Sai phạm tài chính từ việc tự chủ ở các trường học, bệnh viện công

Thứ Tư, 17/06/2020, 12:58
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết năm 2019 đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 81.000 tỉ đồng, liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.


Kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ GD&ĐT; kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập giai đoạn 2016-2018 tại Bộ Y tế đã phát hiện nhiều sai phạm với số tiền rất lớn. Đáng chú ý, cơ quan này chuyển bốn vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan CSĐT để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

Kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ tại 68 trường đại học công lập và 22 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện thuộc 38 tỉnh, thành giai đoạn 2016-2018, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số bất cập về cơ chế, chính sách gây khó khăn, vướng mắc trong thực hiện tự chủ của các trường đại học, bệnh viện công lập.

Đáng chú ý, KTNN cũng phát hiện tình trạng thu vượt trần học phí và thu các khoản chưa có trong quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP diễn ra khá phổ biến (như việc thu vượt học phí 136 tỷ đồng, chủ yếu thu vượt học phí chính quy chiếm 55,8% tổng số thu vượt). Thu các khoản chưa có trong quy định là 227,5 tỷ đồng (chủ yếu là các khoản thu về thi sát hạch tin học, ngoại ngữ...).

Với việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập, trong giai đoạn 2016-2018 hầu hết các bệnh viện chưa được quyền chủ động trong công tác tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức. 

Tại hầu hết các bệnh viện thuộc Bộ Y tế cũng như tại một số địa phương được kiểm toán đều không đáp ứng được định mức biên chế tối thiểu theo quy định tại Thông tư liên tích 08 (về cả 2 tiêu chí là tỷ lệ biên chế/giường bệnh và tỷ lệ bác sỹ/điều dưỡng). 

Bên cạnh đó, Kiểm toán cũng đã chỉ ra ngân sách nhà nước cấp cho một số bệnh viện tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động chưa phù hợp. Cụ thể, khi kiểm toán thực hiện kiểm tra tổng hợp tại 11 đơn vị thuộc Bộ Y tế  đã phát hiện chênh lệch 696,3 tỷ đồng (nếu chưa tính nguồn cải cách tiền lương) và 605,1 tỷ đồng (nếu tính cả nguồn cải cách tiền lương). 

Đồng thời, việc cấp kinh phí thường xuyên cho một số bệnh viện có mức độ tự chủ lớn hơn 100%. Trong đó, tại tỉnh Bắc Ninh có 4/4 bệnh viện với số tiền 23,7 tỷ đồng; Vĩnh Phúc có 3/5 bệnh viện, số tiền lớn hơn là 77,3 tỷ đồng; Đồng Nai có hai đơn vị với số tiền là 60,8 tỷ đồng; Phú Yên có 2 bệnh viện, số tiền lớn hơn là 46,2 tỷ đồng. 

Đặc biệt tại thành phố Hà Nội, năm 2016 kiểm toán phát hiện 7 bệnh viện, với số tiền 133,9 tỷ đồng. Sang năm 2017 thì con số lên tới 184,1 tỷ đồng và năm 2018 ở 4 bệnh viện, số tiền lớn hơn là 37,4 tỷ đồng. Lớn hơn cả là thành phố Hồ Chí Minh, với việc kiểm toán 19 bệnh viện, số tiền lớn hơn lên tới 1.170,1 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc xây dựng, phê duyệt danh mục, định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ y tế còn chậm, chưa đầy đủ. Trong tổng số hơn 18.239 danh mục dịch vụ kỹ thuật chỉ có 9.166 giá dịch vụ y tế,  hơn 4.000 danh mục dịch vụ kỹ thuật chưa được xây dựng giá và trên 11.000 dịch vụ không có quy trình kỹ thuật. 

Cũng như các trường đại học, nhiều bệnh viện còn hiện tượng thu vượt, thu sai (thu các khoản đã có trong cơ cấu giá), thu các khoản chưa có trong cơ cấu giá, không có trong danh mục giá dịch vụ khám, chữa bệnh…

Trước những phát hiện trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 610 tỷ đồng trong việc tự chủ của các trường và bệnh viện. Trong đó nộp vào NSNN 381,7 tỷ đồng, giảm dự toán, thanh toán năm sau 222,5 tỷ đồng, các khoản giảm chi và các khoản chuyển quyết toán năm sau 4,3 tỷ đồng, hủy dự toán 2,1 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước đã chuyển Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đề nghị điều tra, xử lý sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Hưng và một số tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc vay, sử dụng và bảo lãnh vay vốn không đúng quy định; Chuyển Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội điều tra, xác minh dấu hiệu vi phạm quy định của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội liên quan đến việc quản lý, sử dụng lô đất 2.927m², ở phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm; Chuyển hồ sơ sai phạm của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Hà Thủy (Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội chiếm 51% vốn điều lệ) về việc quản lý, sử dụng khu đất 5.644m2 tại bán đảo hồ Đống Đa, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (TP Hà Nội) sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

"Đối với hai vụ việc còn lại tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, ngày 12-9-2019, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có thông báo việc tiếp nhận, xem xét và giải quyết các nội dung…", Kiểm toán Nhà nước cho hay.

Nhật Uyên
.
.
.