Sách sử “sốt” thị trường xuất bản

Chủ Nhật, 30/07/2017, 16:18
Sách sử “cháy” hàng cả khi chưa phát hành chính thức, độc giả yêu lịch sử “rồng rắn” xếp hàng xin chữ ký và nghe tác giả trẻ nói chuyện… là những điều người ta nói về một số cuốn sách lịch sử hoặc mang cảm hứng lịch sử gây “sốt” thị trường trong thời gian qua.


Có thể kể ra đây trường hợp “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” của tác giả Dũng Phan. Với 5.000 bản in được đặt trước khi chưa phát hành chính thức, cuốn sách trở thành một trong những hiện tượng xuất bản đáng chú ý trong thời gian gần đây.

Độc giả tham dự buổi giao lưu ra mắt sách sử khá đông vui, nhộn nhịp như một buổi giới thiệu sách… ngôn tình. Hai buổi giới thiệu ra mắt sách ở hai đầu cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều được tổ chức ở hội trường lớn nhưng vì số lượng độc giả tham dự quá tải, không đủ ghế ngồi.

Trước đó, trào lưu truyện tranh hóa lịch sử, vốn được độc giả chào đón từ thời “Thần đồng đất Việt” đã quay trở lại với bộ truyện tranh dã sử “Long thần tướng” của nhóm Phong Dương Comics do họa sỹ Nguyễn Thành Phong giữ vai trò chính.

Một buổi giao lưu với tác giả Dũng Phan tại TP Hồ Chí Minh vừa qua.

Gần đây nhất, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng cho ra ấn phẩm “Lĩnh Nam chích quái” với hơn 200 tranh minh họa màu kì công của họa sỹ Tạ Huy Long cũng “cháy” hàng ngay khi ra mắt. Theo tiết lộ của đơn vị xuất bản này, do hiệu ứng nhận được từ “Lĩnh Nam chích quái” tốt nên họa sỹ Tạ Huy Long đang bắt tay vào vẽ tiếp một cuốn artbook thứ hai, cũng mang cảm hứng lịch sử.

Lịch sử hoặc cảm hứng lịch sử trong thời gian qua cũng đi vào sáng tác của các nhà văn trẻ với những góc nhìn đa diện, khách quan và không bị đóng khung vào những đại tự sự, nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả.

Có thể kể về nhà văn Đinh Phương (28 tuổi) với chùm truyện ngắn “Chiều kí ức phủ gai”, “Chuyến trở về của cỏ”, đạt giải nhì trong cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013 – 2014 hay “Đợi đến lượt” mới xuất bản cách đây không lâu. Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (33 tuổi) với tập truyện “Con chim phụng cuối cùng”.

Đặc biệt, trong lứa nhà văn trẻ viết về đề tài này, không thể không nhắc đến Huỳnh Trọng Khang (23 tuổi) với lối viết đầy suy tư nhưng cũng không kém phần táo bạo trong “Mộ phần tuổi trẻ” – cuốn tiểu thuyết viết về một giai đoạn lịch sử của Sài Gòn cuối những năm 60 thế kỷ trước.

Ngay sau khi ra đời, cuốn sách của Khang đã gây nhiều bất ngờ với nhiều người làm nghiên cứu văn học cũng như độc giả cả nước. “Mộ phần tuổi trẻ” cũng trở thành một cuốn sách bán chạy và tái bản sau đó không lâu.

Rõ ràng, sách sử hoặc sách mang cảm hứng lịch sử không chỉ là sách dành cho người già mà giới trẻ Việt Nam vẫn luôn yêu lịch sử. Thành công của “Sử Việt – 12 khúc tráng ca”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Mộ phần tuổi trẻ”… cũng giải đáp được phần nào về vấn đề đó.

Vấn đề đặt ra ở đây là, viết như thế nào để lịch sử lôi cuốn người đọc như một thứ “moóc-phin” gây nghiện thì câu trả lời, xin nhường lại cho các nhà văn và những người viết trẻ.

