"Rốn" lũ Đà Bắc và những câu chuyện lay động lòng người

Thứ Sáu, 27/10/2017, 14:43
Đêm 9, rạng sáng 10-10, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trận lũ lịch sử đã "tấn công" cuộc sống của bà con huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Lũ dữ đi qua, nỗi đau, khó khăn để lại. Cũng ở nơi đây, đã có không ít câu chuyện lay động lòng người. Trong cơn hoạn nạn luôn có các anh - những cán bộ chiến sĩ Công an, Quân đội.


1. Yên Hòa - xã vùng 2 của huyện Đà Bắc. Trận lũ dữ lịch sử đêm 9 rạng sáng 10-10 vừa qua khiến bà con nơi đây chưa hết bàng hoàng. Chị Hà Thị Yên, cán bộ Trạm Y tế xã Yên Hòa không thể quên giây phút sinh tử hôm ấy.

Theo lịch công tác, đêm 9-10, hai mẹ con chị cùng người cháu họ lên Trạm Y tế ứng trực. Con đường đi qua Trạm Y tế xã chiều 9-10 bắt đầu xuất hiện nước suối. 2h ngày 10-10, sau loạt tiếng: "Rầm! Rầm!", không rõ bắt nguồn từ đâu, nước lũ kéo theo đất, đá cứ ùn ùn đổ về. Điện lưới tắt ngúm. Dưới ánh đèn pin leo lắt, chị thấy nước dâng lên không ngừng.

Cán bộ Công an, Quân đội dựng nhà tạm cho các hộ dân bị nước lũ vùi lấp nhà.

Thoáng chốc, nó "ôm" trọn cả khoảng sân phía trước. 2h10, nước bắt đầu tràn vào phòng. Cảm giác lo sợ xuất hiện. Chị Yên ôm chặt con và người cháu họ mình rồi thảng thốt: "Cứu! Cứu với!". Tiếng kêu cứu của chị nhanh chóng lọt thỏm trong âm thanh "Rầm! Rầm". 2h20, bờ tường ngăn cách trụ sở UBND xã và Trạm Y tế xã Yên Hòa đổ rầm một cái. Ánh đèn pin chiếu xiên vào gian phòng. "Mình được cứu rồi! Ơn trời!", chị nghĩ rồi chiếu ngược ánh đèn pin, phát tín hiệu.

Thoáng thấy tiếng: "Mọi người cứ ở đấy. Chúng tôi tới ngay!", chị nhận ra ngay đó chính là Thượng úy Bùi Văn Tuấn và Thượng sĩ Bùi Văn Khương, cán bộ Đội Xây dựng phong trào và Phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Đà Bắc. 10 phút sau, mẹ con chị Yên cùng người cháu họ được các anh đưa đến khu vực an toàn.

Chứng kiến con đường liên xóm Kìa bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều vị trí bị hở hàm ếch, hàng loạt "ổ voi", "ổ trâu" sâu đến 1-2m xuất hiện, chúng tôi không khỏi xót xa và hiểu thêm thiên tai thật ác nghiệt thay. Lối vào cùng toàn bộ khoảng sân của Trạm Y tế xã Yên Hòa lúc này bị khoảng 400m3 đất, đá vùi lấp.

Thượng sĩ Bùi Văn Khương nhớ lại, đêm đó, khi thấy lũ về, anh cùng Thượng úy Bùi Văn Tuấn khoác áo mưa, mang theo đèn pin nhanh chóng có mặt tại khu vực xuất hiện lũ ống. "Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là tuyên truyền, không để bà con băng qua dòng nước lũ. Đồng thời, bằng mọi cách đưa người mắc kẹt đến nơi an toàn.", anh  Khương cho hay.

Thượng sĩ Khương dẫn chúng tôi đến vị trí mà anh cùng Thượng úy Tuấn tiếp cận để cứu mẹ con chị Yên và người cháu. Chỉ tay về phía bức tường đã bị đổ rạp, anh cho biết, đêm đó, anh nhận được tin của người dân: "Rất có thể ở trong Trạm Y tế xã đang có người trực và bị mắc kẹt". Do trục đường chính ngập trong nước lũ, nên các anh liền tiếp cận Trạm Y tế từ phía trụ sở UBND xã.

Xác định đúng có người mắc kẹt bên dưới Trạm Y tế, hai anh liền hợp sức đẩy đổ bức tường ngăn của UBND xã. "Không hiểu sao lúc ấy, sức chúng tôi lại khỏe vậy. Thật may, lúc đó, chúng tôi lại nhặt được đoạn dây thép dài. Và chính đoạn dây thép này đã giúp chúng tôi đưa mẹ con chị Yên và người cháu thoát khỏi điểm nước lũ đang bao vây!", Thượng sĩ Bùi Văn Khương nhớ lại.

