Sách trong kỷ nguyên kỹ thuật số

Thứ Năm, 26/04/2018, 09:36
Hiện tại, dường như mỗi người ta gặp ở bất kỳ đâu đều mang theo một thiết bị điện tử. Toàn bộ thế giới mà họ muốn tiếp cận nằm trong một vài thiết bị điện tử gọn nhẹ đó. Thay vì mang theo những cuốn sách in bên mình, họ có thể đọc sách điện tử (e-book), chỉ với những cú vuốt màn hình. 


Xu hướng tất yếu

Năm 1993, nhà văn người Anh Peter James thay vì xuất bản cuốn tiểu thuyết “Host” của mình bằng hình thức sách in như thông thường, ông đã lựa chọn hình thức phát hành sách trên đĩa mềm, gây ra một làn sóng chỉ trích mạnh mẽ trong giới cầm bút và giới truyền thông. Nhiều người cho rằng đây là một cách làm kỳ cục, nhưng Peter James đã phát biểu rằng, trong tương lai, những cuốn sách in sẽ chết mà không cần tới sự can dự của ông.

Hơn 20 năm sau, lời tiên đoán của James đã chứng minh phần nào sự thật. Tất nhiên không đến mức sách in đã chết, nhưng sách điện tử đã thành một xu hướng tất yếu và đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Kinh doanh sách điện tử giờ đây đã trở thành một ngành mới, mang lại nguồn lợi nhuận không hề nhỏ. Sử dụng sách điện tử đang là câu chuyện phổ biến trên toàn thế giới. 

Bên cạnh sách điện tử, sách giấy vẫn là lựa chọn cần thiết cho nhu cầu đọc của mọi người.

Theo thống kê của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon của Mỹ, thì cứ 100 cuốn sách giấy bán ra thị trường sẽ tương ứng với 143 cuốn sách điện tử được người đọc tiếp cận. Riêng ở Việt Nam, con số của Thư viện Quốc gia cung cấp, cứ 6.500 lượt yêu cầu của bạn đọc về sách điện tử thì có 2.000 yêu cầu của bạn đọc về sách truyền thống. Nghĩa là bạn đọc ở đây có nhu cầu đọc sách điện tử cao hơn đọc sách in.

Nói về ưu điểm của sách điện tử, ta có thể kể ra rất nhiều. Đầu tiên là tiết kiệm chi phí. Sách điện tử hầu như không có chi phí phân phối, vận chuyển hay lưu kho, in ấn. Vì tiện ích phát hành qua công nghệ điện tử nên sách cũng có phạm vi phổ biến rộng, lượng độc giả là không giới hạn. Sách điện tử cũng có phần hấp dẫn bạn đọc hơn vì tích hợp được các dữ liệu multimedia gồm các hình ảnh, âm thanh, video đính kèm… 

Một ưu điểm nữa là sách điện tử có khả năng chỉnh sửa dễ dàng hơn. Việc bổ sung, chỉnh sửa có thể làm bất cứ khi nào mà không tốn chi phí in ấn lại như sách in. Sách điện tử cũng là nhân tố giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn, do không phải cần đến giấy in, giảm thiểu vấn đề phá rừng lấy gỗ làm nguyên liệu giấy.

Địa chỉ kinh doanh sách điện tử lớn nhất trên thị trường xuất bản Việt Nam hiện nay là trang bán sách trực tuyến alezaa. Trang web này hiện có bán khoảng hơn 5.000 đầu sách điện tử, là địa chỉ tin cậy cho những người ưa thích sách điện tử vào mua. Sau alezaa, một số nhà xuất bản, công ty truyền thông đa phương tiện khác cũng bắt tay vào việc kinh doanh sách điện tử. 

Những trang bạn đọc có thể ghé mua sách như sachbao.vn (Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt), anybook của Viettel, Classbook của Nhà xuất bản Giáo dục với hàng trăm cuốn sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và rất nhiều ứng dụng bổ trợ cho việc học của học sinh. 

