Rùng mình tương ớt, dấm ăn sản xuất bằng nguyên liệu trôi nổi

Thứ Hai, 09/03/2015, 10:30
Để có lượng hàng bán phục vụ cho dịp tết, Ánh đã nhập một số nguyên liệu trôi nổi từ Chợ Lớn về để pha chế thành tương ớt, dấm ăn và các loại gia vị khác để bán ra thị trường suốt 3 tháng nay. Khi các cán bộ kiểm tra bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất của Ánh thì thấy các loại gia vị này được chế biến ngay cạnh nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối.

Sản xuất gia vị bẩn phục vụ tết

Ngày 6/2, Đội Quản lý thị trường số 5 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai), cho biết vừa phát hiện và lập biên bản xử lý một cơ sở sản xuất gia vị không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh trên địa bàn huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, sau nhiều ngày theo dõi, đến khoảng 10h ngày 5/2, Đội Quản lý thị trường số 5 cùng một số cơ quan chức năng tại địa phương đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất gia vị tại ấp An Chu, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai do Vũ Văn Ánh (25 tuổi, quê tỉnh Nam Định) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 200 lít nước dấm, 360 lít màu, hàng trăm chai tương đỏ, tương đen đã được đóng chai cùng hàng chục loại gia vị dùng chế biến món ăn và nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ được đặt tại cơ sở của Ánh để sản xuất. Ngoài ra, cơ sở còn tự in khoảng 30 nhãn mác dán lên các sản phẩm để bán ra thị trường.

Tại buổi làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở không xuất trình được giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu.

Những thùng đựng nguyên liệu bẩn được cơ quan chức năng thu giữ tại cơ sở của ông Ánh.

Trong khi làm việc với tổ công tác, Ánh khai nhận: “Để có nguồn hàng bán tết, tôi đã tự mua nguyên liệu về nhà pha chế, sản xuất ra các sản phẩm trên. Sau khi chế biến gia vị từ các nguyên liệu trôi nổi trên thị trường cơ sơ,ã tôi tự in tem và nhãn mác để dán vào sản phẩm. Mỗi ngày cơ sở này sản xuất từ 200 - 300 sản phẩm các loại và đem đi bỏ mối ở các tạp hóa, chợ, quán ăn”.

Ông Nguyễn Văn Cường (Kiểm soát viên thuộc Đội Quản lý thị trường số 5) cho biết: “Khi chúng tôi bất ngờ ập vào cơ sở của Ánh thì phát hiện cơ sở này đang sản xuất rất nhiều các loại gia vị như: Tương ớt, tương đen, dấm ăn, muối ớt… Qui trình chế biến khá mất vệ sinh, nguồn nguyên liệu thì nhập trôi nổi ở khắp nơi về, điều đáng nói là có khá nhiều sản phẩm đã được chế biến thành phẩm nhưng mang nhãn hiệu ở nơi khác, nếu những sản phẩm này được tung ra thị trường thì rất nguy hiểm”.

Do nhận thấy cơ sở của Ánh có nhiều sản phẩm không đủ an toàn vệ sinh thực phẩm nên lực lượng chức năng đã lập biên bản, tịch thu phương tiện sản xuất và tiêu hủy toàn bộ số lượng hàng hóa trái phép trên theo quy định pháp luật.

Cận cảnh “thủ phủ” sản xuất thực phẩm cạnh nhà vệ sinh

Có mặt tại cơ sở sản xuất của ông Vũ Văn Ánh tại ấp An Chu xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai vào sáng 7/2, chúng tôi đã “mục sở thị” cơ sở được xem là “thủ phủ” chế biến thực phẩm bẩn của ông Ánh. Cơ sở của ông Ánh được xây dựng như một “biệt phủ” để tránh sự chú ý của người dân xung quanh và qua mắt cơ quan chức năng. Phía trước cơ sở của ông Ánh xây dựng bằng cổng sắt, tuy nhiên được phủ kín bằng tôn xung quanh để bên ngoài không thể nhìn vào thấy hoạt động sản xuất bên trong. Điều đáng chú ý là cơ sở này đã đi vào hoạt động nhiều tháng nay tuy nhiên không treo biển hiệu, người dân sống quanh khu vực hoàn toàn không biết cơ sở này sản xuất gì.

Ông Nguyễn Thanh Hải (ngụ ấp An Chu) chia sẻ: “Lúc trước căn nhà này được thiết kế bình thường như nhà ở. Tuy nhiên khi ông Ánh về thuê thì ông ấy cho người dùng tôn che kín xung quanh không cho mọi người nhìn thấy gì. Mọi người hỏi thì ông ấy giải thích là đã quen sống như vậy không thích người đi qua nhìn ngó vào. Hôm trước khi cơ quan chức năng ập vào bắt quả tang ông ấy làm tương ớt bẩn tôi mới ngỡ ngàng. Hóa ra ông ấy che cửa kín để không ai biết mình đang làm đồ bẩn”.

