Lịch sử thị trường chứng khoán:

Sàn giao dịch quyền lực

Thứ Ba, 03/01/2017, 09:11
Sàn Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) không phải là sàn giao dịch đầu tiên trên thế giới, cũng không phải sàn giao dịch đầu tiên ở Mỹ, nhưng nó là sàn giao dịch lớn nhất nước Mỹ và cũng là sàn giao dịch quyền lực nhất thế giới.


Sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên ở London chính thức được thành lập vào năm 1773, 19 năm trước khi NYSE ra đời. Tuy nhiên, trong khi Sàn chứng khoán London (LSE) bị pháp luật “còng tay” với việc hạn chế cổ phiếu, thì Sàn chứng khoán New York đã được xử lý các giao dịch cổ phiếu kể từ khi ra đời. NYSE không phải là sàn chứng khoán đầu tiên tại Hoa Kỳ (vinh dự đó thuộc về Sàn chứng khoán Philadelphia), nhưng nó nhanh chóng trở thành mạnh nhất.

Từ bóng cây sung dâu

Mùa xuân năm 1792, 24 nhà môi giới đã ngồi lại với nhau để ký kết một bản thỏa ước đầu tiên làm nền tảng cho Sàn chứng khoán New York sau này. Bản thoả ước được ký kết dưới một gốc cây sung dâu (buttonwood) tại địa chỉ sau này là số 68 Wall Street. 

Để tránh xáo trộn và đôi khi tranh chấp có thể bùng nổ làm nguy hại cho hoạt động làm ăn chung, họ đồng ý ấn định một hình thức giá cả lệ phí trao đổi chung và cố định, một chính sách đã được áp dụng mãi tận năm 1975, khi lệ phí trở nên có thể uyển chuyển hơn và các nhà buôn chứng khoán có thể thương lượng riêng với nhau được. 

Năm 1800, nhóm NYSE này dọn vào địa chỉ số 40 Wall Street, cho đến năm 1963 thì về địa điểm hiện nay tại số 11 đường Wall Street, New York.

Chính Wall Street đã giúp NYSE nhanh chóng đạt đến vị trí thống trị ngày nay. Vì đó là trung tâm của tất cả các doanh nghiệp và thương mại đến và đi từ Hoa Kỳ, cũng như nơi đặt cơ sở trong nước của hầu hết ngân hàng và tập đoàn lớn. Bằng cách thiết lập các yêu cầu niêm yết và thu lệ phí, sàn chứng khoán New York đã trở thành một tổ chức rất giàu có.

NYSE cũng hầu như không có đối thủ cạnh tranh lớn ở trong nước suốt 2 thế kỷ sau khi thành lập. Uy tín quốc tế của nó gia tăng song song với sự phát triển của nền kinh tế Mỹ nhanh chóng trở thành sàn giao dịch chứng khoán quan trọng nhất trên thế giới.

Sân chơi toàn cầu

NYSE cũng chia sẻ những thăng trầm của nền kinh tế trong cùng thời kỳ. Tất cả mọi thứ từ cuộc Đại suy thoái, các vụ đánh bom Wall Street năm 1920 để làm 38 người chết và để lại những vết sẹo đen trên nhiều tòa nhà nổi bật của Phố Wall.

Trên thị trường quốc tế, LSE nổi lên như sàn giao dịch chính ở châu Âu, nhưng nhiều công ty có khả năng niêm yết quốc tế vẫn niêm yết ở New York. Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác trong đó có Đức, Pháp, Hà Lan, Thụy Sĩ, Nam Phi, Hồng Kông, Nhật Bản, Australia và Canada đã phát triển thị trường chứng khoán riêng của mình, nhưng phần lớn được coi chỉ là cơ sở để các công ty trong nước phát triển, trước khi đủ sức niêm yết lên LSE và sau đó ở “sân chơi lớn” là NYSE.

Bất chấp sự tồn tại của các sàn giao dịch chứng khoán ở Chicago, Los Angeles, Philadelphia và các trung tâm lớn khác, NYSE vẫn là sàn giao dịch chứng khoán mạnh nhất ở trong nước Mỹ và quốc tế.

Vào thời kỳ Cách mạng công nghệ, hoạt động Wall Street bùng nổ với đủ loại các chứng khoán của các ngành nghề khác nhau. Đến một lúc, hoạt động của NYSE bị quá tải, nhóm NYSE do đó chỉ chọn lấy những chứng khoán nào tốt nhất mà thôi. Họ đặt ra các điều kiện khó khăn hơn và chỉ nhận các cổ phiếu công ty nào thích hợp với họ mà thôi.

