So sánh biến động chính trị ở Bắc Phi – Trung Đông và các cuộc “cách mạng màu”

Thứ Tư, 26/03/2014, 11:09

Biến động chính trị ở Bắc Phi – Trung Đông đã trôi qua được ba năm, song những hệ luỵ mà nó để lại vẫn còn đè nặng lên xã hội những nước mà nó tàn phá. Để hiểu rõ hơn bản chất những sự kiện này, ta thử so sánh nó với các cuộc cách mạng sắc mầu đã từng diễn ra ở Trung- Đông Âu và Nam Á những năm đầu thế kỷ XXI. 

Xét về mặt hiện tượng, các cuộc bạo loạn ở Bắc Phi – Trung Đông có nhiều nét tương đồng với các cuộc cách mạng sắc màu diễn ra ở một loạt nước Trung - Đông Âu và Trung Á vào những năm đầu của thế kỷ XXI, trong đó nổi bật là “cách mạng 5 tháng 10” ở Serbia (năm 2000), “cách mạng hoa hồng” ở Grudia (2003), “cách mạng cam” ở Ukraina (2004), “cách mạng Tuy líp” ở Kyrgyzstan (2005). Điểm chung của các phong trào này là đều sử dụng phương thức đấu tranh bất bạo động thông qua các cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, để đối phó với các chính quyền bị họ cho là tham nhũng hay độc đoán, dẫn đến việc các nhà lãnh đạo các nước này bị lật đổ hoặc từ chức.

Các cuộc cách mạng màu nổ ra ở Serbia, Grudia, Ukraina, Kyzgyzstan sau các cuộc bầu cử gây tranh cãi vì những cáo buộc gian lận và kết thúc bằng việc từ chức hoặc bãi nhiệm các nhà lãnh đạo bị phe đối lập cáo buộc là độc tài. Cuộc cách mạng ở Serbia (2000) đã buộc ông Slobodan Milosevic (khi đó là Tổng thống Liên bang Nam Tư và từng là Tổng thống Serbia từ 1989 đến 1997) phải từ chức. Mặc dù không mang tên màu sắc hay loài hoa, nhưng sự kiện này được xem là khởi đầu cho các cuộc cách mạng sắc màu tiếp theo. Cuộc “cách mạng hoa hồng” ở Grudia tiếp nối cuộc bầu cử hợp pháp tại nước này năm 2003 dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Eduard Shevardnadze và đưa ông Mikhail Saakashvili làm Tổng thống sau cuộc tổng tuyển cử (tháng 4/2004). Cuộc “cách mạng cam” ở Ucraina diễn ra sau vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống (2004) dẫn đến việc hủy bỏ kết quả vòng này và bầu cử lại đã đưa lãnh đạo phe đối lập Viktor Yushchenko lên làm Tổng thống thay thế ông Viktor Yanukovich…

Hầu hết các cuộc “cách mạng màu” đều huy động được một lực lượng quần chúng tham gia đông đảo, có khẩu hiệu rõ ràng và được các thế lực bên ngoài tiếp sức, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ do Mỹ và phương Tây chi phối. Điều này phần nào giống với diễn biến một số sự kiện ở Bắc Phi – Trung Đông, với kết cục là sự ra đi của Tổng thống Ai Cập Mubarak và Tổng thống Tunisia Ben Ali.

Tuy nhiên, về bản chất, các sự kiện ở Bắc Phi – Trung Đông khác với các cuộc cách mạng sắc màu trước đây.

1. Các sự kiện diễn ra ở Bắc Phi – Trung Đông thực chất chỉ là các phong trào biểu tình của người dân phản đối các chính sách kinh tế - xã hội của chính phủ, đòi cải cách dân chủ, cải thiện an sinh xã hội…, dẫn đến xung đột bạo lực giữa chính quyền và người biểu tình. Trên thực tế, các cuộc biểu tình này ban đầu không có chính đảng lãnh đạo, thậm chí một số nơi không có sự tham gia của phe đối lập, đồng thời không có mục đích thay đổi cả chế độ hiện hành (ngoại trừ Libya). Hơn nữa, thông thường, một cuộc cách mạng phải mang đến những thay đổi theo hướng tích cực hơn về hạ tầng, thể chế chính trị, cuộc sống của người dân… chứ không đơn thuần là sự sụp đổ của một chính phủ. Hiện nay, tại Tunisia, hệ thống chính trị chưa xác định được hướng đi rõ ràng, nhất là sau khi lực lượng Hồi giáo giành thắng lợi trong bầu cử. Trong khi đó, tại Ai Cập, sự ra đi của ông Mubarak đã mở đường cho quân đội lên nắm quyền lãnh đạo với cam kết sẽ tiến hành tổng tuyển cử dân chủ trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, với việc đảng Anh em Hồi giáo giành thắng lợi sau các cuộc bầu cử Quốc hội và Tổng thống sau đó đã đẩy đất nước này vào một cuộc khủng hoảng mới dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Morsi tháng 7/2013. Như vậy, không thể coi những diễn biến phức tạp tại các nước Bắc Phi – Trung Đông là một dạng biến thể của “cách mạng màu” ở Trung và Đông Âu trước đây.

