Sẽ dừng dự án nếu Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ tái phạm

Chủ Nhật, 05/01/2020, 14:11
Ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Công ty Gia cầm Hoà Phát Phú Thọ không được đầu tư mở rộng giai đoạn 2 theo dự án khi tất cả những vi phạm, sai phạm chưa được xử lý triệt để”.


Liên quan đến vấn đề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ tại khu 16, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ mà Chuyên đề CSTC đã có loạt bài phản ánh, trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: 

“Công ty sẽ không được đầu tư mở rộng giai đoạn 2 theo dự án khi tất cả những vi phạm, sai phạm chưa được xử lý triệt để. Nếu công ty còn tiếp tục vi phạm, chúng tôi sẽ yêu cầu dừng dự án. Công ty sẽ không được phép chăn nuôi khi tất cả các yêu cầu về bảo vệ môi trường, về đầu tư các công trình bảo vệ môi trường cũng như quá trình vận hành hệ thống bảo vệ môi trường không đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật”.

Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nhận trách nhiệm

Ngày 24-12-2019, trao đổi với phóng viên, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày 10-12-2019, ông làm trưởng đoàn công tác cùng với các Sở, ban, ngành đã xuống thực địa kiểm tra các hoạt động liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ.

Đoàn công tác của UBND tỉnh Phú Thọ do ông Phan Trọng Tấn - Phó Chủ tịch tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra thực tế việc khắc phục hậu quả sau sai phạm đã bị xử lý của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ tại hồ Ngả Hai.

Đánh giá về kết quả việc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả của công ty, ông Tấn cho biết: “Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty phải đầu tư ngay những công trình bảo vệ môi trường trong khu vực chăn nuôi. Cụ thể: đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý phân gà số 1 và đầu tư tiếp một hệ thống xử lý phân gà nữa đề phòng những bất trắc xảy ra”.

Ông Tấn nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nữa, là yêu cầu công ty đầu tư ngay một hệ thống xử lý khí thải, vì thực tế, khí thải từ hệ thống chăn nuôi gà quy mô lớn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường, để làm sao đảm bảo khí thải ra môi trường là đúng quy định. Tôi cũng có yêu cầu công ty định kỳ phải mời chính quyền xã, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu và đại diện nhân dân đến kiểm tra, giám sát quá trình đầu tư, vận hành và chăn nuôi gà, để cho người dân cũng thấy được sự cố gắng của công ty”.

Khi chúng tôi đề cập tới việc Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ đi vào hoạt động từ tháng 3-2018, nhưng tháng 4-2019, công ty mới đăng ký vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý chất thải và đến tháng 1-2019 mới hoàn thành việc xây dựng hệ thống nhà chứa phân, còn trước đó là hoàn toàn xả thải trực tiếp ra môi trường, trong khi đó theo báo cáo mỗi ngày lượng phân gà thải ra lên tới 50-60 tấn; bên cạnh đó, từ tháng 11-2018, Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ đã từng vi phạm và bị Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt số tiền 70 triệu đồng, nhưng hoạt động xả thải vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều tháng sau đó; vậy trách nhiệm của chính quyền như thế nào? Ông Phan Trọng Tấn cho rằng trong quá trình xây dựng và vận hành, công ty được phép vận hành thử nghiệm việc chăn nuôi cũng như vận hành thử nghiệm các công trình về bảo vệ môi trường.

Vào tháng 10-2019, hồ Ngả Hai từng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, việc để cho công ty thử nghiệm đối với một số hạng mục công trình bảo vệ môi trường chưa đảm bảo ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cẩm Khê và chính quyền xã Đồng Lương trong quá trình phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình vận hành việc chăn nuôi của Công ty Gia cầm Hòa Phát theo ĐTM. Ông Tấn cũng thừa nhận: “Chúng tôi cũng có trách nhiệm trong việc chưa chỉ đạo quyết liệt yêu cầu Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ phải hoàn thiện khẩn trương những công trình về bảo vệ môi trường”.

Trách nhiệm tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ ở đâu?

Như vậy, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ đã thừa nhận Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ “có trách nhiệm” liên quan đến vấn đề để hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ có nhiều biểu hiện sai phạm khi không tuân thủ các yêu cầu trong ĐTM đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ trong việc thanh, kiểm tra, giám sát và tham mưu cho UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Các khu chuồng nuôi gà đẻ trứng mới xây dựng thêm của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ sẽ không được đi vào hoạt động khi chưa đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường.

Cụ thể, kể từ tháng 5, 6-2019, vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã Đồng Lương, nơi Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ đặt trại gà đã trở nên hết sức nhức nhối. Đặc biệt là mùi hôi thối nồng nặc suốt ngày đêm khiến người dân trong khu vực phải đeo khẩu trang cả khi đi ngủ, ăn cơm phải mắc màn vì ruồi muỗi, người lớn trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp với tỉ lệ cao...

Quá bức xúc với tình hình ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất, tập thể bà con khu 16 đã làm đơn kiến nghị tập thể và gửi đi khắp nơi. Đơn thư gửi đi hết các cấp chính quyền từ xã, huyện, tỉnh, sau đó các đơn thư này đều được chuyển đến một đầu mối đó là Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn tham mưu để UBND tỉnh Phú Thọ ký Quyết định số 2819/QĐ-UBND ngày 21-8-2019 phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường với dự án nâng quy mô công suất chăn nuôi lên 1,2 triệu gà đẻ trứng. Với quy mô này, mỗi ngày trại gà sẽ thải ra 120 tấn phân, trong khi đó ở quy mô giai đoạn 1 với 600.000 gà mái đẻ đã thải ra tới 50-60 tấn phân/ ngày, công ty này đã không xử lý được vấn đề chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Điều này khiến người dân phẫn nộ. Bởi thế, trong các cuộc đối thoại với người dân Đồng Lương gần đây, người dân đã yêu cầu Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ không được tăng quy mô khi chưa xử lý dứt điểm các vấn đề gây ô nhiễm môi trường.

Toàn cảnh khu vực trại gà của Hòa Phát có diện tích lên đến 40ha.

Về vấn đề này, ông Trần Trung Hải, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ khẳng định: “Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ cũng có đầu tư một số công đoạn theo ĐTM đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt nhưng chưa đầy đủ.

Đúng ra, khi đầu tư xây dựng xong là phải vận hành thử nghiệm, sau đó được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, giám sát, xác định đã đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn thì mới được đưa vào vận hành bình thường, nhưng công ty chưa làm được điều ấy”.

Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ khi để xảy ra sự việc nghiêm trọng này, ông Hải thừa nhận: “Khi có sự cố xảy ra như thế này, đương nhiên nhiều ít các đơn vị liên quan, đơn vị theo dõi phải có trách nhiệm. Tỉnh cũng đã chỉ ra đối với chúng tôi là phải chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc, giám sát. Vấn đề này, chúng tôi không lẩn tránh, chối bỏ trách nhiệm, trong ngành cũng sẽ phải có kiểm điểm. Nhưng trách nhiệm đầu tiên, phải nói là trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nếu phát hiện công ty vẫn sai phạm thì sẽ phải xử lý, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đúng theo quy định của pháp luật”.

Nguyệt Hà
.
.
.