Sẽ "bùng nổ" các kỳ tuyển sinh riêng

Thứ Sáu, 24/04/2020, 11:31
Chỉ sau một ngày Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) báo cáo phương án thi với lãnh đạo Chính phủ, chiều 22/4, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất với báo cáo về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2020 của Bộ GD&ĐT với mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT, còn các trường đại học (ĐH) tự chủ tuyển sinh. Như vậy sẽ không còn kỳ thi THPT quốc gia nữa. Ngay sau quyết định này của Thủ tướng, một số trường ĐH đã bắt đầu lên phương án tuyển sinh.


Bối rối chọn tổ hợp ôn luyện

Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD& ĐT cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) và bài thi tổng hợp Khoa học xã hội (KHXH). Trong đó bài thi KHTN gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học; bài thi KHXH đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân; đối với thí sinh GDTX gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lí.

Thí sinh THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn, hoặc KHTN hoặc KHXH; thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.

Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, KHTN và KHXH thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc nghiệm; kết quả làm bài của thí sinh trên Phiếu trả lời trắc nghiệm được chấm bằng phần mềm máy tính do Bộ GD&ĐT cung cấp; bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây). Kỳ thi sẽ được tổ chức trong 1,5 ngày với 3 buổi thi. Kỳ thi này do Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện, phải tổ chức một kỳ thi trung thực, an toàn chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.

Mặc dù thông tin về kỳ thi tốt nghiệp 2020 đã rõ về quy mô, cách thức tổ chức nhưng học sinh và giáo viên vô cùng lo lắng. Em An Quỳnh, Hà Đông (Hà Nội) cho hay, ba năm nay em dự kiến ôn thi theo tổ hợp A0, sẽ đăng ký 3 nguyện vọng vào những trường có tổ hợp xét tuyển A0, nhưng với phương thức thi mới như thế này, em chưa biết trường nào sẽ tổ chức thi theo tổ hợp này.

Việc ôn luyện của em cũng sẽ bị ảnh hưởng để còn nghe ngóng. Cùng chung tâm trạng như học sinh An Quỳnh, em Tuấn Minh, quận Thanh Xuân (Hà Nội) bày tỏ, việc tổ chức một kỳ thi chỉ để xét tốt nghiệp đồng nghĩa đề thi dễ hơn, độ phân hóa thấp nên các trường tốp đầu khó sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Do đó, những trường tốp đầu sẽ tổ chức thi riêng hoặc có thêm phần kiểm tra bổ sung, như thế em sẽ phải làm quen với dạng đề thi của trường, "nhưng giờ phía trước cách thi, đề thi đối với em vẫn là một ẩn số", Tuấn Minh chia sẻ.

Cô giáo Ngọc Hà, giáo viên một trường dân lập tại Hà Nội nêu quan điểm, thực tế thì những năm gần đây, việc dạy - học cả giáo viên và học sinh đã quen với phương thức thi "2 trong 1". Giờ phương án thi mới thì vấn đề nằm ở việc thi ĐH của học sinh. Mỗi trường ĐH đương nhiên sẽ có phương án riêng, cách thức riêng về tổ chức thi, đề thi...

"Giáo viên dạy học sinh theo phương án thi nào, của trường ĐH nào giờ đúng là bài toán khó. Học sinh vừa lo ôn thi, vừa lo tìm hiểu quy cách trường định thi, rồi đôn đáo nhập cuộc, đáp ứng tiêu chí thi trong khi thời gian còn quá ngắn nên các em sẽ vô cùng vất vả", cô Ngọc Hà nói.

Thí sinh "ảo" sẽ tăng mạnh

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 vừa được công bố, GS Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại phân tích, việc tuyển sinh của các trường ĐH có thể diễn ra theo các hướng:

Nhóm 1 - một số trường vẫn tuyển sinh theo phương án xét tuyển thông qua học bạ như những năm trước; nhóm 2 - một số trường sẽ tuyển sinh căn cứ vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020; nhóm 3 - một số trường ĐH lớn có uy tín công bố tổ chức kỳ thi riêng để xét tuyển.

Với nhóm 1, kết quả học tập học kỳ 2 năm nay được đánh giá không đồng nhất giữa các trường THPT, giữa các vùng miền do tổ chức dạy và học online. Vậy nên, việc xét tuyển thông qua học bạ cũng là vấn đề chúng ta cần xem xét về tính khách quan, công bằng, yêu cầu về chất lượng tuyển sinh.

Với nhóm 2, chắc chắn khi kỳ thi đã tinh giản môn thi, tinh giản kiến thức và mục tiêu chủ yếu là phục vụ cho xét tốt nghiệp THPT thì việc xét tuyển sẽ không đáp ứng đầy các mục tiêu như tính khách quan, công bằng và quan trọng hơn là chất lượng đầu vào .

Với nhóm 3, theo GS Đinh Văn Sơn, sẽ có một loạt các câu hỏi đặt ra: Chi phí tổ chức một kỳ thi, rủi ro kỹ thuật trong tổ chức (tính bảo mật, mức độ khó dễ của đề thi,...) do thời gian chuẩn bị cho kỳ thi tương đối gấp; một trường tổ chức bao nhiêu môn thi (vì trước kia trường đã sử dụng nhiều tổ hợp xét tuyển)?; thí sinh sẽ phải tham gia bao nhiêu đợt thi của các trường (vì thí sinh có nhiều nguyện vọng)?; nếu thí sinh dùng kết quả thi của trường này để xét tuyển vào trường khác thì có được chấp nhận hay không? Chi phí tổ chức thi, các trường tính toán với nhau thế nào?

