Sau "sốc đổi mới", các trường loay hoay gỡ rối tuyển sinh

Thứ Tư, 22/10/2014, 17:30

Chỉ còn chưa đầy 9 tháng nữa, các em thí sinh sẽ bước vào một trong những cột mốc quan trọng nhất của đời người. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT vẫn "tiếp thu" và "điều chỉnh" chưa xong những quyết sách liên quan đến cụm thi, tổ hợp các môn thi, khối thi. Và khi mà các em chưa hết "sốc" vì đổi mới và hạn định ngày 15/10 gần ngay trước mặt, trước những thay đổi của của Bộ, các trường vẫn đang loay hoay tìm phương án tuyển sinh của mình. Làm đối tượng "đổi mới" của Bộ quả thật chóng mặt và quá nguy hiểm!

Ngày 15/10 tới đây là ngày Bộ GD&ĐT gia hạn cho các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải thực hiện việc xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường. Theo đó, các trường phải xác định tổ hợp kết quả các môn thi tương ứng với khối thi đã thực hiện như những năm vừa qua để xét tuyển. Mục đích là tạo điều kiện tốt nhất cho những thí sinh ôn thi theo khối sẽ được thừa hưởng những môn thi mà mình đã ôn luyện.

Mục đích thì tốt, tuy nhiên khi "áp" vào thực tế tại các trường, lại phát sinh nhiều tình huống rối rắm, phức tạp, nhiều câu hỏi luẩn quẩn khác. Chẳng hạn như với việc sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời xác định lại tổ hợp các môn/khối thi thì đây thực chất là một kỳ thi tích hợp hay là 2, 3, thậm chí 4 kỳ thi? Thế chẳng phải "đổi mới" thành "đổi cũ" à? Rồi việc chia cụm  thi sẽ diễn ra như thế nào, sao tất cả không thi cùng một chỗ, bắt các em đi đi lại lại làm gì cho khổ sở? Nếu thi ở cụm địa phương, có công bằng và nghiêm minh hay không? Rồi sau kỳ thi chung quốc gia, các trường Đại học, Cao đẳng sẽ nhặt điểm xét tuyển vào trường mình, không biết sẽ lấy điểm như thế nào? "Rằng", "thì", "mà", "là" đủ thứ câu hỏi trên đời(!)

Còn Bộ GD& ĐT, dường như đang "đẽo cày giữa đường" khi ban hành các văn bản thay đổi vừa "tiếp thu" và "điều chỉnh". Tất cả cứ rối tinh, rối mù lên, gây hiệu ứng hoang mang trong toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo ở các bậc dạy học hiện nay. Bằng chứng là từ ngày 23 tới ngày 26/9, Bộ GD&ĐT tổ chức liên tiếp chuỗi 3 hội nghị triển khai phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015 tại ba địa điểm TP Hà Nội, TP Huế và TP Hồ Chí Minh.

Sau khi hội nghị ở TP Hồ Chí Minh kết thúc, Bộ mới chốt giải pháp kỹ thuật cuối cùng. Sao không hội nghị, sao không tính toán, bàn bạc kỹ ngay từ đầu rồi hợp thức hóa bằng các văn bản một lần cho thống nhất, cho xong xuôi và rành rẽ vấn đề? Cứ như thế này, khác gì Bộ đang làm khó mình và khó người?

Và không chỉ các đơn vị trực tiếp đào tạo, chính bản thân các em học sinh và phụ huynh, khi cơn "sốc đổi mới" qua đi, sau khi tiếp nhận những thông tin mới nhất cũng tỏ ra "mơ hồ" vì những nội dung phải nói là... chọi nhau chan chát đến từ cùng một cơ quan: Bộ GD&ĐT. Trước như thế này, sau lại như thế kia, đúng là... không biết đường nào mà lần! Ngay tại buổi giải trình trước UBTV Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận còn giải đáp nhiều biện pháp, giải pháp kỹ thuật về kỳ thi Quốc gia, tuyển sinh Đại học cũng chưa rõ ràng, mạch  lạc, khiến dư luận càng lo lắng.

Đó là chưa nói đến việc thay vì 1 -2 năm, chỉ còn khoảng 9 tháng thôi, các em thí sinh sẽ bước vào một kỳ thi mới. Ngoài việc thay đổi nội dung ôn luyện để phù hợp với những thay đổi xoành xoạch của Bộ, tâm lý các em và cả các thầy cô giáo ở bậc Trung học cũng hết sức lo lắng, bất an, ảnh hưởng đến kết quả thi. Liệu các em đã có một tâm thế thoải mái và sẵn sàng để bước vào kỳ thi ấy hay chưa khi phải nhấp nhổm và hoang mang trước những thay đổi liên tục của Bộ GD&ĐT?

Yêu cầu khẩn thiết và cấp bách đặt ra lúc này, đó chính là các trường cần sớm thông báo phương án tuyển sinh để các em còn chuẩn bị. Và để làm được điều này, các trường phải chủ động phương án xét tuyển sao cho phù hợp với nội dung đào tạo của mình. 

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh - thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Nên hoãn tới năm 2016 nếu cần thiết!

- Mốc 15/10 mà Bộ GD&ĐT đưa ra đối với các trường có gấp quá không, thưa Giáo sư?

