Romania:

Đằng sau những quyết định của Tổng thống

Thứ Bảy, 14/07/2018, 14:24
"Các phán quyết của Tòa án hiến pháp phải được tôn trọng tại quốc gia thượng tôn pháp luật", bà Madalina Dobrovolschi, người phát ngôn của Tổng thống Klaus Iohannis đã tuyên bố như vậy khi thông báo sắc lệnh cách chức Trưởng công tố, người đứng đầu Cơ quan Chống tham nhũng (DNA) Laura Codruta Kovesi. 


Ngày 9-7, Tổng thống Klaus Iohannis đã ký sắc lệnh cách chức Trưởng công tố Laura Codruta Kovesi sau khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết về việc này. Gần 2 tháng trước (30-5), Tòa án Hiến pháp từng tuyên bố, Tổng thống Klaus Iohannis không có quyền hiến pháp để phản đối đề nghị cách chức trước đó của Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader. 

5 tháng trước (tháng 2-2018), Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader đã đề nghị cách chức Trưởng công tố vì cho rằng bà Laura Codruta Kovesi vượt quá thẩm quyền và hủy hoại hình ảnh quốc gia ở nước ngoài. 

Theo luật pháp Romania, Bộ trưởng Tư pháp được phép đề nghị cách chức Trưởng công tố, cơ quan giám sát tòa án cần thông qua đề nghị này và Tổng thống Klaus Iohannis là người đưa ra quyết định cuối cùng cho đến khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết.

Tổng thống Romania Klaus Iohannis.

Theo giới truyền thông, sau khi được bổ nhiệm làm Trưởng công tố năm 2013, bà Laura Codruta Kovesi đã lãnh đạo và dưới sự điều hành của người đứng đầu DNA, các vụ truy tố tham nhũng đã tăng đột biến, nhận được sự hoan nghênh của Liên minh châu Âu (EU). 

Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Romania đang đi ngược lại với cam kết chống tham nhũng trước đó, đồng thời khuyến cáo nước này cần cân nhắc kỹ để xác định rõ tác động của các cải cách tới những nỗ lực bảo vệ tính độc lập của nền tư pháp và cuộc chiến chống tham nhũng. 

11 năm trước (2007-2018), EU từng xếp Romania vào cơ chế giám sát “hành động cải cách tư pháp và chống tham nhũng”. Bởi nước này là một trong những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong EU. Do đó, quyết định cách chức Trưởng công tố Laura Codruta Kovesi của Tổng thống Klaus Iohannis đang vấp phải chỉ trích từ nhiều phía. 

Cách đây không lâu, khoảng 3.000 người từng xuống đường tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Laura Codruta Kovesi vì Trưởng công tố DNA đứng trước nguy cơ bị sa thải (theo dự luật cải cách). Người biểu tình tụ tập gần trụ sở của DNA ở thủ đô Bucharest, giương cao các biểu ngữ bày tỏ sự ủng hộ đối với bà Laura Codruta Kovesi. 

Được biết, từ tháng 11-2017 đến nay, dự luật cải tổ hệ thống tư pháp luôn vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân bởi nó hạn chế quyền lực của DNA, và quyền hạn của người đứng đầu DNA trong việc bác bỏ quyết định bổ nhiệm các công tố viên cấp cao do chính phủ chỉ định.

Khoảng nửa tháng trước (27-6), chính phủ liên minh do Thủ tướng Viorica Dancila đứng đầu đã dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, được tiến hành theo yêu cầu của đảng Dân tộc Tự do (NLP) đối lập chính. Mặc dù kiến nghị của đảng NLP (yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Viorica Dancila) nhận được sự ủng hộ của đảng Liên minh cứu nguy Romania và đảng Phong trào của Nhân dân, nhưng phe đối lập chỉ nhận được 166 phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với 233 phiếu cần thiết, để hạ bệ nữ Thủ tướng đầu tiên của Romania. 

Trưởng công tố Laura Codruta Kovesi.

Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Klaus Iohannis yêu cầu Thủ tướng Viorica Dancila từ chức hôm 27-4, vì bà "không làm tròn chức trách của Thủ tướng, khiến chính phủ rơi vào thế có thể gây tổn hại cho đất nước". Nhưng bà Viorica Dancila đã chống lại yêu cầu từ chức của Tổng thống Klaus Iohannis - liên quan đến việc chuyển địa điểm Đại sứ quán Romania ở Israel. 

Trong tuyên bố đưa ra hôm 27-4, Thủ tướng Viorica Dancila cho biết, bà không thấy có lý do gì phải từ chức, khi vẫn ủng hộ đảng Dân chủ xã hội cầm quyền và làm tốt nhiệm vụ kể từ khi nhậm chức (29-1) đến nay. Chủ tịch Thượng viện Calin Popescu-Tariceanu cho biết, Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền bãi nhiệm Thủ tướng. Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội cầm quyền, đồng thời là Chủ tịch Hạ viện Liviu Dragnea tuyên bố ủng hộ Thủ tướng Viorica Dancila.

Hơn 2 tháng trước (2-5), ông Klaus Iohannis không ủng hộ đối với gói cải cách tư pháp của bà Viorica Dancila càng khiến cho mâu thuẫn giữa Tổng thống và Thủ tướng trở nên căng thẳng, nhất là trong bối cảnh dư luận Romania quan ngại về nguy cơ đe dọa tới tính độc lập của bộ máy tư pháp. Trong tuyên bố đưa ra hôm 2-5, Tổng thống Klaus Iohannis cho biết, đã chuyển các đề xuất của Thủ tướng Viorica Dancila tới Tòa án Hiến pháp, cũng như tham vấn ý kiến của các chuyên gia châu Âu về gói cải cách từng được chính phủ cũ thông qua hồi tháng 12-2017. Tổng thống Klaus Iohannis cũng nhấn mạnh, dự luật cải tổ hệ thống tư pháp không phù hợp với khuôn khổ Hiến pháp Romania, cũng như các tiêu chuẩn liên quan của châu Âu. Và điều này có nguy cơ làm suy yếu vị thế của các công tố viên, cũng như gây cản trở luật pháp.
Tuệ Sỹ
.
.
.