Dũng Phan, tác giả cuốn sách “Sử Việt – 12 khúc tráng ca”: Nói giới trẻ hờ hững với sử Việt là không đúng

Theo quan sát và chính từ trải nghiệm của Dũng, từ trước đến nay, những kiến thức lịch sử được dạy trong nhà trường hay đa số sách sử trên thị trường hiện nay đều khá hời hợt và khô khan. Cho nên bản thân mình khi viết sách về lịch sử vẫn muốn tạo nên một sự khác biệt nào đó, ít nhất “gãi đúng chỗ ngứa” của các bạn. Bởi lịch sử Việt Nam cũng có những câu chuyện rất hấp dẫn có sức lôi cuốn bạn đọc một cách mạnh mẽ...

Hơn nữa, Dũng thích mình là người kể những câu chuyện lịch sử hơn là một người làm công việc biên niên, thống kê các sử liệu; qua đó, truyền cảm hứng và tình yêu sử đến với các bạn trẻ. Hiện nay, lịch sử chưa được trả về vị trí xứng đáng của nó. Chúng ta đang xem nó là một môn phụ trong chương trình giáo dục.

Thay vì học Sử để hiểu cha ông, các em lại chen chúc trong những lò học thêm tiếng Anh, Toán. Tất nhiên, Dũng không phủ nhận tầm quan trọng của những bộ môn, đó nhưng nếu cả một xã hội, một đất nước mà quên quá khứ, quên lịch sử của mình thì sẽ nguy hiểm như thế nào?

Dũng nhớ mình đã từng bị ám ảnh bởi hình ảnh cả một hội đồng thi trông coi duy nhất một thí sinh thi Sử được đăng tải trên báo chí như thế nào. Đến bây giờ vẫn nhớ. Và mình biết, nhiều người đã quay sang đổ lỗi cho các bạn trẻ, rằng giới trẻ ngày nay hờ hững với sử Việt, với chính cha ông mình.

Nhưng Dũng cho rằng, các bạn trẻ không có lỗi. Nhận định đó mang tính áp đặt. Các bạn ấy giống như tờ giấy trắng, quan trọng thầy cô, chúng ta vẽ gì lên tờ giấy đó. Lỗi này là lỗi của hệ thống.

Nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang.

Họa sỹ Tạ Quốc Kỳ Nam, Biên tập viên Mỹ thuật Công ty sách Nhã Nam: Nội dung hay chưa đủ, phải đáp ứng cả phần nhìn nữa

Nếu trước đây, nội dung một cuốn sách hay có thể khiến độc giả yêu thích và lựa chọn thì vài năm trở lại đây, câu chuyện không còn diễn ra như thế nữa. Cùng với sự thống lĩnh của các phương tiện kĩ thuật số cũng như nhiều loại hình giải trí khác, người ta có nhiều lựa chọn văn hóa đọc hơn.

Vì thế, một cuốn sách hay về nội dung thôi chưa đủ. Phần nhìn cũng phải đẹp, phải hấp dẫn nữa. Đó là chưa tính đến chuyện, đối tượng độc giả của sách sử không phải là đông đảo gì cho cam.

Gần đây, có một số cuốn sách lịch sử hoặc mang cảm hứng lịch sử gây sốt thị trường xuất bản. Bên cạnh nội dung hay, gần gũi, phần mỹ thuật cũng gây “nghiện” với độc giả. Ví dụ điển hình nhất chính là cuốn “Lĩnh Nam chích quái” do Nhà xuất bản Kim Đồng mới xuất bản gần đây.