+ "Mốc 15/10 đưa ra có thể là gấp với các trường, nhưng với các em học sinh thì quá muộn. Làm gì thì làm, cũng phải chú ý quyền lợi của thí sinh. Học sinh lớp 12 năm nay rất bất ngờ với các phương án đổi mới liên tục của Bộ và cho đến thời điểm hiện tại, các em vẫn còn rất nhiều điều chưa rõ. Các em chưa biết các trường ĐH tuyển sinh kiểu gì. Trong khi đó, từ năm ngoái trở về trước, vì biết rất rõ các trường tuyển những gì, điểm số như thế nào, các em đã chủ động chuẩn bị thì bây giờ, mọi thứ lại bị xáo trộn. Năm nay, học sinh bị thiệt thòi quá. Các trường phải cố gắng công bố sớm phương án tuyển sinh, chứ để như tháng Giêng hằng năm thì muộn quá.

Theo GS, nguyên nhân dẫn đến những đổi mới liên tục này là gì?

+ Về những phương án đổi mới được đưa ra, tôi nghĩ rằng tất cả phải được tính rất kỹ và rất sâu, chứ không thể vừa chạy vừa xếp hàng như thế này được. Đến bây giờ, bổ sung như thế nào cũng chưa thật rõ. Cả điều trần của Bộ trưởng Bộ GDĐT tại phiên họp của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng thế, chưa rõ... Tôi có cảm tưởng ngành giáo dục chưa đề ra được 1 lộ trình dài hạn. Nếu có, tôi chắc sự việc đã khác hơn. Bây giờ, Bộ cũng không cho biết là sau khi đợt thi năm 2014 này với đủ thứ quy định thì sau này còn có đổi mới nào nữa không; nếu có thì đổi mới ra sao, cũng phải để cho thí sinh khóa tới biết để không bất ngờ như thế này. Nếu không làm được điều đó thì năm nào cũng có những thế hệ "chuột bạch".

- Có ý kiến rằng, nếu cảm thấy việc đổi mới lần này gấp gáp như thế thì nên chăng Bộ GD&ĐT trình Thủ tướng Chính phủ hoãn lại kế hoạch sang kỳ thi vào năm 2016? 

+ Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến này. Bây giờ, nếu xới tất cả các vấn đề lên để hiểu thì rối lắm. Chẳng hạn như cụm thi địa phương, kết quả ở địa phương như thế nào; thành phố có cụm thi đại học chắc không thể tổ chức cụm thi địa phương như thế nào... có nhiều việc chưa tính toán được. Môn thay cho ngoại ngữ, rồi xét vào ĐH thì xét như thế nào. Có quá nhiều vấn đề rối. Trong khi đó, phương án xét tuyển thì chưa rõ. Tôi cho rằng, tốt nhất không nên cố ép mà làm gì. Có phải chạy đua để lấy thành tích đâu. Việc đổi mới phải nghĩ và đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Ý kiến cho rằng hoãn tới năm 2016 cũng có lý. Nghĩa là đón lớp học sinh năm nay mới học lớp 10, các em sẽ có 3 năm để chuẩn bị, Bộ cũng có 3 năm để tính đi tính lại cho kĩ.  Lúc đó hãy làm. Vội vã như thế này chẳng có lợi! Vì ai biết được, mình sẽ phải đưa ra những kỳ thi quá dễ dãi. Vì ra đề thi quá nghiêm thì kết quả thi thấp, thiệt cho các em. Nếu dễ, cũng chả đánh giá được chất lượng. Năm ngoái vừa được đổi mới, thôi thì tiếp tục đổi mới đó đi đã".

Nhiều trường ĐH vẫn chưa đưa ra phương án tuyển sinh


Ngày 15/10 tới đây là ngày Bộ GD&ĐT gia hạn cho các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải thực hiện việc xác định các môn thi dùng để xét tuyển vào từng ngành đào tạo của trường. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều trường vẫn chưa đưa ra phương án chốt cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ tới đây.


Liên lạc với TS Nguyễn Xuân Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thì được TS Nghị cho hay: "Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội vài ngày nữa mới họp và mới chốt phương án tuyển sinh. Tuy nhiên, nhìn chung, phương thức thi vẫn giống như những năm trước. Môn năng khiếu sẽ thi trước kỳ thi quốc gia chung. Còn môn Văn hóa, chọn môn Văn để thi tuyển. Điểm thi lấy luôn từ điểm Văn trong kỳ thi chung quốc gia".

 

Trong khi đó, thầy Nguyễn Mạnh Luân, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết trường ĐH Kinh tế vẫn chưa có phương án tuyển sinh. Còn trường ĐH Thương Mại đã tiến hành lấy ý kiến của tất cả giảng viên toàn trường trước đó để đưa ra phương án tuyển sinh trong thời gian ngắn nhất.

 

2 phương án theo dự thảo được đưa ra, đó là: 1, Xét tuyển dựa trên kết quả của kỳ thi chung quốc gia với 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, trung bình cộng 6 điểm để xét điểm sàn đầu vào. 2, Đó là lấy điểm trung bình cộng của 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ trong 5 kỳ học của năm học lớp 10, lớp 11 và nửa đầu năm lớp 12 nhân với hệ số 0,2. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT vừa đưa ra nội dung dựa trên kết quả kỳ thi quốc gia chung nên chưa biết sẽ chốt như thế nào. Tất cả vẫn đang được bàn luận và gấp rút để đưa ra phương án tối ưu nhất, phù hợp với mô hình, tính chất đào tạo của trường.

Đ.Dung - Ng.Trâm
.
.
.