Robert Mugabe: 4 thập kỷ công - tội với Zimbabwe

Thứ Ba, 10/09/2019, 09:07
Ông lãnh đạo Zimbabwe trong 37 năm (1980-2017) trước khi bị lật đổ vào tháng 11-2017 khi đã 93 tuổi, để lại một di sản nhiều tranh cãi, từ người hùng giải phóng dân tộc trở thành nhà độc tài khiến nền kinh tế đất nước rơi vào kiệt quệ.


Ngày 6-9, cựu Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe qua đời ở tuổi 95 tại một bệnh viện ở Singapore, nơi ông đã điều trị từ tháng 4. Ông lãnh đạo Zimbabwe trong 37 năm (1980-2017) trước khi bị lật đổ vào tháng 11-2017 khi đã 93 tuổi, để lại một di sản nhiều tranh cãi, từ người hùng giải phóng dân tộc trở thành nhà độc tài khiến nền kinh tế đất nước rơi vào kiệt quệ.

Anh hùng giải phóng dân tộc

Robert Gabriel Mugabe sinh ngày 21-2-1924 trong một gia đình người Shona nghèo ở Kutama, Nam Rhodesia (tên gọi Zimbabwe khi còn là thuộc địa của Anh). Sau khi tốt nghiệp Đại học Fort Hare, năm 1960, Mugabe cùng người vợ đầu trở về Nam Rhodesia và làm giáo viên trường ở Nam Rhodesia, Bắc Rhodesia và Ghana. Khi đó, Nam Rhodesia bị chi phối bởi một thiểu số da trắng, Mugabe tham gia các cuộc biểu tình dân tộc chủ nghĩa châu Phi kêu gọi một quốc gia độc lập do người da đen lãnh đạo, vì vậy năm 1964, ông bị bắt và phải ngồi tù 11 năm (1964-1975). 

Những năm bị giam cầm trong tù đã giúp Mugabe, với bản lĩnh và học vấn cao, trở thành một biểu tượng của cuộc đấu tranh giành tự do không khoan nhượng cho Zimbabwe. Thời gian ở tù, Mugabe vẫn tiếp tục học, lấy một vài bằng cấp của Đại học London và dạy tiếng Anh cho những người bạn trong tù.

Tổng thống Mugabe duyệt đội cận vệ trong lễ khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 7 ở Thủ đô Harare, ngày 6-10-2009.

Sau khi ra tù, Mugabe sang Mozambique. Năm 1976, Mugabe trở thành lãnh đạo của phong trào chính trị Liên đoàn Quốc gia châu Phi Zimbabwe (ZANU), một nhóm vũ trang đóng tại Mozambique chống chế độ lãnh đạo do thiểu số da trắng cầm quyền. Trong suốt nửa cuối những năm 1970, ông đã lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích chống lại chế độ cai trị thiểu số của Rhodesia. 

Khi cuộc nội chiến kết thúc vào năm 1979, Robert Mugabe được người dân quê nhà lẫn cộng đồng quốc tế ca ngợi là nhà anh hùng giải phóng dân tộc và là niềm hy vọng cho tương lai của Zimbabwe. Sau cuộc bầu cử vào tháng 2-1980, ông trở thành Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Zimbabwe vừa tuyên bố độc lập.  Là Thủ tướng nhưng ông mới chính là lãnh đạo thực quyền, còn ghế của Tổng thống Canaan Banana chỉ mang tính lễ nghi. Tháng 12-1987, ông Mugabe trở thành Tổng thống.

Trong giai đoạn đầu lãnh đạo đất nước, ông Mugabe được ca ngợi vì nỗ lực mở rộng các dịch vụ xã hội, đầu tư xây dựng mới nhiều bệnh viện và trường học cho người dân. Mugabe bổ nhiệm các bộ trưởng người da trắng vào chính phủ, đẩy mạnh đầu tư cho y tế và giáo dục với tỷ lệ biết chữ ở Zimbabwe đạt ít nhất 83,6%, một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Phi. Ông giành được sự kính trọng của cả đất nước và có xuất phát điểm vững chãi với nền kinh tế quốc gia ổn định, cơ sở hạ tầng phát triển và nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có.

Ông Robert Mugabe và bà Grace Marufu làm lễ cưới tháng 8-1996. Khi đất nước rơi vào đói nghèo, ông Mugabe và vợ phải đối mặt với những chỉ trích vì lối sống xa hoa.

Tội đồ của đất nước

Nhiều năm sau này, các sử gia vẫn cho rằng Mugabe là nhân vật gây nhiều tranh cãi khi đánh giá công và tội. Bởi ngay sau khi Zimbabwe giành độc lập, Mugabe đã có toan tính để củng cố quyền lực khi sẵn sàng đàn áp những người đối lập. 

