Xung quanh việc "mạnh tay" với các trang mạng vi phạm:

Sẽ không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm

Thứ Năm, 08/01/2015, 07:00
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã làm cho báo chí bị tác động mạnh mẽ. Nhiều tờ báo, trang tin điện tử, mạng xã hội ra đời trong khi ngân sách bao cấp cho báo chí bị cắt giảm đã đẩy các báo vào cuộc cạnh tranh lôi kéo bạn đọc ngày càng khốc liệt. Muốn câu view thì phải đưa tin thật sớm, thật nhanh; muốn câu view thì tin bài phải thu hút, hấp dẫn bạn đọc. Và con đường nhanh chóng, dễ dàng nhất được nhiều báo điện tử lựa chọn đó là thu hút người đọc bằng những câu chuyện độc, lạ, kinh hoàng, những thông tin sốc, sex, sến…

Hàng lot cơ quan báo chí b x lý vì đưa tin sai s tht

 Theo bà Đỗ Thị Tình, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền Thông, trong số các hành vi vi phạm của các cơ quan báo chí bị cơ quan chức năng xử lý thời gian qua, đứng đầu bảng vẫn là nhóm hành vi "đưa tin sai sự thật". Dẫn chứng cho điều này, có thể  liệt kê ra một loạt cơ quan báo chí bị phạt trong thời gian qua. Tiêu biểu có thể kể đến vụ việc 5 cơ quan báo chí gồm Thanh niên, Tiền Phong, Tri thức, Infornet, Một thế giới  bị Thanh tra Bộ TT&TT phạt 75 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật khi đăng tin về việc "Hà Nội đứng thứ 9 thế giới về nạn móc túi" trong tháng 10/2014; VTV cũng bị phạt 10 triệu đồng vì đưa tin không đúng sự thật về sản phẩm sữa dê Danlait của Công ty TNHH Mạnh Cầm trong bản tin Tài chính kinh doanh phát sóng ngày 24/9 trên VTV1; 5 cơ quan báo chí khác gồm VOV, Năng lượng mới, Thanh niên, An ninh thủ đô, Thể thao Việt Nam cũng bị phạt 75 triệu đồng vì đưa tin sai sự thật về vụ xác chết bị chặt khúc tại TP. HCM trong tháng 10/2014… Trước đó, vào tháng 8/2014, việc đăng tải bức thư ngụy tạo "Gửi bố ở Trường Sa"  lấy từ nguồn Facebook cũng khiến báo Tiền Phong, Kiến Thức và Đất Việt bị phạt 180 triệu đồng về hành vi đưa tin sai sự thật nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Đề cập đến sai phạm phổ biến của các cơ quan báo chí trong thời gian qua, bà Đỗ Thị Tình cho rằng: Sai phạm về thông tin sai sự thật là vô cùng nhiều. Trong đó, có nguyên nhân là do thông tin một chiều, phóng viên mới chỉ nghe một phía, chưa thẩm định lại đã viết tin bài và tòa soạn thì vội vã đăng rất nhanh khi chưa có kiểm chứng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân xuất phát từ sự cẩu thả trong biên tập. Dù rằng những sai phạm này rất sơ đẳng song lại gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng theo bà Đỗ Thị Tình, đứng sau hành vi đưa tin sai sự thật là hiện tượng giật tít câu view ở các báo điện tử. Kế tiếp là thông tin dung tục, phản cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục; thông tin về các vấn đề mê tín dị đoan, chưa có kết luận khoa học của các cơ quan chức năng. Và với việc đăng tải các bài viết có nội dung câu view, không phù hợp với thuần phong mỹ tục cũng như đạo đức xã hội, hàng loạt báo điện tử đã bị xử lý.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục Trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử.

Tiêu biểu trong số này có thể kể đến việc Báo điện tử Tri thức trẻ bị phạt 200 triệu đồng và đình bản 3 tháng vì đăng bài viết "Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ" vào tháng 8/2014 hay trang web của Viễn thông An Giang bị phạt 10 triệu đồng vì đăng bài "Nếu có con trai, tôi cấm nó yêu con gái Hải Phòng" dẫn nguồn từ một diễn đàn trên mạng internet trong tháng 10/2014. Đặc biệt, với việc đưa những thông tin phản cảm, băng hoại thuần phong mỹ tục, mạng xã hội haivl.vn đã bị phạt 200 triệu đồng và tước giấy phép vĩnh viễn vào cuối tháng 9/2014.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ TT&TT còn xử phạt nhiều cơ quan báo chí khi quảng cáo sai sự thật về thực phẩm chức năng, không đúng với nội dung cơ quan thẩm quyền phê duyệt; đưa tin không phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết dân tộc; tiết lộ bí mật Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng.

