Sẽ có cuộc chạy đua vũ trụ 2.0?

Thứ Ba, 16/01/2018, 10:04
Ðó là câu hỏi được tờ The National Interest nêu ra trong một bài báo đăng tải vào ngày 26-12 vừa qua, gợi lại cuộc chạy đua vũ trụ nổi tiếng thời Chiến tranh lạnh giữa Nga và Mỹ.


Vĩ đi… trên tri

Tiền đề để đưa ra câu hỏi này là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11-12 đã ký chỉ thị yêu cầu NASA phát triển chương trình không gian mới, trong đó thúc đẩy hoạt động đưa người lên Mặt trăng và tiến tới là sao Hỏa sau hàng thập kỷ tạm ngưng.

“Lần này chúng ta sẽ không chỉ cắm cờ và để lại dấu chân trên Mặt trăng. Chúng ta sẽ thiết lập một nền tảng cho sứ mệnh cuối cùng ở sao Hỏa và có thể là cả những hành tinh khác trong tương lai”, Tổng thống Trump tuyên bố tại Nhà Trắng khi ký chỉ thị về chính sách không gian mới.

Lần gần nhất các phi hành gia Mỹ đặt chân lên Mặt trăng là vào thập niên 60, 70 thế kỷ trước trong sứ mệnh Apollo 17 vào tháng 12-1972. Phi hành gia nước này, ông Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng vào ngày 20-7-1969. Buổi ký chỉ thị tại Nhà Trắng thu hút sự tham gia của rất đông phi hành gia, trong đó có ông Buzz Aldrin, người thứ 2 đặt chân lên Mặt trăng, và ông Harrison ‘Jack’ Schmitt, người cuối cùng khám phá hành tinh này.

“Hôm nay, chúng tôi cam kết rằng ông ấy sẽ không phải là người cuối cùng và tôi ngờ rằng chúng ta sẽ tìm được những nơi khác để khám phá ngoài Mặt trăng”, ông chủ Nhà Trắng quả quyết. “Chương trình vũ trụ của Mỹ sẽ cổ vũ toàn bộ loài người và đưa loài người tiến về phía trước”.

Theo nhà báo Martand Jha, những tuyên bố của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục các nỗ lực để tái khẳng định vị thế thống trị vũ trụ của mình, có thể là một phần trong chương trình hành động để "đưa nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” của Tổng thống Trump.

Cuộc chạy đua vũ trụ trong thời Chiến tranh lạnh giữa Mỹ với Liên Xô có thể coi là một trong những chương hấp dẫn nhất trong lịch sử hiện đại. Nguyên nhân do cuộc đua này không chỉ liên quan đến cạnh tranh giữa hai siêu cường mà còn liên quan đến các kết quả có thể đạt được sau đó.

Giai đoạn này liên quan đến số lượng lớn các phát minh khoa học - kỹ thuật mà trước đó tưởng chừng là không thể. Đặc biệt là khả năng tạo ra việc làm của chương trình, vốn là điều Tổng thống Trump đã cam kết. Tài trợ cho cơ quan nghiên cứu không gian đã giảm từ 4,5% ngân sách liên bang vào năm 1966 xuống còn dưới mức 0,5% hiện tại.

Mặt khác, tiềm năng to lớn từ vũ trụ và công nghệ vũ trụ ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh quốc gia đã khiến Mỹ muốn tái thực hiện mục tiêu chiến lược trên.

Cuộc đua bắt đầu

Vấn đề được đặt ra ở đây là: Liệu có xảy ra cuộc “Chạy đua vũ trụ 2.0”? Vũ trụ luôn được đánh giá là một lĩnh vực chiến lược xét từ quan điểm an ninh quốc gia. Khi Mỹ áp dụng các bước đi mới để mở rộng các khả năng của mình ở vũ trụ, các quốc gia khác sẽ thực sự có thái độ nghiêm túc với động thái này của Mỹ.

Theo tờ The National Interest, hiện chưa thể khẳng định chắc chắn liệu quyết định của Tổng thống Mỹ có khiến cuộc đua vũ trụ nảy sinh trở lại hay không. Cuộc đua mới trong lĩnh vực vũ trụ có thể sẽ chỉ xuất hiện trong tương lai xa nhưng chắc chắn động thái của Mỹ sẽ khiến các quốc gia khác thúc đẩy chương trình vũ trụ riêng của mình. Trong khi đó, chương trình vũ trụ của Mỹ là chương trình quy mô lớn, kéo dài trong nhiều năm nên trong giai đoạn đầu tiên, chưa chắc chương trình này sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt.

Tuy nhiên, bài báo kết luận rằng sớm hay muộn loài người cũng sẽ chứng kiến cuộc “Chạy đua vũ trụ 2.0” vì vũ trụ sẽ chiếm vị trí trung tâm trong lĩnh vực đảm bảo an ninh quốc gia của các nước trên thế giới. Chưa rõ khả năng Nga chạy đua với Mỹ trong cuộc chiến lần này nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ là một đối thủ đáng gờm của Washington.

Chương trình vũ trụ của Trung Quốc được giấu kín suốt thời gian dài đã giúp nước này thực sự trở thành đối thủ cạnh tranh nặng ký trong lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ. Trong khi đó, Nga cũng là quốc gia đã cùng với Trung Quốc ký kết nhiều chương trình hợp tác lên vũ trụ. 

Vào tháng 6-2017, các quan chức Trung Quốc tiết lộ, nước này đang chuẩn bị sơ bộ để đưa người lên Mặt trăng, mục tiêu mới nhất trong chương trình thăm dò Mặt trăng của Trung Quốc. Mặc dù bị cấm vào Trạm Không gian Quốc tế, Trung Quốc vẫn có một kế hoạch đầy tham vọng đưa người lên Mặt trăng vào năm 2036.

Chương trình không gian của Ấn Độ cũng là một thử thách khi chuẩn bị ngân sách cho kế hoạch đưa tàu vũ trụ không người lái lên Mặt trăng vào quý I năm 2018.

Anh Kiệt
.
.
.