Theo tường trình của ông Ánh thì cơ sở của ông đi vào hoạt động đã hơn 3 tháng. Cơ sở này sản xuất 5 mặt hàng chính gồm: tương ớt, tương đen, dấm ăn, nước màu, muối ớt, ngoài ra còn có một số phụ liệu khác. Hầu hết những sản phẩm trên đều được sản xuất từ nguồn nguyên liệu “nhập chui” nhưng ông Ánh đều gắn vào đó những nhãn hiệu hảo hạng có địa chỉ sản xuất ở nơi khác để đánh lừa người tiêu dùng và tránh sự kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng.

Cụ thể, đối với mặt hàng tương ớt, ông Ánh liên hệ với một số chủ cơ sở ở khu vực Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) để nhập nguồn nguyên liệu về, qua qui trình chế biến tại nhà ông Ánh đã “phù phép” loại tương ớt này thành “Tương ớt hảo hạng Thành Đạt” có ghi địa chỉ sản xuất tại 75/3 phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Cũng với cách làm như vậy, ông Ánh tự pha chế một loại nước màu (nước này dùng để làm gia vị khi nấu ăn) sau đó cho vào chai nhựa có gắn nhãn hiệu “Nước dừa đặc sản Bến Tre Thảo Hiền” có địa chỉ sản xuất tại Dĩ An, Bình Dương. Các loại thực phẩm, gia vị khác được chế biến tại đây cũng được áp dụng cách làm tương tự để qua mặt người tiêu dùng.

Không nhập nguồn hàng bẩn mà quy trình chế biến các mặt hàng tại cơ sở của ông Ánh cũng khiến người xem không khỏi rùng mình. Do sợ sản xuất bên ngoài dễ bị cơ quan chức năng phát hiện nên ông Ánh và các công nhân ở đây mang những nguyên liệu mua về đem vào sát cửa nhà vệ sinh để chế biến, hơn nữa những dụng cụ dùng để chế biến hết sức thô sơ và mất vệ sinh.

Một cán bộ đội quản lý thị trường cho hay: “Lúc chúng tôi ập vào cơ sở của ông Ánh thì phát hiện có rất nhiều nguyên liệu để chế biến được đặt ngay trong nhà vệ sinh bốc mùi hôi nồng nặc. Máy móc để chế biến cũng đặt ngay sát nhà vệ sinh khá bẩn, không chỉ vậy một số nguyên liệu, phụ gia được đặt ngay dưới nền nhà vương vãi. Nhìn cảnh tượng đó khiến những người có mặt không khỏi ớn lạnh với qui trình chế biến tương ớt, nếu mặt hàng này tuồn ra cho người dân ăn thì quá nguy hiểm”.

Trong 3 tháng qua mỗi ngày cơ sở của ông Ánh sản xuất từ 200 – 300 sản phẩm bán ra thị trường, những sản phẩm này hầu hết chảy vào các chợ ở Đồng Nai, Bình Dương và cả TP Hồ Chí Minh Sau khi thông tin cơ sở sản xuất thực phẩm của ông Ánh bị cơ quan chức năng phát hiện, chúng tôi đã tìm đến một số điểm tạp hóa bán lẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để thử mua sản phẩm tương ớt.

Chúng tôi khá bất ngờ vì có đến 4 điểm tạo hóa bán lẻ đưa ra sản phẩm tương ớt mang tên “Tương ớt hảo hạng Thành Đạt” cùng tên và địa chỉ sản xuất với sản phẩm được cơ quan chức năng tịch thu tại cơ sở của ông Ánh.

Dù chúng tôi không thể khẳng định chắc chắn những chai tương ớt mang tên “Tương ớt hảo hạng Thành Đạt” được bán tại TP Hồ Chí Minh là sản phẩm do công ty gốc sản xuất hay cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn của Ánh sản xuất. Tuy nhiên cùng một loại sản phẩm, nhãn mác, nơi sản xuất trên sản phẩm giống nhau thì người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là giả đâu là thật.

Chị Nguyễn Thị Tú Anh ( 23 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) chia sẻ: “Trước nay lựa chọn những loại sản phẩm như tương ớt, dấm ăn, nước màu để về sử dụng, tôi đều lựa chọn sản phẩm của công ty lớn, có uy tín để đảm bảo an toàn. Nhưng nay có nhiều cơ sở sản xuất đồ bẩn sau đó gắn nhãn các thương hiệu lớn vào làm người tiêu dùng như chúng tôi khó có thể phẩn biệt được. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên diệt tận gốc các cơ sở này để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”.

Ngày 7/2, trao đổi với chúng tôi về biện pháp xử lý đối với cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn của ông Ánh, ông Phạm Việt Long – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 5 (thuộc Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai) cho biết: “Vừa qua UBND huyện đã có quyết định xử phạt đối với ông Ánh do vi phạm qui định về thương mại, sản xuất hàng cấm, hàng giả và vi phạm qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm… Với số tiền tổng cộng là 43 triệu đồng. Ngoài ra chúng tôi còn tịch thu toàn bộ hàng hóa và cấm không cho cơ sở này hoạt động trái phép nữa. Sắp tới chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với người dân địa phương kiên quyết phát hiện và loại trừ những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn trên địa bàn”.

Vinh Sơn
.
.
.