Siêu bầu cử thứ 3 ở Mỹ: Bất phân thắng bại

Thứ Bảy, 07/03/2020, 14:57
Dù dẫn đầu tại 10 trong số 14 bang ở Mỹ đồng loạt tổ chức bỏ phiếu hôm 3-3 (theo giờ Mỹ) trong cuộc bầu cử "Siêu thứ 3", cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang lo ngại đối thủ theo sau là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders -người đã giành chiến thắng tại 4 bang trong đó có bang quan trọng là California.


Theo kế hoạch, các thành viên đảng Dân chủ sẽ tiếp tục bỏ phiếu sơ bộ tại khoảng 30 bang còn lại, kéo dài đến hết tháng 6. Ứng viên nào giành được ít nhất 1.991 phiếu đại biểu sẽ chiến thắng và trực tiếp đối đầu với ứng viên đảng Cộng hoà trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng diễn ra vào tháng 11/2020.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden chụp ảnh với các cử tri trong ngày "Siêu thứ 3" tại  Los Angeles. ảnh: Washingtonpost.

Cuộc đua sít sao

Theo CNN, cử tri tại 14 bang và vùng lãnh thổ Samoa của Mỹ đã bước vào ngày bầu cử "Siêu thứ 3" để bầu chọn đại biểu đại diện cho các ứng cử viên tại Đại hội Đảng toàn quốc. Cuộc bầu cử sơ bộ năm 2020 là lần đầu tiên người dân bang California bỏ phiếu trong ngày "Siêu bầu cử" và chiến thắng ở bang này đã giúp Thượng nghị sĩ Bernie Sanders rút ngắn khoảng cách với cựu Phó Tổng thống Jode Biden.

Trái lại, bang Vermont, Utah và Colorado mà ông Bernie Sanders giành chiến thắng chỉ tương ứng với số phiếu đại cử tri lần lượt là 16, 29 và 67. Tuy nhiên, giành chiến thắng ở bang California với 415 phiếu đã giúp Thượng nghị sĩ thu hẹp khoảng cách đáng kể với cựu Phó Tổng thống. Đây là chiến thắng vô cùng quan trọng đối với ông Bernie Sanders". Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu này, Thượng nghị sĩ Bernie Sander đã "bỏ túi" 577 phiếu đại biểu, chỉ cách cựu Phó Tổng thống Joe Biden 63 phiếu đại biểu. Trong khi đó, 2 ứng viên khác ở vị trí thứ 3 và thứ 4 là tỷ phú Michael Bloomberg và bà Elizabeth Warren chỉ giành được lần lượt là 140 và 103 phiếu.

Hãng AP bình luận: "Thành quả của ông Joe Biden tại các bang miền Nam là một chiến thắng đáng kể khi bang Virginia tương ứng với 99 phiếu đại cử tri, bang Bắc Carolina tương ứng với 110 phiếu, Albama là 52 phiếu, Tennessee là 64 phiếu và Arkansas là 31 phiếu. Bang Oklahoma là 37 phiếu trong khi bang Massachusetts và bang Minnesota lần lượt là 91 và 75 phiếu.

Cũng theo nhận định của hãng AP, kết quả bỏ phiếu hôm 3/3 bị xoay chuyển là bởi những tác động từ cuộc tranh luận thứ 10 giữa các ứng viên đảng Dân chủ được phát sóng trực tiếp từ thành phố Charleston, bang Nam Carolina hôm 26/2.

Tại đây, các ứng cử viên đã nỗ lực tập trung thể hiện mạnh mẽ quan điểm chính sách của mình về một loạt vấn đề như sức khỏe, bảo hiểm y tế, giá thuốc, nhập cư, biến đổi khí hậu, giáo dục nhằm giành thêm được các đại biểu. Còn việc 2 ứng viên giành chiến thắng ở California và Texas là hai bang có số lượng đại biểu lớn nhất lần lượt là 415 và 228, chiếm hơn 1/3 tổng số đại biểu tham dự Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ dự kiến diễn ra từ 13 đến 16/7, khiến cuộc đua lại trở nên "nghẹt thở" và khó đoán hơn. Bởi lẽ, một chiến thắng ở cả hai bang này có thể quyết định ứng cử viên nặng ký nhất cho vị trí đề cử của đảng Dân chủ tham gia cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vào ngày 3/11 tới.

Nhưng khi Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và cựu Phó Tổng thống Jode Biden, mỗi người giành ưu thế ở một bang thì mọi đồn đoán về người chiến thắng chung cuộc vẫn còn khá  mơ hồ. Theo kế hoạch của đảng Dân chủ, ngày bầu cử "Siêu thứ 3" quyết định tới 1.357 đại biểu, chiếm 34% tổng số đại biểu tham gia Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã thu hẹp được khoảng cách với cựu Phó Tổng thống Joe Biden sau chiến thắng ở bang California. ảnh: AP

66% đại biểu còn lại phụ thuộc vào kết quả bỏ phiếu sơ bộ kéo dài đến hết tháng 6 tại khoảng 30 bang khác. Ứng viên nào giành được ít nhất 1.991 phiếu đại biểu sẽ chiến thắng và trực tiếp đối đầu với ứng viên đảng Cộng hoà trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Bài học cho đảng Dân chủ

Theo phân tích của Washingtonpost, người chiến thắng thực sự trong ngày bầu cử "Siêu thứ 3" lần này không phải là ứng viên Tổng thống mà chính là đảng Dân chủ. Trong nhiều tháng qua, đảng Dân chủ đã phải đối mặt với vấn đề chia rẽ trong nội bộ. Nhiều ứng cử viên vừa phải và thân thiện với cơ sở địa phương đã ở lại trong cuộc đua với hy vọng có cơ hội để đánh bại Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Điều này khiến việc thu hẹp phạm vi cuộc đua cũng như các ứng viên trở nên khó khăn và dẫn đến nguy cơ phiếu bầu không được tập trung.