Với hơn 200 tranh minh họa của họa sỹ Tạ Huy Long, đây là ấn bản “Lĩnh Nam chích quái” đầu tiên có tranh minh họa màu. Cuốn sách ngay sau khi ra đời đã “cháy” hàng, phải in tái bản ngay sau đó. Hay bộ truyện tranh “Long thần tướng” của nhóm Phong Dương Comics – từng được trao giải Bạc Giải Truyện tranh quốc tế Nhật Bản lần IX, cũng gây “sốt” với cộng đồng yêu sách.

Theo quan sát, trong vài năm trở lại đây, giới họa sỹ vẽ minh họa đã bắt đầu quan tâm tới việc trình bày những cuốn sách sử hoặc mang cảm hứng lịch sử. Sách artbook được ra đời cũng từ những cú lội ngược dòng như vậy. Đây là một tín hiệu vui, không chỉ đối với sách sử (hoặc sách mang cảm hứng lịch sử) mà với cả thị trường xuất bản nói chung.

Tất nhiên, để trình bày minh họa cho những cuốn sách dạng này yêu cầu họa sỹ phải tìm hiểu, tra cứu các nguồn thông tin kĩ càng. Không thể sử một kiểu, minh họa một kiểu được. Nó đòi hỏi tâm huyết, cũng như sự dấn thân lớn của họa sỹ, không phải ai cũng làm được.

Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa: Người trẻ sẽ tìm ra con đường khác để "gặp" được lịch sử

- Gần đây có một số tác giả trẻ viết sách về lịch sử hoặc mang cảm hứng lịch sử gây chú ý trong dòng chảy văn hóa đọc. Theo chị, đây có phải là một tín hiệu tốt hay không?

+ Tôi thấy vui vì giai đoạn gần đây, văn - học - sử (tên tạm gọi cho các sáng tác về lịch sử hoặc cảm hứng lịch sử) được nhiều người viết trẻ và người đọc quan tâm hơn. Điều đó cho thấy lịch sử không hề nhàm chán hay khó tiếp cận với người trẻ.
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa.

Có thể, cách chúng ta dạy và học lịch sử trong nhà trường đã từng vô hình trung xây hẳn một bức tường dày, đẩy người trẻ vốn đã xa lại càng lạ lẫm hơn với lịch sử.

Nhưng qua những tín hiệu vui trong văn học gần đây, điển hình như sự kiện "cháy hàng" ngay sau vài ngày ra mắt của quyển sách “Sử Việt - 12 khúc tráng ca” (tác giả Dũng Phan), tôi lạc quan nghĩ rằng chính người trẻ chứ không ai khác sẽ tìm ra một con đường khác để "gặp" được lịch sử, theo cách riêng mình.

- Bản thân nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa cũng tiếp cận đề tài này. Chị thấy khó hay dễ?

+ Đề tài lịch sử với tôi luôn khó. Khó ở cách xây dựng không gian, bối cảnh. Và đặc biệt khó khi đa phần các nhân vật tôi chọn là những nhân vật có thật. Làm sao để không bị đánh giá "nói theo sử", "nhuận sử"? Làm sao để người đọc không nhăn mặt chê "báng bổ" hay "áp đặt"? Khi bạn viết về một điều đã được mặc định, bạn đương nhiên sẽ đối mặt với nhiều "sự soi" hơn. “Con chim phụng cuối cùng”, tập truyện ngắn lịch sử đầu tiên của tôi ra đời với nhiều thứ khó như thế.

- Theo chị, người trẻ viết về đề tài lịch sử hoặc mang cảm hứng lịch sử, cần những yếu tố gì?

+ Kiên nhẫn theo đuổi, chịu đọc và tìm tòi cách trình bày lịch sử với người đọc ở khía cạnh mới mẻ, nhân văn. Đó là những yếu tố tôi đã chuẩn bị khi đến với đề tài này. Mỗi người viết trẻ khi quyết định bước vào đề tài này đều sẽ có hành trang riêng cho mình. Tôi nghĩ, chắc không cần tham khảo hành trang của nhau khi chúng tôi có cùng một đam mê.

Đậu Dung
.
.
.