Các nhà xuất bản khác như Nhà xuất bản Tổng hợp, Nhà xuất bản Trẻ cũng đã thành lập các trang web bán sách điện tử. Ngoài ra là sự vào cuộc khá ồn ào của nhiều đơn vị tư nhân, với những trang mạng trực tuyến kinh doanh sách điện tử ít nhiều đã trở nên quen thuộc như vinabook, Tiki, Trí Việt…

Lợi thế của ngành kinh doanh sách điện tử của Việt Nam đã được các đơn vị làm sách nhìn ra rất rõ, nhanh nhạy nắm bắt để phục vụ nhu cầu của độc giả. Chúng ta biết rằng Việt Nam là nước có dân số trẻ. Người trẻ có nhu cầu đọc sách điện tử cao hơn người lớn tuổi. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sách điện tử phần lớn được bán cho những người dưới tuổi 40, còn những người tuổi trên 40 thì thường lựa chọn sách in truyền thống. 

Tỷ lệ người trẻ lớn nghĩa là nhu cầu đọc sách điện tử lớn. Các doanh nghiệp đi tắt đón đầu đã nhìn ra lợi thế này trong tương lai kinh doanh sách điện tử. Đấy là chưa kể, Việt Nam là nước nằm ở top đầu trong số các nước ở Châu Á-Thái Bình Dương có tỷ lệ người sử dụng internet cao. 

Tiềm năng phát triển sách điện tử trong tương lai có thể nói là rất lớn. Việc sử dụng thiết bị điện tử cá nhân để thưởng thức các ấn phẩm điện tử trong giải trí và học tập là một nhu cầu tất yếu, không thể thiếu trong xã hội hiện đại.

Chỉ cần một thiết bị điện tử, bạn có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào.

Để theo kịp nhu cầu phát triển của đời sống, khung pháp lý cũng đã hoàn tất để đảm bảo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành xuất bản sách điện tử còn non trẻ ở ta. Cụ thể trong Luật Xuất bản năm 2012 có dành hẳn một chương với 7 điều quy định rất cụ thể về xuất bản điện tử. 

Trên cơ sở đó, các thủ tục xuất bản sách điện tử cũng như vấn đề bản quyền được bảo vệ. Người viết sách cũng như người kinh doanh sách có thể yên tâm với công việc của mình.

Sách giấy có "lâm chung"?

Câu hỏi này đã được đặt ra rất nhiều lần trong nhiều cuộc hội thảo về sách điện tử. Mặc dù có không ít ý kiến quả quyết rằng, ngành công nghiệp in truyền thống sẽ mất tích trong 5 hay 10 năm tới, bởi cuộc cách mạng công nghệ ngày càng đạt tới những thành tựu siêu việt. 

Các “ông lớn” trong ngành điện tử đã và đang không ngừng nghiên cứu ra các phần mềm hỗ trợ đọc sách khiến cho thị phần sách điện tử không ngừng mở rộng trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu bạn là một người thích đọc sách giấy và đang lo lắng về “cái chết” của sách giấy trong một ngày không xa thì có một tin vui cho bạn. 

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở Anh có tên là Nielsen Norman Group đã công bố nghiên cứu của họ, về khả năng hỗ trợ của các thiết bị điện tử hiện đại không có lợi ích với người đọc bằng việc đọc sách giấy thông thường. Cụ thể về tốc độ đọc, các thiết bị điện tử không giúp việc đọc sách nhanh hơn, thậm chí bị chậm lại. 

Tốc độ đọc văn bản trên Ipad chậm hơn 6,2% so với đọc trên giấy. Ứng dụng hỗ trợ đọc sách trên Amazon có tên Kindle chậm hơn 10,7% so với đọc trên giấy. Về mặt cảm xúc, sách điện tử không gây ra sự thú vị cho người đọc bằng sách in. Một cuốn sách điện tử được xem là “không có linh hồn”, trong khi sách in trên giấy thì luôn cho người đọc cảm nhận là nó có linh hồn. 

“Bạn sẽ run rẩy với trọng lượng của một cuốn sách hay và những tiếng sột soạt của trang giấy, mùi thơm của mực in, của giấy. Đó là những điều gây ra cảm xúc thú vị khiến cho bạn luôn muốn chạm tay vào một cuốn sách in, giữ gìn, nâng niu, trò chuyện với chúng. 

Đó cũng là lý do để khi được phỏng vấn, rất nhiều người đã nói, họ vẫn lựa chọn sách in, nhất là với những cuốn sách có nội dung nghệ thuật, sâu sắc. Họ chỉ đọc điện tử với những cuốn sách có nội dung thông thường như sách kỹ năng, sách hướng dẫn…”.

