Romania mở cửa cho lao động châu Á

Thứ Tư, 06/11/2019, 13:56
Trong khi không ít người chấp nhận mất cả tỉ đồng và thậm chí đánh đổi cả sinh mạng để các đường dây buôn người đưa vào Anh bằng con đường nhập cư lậu thì một quốc gia Đông Âu là Romania hiện rất thiếu nhân công, đang mở cửa cho lao động từ châu Á.

Có ngân sách nhưng thiếu nhân công

Mũ bảo hộ màu vàng đội trên đầu, khoảng 30 công nhân làm việc tại một công trường ở phía Nam thủ đô Bucarest, Romania, trao đổi với nhau bằng tiếng Việt.

"Bạn ơi, bạn ơi", Costel, một công nhân người Romania gọi một "anh bạn" người Việt, trong nỗ lực phá vỡ hàng rào ngôn ngữ trên công trường xây dựng do tòa thị chính quận 4 của thủ đô Bucarest quản lý.

Ngoài giờ làm việc, khoảng thời gian giao lưu giữa hai nhóm chỉ hạn chế ở giờ nghỉ giải lao. Công nhân người Việt Nam thích hút thuốc bằng ống điếu được chế ra từ một ống nhựa PVC, và vào giờ ăn trưa, họ dùng bữa trưa trong gian phòng ăn với những món ăn Việt, do một đầu bếp người Việt Nam chế biến.

 "Chúng tôi có tiền để cải tạo khoảng mấy chục tòa nhà xã hội, nhưng lại không có đủ nhân công", Thị trưởng Daniel Baluta, người đã quyết định tuyển người ở những nước xa xôi ngoài biên giới Liên hiệp châu Âu, nói.

Là đất nước có 4 triệu dân nhưng cư dân lại thích di cư sang các nước phương Tây làm việc để có tiền lương cao hơn, chỉ trong quý I-2019, Rumania đã cấp hơn 11.000 giấy phép lao động, trong khi con số này trong cả năm 2018 là 10.500. Người Việt Nam, Moldova, và Sri Lanka là những quốc tịch được tuyển dụng nhiều nhất. Đa số được tuyển mộ thông qua các công ty chuyên về nhân sự người châu Á.

Các công ty may của Rumani có nhu cầu tiếp nhận thợ may người nước ngoài.

Bà Corina Constantin, Giám đốc Công ty Multi Professional Solutions của Romania cho biết: "Ban đầu chúng tôi chỉ được những dự án nhỏ yêu cầu cung cấp người, nhưng từ 3 năm qua, nhu cầu nhân công cho những dự án lớn đã tăng lên rất cao".

Theo một công trình nghiên cứu mới đây của công ty cung ứng lao động thời vụ Mỹ Manpower, có đến 4/5 chủ sử dụng lao động Romania gặp khó khăn trong việc tuyển người. 

Lao động có tay nghề tại Romania thiếu hụt 61% (năm 2015) và 65% (năm 2016). Đây đang là thực trạng khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của nhiều nhà máy, xí nghiệp tại địa bàn. 

Các ngành nghề doanh nghiệp Romania khó tuyển dụng hiện nay gồm kỹ sư cơ khí, thợ hàn kỹ thuật cao, chuyên gia công nghệ thông tin, thợ sử dụng máy móc tự động, nhân viên nhà hàng-khách sạn, kỹ thuật viên quản lý và kinh doanh bán hàng…

Romania là thị trường tiềm năng, có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, mức lương và thu nhập của người lao động đảm bảo, chi phí trước khi đi thấp. 

Trong những năm gần đây, lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Romania tuyển dụng sang làm việc chủ yếu là các ngành nghề lao động phổ thông như thợ hàn, thợ xây, thợ mộc, thợ lắp ráp cơ khí, thợ may, đốc công, giám sát…

Lực lượng công nhân lao động được tuyển chọn từ Việt Nam sang theo hợp đồng đang làm việc tại các thành phố và địa phương ở Rumania như Bucarest, Ploiesti, Constanta, Brasov, Tulcea, Timis, Iasi, Vrancea, Cluj Napoca, Olt v.v…

Romania hiện cần lượng lớn công nhân xây dựng.

Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam

Ngày 28-11-2018, tại Thủ đô Bucharest, Cộng hòa Romania, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumani Marius Constatin  Budai đã tiến hành hội đàm và ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác trong lĩnh vực lao động và an sinh xã hội. Bản ghi nhớ có thời hạn 5 năm, bắt đầu từ năm 2018.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc ký kết hợp tác giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Công bằng xã hội Rumania thể hiện trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc. 

Hiện tại nhu cầu tiếp nhận lao động của bạn là rất lớn khi kinh tế đang tăng trưởng nhanh, bình quân 5-7%/năm. Bên cạnh đó, hiện nay lao động Rumania chuyển sang các nước Tây Âu làm việc khá nhiều, điều này dẫn đến lao động trong nước ở các ngành nghề đang thiếu hụt trầm trọng.

Trước đó, giai đoạn 2008 - 2016, mỗi năm có khoảng 100 lao động Việt Nam sang Rumania làm việc trong các ngành nghề: hàn, cơ khí, điện, sơn. Năm 2017, có hơn 800 lao động Việt Nam sang Romania làm việc. 

