Sẽ có chế tài xử lý người tung tin giả và nội dung xấu, độc

Thứ Sáu, 13/09/2019, 12:18
Cơ quan quản lý sẽ xây dựng khung pháp luật trong đó quy định chế tài để xử lý người “xả rác”, làm ra các nội dung xấu độc; doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp, không được chối cãi; chính quyền phát hiện, yêu cầu người dùng và nhà mạng phải dọn dẹp, gỡ bỏ.


Mới đây, sau khi xảy ra việc cháu bé học sinh trường GateWay tử vong; trong lúc cơ quan Công an đang điều tra vụ việc thì trên Facebook xuất hiện thông tin lái xe Doãn Quý Phiến chết và kèm theo đó là hàng loạt bình luận khiến Công an quận Cầu Giấy phải lên tiếng khẳng định đó là tin thất thiệt.

Nhưng đó chỉ là một ví dụ về tình trạng lan truyền tin giả trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống xã hội trong thời gian gần đây. Làm gì để ngăn chặn tin giả, thông tin xấu độc trên không gian mạng để đảm bảo người dân được tham gia mạng xã hội một cách an toàn hơn?

Phóng viên Chuyên đề CSTC đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Người dùng mạng xã hội sẽ được bảo vệ trong môi trường pháp lý tốt hơn

PV: Ngay sau khi Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua, đã có nhiều ý kiến đồng tình rằng Luật An ninh mạng đi vào cuộc sống sẽ giúp người dùng mạng xã hội được bảo vệ trong môi trường pháp lý tốt hơn. Kỳ vọng này liệu có cơ sở không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Minh Đức.

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nói chung và bảo vệ quyền lợi của người sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng trong môi trường pháp lý tốt hơn chính là lý do của sự ra đời Luật An ninh mạng. Sự kỳ vọng đó là hoàn toàn có cơ sở thực tiễn và pháp lý.

Như chúng ta đã biết, mạng xã hội mang lại một diễn đàn mở, cho phép quyền phát ngôn được nới rộng biên độ hơn nhiều lần, người dân có điều kiện tự do bày tỏ chính kiến, cảm xúc xã hội. Nhưng thực tế trước khi Luật An ninh mạng ra đời, nhận thức của một bộ phận người dùng mạng đối với quyền tự do cá nhân với sự tuân thủ luật pháp, tuân thủ những chuẩn mực đạo đức xã hội chung đã ngày càng trở nên không rõ ràng.

Trong khi khả năng kết nối và lan truyền quá lớn, quá nhanh của mạng xã hội đã vô tình tiếp tay cho những hành vi sai trái, quan điểm sai trái của bộ phận này, trong rất nhiều trường hợp là sự vi phạm luật pháp và gây hại cho cộng đồng, dù cố ý hay không cố ý. Những thông tin không được kiểm chứng, tin giả, những nguy cơ không có thật…trên mạng dễ dàng bị thổi phồng và lây lan nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng, loang rộng, có thể gây xáo trộn xã hội, thậm chí có thể tạo ra sự hỗn loạn tàn phá. Rõ ràng, vấn nạn nêu trên trong không gian mạng mang lại những nguy cơ rất lớn đến an ninh, từ an ninh quốc gia cho tới an ninh cá nhân.

Luật An ninh mạng ra đời phù hợp với hiến pháp và luật pháp, là một định chế pháp lý cần thiết nhằm bảo đảm sự bình đẳng, quyền tự do cá nhân trên mạng không bị xâm hại, đồng thời tránh và hạn chế những sự phá hoại, những hành vi trái luật pháp, trái đạo đức một cách cố ý hoặc vô ý trên không gian mạng của họ; đồng thời là phương tiện và công cụ hết sức cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ đất nước, bảo vệ đời sống bình an của người dân trên không gian mạng.

PV: Hiện nay, một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, tin giả chưa được kiểm chứng gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân. Vậy các hành vi trên sẽ bị xử lý như thế nào? Ngoài xử lý cá nhân các hành vi trên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có bị xử lý hay chịu trách nhiệm không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Những hành vi nêu trên là một trong 6 nhóm hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 8 và tại Khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng; những cá nhân nào có một trong những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 9 Luật An ninh mạng, cụ thể: “Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Còn đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, nếu có dấu hiệu tiếp tay, hoặc không tuân thủ quy định của Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và các quy định khác có liên quan thì cũng bị xử lý. Cả cá nhân và tổ chức mà vi phạm, thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm có thể sẽ bị xử lý hành chính, hoặc xử lý hình sự. Cở sở pháp lý để xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng và các Nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Tin giả trên mạng xã hội gây ra nhiều hậu quả.

Tăng sức “đề kháng” trước vấn nạn tin giả, thông tin xấu, độc

PV: Từ thực tế thời gian qua, theo Thiếu tướng cần làm gì để tăng sức “đề kháng” cho người dùng trước vấn nạn tin giả, tin xấu, độc đang tràn lan trên mạng? Chúng ta có nên ban hành Bộ quy tắc ứng xử cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Để tăng sức “đề kháng” cho người dùng mạng xã hội trước vấn nạn trên, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh mạng bằng việc khẩn trương ban hành thêm các văn bản quản lý sử dụng Internet và mạng xã hội, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa thông tin giả mạo trên Internet và mạng xã hội.

