Simacai - Vai tình chưa vơi, ta còn lặn lội

Chủ Nhật, 14/04/2013, 16:18
Nhắc tới Simacai thường gợi cho người ta một điều gì đó như xa xôi, như cách trở. Vẫn thuộc địa giới của Lào Cai, nhưng khác hẳn với “phố tình” Cầu Mây (Sa Pa), phố Thầu (Simacai) không có được sự đông vui tấp nập, thiên nhiên có vẻ cũng khắc nghiệt hơn: khi nắng thì nắng cháy trời, lúc mưa thì mưa thối đất, vì kéo dài hàng tháng.

Chuyến tàu đêm dừng lại ở phố Lu khi trời còn tờ mờ sáng. Bên ngoài, những giọt mưa xuân vẫn tí tách rơi. Nhìn qua cửa kính của tàu hỏa, thấy lớp sương mù quánh đặc phủ kín khoảng không phía trước. Ngại. Nhưng cứ nghĩ tới Simacai, tất cả những ngại ngùng đó dường như đã biến mất. Chúng tôi hối hả đeo ba lô xuống tàu. Ăn vội bát mì ở ga Lu cho ấm bụng, chúng tôi tìm chỗ thuê chiếc xe máy thẳng hướng Simacai.

Để đến với Simacai, chúng tôi đã phải đi qua Bắc Hà – vùng đất của những cây mận tam hoa nổi tiếng. Xuân này, những vườn mận trắng phau phau đang quyến rũ từng bước chân lữ khách. Nhưng bỏ lại Bắc Hà với dinh thự vua Mèo Hoàng A Tưởng đã được trùng tu bóng bẩy, bỏ cả phiên chợ của rượu ngô bản Phố dễ làm mềm môi, chia tay ông chủ của vườn mận tam hoa Sen Diu Pà, chúng tôi vén màn sương mù dày đặc đến với Simacai. Con đường núi, mây mưa giăng kín là một trở ngại đối với những tay lái lạ đường. Một bên là mép núi, một bên là mép… vực, tầm nhìn chỉ chừng dăm ba mét. Nhưng may mà đôi khi còn được “đánh thức” bởi những con trâu đang lên nương tìm cỏ. Những tiếng mõ trâu, những người phụ nữ gùi rơm khô về đốt chợt gặp trên đường tới Simacai trong một sáng mù sương buốt giữa chốn đồng rừng hoang lạnh, sao cứ thấy ấm áp lạ.

Simacai được coi là vùng đất cổ nhất của Lào Cai, được kiến tạo trên vùng núi đá cát-tơ, có những đứt gãy lớn nên hình thành núi cao, sông sâu hiểm trở. Simacai cũng chính là vùng đất nằm ở vòm nhô thượng nguồn sông Chảy. Chỉ cách đây hơn mười năm thôi, khi ấy chưa tách huyện, Simacai còn như một ốc đảo, đường sá đi lại vô cùng khó khăn, tất cả đều là đường đất. Nhưng bây giờ, đường đến Simacai trải nhựa phẳng lì. Xe máy cứ thế mà chạy bon bon, vừa đi vừa thưởng thức những sản vật, những cảnh sắc đồng rừng quyến rũ.

Chúng tôi đã bị quyến rũ bởi một phiên chợ vùng cao khi còn cách Simacai gần 10 cây số. Đó là chợ Cán Cấu – nằm sát đường đường nhựa xe đang chạy bon bon. Hàng hóa phong phú, mùa nào thức ấy, chủ yếu là những sản vật, nông phẩm do chính bàn tay cần mẫn của cư dân vùng đất làm ra: chỗ này cái cày, con dao phát, cái liềm, chiếc chảo gang; chỗ kia mấy bó mía, đùm ớt khô, mấy buồng chuối, vài can rượu ngô, ít rau xanh… Chợ miền núi nhưng hàng hoá sắp xếp theo từng khoảnh riêng, rất “khoa học”: góc này là nông sản, bên kia là vải vóc, váy áo thổ cẩm rực rỡ; đồ ăn uống lại thơm phức một góc khác, hay có những mẹt hàng khá đặc biệt chỉ bày bán đặc sản của Simacai như ớt khô, thảo quả, mía cây,…; khuất cuối chợ là ông lang đang bắt mạch bốc thuốc… Đặc biệt, ở chợ Cán Cấu cũng có một khoảng đất khá rộng dành riêng cho bán gia súc. Người vùng cao có thể mang trâu, bò, ngựa tới chợ để bán, trao đổi… Phía trên sườn đồi cao là góc chợ chim với rất nhiều loài chim quý đang “khoe giọng”…

Sơn nữ Samacai.

