Rơi từ chung cư, nhà cao tầng hiểm nguy được báo trước

Thứ Năm, 02/06/2016, 16:17
Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra khi trẻ em, người lớn rơi từ tầng cao xuống ở các khu chung cư, nhà cao tầng. Với sự mọc lên ngày một nhiều các khu chung cư, nhà cao tầng ở Hà Nội thì vấn đề bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân đang thực sự rất cấp thiết.

Nỗi đau khó lành

Ngày 2-5-2016 vừa qua, tại một ngôi nhà 6 tầng tại ngõ 111 trên phố Xuân Diệu (Tây Hồ, Hà Nội) đã xảy ra một vụ tai nạn vô cùng thương tâm. Khoảng 20 giờ cùng ngày, người dân ở đây hoảng hốt khi phát hiện cháu bé N.M.I (SN 2009, mang quốc tịch một quốc gia châu Phi) bị rơi từ tầng 5 xuống đất. Nhận được tin, bố cháu (hiện đang công tác tại một tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam) chết sững người. Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai song đến 23 giờ cùng ngày thì cháu tắt thở.

Được biết, cháu N.M.I theo gia đình sang Việt Nam mới được khoảng 3 tháng. Cháu là một cô bé rất xinh xắn, ngoan ngoãn, hòa nhập nhanh với cuộc sống ở Việt Nam. Vào thời gian đó cháu vừa kết thúc buổi học tiếng Việt với cô gia sư. Trong nhà lúc ấy có mẹ cháu, nhưng ở một phòng khác. Khi cô gia sư vừa rời phòng học được ít phút thì xảy ra sự việc đau lòng. Nguyên nhân là do cháu trèo lên bàn học chơi, và đã rơi từ cửa sổ phòng xuống đất.

Cháu bé 7 tuổi người châu Phi đã bị rơi từ tầng 5 ngôi nhà này do hành lang không được lắp chấn song bảo vệ.

Khám nghiệm hiện trường, cơ quan Công an phát hiện ra một thiếu sót chết người của chủ nhà. Đó là việc cửa sổ phòng của cháu không có chấn song. Chiếc bàn học lại được kê sát cửa sổ, vô hình trung đã tạo một tình thế nguy hiểm. Bất cứ vật gì để trên mặt bàn đều rất dễ trôi thẳng ra cửa sổ và rơi xuống đất.

Còn nhớ tháng 11-2015, tại chung cư CT2 Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng xảy ra một vụ việc đau lòng. Bé trai 5 tuổi đã bất ngờ rơi từ ban công tầng 22 của khu chung cư và tử vong. Theo một số người dân sinh sống quanh khu vực cho biết, thời điểm trên, họ đang đi qua khu vực trước mặt tòa nhà chung cư CT2 thì bàng hoàng phát hiện bé trai rơi từ trên tòa nhà xuống đất. Ngay sau khi sự việc xảy ra, mẹ cháu bé đã nhanh chóng bế cháu đưa đi cấp cứu trong tình trạng hết sức nguy kịch.

Cũng theo người dân ở chung cư, lúc xảy ra vụ việc, mẹ cháu bé đã khóa cửa nhà đi chợ và để 2 anh em ở nhà chơi với nhau. Căn hộ mà gia đình cháu bé sinh sống có giường ngủ nằm sát với cửa sổ ban công. Tuy nhiên, hành lang ban công của căn nhà này lại không được rào sắt kín nên trong lúc 2 cháu bé chơi đùa với nhau, bé trai này đã chạy, trèo ra ngoài ban công dẫn đến vụ việc đau lòng trên. Tòa nhà chung cư CT2 Xuân Đỉnh cao 25 tầng và mới được đưa vào sử dụng hơn hai năm nay.

Một vụ việc thương tâm khác, tháng 8-2015, cháu P. (SN 2008), trú tại căn hộ trên tầng 10 chung cư NƠ4A, bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã sảy chân rơi từ lan can xuống đất.

Cháu P. bị thương nặng khi rơi từ tầng 10 chung cư Linh Đàm.

Rất may là cháu P. rơi trúng nóc quán lợp tôn ở tầng 1 tạo ra một vết thủng rồi tiếp tục rơi xuống bàn, ghế uống nước ở dưới. Cháu P. ngay sau đó được đưa vào BV Việt Đức cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, gãy rất nhiều xương, chấn thương sọ não.

Không chỉ có các cháu bé mới là nạn nhân của sự mất an toàn ở chung cư mà chỉ cần sơ sểnh một chút, ngay cả người lớn cũng phải trả giá. Khoảng 14 giờ ngày 28-2-2016, tại tòa chung cư CT3-Khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), một phụ nữ đã rơi xuống đất và tử vong. Nạn nhân sau đó được làm rõ là bà P.T.K (SN 1966, trú tại xã Đại An, Vũ Thư, Thái Bình). Bà K. hiện đang làm giúp việc cho một gia đình tại tòa nhà này. Ngay sau khi sự việc xảy ra, người dân đã gọi đội cấp cứu 115 nhưng người phụ nữ đã tử vong tại chỗ.