Sửa đổi Luật Báo chí, phân định rõ trách nhiệm của quản trị các trang web; tách bạch tin tức chính thống với thông tin có tính chất “lá cải”. Hình thành các cơ quan kiểm soát và chống tin giả trên mạng; hợp tác với các nước có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Triển khai hiệu quả Luật An ninh mạng buộc các trang mạng xã hội nói chung, facebook nói riêng phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các bài viết bất hợp pháp, các thông tin đăng tải.

Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dân chủ, đưa tin bịa đặt, sai sự thật nhằm kích động gây bất ổn xã hội theo pháp luật. Đặc biệt cần thiết và khẩn trương ban hành “Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam”, kết hợp việc tăng cường thực thi quản lý Nhà nước với những quy định cụ thể và những biện pháp “mềm” mang tính giáo dục, tham khảo Bộ quy tắc ứng xử của EU đối với Facebook để hướng tới xây dựng môi trường an toàn và công bằng hơn cho người sử dụng.

PV: Việc quản lý các dịch vụ trên nền tảng xuyên biên giới hiện nay vẫn còn đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với cơ quan quản lý. Luật An ninh mạng ra đời tạo những thuận lợi gì trong việc quản lý các dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt là mạng xã hội, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Luật An ninh mạng ra đời tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp trong nước bị quản lý thế nào thì các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet xuyên biên giới cũng phải bị một sự quản lý tương tự như vậy, việc đó sẽ tạo ra sân chơi công bằng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Các nền tảng xuyên biên giới đã chi rất nhiều tiền để làm ra các thuật toán đọc nội dung của khách hàng, hiểu rất sâu khách hàng, nhưng đầu tư không đáng kể vào các thuật toán ngăn chặn các nội dung xấu, độc. Do vậy, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nắm trong tay công nghệ thì nhất định sẽ giải quyết được việc ngăn chặn những nội dung xấu, độc nói trên.

Trên cơ sở các quy định tại khoản 8 Điều 16; khoản 3 Điều 19; khoản 2 Điều 21 Luật An ninh mạng về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên không gian mạng thì Việt Nam sẽ sử dụng đồng bộ các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp; với những biện pháp sẽ thực hiện để làm sạch không gian mạng đối với người dùng Việt Nam.

Theo đó, cơ quan quản lý sẽ xây dựng khung pháp luật trong đó quy định chế tài để xử lý người “xả rác”, làm ra các nội dung xấu độc; doanh nghiệp nền tảng phải có công cụ quét rác, đây là trách nhiệm rất quan trọng của doanh nghiệp, không được chối cãi; chính quyền phát hiện, yêu cầu người dùng và nhà mạng phải dọn dẹp, gỡ bỏ. 

Kiên quyết yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới khi hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; bất cứ nền tảng xuyên biên giới nào vào Việt Nam hoạt động không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ không được phép hoạt động.

Các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động hợp tác với các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời hợp tác chặt chẽ, chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý nội dung, quản lý hoạt động quảng cáo và thuế; đồng thời các nền tảng nội dung số trong nước cần hợp tác chặt chẽ, chung tay xây dựng hệ sinh thái số Việt Nam vững mạnh, an toàn.

Phát triển mạng xã hội của Việt Nam để “kiềm chế” độc quyền

PV: Hiện có ý kiến cho rằng Việt Nam cần hướng tới xây dựng mạng xã hội thuần Việt để hạn chế dần việc thống trị của các mạng xã hội ngoại. Quan điểm của Thiếu tướng về vấn đề này?

Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm trên. Người Việt Nam có đủ khả năng để xây dựng mạng xã hội thuần Việt thay thế các mạng xã hội ngoại hiện nay. Thực tế, gần chục năm về trước, làn sóng mạng xã hội nở rộ ở Việt Nam, như Banbe.net; Zing Me hay Go.vn; Tamtay; Yume.vn. Các mạng xã hội này ra đời với tham vọng thay thế “người khổng lồ” Facebook tại Việt Nam, nhưng sau đó thất bại. Hiện tại mạng xã hội Zalo đã có trên 100 triệu người dùng.

Zalo không chỉ đáp ứng nhu cầu liên lạc mà còn là nền tảng được các cơ quan nhà nước sử dụng để xây dựng chính quyền 4.0. Đến nay có hơn 20 tỉnh thành trên cả nước chọn Zalo làm công cụ để giải quyết các thủ tục hành chính và tương tác với người dân. Không chỉ vậy vào tháng 6-2016, Zalo bắt đầu phát hành phiên bản địa phương đầu tiên ở thị trường Myanmar và thu hút 2 triệu người dùng chỉ sau 4 tháng.

Tuy vậy, muốn tồn tại, Zalo phải thay đổi, hướng dịch vụ vào các đơn vị hành chính công, chứ không chỉ đơn thuần là mạng xã hội Việt Nam... Từ những câu chuyện trên cho thấy, xây dựng một mạng xã hội Việt Nam hiệu quả, có tính tương tác cao, rộng mở, lan tỏa sánh ngang các mạng xã hội quốc tế như Facebook không phải đơn giản; nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta dập tắt ước mơ, kỳ vọng. Quyết tâm của các cơ quan chức năng là nghiên cứu, phát triển các mạng xã hội nội địa để cạnh tranh và kiềm chế hoạt động gần như độc quyền của các mạng của nước ngoài; có các giải pháp lâu dài và bền vững cho cộng đồng sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Huyền Thanh (thực hiện)
.
.
.