Rừng già "chảy máu" vì "voi chui lọt lỗ kim"

Chủ Nhật, 28/04/2019, 16:26
Những cây gỗ hàng chục, hàng trăm năm tuổi ở khu vực Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng - Di sản thiên nhiên thế giới (Vườn PNKB) bị đốn hạ; hàng trăm mét khối gỗ đã bị tẩu tán khỏi rừng già.


Nghịch lý ở chỗ, người dân sống xung quanh vùng đệm Vườn PNKB thường nói với nhau: Để đưa một nhánh lan rừng, một chai mật ong, hay một bó lá dong gói bánh chưng tết ra khỏi rừng cũng khó, vì bị bắt, bị xử lý bởi xung quanh khu vực Vườn PNKB có nhiều trạm Kiểm lâm, trạm Biên phòng chốt giữ trên con đường độc đạo vào Vườn PNKB.

Lâm tặc phá rừng ngay cạnh đồn Biên phòng

Sau nhiều giờ cắt rừng, chúng tôi có mặt ở tiểu khu 649, 650 nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn PNKB thuộc địa phận xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Trước mắt chúng tôi là hàng loạt gốc gỗ mun to lớn quý hiếm còn tươi nhựa cây, còn thân cây đã bị lâm tặc mang đi.

Ngoài gỗ mun, nhiều loại gỗ quý hiếm khác cũng bị cưa còn trơ gốc. Điều đáng nói, để vào chỗ phá rừng một cách bất hợp pháp này, lâm tặc chỉ duy nhất có một con đường để vào.

Một cây mun sọc lớn ở tiểu khu 650 Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng bị lâm tặc đốn hạ chỉ còn gốc.

Để cắt rừng tiếp cận tiểu khu 649, 650, chúng phải vượt qua một con suối lớn, sau đó qua địa phận bản Coóc, xã Thượng Trạch và là nơi có đặt trụ sở của Đồn Biên phòng Cồn Roàng, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình. Bắt đầu từ cổng Đồn Biên phòng Cồn Roàng xuất hiện một con đường tuần tra biên giới đang trong giai đoạn thi công.

Đây cũng chính là con đường độc đạo để xâm nhập vào các khu vực rừng bị lâm tặc tàn phá. Điều đáng nói, khi con đường này hình thành được vài tháng thì gỗ rừng ở khu vực này cũng bắt đầu "chảy máu". Trên con đường độc đạo, dấu vết lâm tặc kéo gỗ ra khỏi rừng còn chằng chịt. Theo lời người dân địa phương, để đưa được gỗ ra khỏi rừng, lâm tặc đã phải dùng phách, dây chằng để kéo và giữ gỗ vì dốc cao.

Trước mắt chúng tôi là tiểu khu 649, 650 thuộc lâm phận do Vườn PNKB, ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình quản lý. Mặc dù rừng có chủ rừng nhưng nhìn cảnh những cây gỗ hàng trăm năm tuổi đã bị lâm tặc cưa mang đi chỉ còn trơ lại gốc, có thể khẳng định Vườn PNKB đã buông lỏng trong việc quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này.

Mất bao nhiêu năm, bao nhiêu thế hệ để có những cây rừng như thế này. Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định đóng cửa rừng, bao nhiêu ban, ngành ở địa phương chăm sóc, lo lắng việc mất rừng, nhưng rừng ở nơi đây vẫn bị triệt hạ ở ngay gần trụ sở Đồn Biên phòng Cồn Roàng và chủ rừng là Vườn PNKB.

Tại tiểu khu 650, nằm cách không xa con đường mòn đang mở là 2 cây gỗ mun sọc, đường kính khoảng 50-80cm đã bị đốn hạ. Thân và ngọn khi bị cưa đổ đè xuống quật nát cả một vạt rừng rộng ước khoảng trăm m2.

Gỗ lõi đã bị cưa xẻ và vận chuyển đi, hiện trường chỉ còn lại cành, ngọn, mạt cưa, bìa (phần vỏ bên ngoài) nằm ngổn ngang giữa rừng. Cách điểm này chỉ vài chục mét, 2 gốc gỗ mun và 1 gốc táu cũng bị triệt hạ. Cách xa hơn nữa trong rừng sâu, nhiều cây gỗ mun khác cũng đã bị đốn hạ và hiện trường còn lại cũng trong tình cảnh tương tự.