Dù còn quá nhiều ánh mắt sơn nữ ở chợ ven đường, chúng tôi cũng đành lưu luyến chia tay phải lên xe thẳng hướng Simacai – mảnh đất biên cương Tổ quốc. Qua dốc Cán Chư Sử, đất “sỏi đá” của Simacai hiện ra mờ ảo trong sương, nhưng vẫn nhận ra màu xanh của ngô – thứ ngô đặc sản nổi tiếng của vùng đất, sản vật quan trọng để làm ra thứ rượu ngô thơm nức tiếng. Chợt nhớ những câu thơ thương mến của Nguyễn Lập Em về Simacai: “Người Mông gác lều nương/ Trồng cây trẩu làm rừng, tỉa ngô vào hốc đá/ Đá mọc lên màu xanh bám đầy dốc núi/ Ai vì nhau lặn lội/ Đường xa mấy vai […] Đường còn xa mấy nữa/ Vai tình chưa vơi, ta còn lặn lội/ Simacai/ Phía kia là biên giới/ Bên này là quê ta/ Nơi có dòng sông Chảy qua/ Con cá sông xanh ngọt lừ nồi canh rau quả…”.

Đồng bào Mông, Dao, Tày, Nùng… - trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 80% – đã dùng sức của mình cải tạo từng vạt đất sỏi, dùng trâu cày và sức người bật từng viên đá xám để gieo những giống ngô tốt từ chương trình 30A. Ở Simacai đến nay có hơn 4.000ha ngô hàng hóa, với sản lượng gần 15.000 tấn/năm, được ví như “vựa ngô” của Lào Cai.

Nhưng Simacai không chỉ có ngô. Simacai không nên bỏ qua phiên chợ rực rỡ sắc màu với nét đặc thù riêng: chợ Bến Mảng (xã Nàn Sán) mở vào các ngày đầu tuần, chợ Sín Chéng (xã Sín Chéng) mở vào 2 ngày thứ tư và thứ năm. Chợ Cóc Cù (xã Bản Mế) mở vào thứ 6… Đặc biệt là phiên chợ ở trung tâm thị trấn mở sáng chủ nhật hằng tuần, bắt đầu từ tờ mờ sáng. Đây được ví như một “phiên chợ truyền thuyết” còn sót lại. Khi đó ta có thể bắt gặp những chàng trai Mông thổi những điệu khèn réo rắt gọi bạn tình. Ta có thể bắt gặp những ánh mắt sơn nữ lung linh cùng nụ cười tươi rói. Cũng rực rỡ như những phiên chợ vùng cao khác, nhưng chợ ở Simacai còn nổi tiếng với món mèn mén, thắng cố và… bánh rán.

Đến Simacai những ngày xuân, đừng quên tục cúng rừng rất độc đáo của người dân bản địa. Tôi đã ngồi đợi thật lâu để gặp Ngải Seo Dìn, một trưởng bản Phố Cũ, người Mông, mới ngoài 30 tuổi. Ngày xuân, Dìn được bà con mời đi uống rượu. Về tới nhà, mặt đỏ bừng nhưng Dìn vẫn sẵn sàng dẫn chúng tôi đi vào khu rừng cấm. Trong lúc chờ tan cuộc rượu của trưởng bản Ngải Seo Dìn, chúng tôi đã tìm đến khu rừng ngay ở trung tâm huyện. Vẻ âm u và những lời kể của người dân quanh khu vực khiến chúng tôi thật sự e ngại không dám bước qua chiếc cổng sơ sài để tự khám phá khu rừng. Nhưng bây giờ, có Dìn trưởng bản dẫn đường, sự ngại ngùng đã không còn nhưng cảm giác bí ẩn của khu rừng thì vẫn còn nguyên vẹn.

Đường lên Simacai.