Nước lũ không ngừng dâng lên, nên đêm đó, Thượng úy Bùi Văn Tuấn và Thượng sĩ Bùi Văn Khương đã trực tiếp cùng dân quân, Công an xã đưa hơn chục hộ gia đình đến khu vực Trường Mầm non Yên Hòa - nơi có gò đất cao tránh mưa lũ. Trong đêm ấy, chính các anh còn kịp thời đưa 20 em học sinh Trường THPT Yên Hòa đang ở trọ trong xóm Kìa đến nơi an toàn.

Bác Hà Thị Tòi, 59 tuổi, ở xóm Kìa, xã Yên Hòa bế cháu nội Lường Thị Trà My mới 2 tuổi trên tay xúc động: "Nhờ có các anh nên đêm đó, hai bà cháu chúng tôi mới không bị lũ dữ cuốn đi đấy!". Trong câu chuyện với bác Tòi, chúng tôi được biết, rạng sáng 10-10, bác Tòi cùng cháu My được đưa lên điểm trường Mầm non Yên Hòa một cách an toàn. Và hai ngày sau, nước lũ rút, bác Tòi và cháu My đã trở về nhà.

Trường Mầm non Đoàn Kết, xã Đoàn Kết bị đất đá vùi lấp.

2. Đi trên tỉnh lộ 433 nối liền từ thị trấn Đà Bắc đến các xã: Cao Sơn, Đoàn Kết, Yên Hòa…, hình ảnh nhiều đoạn đường bị sạt lở, bong tróc, hở hàm ếch khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Sức tàn phá của lũ ống, lũ quét thật khủng khiếp. Nhiều gia đình chỉ sau một đêm đã trắng tay khi không còn nhà ở, ruộng vườn. Ngôi trường Mầm non Đoàn Kết ở xóm Cang, xã Đoàn Kết nằm nép mình bên tỉnh lộ 433 sau một đêm đã bị cả mét đất, đá chất lên.

Nước lũ "ngoạm" nham nhở các phòng học. Phía xa, cả một dải đất kéo dài từ đỉnh đồi Đoàn Kết xuống mép tỉnh lộ 433. Thiếu tá Bàn Văn Luân, Đội trưởng Đội An ninh - Công an huyện Đà Bắc người dẫn đường cho chúng tôi, không khỏi xót xa: "Từ trước đến nay, đây là trận lũ lịch sử có sức tàn phá nặng nề nhất. Nó đã và đang đè nặng lên đôi vai của bà con Đà Bắc".

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, từ đêm 9-10 đến hết ngày 13-10, trên địa bàn huyện Đà Bắc đã xảy ra mưa lớn kéo dài trên diện rộng. Lũ quét, lũ ống kéo theo đó là hiện tượng sạt lở đất, đá xuất hiện. Sau hơn 10 ngày đỉnh lũ xuất hiện, đến nay, mực nước tại các điểm ngập lụt cơ bản đã rút. Hàng loạt trang thiết bị, phương tiện như: máy xúc, máy ủi… đã được huy động để khắc phục các vị trí sạt lở; song, do có nhiều điểm sạt lở cùng lúc xuất hiện nên vào thời điểm hiện tại, hệ thống giao thông đi lại vẫn hết sức khó khăn.

Bà con xóm Nhạp xuống bến đò tạm đến nhận quà cứu trợ của các nhà hảo tâm.

Thượng tá Đỗ Anh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Đà Bắc cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh lộ 433 nối thành phố Hòa Bình với trung tâm huyện đã thông tuyến tạm thời, còn tuyến đường từ thị trấn Đà Bắc đi xã Đồng Nghê (Đà Bắc) hiện mới thông xe đến km 78/84 (tại xã Suối Nánh). Nhiều địa bàn chỉ có thể tiếp cận bằng đường thủy như: xóm Nhạp (Đồng Ruộng), xóm Kế (Mường Chiềng), xã Đồng Chum, xã Suối Nánh…

Mưa lũ đi qua, nỗi đau để lại. Trận lũ lịch sử xuất hiện trên địa bàn huyện Đà Bắc vừa qua đã khiến 6 người chết, 5 người bị mất tích và 8 người bị thương; 50 ngôi nhà đã bị sập hoàn toàn, 325 ngôi nhà ngập trong đất đá. Cuộc sống của nhiều hộ gia đình vốn khó khăn nay càng trở nên khó khăn hơn khi tài sản, hoa màu tích góp bao lâu chỉ sau một đêm đã bị lũ dữ cuốn phăng.