Ngược lên phía cao hơn với 2 giờ đi bộ nữa, chúng tôi tiếp tục chứng kiến cảnh hàng chục gốc gỗ mun, trong đó có cây đường kính lên đến gần cả mét ở cùng tiểu khu 650 đã bị lâm tặc đốn hạ, cưa xẻ lấy gỗ. Ngoài gỗ mun, nhiều loài cây gỗ quý khác như: táu, trâm, trơng, nang, bài lài, lội, bộp…cũng bị lâm tặc ngang nhiên khai thác.

Tại khu vực rừng của tiểu khu 649, lâm tặc cũng đã đốn hạ và xẻ thịt khoảng 20 cây gỗ, mà phần lớn cũng là mun sọc, để lộ ra những khoảng rừng trống hoác. Được biết, vụ phá rừng quy mô lớn nơi đây chỉ được phát giác trong một bữa nhậu của lâm tặc kể tranh nhau "thành tích" về việc phá rừng…

Ngay sau khi vụ phá rừng rất nghiêm trọng ở Vườn PNKB được phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu cùng các đồng nghiệp vào cuộc phản ánh, dư luận trên địa bàn hết sức bức xúc cho rằng: Từ lâu, người dân nghèo sống quanh Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng vào rừng lấy mật ong, lan rừng để bán mưu sinh hàng ngày, hoặc dịp lễ, tết vào rừng lấy lá dong về gói bánh chưng cũng bị xử phạt, tịch thu…

Vì vậy việc lâm tặc triệt hạ cả trăm m3 gỗ quý, hiếm kéo dài hàng tháng trời mà lực lượng Kiểm lâm, Biên phòng trên địa bàn đứng chân không hay biết là chuyện lạ.

Những con đường độc đạo vào rừng, nơi có những trạm canh gác của Kiểm lâm Vườn PNKB, lại có barie luôn đóng sập, kiểm tra mới cho người và xe qua lại, chẳng lẽ xe lâm tặc chở gỗ thì có "thẻ bài" miễn kiểm tra? Vụ phá rừng nghiêm trọng nơi đây kéo dài, số lượng lớn không bị phát hiện kịp thời để ngăn chặn chẳng khác gì "Con voi chui lọt lỗ kim".

Cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan

Sau khi báo chí phản ánh vụ phá rừng rất nghiêm trọng ở Vườn PNKB, Đoàn liên ngành của tỉnh Quảng Bình gồm Công an, Biên phòng, Kiểm lâm…đã vào cuộc kiểm tra và tìm hướng xử lý vụ việc. Theo ghi nhận: Khu vực rừng bị chặt phá nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn PNKB.

Sau khi đến hiện trường tiến hành kiểm tra, lực lượng liên ngành đã kết luận bước đầu: khối lượng gỗ lâm tặc khai thác trái phép đã bị lấy đi theo tính toán tại hiện trường là hơn 100m3 chứ không phải như báo cáo ban đầu của Vườn PNKB là khoảng 70m3.

Nhiều khu vực rừng ngay ở vùng lõi Vườn PNKB bị lâm tặc triệt hạ lấy đi gỗ quý, còn cây non nằm ngổn ngang như ở các tiểu khu 649, 650, trong đó có hàng chục cây gỗ mun, thuộc nhóm IIA hàng trăm năm tuổi đã bị chặt hạ mang đi, nhiều loại gỗ khác như táu, tràm, trường sâng, nang, bài lài, nhộng, bộp…cũng bị khai thác. Toàn bộ các cây gỗ đều bị cưa hạ, chặt phá bằng máy cưa xăng.

Các đối tượng bị bắt tạm giam trong vụ phá rừng ở Phong Nha - Kẻ Bàng.

Cụ thể, tại tiểu khu 650, thuộc địa bàn xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch có 42 cây gỗ gồm gỗ táu, trâm, trơng, lội, bộp đã bị chặt hạ với khối lượng giám định được lên tới 46,402m3.