Một hạn chế nữa của sách điện tử dựa trên cơ sở khoa học đã được chứng minh, là đọc sách điện tử tổn hại sức khoẻ hơn đọc sách giấy. Sách điện tử có sự phát tán xạ khiến cho người đọc dễ mất tập trung. Việc đọc sách giấy giúp cho người đọc tĩnh lặng hơn, tập trung hơn, và tránh được khả năng bị nhiễm xạ như khi sử dụng máy tính. Những thông tin liên quan đến nội dung cuốn sách khi đọc trên bản điện tử khó nắm bắt hơn là trên giấy in. Việc hoà mình vào nội dung cuốn sách trên giấy dễ dàng hơn trên thiết bị công nghệ.

Điều này cũng tương tự như trong ngành báo chí. Ngay khi các báo mạng điện tử ra đời, người ta đã “cáo chung” cho báo giấy. Tuy nhiên, cùng với thời gian, chúng ta thấy rằng báo giấy vẫn tồn tại bên cạnh báo điện tử, phát thanh hay truyền hình.

Lẽ dĩ nhiên sẽ không thể có thời kỳ phát triển rực rỡ của công nghệ in trên giấy nữa dù là sách hay báo, nhưng ở chừng mực nhất định, trong một số lĩnh vực nhất định thì nhu cầu về đọc trên giấy vẫn còn, và nó chiếm một con số cũng không quá khiêm tốn như người ta tưởng. 

Việc đọc các con chữ trên giấy thực tế vẫn giúp ích được nhiều cho bạn đọc trong quá trình cảm thụ, tiếp nhận thông tin. Dù cho đời sống vội vã đến đâu, con người vẫn cần những khoảng lặng để được nhâm nhi phút giây sống chậm bên những trang sách có khả năng lôi cuốn tâm hồn và cảm xúc của mình. Những cảm xúc đó, với sách điện tử, người ta khó mà có được.

Những lý do đó khiến cho bạn đọc có niềm tin rằng trong tương lai, sách điện tử và sách in vẫn song hành tồn tại. Việc sách in biến mất nếu có thì khó mà trong tương lai gần. Ở Việt Nam, cho dù thừa nhận sách điện tử là một xu hướng tất yếu, nhưng số lượng các đơn vị thực sự bước chân vào kinh doanh sách điện tử vẫn còn mỏng. Theo thống kê, chỉ có khoảng 10 đơn vị làm sách hiện nay đang kinh doanh sách điện tử. 

Hình thức phát hành sách truyền thống vẫn đang chiếm đa số. Một con số để tham khảo, là số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành công bố, năm 2017 các đơn vị xuất bản sách đã nộp lưu chiểu 26.333 xuất bản phẩm, trong đó lượng sách in vẫn chiếm đại đa số, là 25.431 cuốn. Sách điện tử chỉ có 137 cuốn phát hành. Con số này chỉ ra thói quen đọc sách và thói quen in sách ở nước ta vẫn dựa trên cách thức truyền thống. 

E-book thay đổi thói quen đọc của nhiều người.

Sách điện tử chủ yếu vẫn là phương cách thứ 2 được lựa chọn của tác giả và đơn vị xuất bản. Đó là đầu tiên họ lựa chọn in trên giấy trước. Sau khi phát hành sách in giấy, nhận biết hiệu ứng của độc giả, họ mới quyết định đưa cuốn sách đã in giấy lên trang điện tử, biến thành sách điện tử để kinh doanh. Việc lựa chọn ngay từ đầu hình thức phát hành là sách điện tử rất ít và vẫn được xem là mạo hiểm. 

Trong trường hợp một số tác giả gặp khó khăn về khâu giấy phép xuất bản vì lý do nội dung sách được yêu cầu cắt xén chẳng hạn, họ tìm đến với cách phát hành sách mình tự phát qua mạng internet. Có thể xem những cuốn sách như vậy là sách điện tử, nhưng để nó tham gia vào thị trường thì khó. Bởi thị trường là phải có hoạt động mua bán, trên các trang đã được đăng ký, và được duyệt về nội dung theo luật.

Xem ra, ngày “cáo chung” của sách in vẫn còn xa.

Thuỳ Dương
.
.
.