Năm 2018, đã có hơn 1.400 lao động Việt Nam sang Rumani làm việc tại các ngành nghề: hàn, cơ khí, mộc, sắt thép, thợ may, xây dựng, chế biến thịt…. Còn trong 9 tháng của năm 2019, đã có 1.103 lao động (41 lao động nữ) Việt Nam sang làm việc tại Romania. Romania đang rất cần lao động trong các ngành, nghề: hàn, xây dựng, sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.... 

Dự báo trong những năm tới, các công ty, doanh nghiệp của bạn cần nguồn cung lao động lên tới con số vài chục vạn người. Lao động Việt Nam sang Romania có điều kiện làm việc tốt, được chủ doanh nghiệp bố trí nơi ăn, ở đảm bảo, mức lương cơ bản từ 600 USD đến 1.200 USD/tháng tùy từng ngành nghề, thời hạn hợp đồng là 2 năm (có thể gia hạn). Chi phí trước khi đi của người lao động vào khoảng 40 triệu đồng/người.

Điều kiện tuyển dụng các đơn hàng xuất khẩu lao động Romania cũng không quá khó:

Nam, cao: 1m62 trở lên. Nặng: 50 kg trở lên; Nữ, cao :1m50 trở lên nặng 45kg trở lên. Độ tuổi tuyển dụng từ 25 đến 45 tuổi

Lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT trở lên; có sức khoẻ tốt, thị lực tốt, không mắc các bệnh: Viêm gan B, C, HIV, giang mai, hoa liễu, tiền sử bệnh não, tim, gan, bệnh mãn tính. Ưu tiên cho những người lao động đã có kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài với công việc đăng ký tham gia. Tư cách đạo đức tốt, không tiền án, tiền sự, trung thực đạo đức tốt

Quyền lợi:

Mức lương theo hợp đồng: Trung bình từ 450-600 USD/tháng (đối với thợ hàn, thợ xây dựng, thợ cơ khí…). Từ 800-1.000 USD/tháng (đối với đốc công và kỹ sư). Thời hạn hợp đồng: từ 2-3 năm (có thể được gia hạn). Thời gian làm việc: 5 ngày/tuần, ngày làm 8 tiếng (40h/tuần) + có thể được làm thêm giờ. Làm việc tại các địa phương khác nhau ở Romania (tùy theo hợp đồng). Chi phí ăn ở + BHXH + BHYT + vé máy bay đi-về: do chủ sử dụng lao động chi trả. Thuế nhà nước: Chủ sử dụng lao động thanh toán cho người lao động. Chế độ nghỉ phép, bồi hoàn thiệt hại: theo qui định của Luật lao động Romani.

Bulgaria chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam

Ngoài Rumania, hiện Bulgaria cũng đã chính thức tiếp nhận lao động Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Lao động và Chính sách xã hội Bulgaria Zornita Roussinova cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ Bulgaria đã điều chỉnh Luật Lao động cho người nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Bulgaria. Đồng thời, thúc đẩy ký kết các Hiệp định song phương về hợp tác lao động với các nước để các doanh nghiệp Bulgaria yên tâm về chất lượng lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng.

Từ năm 2001, kinh tế Bulgaria từng bước ổn định, tăng trưởng tốt (GDP năm 2008 tăng 6,5%). Tuy nhiên, đến năm 2009, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, GDP Bulgaria giảm 5,1%, thất nghiệp tăng lên mức 9,1%. Đến năm 2010, kinh tế Bulgaria bắt đầu hồi phục. Trong 4 năm trở lại đây, GDP liên tục tăng trưởng trên 3%, trong đó, năm 2017 tăng trưởng GDP đạt 3,6% và năm 2018 đạt 3,2%.

Theo thông tin của Cơ quan Thống kê kinh tế thương mại Trading Economics, lương trung bình tại Bulgaria kỹ thuật cao từ 422 đến 654 EUR/tháng; khu vực sản xuất từ 102 đến 528 EUR/tháng; lương kỹ thuật thấp ở mức 241 đến 306 EUR/tháng. Chủ tịch Hội đồng quản trị của Hiệp hội vốn công nghiệp (AICB) Vassil Velev cho biết, hiện 68% người sử dụng lao động tại Bulgaria phải đối mặt với những khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.

Tháng 11-2018, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác với Bộ Lao động và Chính sách xã hội Bulgaria. Đây là bản thỏa thuận dựa trên sự cam kết hợp tác giữa Chính phủ hai nước về việc đưa lao động Việt Nam sang Bulgaria làm việc.

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50.000 lao động ở 4 lĩnh vực: xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Do vậy, việc ký kết thỏa thuận giữa hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả xuất khẩu lao động và đào tạo nghề.

Trong những năm gần đây, tình trạng thiếu hụt lao động của Bulgaria đã tác động lớn đến nền kinh tế. Trước tình hình này, Chính phủ Bulgaria đã đưa ra các chính sách điều chỉnh nhằm tăng hiệu quả thị trường lao động tại quốc gia này. Việc mở cửa thị trường lao động từ nước thứ ba của Bulgaria đã tạo điều kiện cho lao động nước ngoài, trong đó có Việt Nam, khai thác được nguồn lao động đang thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp ở các địa phương của Bulgaria.

Nhu cầu tiếp nhận lao động tại Bulgaria rất cao, tuy nhiên, mức lương tại đây vẫn còn thấp so với các nước khác. Do vậy, người lao động cần tìm hiểu rõ về mức lương sau khi trừ bảo hiểm, các hỗ trợ của doanh nghiệp tuyển dụng về nhà ở, ăn trưa và chi phí sinh hoạt.

Nguyễn Tân

Tân Lương
.
.
.