Sen hồ Tịnh Tâm, một trong 20 thắng cảnh đẹp nhất, nổi tiếng tại Huế:

Sen hồ bị "bức tử" vì ô nhiễm

Thứ Ba, 26/08/2014, 21:00

Hồ Tịnh Tâm, một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Kinh thành xứ Huế. Xưa sen hồ, một trong những cảnh hương sắc làm nên sự nức tiếng của Tịnh Tâm. Nhưng nay, với hơn 100 nghìn mét vuông hồ đang vào mùa sen nở, vậy mà chỉ toàn là bèo lục bình và cỏ dại mọc hoang. Lác đác một vài cụm sen nhỏ "gắng gượng" sống, nhưng có lẽ cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Do bởi sen hồ bị "bức tử" vì ô nhiễm mấy năm này...!

Người trồng sen điêu đứng

Đất Huế xưa nay vẫn nổi tiếng với sen, nhưng mỗi lần nhắc đến sen Huế, không thể không nhắc đến sen hồ Tịnh Tâm. Vậy nhưng, bây giờ buồn thay chỉ còn một vài cây sen "gắng gượng" vượt bùn, vượt vùng nước ô nhiễm để tồn tại...!. Mặc dù đã vào giữa mùa sen nở nhưng theo quan sát của chúng tôi thì hồ Tịnh Tâm hoàn toàn vắng bóng loài hoa mang tính biểu tượng nơi này. Đây thực sự là một điều hết sức đáng tiếc đối với những người yêu Huế. Ông Trương Văn Lợi, một hộ trồng sen lâu năm ở hồ Tịnh Tâm than thở: "Mỗi năm chúng tôi phải bỏ ra cả chục triệu đồng để trồng sen nhưng đều mất trắng cả. Sen chỉ mới trồi lên mặt nước thì đều bị chết héo, tàn lụi dần".

Cũng theo ông Lợi thì trước đây, ở hồ Tịnh Tâm thì chỉ cần thả sen xuống là phát triển rất tốt, nhưng kể từ năm 2000 đến bây giờ thì tình hình ngày càng xấu đi. Được biết, ông Lợi và hai hộ khác cùng đấu thầu một phần mặt hồ Tịnh Tâm từ doanh nghiệp du lịch Trung Tâm Văn Hóa Tịnh Tâm (doanh nghiệp này đã ký hợp đồng thuê lại hồ Tịnh Tâm từ Trung tâm bảo tồn cố đô Huế) mỗi năm là 3,6 triệu đồng. Tuy nhiên, do sen chết nên các hộ này buộc phải trông chờ vào việc nuôi cá để duy trì cuộc sống. Theo ông Lợi thì mặc dù biết là trồng sen không hiệu quả do không sống được, nhưng tất cả những hộ trồng sen nói riêng và người dân xứ Huế nói chung đều vẫn hy vọng một ngày nào đó cây sen sẽ "hồi sinh" ở nơi này.     

Chúng tôi được biết, đã có nhiều dự án nhằm tái thiết, hồi sinh loài hoa này ở hồ Tịnh Tâm nhưng đều không đem lại kết quả. Tại kỳ festival 2012, đã tổ chức lễ hội "hơi thở của nước" tại đảo Doanh Châu nằm giữa hồ Tịnh Tâm. Khi đó, sen trong hồ phát triển rất mạnh làm cho nhiều người nhầm tưởng là sen Tịnh Tâm đã hồi sinh thật sự, nhưng chỉ được một thời gian ngắn sau đó sen nhanh chóng chết dần. 

Sen hồ bị "bức tử" do nước ô nhiễm

Theo những người dân sống gần hồ Tịnh Tâm thì nguyên nhân chính dẫn đến việc sen hồ Tịnh Tâm bị "bức tử" là do nước hồ bị ô nhiễm trầm trọng. Nguồn nước trong hồ không được lưu thông nên các chất thải bẩn được giữ lại trong hồ, dẫn đến ô nhiễm nguồn nước. Nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất từ các khu dân cư của các phường Thuận Thành, Thuận Lộc… đều theo cống thoát nước xả vào hồ Tịnh Tâm.

Nay giữa mùa sen nở, nhưng hồ Tịnh Tâm chỉ toàn bèo lục bình và cỏ dại.

Trong đó, có nhiều hồ làm kim hoàn, nghề làm sắt… với những chất thải độc hại cũng được xả thẳng vào hồ qua 6 cống xả thải như vậy. Mặc khác, việc thiết kế xây các cống thoát nước từ hồ Tịnh Tâm ra sông Ngự Hà không phù hợp, dẫn đến nước bẩn trong hồ không thoát ra được. Việc lắp đặt các cống thoát nước với kích cỡ quá nhỏ (2 bi nổi, 1 bi chìm) lại bị "treo" (cao hơn mặt nước hồ) nên nước không thoát ra ngoài được. Chỉ khi nào nước sông Ngự Hà dâng cao thì nước trong hồ mới thông...

Ông Lê Công Sơn, Trưởng phòng Cảnh quan môi trường, Trung tâm BTDT CĐ Huế đã thừa nhận, chính việc xả thải vào hồ lớn, cộng với hệ thống thoát nước kém đã gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng dẫn đến sen không thể sống nổi. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ có phương án sẽ cải thiện lại môi trường nước, nạo vét, xây dựng bể sinh học để xử lý nguồn nước thải để hạn chế ô nhiễm nguồn nước thải, tiến tới phục hồi lại sen. Dự kiến, dự án cải tạo hồ sẽ được tiến hành vào năm 2016.

Cùng xung quanh vấn đề này, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết, trải qua hơn 200 năm, hệ thống thủy đạo Kinh thành Huế (gồm Hộ Thành Hà, Hộ Thành Hào, sông Ngự Hà, hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải và gần 40 hồ lớn nhỏ khác) đã xuống cấp nhiều vì tác động của khí hậu, chiến tranh và quá trình phát triển dân cư mang tính tự phát. Bên cạnh đó, nhiều hạn chế trong công tác quản lý, bảo vệ và ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận cư dân đã làm cho hệ thống thủy đạo Kinh thành bị bồi lấp, lấn chiếm, ô nhiễm môi trường nước.

Đối với hai hồ Tịnh Tâm và Học Hải, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang khẩn trương lập dự án để di dời các hộ dân lấn chiếm, tu bổ và phục hồi công trình dự án, dự kiến triển khai trong năm 2015.

Hồ Tịnh Tâm có bình diện hình chữ nhật, chu vi gần 1.500m (354 trượng 6 thước), là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của đất Kinh thành, nay thuộc địa phận phường Thuận Thành, thành phố Huế.

Nguyên xưa, hồ là một đoạn sông Kim Long được cải tạo lại, tên ban đầu là ao Ký Tế. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8.000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ, biến nó trở thành một Ngự Uyển của Hoàng gia. Sau khi hoàn thành, hồ mang tên mới là Tịnh Tâm. Hồ Tịnh Tâm là một di tích cảnh quan được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh. Dưới hồ trồng sen trắng, là loài hoa mang tính biểu tượng của nơi này.

PV Miền trung
.
.
.