Cần tự bảo vệ mình trước

Chúng tôi tìm đến căn nhà 6 tầng trong ngõ 111 Xuân Diệu để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của bé gái người châu Phi. Phải đến lần thứ ba, chúng tôi mới được gặp một người đàn ông, xưng là "người nhà" của anh H, chủ tòa nhà trên. Theo ông này thì ngôi nhà được xây từ năm 2012, từ đó đến nay chưa có sự cố gì xảy ra.

Đề cập đến sự việc xảy ra tối 2-5, vị này cho biết đó là một việc không may, hy hữu. "Một phần do cháu bé quá hiếu động, phần cũng do cô gia sư đã thiếu cẩn thận - nhẽ ra khi kết thúc mỗi buổi học phải trao bé tận tay bố mẹ cháu thì đã không xảy ra sự việc đau lòng", ông nói. 

Cũng theo vị này, cửa sổ căn phòng đó có chiều cao 85cm, đồng thời có chốt cửa trên cao, trẻ con không thể với tới. Đồng thời khi thiết kế căn nhà người chủ đã tính đến phương án làm chấn song cho toàn bộ căn phòng từ tầng 2 đến tầng 6 có cùng vị trí nhưng không được cấp phép. Lý do là "phải đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy". "Sau khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã đến trực tiếp các hộ dân thuê nhà để khuyến cáo công tác bảo đảm an toàn cho họ và gia đình" - vị này cho biết.

Anh Nguyễn Văn Huân (SN 1989, hiện công tác tại Bộ NN& PTNT) chia sẻ với chúng tôi: Tháng 10-2015, sau khi nhận bàn giao căn nhà tại một chung cư thuộc khu Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), việc đầu tiên là anh phải làm chấn song cho các ô cửa sổ. Sau đó, khu vực lan can phơi phóng quần áo cũng được "gia cố" bằng ô cửa sắt và khung lưới. Việc này đã tốn thêm đến vài chục triệu đồng, song anh Huân và gia đình vẫn phải "cắn răng" làm. "Không gì quan trọng hơn tính mạng của các cháu trong nhà" - anh Huân khẳng định.

Cũng theo anh Huân, trẻ nhỏ (nhất là các bé trai) thường rất hiếu động, luôn tìm tòi những khu vực mới mẻ (nhưng cực kỳ nguy hiểm) để bày trò chơi. Sân thượng thường được các bé trai yêu thích để thả diều hoặc trốn tìm. Khu vực này thường không có rào chắn hoặc tường bao rất thấp vì vậy, nếu không để ý trẻ có thể xảy ra tai nạn.

Kiến trúc sư Nguyễn Minh Tuấn (người từng tham gia thiết kế, thi công nhiều chung cư tại Hà Nội) cho biết, nguyên nhân hàng đầu của các vụ trẻ em (thậm chí cả người lớn) bị rơi từ trên tầng cao xuống xuất phát từ thiết kế thiếu hợp lý của một số tòa nhà. Đó là các lan can trong nhà cũng như hành lang quá thấp, chiều cao cửa sổ không hợp lý… Thậm chí cửa sổ tại nhiều căn chung cư còn không có chấn song (để tiết kiệm chi phí xây dựng). Ngoài ra việc kê xếp đồ đạc trong nhà thiếu tính toán cũng là một nguyên nhân.

Để loại trừ các tai nạn thương tâm có thể xảy ra, các bậc phụ huynh sau khi đã nhận nhà thì cần phải quan sát, thậm chí thuê người có chuyên môn để thiết kế lại căn phòng sao cho thật an toàn cho cả người lớn và trẻ nhỏ. 

Đầu tiên lan can ban công nhà cao tầng tối thiểu phải cao 1,1m; không được phép làm lan can theo thanh ngang tính từ mặt sàn lên đến đỉnh. Ban công phải được làm bằng các thanh dọc hoặc đặc để tránh trường hợp trẻ con trèo lên dễ dàng. Chiều cao cửa sổ trong mỗi căn hộ phải tối thiểu 1m tính từ mặt sàn lên bậu cửa sổ, cao hơn thì càng tốt. Căn hộ nào đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì được xem là an toàn với trẻ nhỏ. Từ thiết kế ban đầu này, tùy theo nhu cầu sử dụng của từng hộ gia đình để cha mẹ cân nhắc xem có nên lắp lưới an toàn ở ban công và cửa sổ hay không.

Bên cạnh đó, có một vấn đề nảy sinh là Ban quản lý nhiều khu chung cư cũng như lực lượng phòng cháy chữa cháy thường khuyến cáo người dân không nên lắp lưới hoặc làm lồng sắt ở lan can. Bởi điều này sẽ gây khó khăn cho việc thoát hiểm cũng như cứu người khi xảy ra hỏa hoạn. Vậy là chủ nhà bị "kẹt" ở giữa. Muốn làm lồng sắt để chống trộm nhưng lại mâu thuẫn với việc "thoát hiểm". Bài toán này không biết ai sẽ giải cho họ?

Yên Chi
.
.
.