Normandy, Pháp. Anh đã đi qua 35 quốc gia trước khi dừng chân tại Hội An và xem đó là ngôi nhà thứ 2 của mình. Anh đặc biệt được biết đến thông qua những bức ảnh chân dung tại Việt Nam, Cuba và Ấn Độ. Giới truyền thông vẫn nhắc tới anh như một nhiếp ảnh gia “lưu giữ linh hồn nhân vật”. Réhahn là một trong những nhiếp ảnh gia nổi bật nhất trong vòng 4 năm gần đây, tích lũy được những hoạt động thành công đáng kể. Triển lãm “Di sản vô giá” tại bảo tàng Dân tộc học sẽ kéo dài từ ngày 1-8 đến 1-10-2017.

l PGS, TS Võ Quang Trọng- Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam chia sẻ: “Trưng bày “Di sản vô giá” thêm một cơ hội để công chúng khám phá những nét văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người. Qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Pháp, các bức chân dung nổi tiếng được Réhahn thực hiện luôn ánh lên vẻ đẹp hồn hậu, tự nhiên, ngời sáng trong những bộ trang phục truyền thống mang đậm sắc màu của từng dân tộc khiến người xem thích thú và tự hào”.

Việt Hà
.
.
.