Triền quả đồi xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng), đoạn gần dòng sông Đà tuôn chảy là nơi cư ngụ của gia đình bà Vì Thị Lon, 64 tuổi, người dân tộc Thái từ bao đời nay. Thế nhưng, thật nghiệt ngã thay, sau ít phút lũ dữ xuất hiện, ngôi nhà cùng hàng trăm mét vuông ruộng của gia đình bà nhanh chóng bị vùi lấp bởi đất, đá. "Nhà cửa, tài sản mất hết rồi. Giờ vợ chồng tôi chỉ còn có 2 con trâu thôi. Mưa lũ sao ác vậy!", bà Vì Thị Lon nói trong nghẹn ngào.

3.Những ngày này, đặt chân lên các điểm bị thiệt hại nặng nề bởi mưa lũ, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội sát cánh cùng bà con Đà Bắc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Trở về trụ sở sau nhiều đêm cùng đồng đội "bám" địa bàn, giúp dân vượt lũ, Thượng tá Đỗ Anh Tuấn chia sẻ, ngay sau khi mưa lũ xảy ra, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông… qua đó thông tin, cảnh báo kịp thời đến người dân chủ động phòng tránh những thiệt hại do mưa lũ gây ra.

PV Báo CAND và cán bộ Công an huyện Đà Bắc thăm hỏi bà con vùng lũ xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng)

Trong thời gian này, Ban Chỉ huy Công an huyện cũng đã huy động 4 đợt với hơn 100 lượt cán bộ chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn cùng bà con vượt lũ, ổn định cuộc sống cũng như triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, không để xảy ra sự việc phức tạp.

 Thời tiết diễn tiến thất thường, nên công tác phòng ngừa "lũ chồng lũ" trong thời gian này được lực lượng Công an chú trọng. Theo Thượng tá Đỗ Anh Tuấn, trong thời gian qua, các cán bộ chiến sĩ Công an huyện, Công an tỉnh phối hợp với lực lượng Quân đội đã di dời khẩn cấp 211 hộ dân đến nơi an toàn.

Mặt khác, để ổn định cuộc sống người dân, đã có 50 nhà bạt dã chiến được dựng lên cho các hộ gia đình. Đánh giá của Công an huyện Đà Bắc cho thấy, hiện trên địa bàn có 345 hộ dân cần phải di dời khẩn cấp do hiện tượng đồi trên phía sau nhà bị nứt, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây mất an toàn.

 Trực tiếp đến "rốn" lũ Đà Bắc, mới thấy được nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân nơi lũ dữ. Ngọn đồi Tân Hương nằm bên dòng sông Đà với hàng chục lán trại dã chiến mới được cán bộ, chiến sĩ Công an huyện, Huyện đội Đà Bắc dựng lên cách đây không lâu là nơi ở tạm của 25 hộ dân xóm Nhạp (xã Đồng Ruộng) trước đó đã bị mưa lũ cuốn phăng, vùi lấp nhà.

Nhiều ngày qua, hầu như hôm nào, Thượng úy Bùi Văn Tuấn và Thượng sĩ Bùi Văn Khương - cán bộ phụ trách địa bàn cũng đều mất gần 2 giờ đồng hồ sử dụng đò vượt dòng sông Đà có mặt ở đây. Các anh đến đây để thăm hỏi, động viên bà con vượt qua khó khăn trước mắt cũng như nắm bắt tâm tư, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Trong lán tạm, anh Bùi Văn Ngôn cho biết: "Nhà mất rồi. Nhưng may mắn cho gia đình tôi và nhiều hộ dân khác. Nhờ chính quyền địa phương và các cán bộ, chiến sĩ Công an, Quân đội, nên chúng tôi mới có lán tạm này để ở qua ngày!".

Nói rồi, anh Ngôn cùng người thân tất tả xuống bến đò tạm dưới chân đồi để nhận hàng cứu trợ của các nhà hảo tâm. Ánh chiều bắt đầu sẫm lại. Con đò do tài công Lê Văn Tuyên ở xóm Hổm (xã Đồng Ruộng) nổ máy đưa chúng tôi trở lại bến Hạt. Mong sao, bà con vùng lũ Đà Bắc sớm vượt qua cơn bĩ cực trước mắt…

Nguyễn Hưng - Trần Huy
.
.
.