Shinzo Abe & "canh bạc" bầu cử sớm

Thứ Tư, 11/10/2017, 10:46
Ngày 28-9 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giải tán Hạ viện để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm sẽ diễn ra vào ngày 22-10 sắp tới.


Đây được xem là một động thái hợp với “thiên thời” của ông Abe, khi đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của ông đang lấy lại được sự tín nhiệm từ cử tri, trong khi sự ủng hộ cho phe đối lập đang đi xuống.

Được ăn cả, ngã về không

Trong buổi tuyên bố bầu cử hôm 25-9, ông Abe nhấn mạnh cuộc bầu cử sớm sẽ là sự thẩm định đối với các kế hoạch chi tiêu an ninh xã hội và khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng ở bán đảo Triều Tiên. Ông cũng khẳng định sẽ từ chức nếu đảng LDP của ông không giành đại đa số ghế sau bầu cử.

Nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 3 của ông Abe bắt đầu vào năm 2014, và đúng ra phải đến hết năm 2018 mới kết thúc. Tuy nhiên, theo giới phân tích, ông Abe sẽ không làm được gì đáng kể nếu ở trong trạng thái “chẳng bao lâu sẽ mãn nhiệm”, mà thuật ngữ tiếng Anh gọi là “con vịt què” (lame duck).

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu về bầu cử sớm ngày 25-9

Vì vậy, ông muốn “được ăn cả, ngã về không” với canh bạc bầu cử sớm. Nếu chiến thắng, ông sẽ có đủ quyền lực và uy tín để theo đuổi những chính sách quan trọng, mà một trong số đó là việc sửa lại Hiến pháp để Nhật Bản có thể đơn phương tham gia các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Còn nếu thất bại, ông sẽ phải từ chức sớm như đã hứa.

"Một cuộc chiến khó khăn đã bắt đầu vào hôm nay", ông Abe nói trong khi giơ cao nắm đấm. "Đây là cuộc bầu cử về cách thức bảo vệ mạng sống của người dân. Chúng ta phải hợp tác với cộng đồng quốc tế khi đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên".

Ông Abe kêu gọi công chúng ủng hộ “chính sách ngoại giao mạnh mẽ" của ông đối với chế độ của lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un. Gần đây, Bình Nhưỡng đã nhiều lần đe dọa sẽ “đánh chìm” Nhật Bản xuống biển, trong khi đã 2 lần bắn tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản ở phía Bắc Hokkaido chỉ trong vòng một tháng.

"Chúng ta phải chiến đấu vì tương lai của con cháu mình!”, ông Abe nói.

Đúng thời cơ?

Theo hầu hết các nhà quan sát, việc ông Abe tuyên bố bầu cử sớm là hành động đúng thời cơ, khi LDP vừa lấy lại được sự ủng hộ của cử tri sau một thời gian bị “thất sủng”.

Trước dó, nhiều vấn đề nổi lên khiến chính quyền do LDP đứng đầu gặp nhiều điều tiếng. Trước tiên, chính phủ của ông Abe vấp phải làn sóng phản đối do đã thông qua luật đưa quân ra nước ngoài hỗ trợ đồng minh. Tiếp đó là những lùm xùm tham nhũng liên quan tới ông Abe và phu nhân, cũng như việc Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada từ chức sau cáo buộc bê bối trong xử lý tài liệu quân đội.

Vì vậy, từ chỗ sự ủng hộ cho ông Abe ở mức cao, khoảng 60% trong tháng 3-2017 theo khảo sát của Nikkei, đã rớt xuống còn 37% trong tháng 7. Khó khăn lắm, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Abe mới trở lại mức khá, 50%, theo khảo sát của báo Nhật Yomiuri Shimbun. Điều này nhờ phần lớn ở thái độ cứng rắn của ông trước sự đe dọa ngày càng lớn từ Bình Nhưỡng.

Việc Triều Tiên đẩy nhanh chương trình hạt nhân và tên lửa, cũng như gia tăng mức độ đe dọa trong các phát ngôn chính thức đã khiến người dân xứ sở Phù tang cảm thấy bất an. Một Thủ tướng Abe vững vàng và không khoan nhượng trước sự đe dọa của Triều Tiên đã giúp người dân cảm thấy an tâm hơn.

Thời điểm hiện nay cũng là lúc các phe phái đối lập đang nhận được ít sự ủng hộ từ cử tri. Khảo sát của Nikkei vừa qua cho thấy 44% cử tri vẫn bầu cho LDP, trong khi chỉ 8% nói sẽ bỏ phiếu cho đảng đối lập chính là đảng Dân chủ. Hơn nữa, giới quan sát cho rằng ông Abe hiện nay gần như là “ngôi sao duy nhất” trên chính trường Nhật Bản. Hiện vẫn chưa thấy có nhân vật nào đủ sức làm lu mờ hình ảnh của ông Abe.