S tiếp tc "mnh tay" vi các trang mng có xu hướng lá ci

Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước của Bộ TT&TT vừa diễn ra vào đầu tháng 12/2014, thứ Trưởng Trương Minh Tuấn đã yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ tiếp tục kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các cơ quan báo chí, kể cả chuyên trang và ấn phẩm phụ trên tinh thần nếu phát hiện sai phạm sẽ kiên quyết xử lý trên nguyên tắc không có "vùng cấm" cho vi phạm. Quyết tâm này cũng đã được thể hiện rõ trong các quyết định xử phạt mạnh tay của Bộ TT&TT trong thời gian qua, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Trong đó, ngay cả các cơ quan  truyền thông lớn của quốc gia như VTV, VOV, VTC hay các cơ quan báo chí thuộc Bộ TT&TT cũng bị xử lý công khai và nghiêm minh.

Cũng theo chia sẻ của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, một trong những lỗi nguy hiểm của các báo điện tử và các trang liên kết là thường khai thác, nhặt nhạnh trên các mạng xã hội những bài viết, rồi xào xáo, thậm chí còn bê nguyên xi để đưa vào trang của mình, coi đây là một bài viết của một tờ báo. Hay dẫn thông tin từ nhiều nguồn chưa được kiểm chứng rồi đăng lên báo. Việc làm đó không chỉ bỏ qua vai trò xã hội của người làm báo mà nó còn vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, bỏ qua quy trình tác nghiệp thông thường, từ đó dẫn đến những sai phạm rất đáng tiếc. Đây là một vấn đề cần cảnh bảo đối với báo điện tử hiện nay.

Văn bản xử phạt một số báo điện tử và trang tin điện tử vi phạm.

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này,  Bộ TT&TT đã xử lý một số trang báo mạng có tính chất lá cải, giật gân, câu khách bằng cách đưa tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng như vậy. Trong đó, có trang bị đình bản tạm thời, có trang thu hồi giấy phép, đình bản hẳn. Tới đây Bộ TT&TT sẽ tiếp tục thực hiện việc này. Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí sắp tới, những báo có nhiều ấn phẩm phụ, nhiều trang liên kết thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm xem xét và thanh lọc. Trong trường hợp cơ quan chủ quản không tự xử lý được, Bộ TT&TT sẽ có những biện pháp khác để cùng với các cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí lập lại trật tự.

Cũng theo Thứ trưởng Trương Minh Tuấn, việc xử phạt, đình bản tạm thời các cơ quan báo chí, hay thu hồi thẻ nhà báo là việc làm mà cơ quan quản lý báo chí hoàn toàn không mong muốn, nhưng với những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì không còn cách nào khác. Chính vì vậy, để ngăn ngừa vi phạm, Bộ TT&TT đề nghị mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình hơn nữa đối với bài viết cũng như trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội.

Trả lời câu hỏi của PV Báo CAND về việc liệu có hay không việc Bộ TT&TT đã "mạnh tay" với các trang tin điện tử song vẫn còn "nương nhẹ" với các vi phạm của báo điện tử, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục phát thanh-truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã khẳng định: Hoàn toàn không có việc nương nhẹ với các báo điện tử. Dẫn chứng gần đây nhất, các cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã xử lý nghiêm khắc đối với báo Trí thức trẻ: phạt tiền hơn 200 triệu và tước quyền sử dụng Giấy phép trong thời hạn 3 tháng; phạt hành chính hàng loạt cơ quan báo chí lớn của Trung ương và địa phương vì đưa tin sai sự thật về nạn móc túi ở Hà Nội, vụ chặt xác ở TP.HCM; vụ sữa dê Danlait… Quan điểm của Nhà nước ta đã được thể hiện trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông là: Cùng một hành vi vi phạm như nhau, tính chất và mức độ như nhau thì bao giờ cũng xử phạt báo chí nặng hơn trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Bởi vì báo chí là cơ quan thông tin chính thống, được tạo các điều kiện và lợi thế hơn trang thông tin điện tử và mạng xã hội. Do vậy, lãnh đạo các cơ quan báo chí đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn cao hơn, trách nhiệm đối với cơ quan, với đất nước, với cộng đồng xã hội vì thế cũng phải lớn hơn.
Huyền Thanh
.
.
.