"Thật may là trong cuộc bỏ phiếu hôm 3-3, một số ứng viên và cả cử tri đã mở đường cho ông Bernie Sanders có cơ hội đối mặt với cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Nghĩa là tình trạng "tù nhân cổ điển" thường xuất hiện trong các cuộc đua tranh cử vị trí ứng viên Tổng thống ở đảng Dân chủ đã không còn.

Và chỉ trong 72 tiếng đồng hồ, đảng Dân chủ dường như đã giải quyết vấn đề của mình. Phần lớn "làn đường bên trái" tập trung xung quanh ông Joe Biden, ngăn chặn chiến thắng loại trực tiếp sớm. Đó là một kết quả đáng ngạc nhiên và nó cho thấy đảng Dân chủ đã học được một số bài học quý giá từ các cuộc thi liên minh bầm dập trước đó", bài báo viết.

Nói kỹ hơn về sự phân chia trong đảng Dân chủ hiện nay, tạp chí New York cho biết, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders không phải là một thành viên đảng Dân chủ điển hình. Trên thực tế, ông là Thượng nghị sĩ độc lập tại Thượng viện và đã bị thua cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton trong cuộc đua năm 2016.

Những người ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden ăn mừng chiến thắng. ảnh: Washingtonpost

Vì là một ứng cử viên cánh tả kiên định, ông Bernie Sanders gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục giới ôn hòa của đảng Dân chủ, nếu được đề cử. Thêm vào đó, tuổi 78 cả ông cũng là một điểm yếu. Nhưng các kết quả thăm dò trước thềm bầu cử lại cho thấy ông cực kỳ được ưa chuộng và thu hút cử tri thuộc nhiều nhóm tuổi, sắc tộc.

Trong khi đó, các ứng cử viên Dân chủ ôn hòa đang phải chia nhau phiếu, do đó, thật khó để bất kỳ ai trong số họ có thể vượt xa đối thủ Bernie Sanders. Ngay cả cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên được yêu chuộng nhiều nhất kể từ khi có cuộc ganh đua, vẫn bị áp đảo trước sự thuyết phục của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Vì thế, sự "hồi sinh" của cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong ngày "Siêu thứ 3" là một sự đảo ngược tình thế đáng khích lệ. Nó được cho là bắt đầu từ khi ông đứng thứ hai tại Nevada.

Các cử tri người Mỹ gốc Phi ở Nam Carolina bắt đầu tập hợp xung quanh cựu Phó Tổng thống và ông James E. Clyburn, một nhân vật huyền thoại trong chính trị Nam Carolina đã chứng thực cho ông Joe Biden vào đúng thời điểm mà sự can thiệp ấy có tác dụng tốt nhất có thể. Và chiến thắng vang dội của cựu Phó Tổng thống tại Nam Carolina giúp các nhà lãnh đạo Dân chủ trên cả nước tán thành hơn với Joe Biden và sớm loại 2 đối thủ của ông là Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar và cựu Thị trưởng Pete Buttigieg.

Tiếp đó, các cử tri trên toàn quốc tiếp tục chuyển sự ủng hộ của họ sang ông Joe Biden, và các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, trong những ngày cuối tháng 2, nhiều người trong số họ đã quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai vào ngày bầu cử 3/3.

Hãng Reuters thì khẳng định, chỉ trong một tuần, đảng Dân chủ đã cho thấy cam kết đánh bại ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hoà (nhiều khả năng là đương kim Tổng thống Donald Trump) không chỉ là lời nói suông, ngay cả khi các ứng cử viên phải hy sinh tham vọng cá nhân của mình vì mục đích chung.

Khái niệm ngày bầu cử "Siêu thứ 3" xuất hiện ở nước Mỹ năm 1984 khi lần đầu tiên có 9 bang đồng thời tổ chức các cuộc bầu cử. Trước đó hơn 170 năm, Quốc hội Mỹ đã thông qua bộ luật trong đó quy định cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ được tiến hành vào "ngày thứ ba sau ngày thứ hai đầu tiên của tháng 11".

Và vì thế, ngày thứ ba cũng trở thành ngày bầu cử của đại đa số các bang ở Mỹ. Ứng cử viên nào giành được đa số phiếu tại các cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày "Siêu thứ 3" này cuối cùng cũng đều trở thành ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng, như trường hợp của bà Hillary Clinton năm 2016, ông Barack Obama năm 2008 và ông John Kerry năm 2004 trước đó.

Tỷ phú Michael Bloomberg rút lui, lên tiếng ủng hộ ông Joe Biden

Rạng sáng 5/3 (theo giờ Việt Nam), sau khi không đạt kết quả như ý muốn trong ngày bầu cử "Siêu thứ 3", cựu Thị trưởng thành phố New York, tỷ phú Michael Bloomberg đã tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Dân chủ. 

"Tôi thực sự lấy làm tiếc rằng chúng ta đã không giành chiến thắng. Không còn con đường khả thi cho một đề cử", ông Michael Bloomberg phát biểu trước đám đông người ủng hộ. 

Đồng thời, cựu Thị trưởng New York cũng công khai ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Được biết, ông Michael Bloomberg đã dành cả trăm triệu USD từ chính túi của mình cho chiến dịch quảng cáo tranh cử. Không rõ sau khi rút lui, ông có hỗ trợ tài chính cho ông Joe Biden hay không.

Chi Anh
.
.
.