Từ năm 1983 đến năm 1985, ước tính khoảng 10.000 đến 20.000 người dân tộc thiểu số ở Ndebele đã bị quân đội miền Nam Zimbabwe giết hại trong cuộc thảm sát Matabeleland. Đặc biệt, hàng loạt chính sách kinh tế sai lầm của Mugabe đã khiến Zimbabwe từ một quốc gia triển vọng nhất châu Phi với những tiềm năng kinh tế và các nguồn tài nguyên giàu có trở thành quốc gia nghèo đói và có mức độ lạm phát cao nhất lịch sử thế giới.

Lạm phát ở Zimbabwe bắt nguồn từ cuộc cải cách ruộng đất vào năm 2000, khi Mugabe muốn phân phối đất đai của người da trắng cho người da đen nghèo khổ để tăng cường phát triển kinh tế. Khi Tổng thống Mugabe tuyên bố sẽ lấy đất của người da trắng chia cho người da đen, hàng nghìn nông trại được công nghiệp hóa của người da trắng nhanh chóng bị công khai chiếm đoạt. 

Đầu những năm 2000, khoảng 4.000 chủ đồn điền da trắng bị tịch thu đất đai. Việc Mugabe dùng bạo lực tịch thu trang trại của các chủ đồn điền da trắng là dấu ấn đáng chú ý trong những năm cầm quyền của ông. Chính sách này đã tàn phá ngành sản xuất nông nghiệp của đất nước, biến vựa lương thực nổi tiếng của châu Phi thành vùng đất khô cằn và đói khát bởi phần lớn đất đai bị tịch thu được giao cho những nông dân da đen thiếu kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại nên đất đai sau đó bị bỏ hoang. 

Cuộc cải cách ruộng đất của ông Mugabe đã gây ra làn sóng di tản của người da trắng, khiến phương Tây phẫn nộ, đẩy tình hình nội bộ Zimbabwe rơi vào bất ổn. Tháng 7-2002, hàng triệu người Zimbabwe phải đối mặt với sự hoành hành của nạn đói.

Cùng với nạn đói là lạm phát tăng với cấp số nhân. Tháng 7-2003, Zimbabwe gặp khủng hoảng thiếu tiền mặt. Mỗi ngày, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe phải in tới 700 triệu đôla Zimbabwe (ZBD) mà vẫn không đủ để chi trả cho nhu cầu của người dân và khiến cho lạm phát tăng theo cấp số nhân khi đồng tiền mất giá từng ngày. Tính đến tháng 12-2005, giá xe đạp và phí thuê nhà tăng cao kỷ lục đã khiến lạm phát của nước châu Phi này tăng tới 502,4% trong tháng 11. 

Tháng 5-2006, lạm phát lên đến 900%, lúc này 145.750 ZBD chỉ mua được… 1 cuộn giấy vệ sinh. Khi đồng tiền mất giá, người dân chọn cách tiết kiệm bằng tích trữ ngô, đường vì tin chắc chúng sẽ không mất giá trong tương lai. Nghèo đói khiến cho 3 triệu người phải rời bỏ quê hương tới Nam Phi tìm việc làm vì khi đó ở Zimbabwe có tới 80% dân số thất nghiệp. Thời điểm đó, ngành duy nhất đem lại ngoại tệ cho nước này là khai thác vàng và đá quý tụt 50% do chi phí lên cao và mất điện thường xuyên, khiến các công ty khai thác phải ngừng sản xuất.

Sai lầm nối tiếp sai lầm, Tổng thống Mugabe yêu cầu Ngân hàng Trung ương Zimbabwe in thêm tiền để phục vụ nhập khẩu nhu yếu phẩm, dẫn tới lạm phát trầm trọng. Năm 2006, tỷ lệ lạm phát ở nước này là 1.000%. Nhưng con số lạm phát không dừng lại ở đây mà liên tục tăng theo cấp số nhân, đỉnh điểm là vào tháng 7-2008, lạm phát ở Zimbabwe lên tới 231 triệu %.  

Do đồng tiền mất giá nên mệnh giá đồng ZBD cũng tăng lên tới mức không tưởng khi Ngân hàng Trung ương in tờ giấy bạc có mệnh giá tới… 100.000 tỷ. Nếu trước cải cách ruộng đất, tỷ giá hối đoái 1 ZBD ăn 1 USD thì đến năm 2008, tỷ giá hối đoái là… 90 tỷ ZBD ăn 1 USD, đây là con số tính ra từ thực tế giá cả hàng hóa trên thị trường chợ đen, bởi theo tỉ giá chính thức của ngân hàng nhà nước là 20 tỷ ZBD ăn 1 USD. 