Vừa vén những cành cây vấn vít, Dìn trưởng bản kể rằng, cánh rừng này đã tồn tại cả trăm năm nay, có đủ cả loại gỗ quý hiếm. Nhưng không ai dám lai vãng khai thác. Ngay cả khi có cây đổ vì mưa bão, cũng không ai dám vào chặt. Thậm chí người dân cũng không ai dám vào kiếm củi khô về đun, lấy rau cho lợn…

Ngải Seo Dìn quả quyết, bất cứ hành động xâm phạm nào vào khu rừng cấm đều bị trừng phạt bằng những quy định đã được cụ thể hóa trong “Lời thề giữ rừng” của dân bản. Có những vi phạm được phạt bằng ngày công lao động, có vi phạm được quy ra tiền. Và số tiền đó sẽ được sung quỹ để vào ngày 30-2 âm lịch hằng năm, khi tiết xuân đang độ, người dân tộc Mông sống ở Simacai sẽ làm lễ cúng rừng. Nếu vừa cúng rừng xong mà có người vi phạm, trưởng bản sẽ bắt người đó bỏ toàn bộ tiền để làm lại lễ cúng thần rừng.

Dẫn chúng tôi luồn qua thân cây đổ ngã vắt ngang đường mòn, trưởng bản Ngải Seo Dìn chỉ vào một hõm đất dưới gốc cây cao chót vót, bên dưới có mấy tảng đá xếp bằng, đặt bên trên tấm liếp phủ rợp lá cây nói: Đây là khu vực để thờ thần rừng. Vào dịp cúng lễ, bà con tụ tập quanh đây, sửa biện lễ vật  để cúng tế thần rừng. Mâm lễ vật thường có gà trống đỏ, gà mái, 1 con lợn cắp nách, 1 con ngan lông trắng, cùng xôi, rượu. Trong lễ cúng rừng lời thề giữ rừng lại được trưởng bản nhắc lại để toàn thể dân bản cùng nghe, ai trong năm trót vi phạm cũng được đưa ra kiểm điểm, phê bình để rút kinh nghiệm. Người Mông coi rừng như báu vật của trời, coi sóc gìn giữ như cha mẹ của mình. Vào ngày cúng rừng, mỗi gia đình cử một người đến tham dự, và mang theo ít nhất một cây giống để trồng vào rừng.

Đầu năm, Simacai quả là hoang vắng. Khu phố trung tâm lác đác vài ngôi nhà mở cửa. Các dịch vụ gần như vẫn còn nghỉ Tết. Cả thị trấn chỉ có vài nhà nghỉ treo biển hiệu, nhưng khi tìm đến thì cửa vẫn khóa chặt hoặc chưa phục vụ đón khách. Tìm vào một quán ven đường, cô chủ quán là người Kinh, đã theo cha mẹ lên đây từ khi còn bé xíu. Rồi gắn bó với đất này, rồi lấy chồng sinh con. Hỏi, Simacai thường vắng vẻ quá, có buồn không?

- Không buồn đâu anh ơi. Em thích mảnh đất này. Khó khăn rồi cũng quen cả thôi. Vắng vẻ cũng thấy bình thường. Anh cứ đến đây, cứ sống với Simacai mươi năm, anh sẽ cũng như em, thấy yêu Simacai nhiều lắm.

Lời cô chủ quán ven đường nói trong cái giá lạnh đầu năm của Simacai, chợt thấy ấm lòng giữa miền biên cương này. Bởi chính con người là điều quan trọng nhất. Chính con người sẽ làm nên hồn vía của vùng đất. Và Simacai – mảnh đất nơi thượng nguồn sông Chảy, sẽ không còn hoang vắng xa xôi, sẽ trở nên gần gũi với khách du lịch, cũng bắt đầu từ chính những con người ở mảnh đất biên cương này.

Đêm vui đãi bạn đường xa
Thung lũng đầy sương chẳng ai thấm lạnh
Mãi chuyện về sông xanh
Mãi chuyện về hạt ngô, hạt trẩu
Mãi chuyện về người Mông nghèo giàu
Mãi chuyện về biên giới
Vai tình này chưa vơi
Ta còn lặn lội...

(Viết ở Simacai - thơ Nguyễn Lập Em)

Hoàng Thu Phố
.
.
.