Phần còn lại bị chê thì có các con buôn lẻ khác chộp lấy ngay ngoài đường phố và thậm chí trao đổi ngay trên vỉa hè. Các con buôn này được gọi là “curbstone brokers” và chợ trời vỉa hè được mệnh danh là “The Curb”. Vào đầu thế kỷ 20, chợ trời “The Curb” phát triển quá mạnh đến nỗi các nhà buôn phải thuê mướn văn phòng tại ngay con đường đó luôn.

Vào đầu thập niên 1920, thị trường “The Curb” được dời hẳn vào trong ở một chỗ tốt hơn là số 86 Trinity Place, Manhattan. Địa chỉ này vẫn được giữ cho tới ngày nay và trụ sở được đổi tên thành American Stock Exchange (AMEX) là thị trường lớn thứ hai của Hoa Kỳ sau NYSE.

Đối thủ đáng gờm

Tuy nhiên, đối thủ nguy hiểm nhất của NYSE không phải AMEX mà là Sàn giao dịch NASDAQ, đứa con tinh thần của Hiệp hội Quốc gia các đại lý chứng khoán (NASD) - nay là Cơ quan Quản lý công nghiệp tài chính (FINRA).

NASDAQ ra đời năm 1971. Từ khi ra đời, nó đã là một loại chứng khoán khác. Nó không tồn tại trong một không gian vật lý, như số 11 Phố Wall. Thay vào đó, nó là một mạng lưới các máy tính thực hiện giao dịch điện tử.

NASDAQ ngày nay được chia thành hai thành phần chính: NASDAQ National Markets Issues bao gồm khoảng 2.700 công ty lớn nhất và NASDAQ Small Cap Issues với gần 1.500 công ty nhỏ hơn.

Nói chung, NASDAQ gồm đa số là các công ty kỹ thuật (technology) cho nên sự phát triển tuy không lâu đời bằng NYSE hoặc AMEX nhưng vẫn thường được gọi là thị trường của tương lai và là một bộ phận hết sức quan trọng của thị trường chứng khoán nói chung. Ngày nay, các công ty nào mà cổ phiếu được lên danh sách trao đổi trên NASDAQ cũng đã là một thành tích không nhỏ.

Sự ra đời của NASDAQ đánh dấu một bước tiến quan trọng của OTC market với sự ra đời của hệ thống NASDAQ hoặc National Association of Securities Dealers Automated Quotation System. Từ thời diểm này, một số các chứng khoán OTC được lên danh sách và buôn bán qua hệ thống điện toán nối liền các môi giới chứng khoán (brokers), nhân viên giao dịch (traders) và chuyên viên làm giá (market makers) mà không cần nằm trong một sàn giao dịch nào hết.

Nói nôm na, một số cổ phiếu OTC được “phong tước” và được ngồi vào một “chiếu riêng”. Điều hết sức bất ngờ là một số công ty trong NASDAQ sinh sau đẻ muộn như Microsoft, Intel, Dell v.v… trong thời đại mới của khoa học kỹ thuật lại phát triển vượt bực qua mặt luôn cả những công ty thuộc loại tiền bối lão thành như Disney, Ford, Coca Cola v.v…. Họ vẫn trung thành với NASDAQ và không cần vào các sàn giao dịch chính thức dù dư điều kiện để gia nhập.

Thế giới đồng đẳng?

Sự ra đời của giao dịch điện tử đã giúp việc thực hiện các giao dịch hiệu quả hơn và giảm thời gian giao dịch. Sức ép cạnh tranh từ Nasdaq đã buộc NYSE phát triển, bằng cả 2 cách tự niêm yết (năm 1971) và sáp nhập với Euronext để tạo ra sàn giao dịch xuyên Đại Tây Dương đầu tiên.

Tuy nhiên, NYSE vẫn là sàn  giao dịch chứng khoán lớn nhất và mạnh mẽ nhất trên thế giới. Chỉ số Nasdaq có nhiều công ty niêm yết, nhưng NYSE có mức vốn hóa thị trường lớn hơn so với tổng vốn hóa các sàn Tokyo, London và Nasdaq kết hợp lại.

Việc sáp nhập với Euronext càng làm cho nó lớn hơn nữa. NYSE từ chỗ gắn chặt vận mệnh với những thăng trầm của nền kinh tế Mỹ, bây giờ là của toàn cầu. Mặc dù các thị trường chứng khoán khác trên thế giới đã phát triển mạnh thông qua sáp nhập và sự phát triển của nền kinh tế trong nước, rất khó có thị trường nào có thể đánh bật được King Kong khổng lồ NYSE.

Vĩnh Đông
.
.
.