Đồng tiền mất giá khủng khiếp khiến hàng hóa ở đất nước này thời điểm đó cũng có giá không tưởng khi 100 tỷ ZBD chỉ mua được một ổ bánh mì; một khay 30 quả trứng có giá niêm yết trong cửa hàng là 45 tỷ ZBD; một gói 10 chiếc bánh quy giá 19 tỷ ZBD.

Khi đồng tiền hầu như không còn giá trị, ngày 30-7-2008, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe quyết định in lại tiền bằng cách bỏ đi 10 chữ số 0 trên tờ tiền 100.000 tỷ đôla Zimbabwe, chỉ sau một tuần đưa ra phát hành. 

Tháng 9-2008, dịch tả ở Zimbabwe đã cướp đi sinh mạng của 3.229 người và làm suy kiệt 62.909 người khác. Đây là dịch bệnh gây thiệt hại về người kinh khủng nhất tại châu Phi 15 năm. Theo thống kê của Liên hợp quốc, tháng 2-2009, có ít nhất 6,9 triệu người, chiếm hơn một nửa dân số Zimbabwe cần viện trợ thực phẩm khẩn cấp. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe bị ngưng trệ; các hệ thống thoát nước thải, cung cấp nước sạch đã bị phá hủy.

Nhưng, giới phân tích cho rằng, “cái chết” của ZBD thực sự đã giúp cho việc đẩy lùi siêu lạm phát tại quốc gia này. Tháng 2-2009, Chính phủ liên hiệp thành lập bắt đầu khởi động những nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế phục hồi và đưa lạm phát về trong tầm kiểm soát. Một trong những quyết định đầu tiên là cho phép người dân dùng ngoại tệ.

Đồng tiền có mệnh giá 100.000 tỷ đô la của Zimbabwe.

Trong khi đó, Tổng thống Mugabe ngày càng bị chỉ trích nặng nề khi ông bị cho là chỉ tập trung đối phó phe đối lập để giữ vững chiếc ghế quyền lực dù tuổi tác ngày càng cao. Vào những năm cuối cùng ở vị trí quyền lực, Mugabe liên tục xuất hiện với hình ảnh ngồi gục đầu, nhắm mắt trong các cuộc họp và phe chống đối khẳng định ông ngủ gật. 

Đời sống riêng tư của Mugabe cũng gây ra nhiều tranh cãi. Ông bị chỉ trích vơ vét để làm giàu cho bản thân cùng lối sống xa xỉ và hoang phí. Là Chủ tịch Hội Phụ nữ của đảng Zanu-PF cầm quyền nhưng đệ nhất phu nhân Grace Mugabe cũng bị lên án là người nắm quá nhiều ảnh hưởng với chính phủ và thói quen chi tiêu đắt đỏ. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 11-2017, Mugabe cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa nhằm mở đường cho vợ mình là Grace Mugabe kế nhiệm. Nhưng động thái này trở thành giọt nước tràn ly và khiến quân đội quyết định ra tay.

Ngày 15-11-2017, quân đội ủng hộ Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, tiến hành đảo chính, đưa xe thiết giáp và các đơn vị vào kiểm soát Thủ đô Harare, bắt giữ và giam lỏng Tổng thống Mugabe tại nhà riêng cho đến khi ông chấp nhận từ chức trong hòa bình. 

Ngày 19-11-2017, ZANU-PF loại ông Mugabe khỏi ghế lãnh đạo đảng. Cả hai đảng lớn của Zimbabwe đều ủng hộ một đề xuất chính thức phế truất ông khỏi vị trí Tổng thống. Ông Mugabe sau đó chấp nhận từ chức với điều kiện ông và vợ mình được miễn truy tố, được bảo vệ an toàn khỏi các lực lượng chống đối, các tài sản riêng không bị tịch thu và được nhận một khoản bồi thường ít nhất là 10 triệu USD.  

Cựu Bộ trưởng Tài chính Zimbabwe Tendai Biti nói rằng sự tự mãn đã khiến ông Mugabe chịu kết cục như vậy. "Ông ấy nắm quyền trong thời gian quá dài. Ông ấy trở nên quá tự mãn và ngoan cố".

Sau khi ông Mugabe qua đời, Bộ Ngoại giao Mỹ gửi lời chia buồn đến những người thương tiếc cho Mugabe nhưng cho rằng "Robert Mugabe đã giúp giải phóng Zimbabwe, nhưng các hành vi vi phạm nhân quyền và quản lý kinh tế sai lầm đã khiến hàng triệu người lâm vào cảnh nghèo đói và ông đã phản bội hy vọng của người dân đối với đất nước".

Minh Khuê (Tổng hợp)
.
.
.