Vẫn nhiều rủi ro

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa ông Abe sẽ ăn chắc 100%. Năm 2006, ông Abe đã từng làm Thủ tướng, nhưng vì lý do sức khỏe nên đã xin nghỉ vào năm 2007. Nhiệm kỳ thứ 2 của ông bắt đầu từ năm 2012, ngay sau khi Nhật Bản vừa trải qua thảm họa kép động đất - sóng thần - hạt nhân. Ông Abe được đánh giá cao khi giúp người Nhật khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng này, cũng như triển khai chính sách kinh tế một thời được mệnh danh là "Abenomics".

Tuy nhiên, bức tranh kinh tế của Nhật Bản theo thời gian không phải màu hồng nữa. Khảo sát gần nhất cho thấy kinh tế Nhật Bản đạt kỷ lục tăng trưởng liên tiếp trong 6 quý liền, nhưng hồi tháng 7, tiền lương đã giảm mạnh nhất trong 25 tháng. Bên cạnh đó, một thực tế không thể chối cãi là Nhật đã bị Trung Quốc vượt mặt ở vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Giờ đây, dù chọn đúng thời điểm được cử tri ủng hộ cao do tác động của Triều Tiên, nhưng ông cũng bị chỉ trích đã lợi dụng những biến động từ Triều Tiên để củng cố lá phiếu của mình. "Chính quyền đã cường điệu về hiểm họa Triều Tiên - họ đã cho dừng các chuyến tàu điện, đặt cảnh báo và gửi tin nhắn cho mọi người mỗi lúc tên lửa bay ngang không phận Nhật - vì vậy tôi nghĩ là hợp lý nếu nói chính quyền đã tận dụng tối đa vấn đề Triều Tiên để giành lợi thế chính trị", Phillip Lipscy, trợ lý giáo sư tại Đại học Stanford (Mỹ), nói.

Ngoài ra, cũng có một nhân vật đang nổi lên trên chính trường là bà Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike, người đã lập đảng Hy vọng để theo đuổi tham vọng làm thủ tướng Nhật. Đảng của bà Yuriko Koike đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Tokyo, thậm chí đảng Dân chủ đối lập đã tuyên bố không cử người tranh cử để ủng hộ cho đảng Hy vọng trong cuộc bầu cử sớm sắp tới.

Người ta lo ngại có thể ông Abe sẽ lặp lại vết xe đổ của bà Theresa May, Thủ tướng Anh. Bà May cũng muốn tận dụng uy tín cao để củng cố vị thế bằng cách tuyên bố bầu cử sớm, nhưng rốt cuộc đã mất thêm nhiều ghế ở Quốc hội. Yoel Sano, người đứng đầu bộ phận phân tích rủi ro chính trị và an ninh toàn cầu ở BMI Research, cho rằng ông Abe có thể thất bại trong trường hợp cử tri nghĩ rằng bầu cử sớm là chiêu trò.

Tuy nhiên như đã nói, với tình thế “lame duck” nếu không bầu cử sớm, ông Abe cũng không làm được điều gì lớn lao như mong muốn. Vì vậy, Abe đã chọn nước cờ mạo hiểm, nếu chiến thắng ông sẽ làm thay đổi lịch sử, còn thất bại, ông cũng có thể về “làm người tử tế”, sẽ thảnh thơi thơ túi rượu bầu, vì dù gì ông cũng đã cố hết sức có thể.

Thủ tướng ‘cứng’

Ông Abe sinh ngày 21-9-1954 trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Ông của ông là cựu Thủ tướng Kishi Nobusuke, cha của ông từng là ngoại trưởng tại Tokyo, Abe Shintarō. Ông là người nhậm chức lúc trẻ nhất trong các Thủ tướng Nhật Bản từ sau Chiến tranh thế giới 2 và là Thủ tướng đầu tiên sinh sau chiến tranh.

Ông Abe có lập trường cứng rắn đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ông cho rằng "Trung Quốc đang thách thức một thực tế rằng quần đảo là lãnh thổ vốn có của Nhật Bản. Mục tiêu của chúng ta là phải ngăn chặn ngay những thách thức ấy". Ông Abe phủ nhận tội ác chiến tranh của Nhật Bản trong Thế chiến II và ủng hộ việc tu chính Hiến pháp Nhật Bản để tăng quyền lực cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Về chính sách đối với kinh tế Nhật Bản, ông Abe có chủ trương cố gắng kết thúc sự giảm phát, nâng cao giá trị đồng yên và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ngược với chủ trương của Yoshihiko Noda là tăng thuế để chi trả khối nợ công khổng lồ, Abe cam kết sẽ nới lỏng một cách "không hạn chế" chính sách tiền tệ, đồng thời tăng chi tiêu công. Đối với điện hạt nhân, một trong những vấn đề quan trọng được người dân Nhật quan tâm, đảng Dân chủ Tự do sẽ ủng hộ việc phát triển nguồn năng lượng hạt nhân bất chấp thảm họa Nhà máy điện Fukushima I năm 2011. Ông Abe cũng thể hiện mong muốn Nhật Bản đóng góp một vai trò quan trọng hơn trong vấn đề an ninh toàn cầu.

Ước Lễ
.
.
.