Trong số 42 cây gỗ bị lâm tặc triệt hạ có 26 cây mun sọc (loại cây gỗ quý hiếm thuộc Nhóm IA, đang bị đe dọa tuyệt chủng) với khối lượng 27,006m3. Ở tiểu khu 649, có 24 cây gỗ đã bị chặt hạ với khối lượng giám định là 23,878m3.

Trong số này, có 19 cây mun sọc, khối lượng 18,983m3 và các loại cây gỗ khác với khối lượng 4,895m3. Điều đáng nói, tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện, lâm tặc đã dựng lán trại, nấu ăn để phá rừng trong một thời gian dài, nhưng không bị lực lượng kiểm lâm Vườn PNKB và Đồn Biên phòng Cồn Roàng phát hiện, xử lý.

Sau khi vụ việc phá rừng vỡ lở, ông Lê Thanh Tịnh-Giám đốc Ban quản lý kiêm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn PNKB mới khẳng định: "Xét thấy đây là vụ việc phá rừng, khai thác gỗ nghiêm trọng, Ban quản Vườn đã chỉ đạo Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật, đồng thời tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào ra biên giới và khu vực Vườn quốc gia để sớm phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm lâm luật trên địa bàn; tiến hành điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".

Mặc dù ông Tịnh nói thế, song dư luận không đồng tình với việc kiểm lâm Vườn PNKB khởi tố vụ án, bởi chính kiểm lâm nơi đây để mất rừng thì không thể tự điều tra chính bản thân lực lượng này.

Ngay cả việc thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra, kết luận vụ phá rừng này, nhiều cơ quan chức năng trên địa bàn cũng không đồng tình việc để Kiểm lâm của Vườn PNKB tham gia đoàn liên ngành. Vì vậy, vụ phá rừng nghiêm trọng này được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình thống nhất giao cho Công an huyện Bố Trạch, Quảng Bình tiến hành điều tra, xử lý.

Ngày 23-4, Công an huyện Bố Trạch đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng 6 đối tượng liên quan đến vụ phá rừng nghiêm trọng ở Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng. Các đối tượng bị khởi tố bắt tạm giam gồm: Mai Văn Dinh, Lê Văn Trung, Trần Văn Viên, Nguyễn Văn Hùng, Trần Văn Hoan, Mai Văn Bình, tất cả đều trú xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Đối tượng Mai Kiên Cường, trú xã Sơn Trạch bị khởi tố, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng vụ phá rừng ở Vườn PNKB-Di sản thiên nhiên thế giới là rất nghiêm trọng. Sau khi khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng trực tiếp phá rừng, dư luận đang chờ đợi các cơ quan chức năng liên quan tiếp tục làm rõ các tổ chức, cá nhân liên quan buông lỏng quản lý, có dấu hiệu móc ngoặc, bao che để mất rừng.

Bởi, sau khi báo chí phản ánh tình trạng phá rừng nghiêm trọng ngay giữa vùng lõi Vườn PNKB, ông Hoàng Đăng Quang- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng của tỉnh như Công an, Biên phòng, Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình, Vườn PNKB… thành lập Đoàn liên ngành tiến hành khẩn trương điều tra làm rõ vụ phá rừng và xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan. Nhưng đến nay, Kiểm lâm Vườn PNKB mới chỉ xử lý trách nhiệm bằng hình thức kiểm điểm, luân chuyển một vài nhân viên.

Mun sọc hay còn gọi là thị bong (tên khoa học là Diospyros salletii). Loài thực vật rừng này có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Sự hiện diện của mun sọc trong Vườn PNKB chỉ ở 1 vài khu vực nhất định bởi chất đất ở vườn này rất giàu dinh dưỡng, độ ẩm cao nhưng mun sọc lại phù hợp với khí hậu hạn hán trên đất nghèo, độ cao dưới 800m. Ở Việt Nam hiện nay, gỗ mun hiện rất quý hiếm, có giá trị kinh tế rất cao và loài này đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi sự săn lùng ráo riết của nạn khai thác trái phép.
Dương Sông Lam
.
.
.