GS Sơn lo lắng là tình trạng thí sinh ảo sẽ giải quyết ra sao khi các trường tổ chức thi độc lập cũng đồng nghĩa không có các "nhóm xét tuyển" như những năm trước nữa. Sẽ rất khó khăn cho các trường lúc này khi phải lựa chọn một phương án tuyển sinh khả dĩ nhất khi mà Bộ GD&ĐT giao quyền tuyển sinh cho các trường ĐH.

"Theo tôi phương án tối ưu nhất cho tuyển sinh đại học 2020 là: Bộ chủ trì một kỳ thi "3 chung rút gọn" (rút gọn đợt thi, rút gọn số môn thi). Phương án này sẽ thuận lợi nhất cho các trường trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, nhất thiết phải hình thành các nhóm xét tuyển như như năm trước để hạn chế tình trạng thí sinh ảo.

Bộ GD&ĐT cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ cho các trường đại học trong công tác tuyển sinh năm 2020 theo hướng các trường ĐH có cùng khối ngành đào tạo hoặc có các tổ hợp môn thi xét tuyển giống nhau cần hợp tác tổ chức kỳ thi chung của các trường đó. Không nên mỗi người mỗi ngựa, mạnh ai người đó chạy.

Khi xây dựng phương án tuyển sinh cần tính đến quyền lợi của thí sinh. Đây có thể coi là giải pháp tình huống trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Và nếu nhìn xa hơn thì có thể coi là thời kỳ chuyển tiếp quá độ để tiến tới các trường đại học tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh", ông Sơn nói.

Đừng để xảy ra "mưa" điểm 10

Theo thống kê dự kiến của Bộ GD & ĐT, có khoảng 10% trường ĐH sẽ tổ chức kỳ tuyển sinh riêng (thường rơi vào các trường tốp đầu), 28% trường ĐH sẽ xét tuyển học bạ và 62% trường ĐH sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường đại học cho hay, "nếu có tới 62% trường ĐH sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển thì tôi thấy lo, vì thi tốt nghiệp đề thi sẽ rất nhẹ nhàng để thí sinh đạt yêu cầu tốt nghiệp cho 12 năm đèn sách. Như vậy đầu vào của các trường ĐH sẽ giảm chất lượng, cũng là điều mà các nhà quản lý ĐH phải lường trước".

Tối 22/4, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã chính thức thông báo chỉ lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển vào đại học chính quy. Cùng với hình thức xét tuyển trên, Trường ĐH Kinh tế quốc dân sẽ xét tuyển thẳng thí sinh có IELTS 5.5 trở lên.

Trao đổi với PV Cảnh sát toàn cầu, ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo nhà trường cho biết, tuy có nhiều biến động nhưng trường cố gắng giữ ổn định đến mức cao nhất về phương thức tuyển sinh để thí sinh yên tâm học và thi. Trong khi trước đó, Trường ĐH Kinh tế quốc dân thông báo, nếu không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia do dịch COVID-19 thì nhà trường dự kiến tổ chức thi riêng vào tháng 8 với 8 môn thi.

Trước câu hỏi, xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp thì nhà trường có lo lắng về chất lượng nguồn tuyển? Ông Bùi Đức Triệu cho rằng, nhà trường đã chọn phương án giữ nguyên phương thức xét theo kết quả thi dù bây giờ là thi tốt nghiệp THPT. Bởi vì trường nhận thấy 2 kỳ thi này khá tương đồng về hình thức, nội dung, cách tổ chức. Với kinh nghiệm các năm phối hợp coi thi với các tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tin tưởng ở chất lượng kỳ thi có thể dùng để xét tuyển sinh.

"Chúng tôi nghĩ nhiều về quyền lợi của thí sinh. Không nên bắt các em phải khăn gói một lần nữa lên thành phố để thi hai lần cùng một nội dung, một dạng đề. Vì nếu làm đề dạng mới thì không kịp nữa. Đề dễ hay khó cũng là chung, cùng mặt bằng xét tuyển, không ảnh hưởng đến chất lượng xét tuyển. Dĩ nhiên đề không nên quá dễ, nếu để "mưa" điểm 10 thì kỳ thi thất bại", ông Bùi Đức Triệu bày tỏ.

Tối 22/4, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) công bố chính thức phương án tuyển sinh 2020: Xét tuyển thẳng các đối tượng đáp ứng tiêu chí quy định của Bộ GD&ĐT và ĐHQGHN; xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN và  xét tuyển hồ sơ thí sinh. 

Bài thi của ĐHQGHN kiểm tra các năng lực cơ bản của thí sinh gồm: Toán (90 phút), bài viết luận (60 phút); ngoại ngữ (60 phút); Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội (60 phút). Thời gian dự kiến tổ chức thi: Cuối tháng 7/2020, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ngoại trừ bài luận thi viết, các bài thi theo hình thức trắc nghiệm trên giấy theo thang điểm 100. 

Các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN sử dụng kết quả 3 hoặc 4 hợp phần thi để xét tuyển vào các ngành đào tạo. Tổ hợp xét tuyển vào từng ngành đào tạo, các yêu cầu chi tiết đối với đề thi và thủ tục đăng ký dự thi được công bố trước 10/5/2020. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến vào ĐHQGHN từ ngày 1/6/2020. ĐHQGHN chỉ tổ chức thi trên địa bàn Hà Nội và phối hợp với các trường đại học công tác ra đề thi, chấm thi và xét tuyển đại học chính quy.

Thu Phương
.
.
.