Biểu tình ở Ukraina.

2. Về nguyên nhân và mục đích, các cuộc cách mạng màu nổ ra sau các cuộc bầu cử bị cáo buộc là có gian lận, với vai trò chủ đạo là những thanh niên muốn thay đổi và gần gũi với phương Tây. Ở Grudia và Ukraina trước đây, người dân xuống đường để chống lại những tàn dư chính trị từ thời Liên Xô cũ, đặc biệt là việc giới lãnh đạo không có khả năng cải cách hệ thống chính trị và hiện đại hóa nền kinh tế. Giới trẻ ở Serbia được hưởng nhiều quyền tự do hơn so với các nước khác chịu ảnh hưởng của Liên Xô; giới trẻ ở Grudia và Ukraina cũng có cảm nhận tương tự khi nhìn sang các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Bantích, trong khi nước họ mới chỉ bắt đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường và đi theo nền dân chủ phương Tây. Trước đây, “cách mạng màu” được những người tổ chức coi là con đường nhằm đoạn tuyệt với thế hệ cũ vốn không thể “hiện đại” và “phương Tây hóa”. Trong khi đó, nguyên nhân sâu sa của các cuộc nổi dậy ở Bắc Phi – Trung Đông  xuất phát từ những vấn đề trong lòng mỗi xã hội, đó là sự cạn kiệt niềm tin và kiên nhẫn của người dân đang phải sống trong những xã hội bất bình đẳng. Tình cảnh tuyệt vọng vì không có bất kỳ tương lai nào cho sự thay đổi đã khởi động các phong trào xuống đường ở các nước Bắc Phi – Trung Đông.

3. Thành phần tham gia biểu tình ở các nước Bắc Phi – Trung Đông  ban đầu chỉ là quần chúng nhân dân, trong đó phần lớn là thanh niên, hầu như không có sự tham gia của phe đối lập do còn quá yếu và bị động trước diễn biến tình hình. Trong khi đó, các cuộc cách mạng màu trước đây, lực lượng đối lập đóng vai trò chính ngay từ đầu trong việc huy động người dân xuống đường và lật đổ các nhà lãnh đạo đang cầm quyền. Thậm chí, trong phe đối lập còn có những nhân vật từng giữ vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo đất nước. Mikhail Saakashvili từng là Bộ trưởng Tư pháp dưới thời Tổng thống Eduard Shevarnade, và gần hai năm trước khi trở thành lãnh tụ “cách mạng hoa hồng” ở Grudia còn là đảng viên cầm quyền của nước này; lãnh tụ “cách mạng cam” ở Ukraina Viktor Yushchenko đã từng giữ cương vị Thủ tướng; Kurmenbek Bakiyev cũng từng là Thủ tướng trước khi nổ ra “cách mạng Tuy líp” ở Kyrgyzstan. Hơn nữa, các cuộc cách mạng sắc màu còn chứa đựng yếu tố cạnh tranh trong nội bộ giới cầm quyền: phe cấp tiến nhận thức được rằng bầu cử không thể chuyển hóa được quyền lực và muốn có những thay đổi cần thiết thì phải động viên được dân chúng tập trung trên các quảng trường chính của đất nước. Tình hình đang diễn ra tại Ukraina cho thấy dường như phe đối lập đang làm lại một cuộc cách mạng màu thứ hai tại đất nước này.

4. Liên quan đến yếu tố bên ngoài, biến động chính trị tại Trung Đông – Bắc Phi là hệ quả tất yếu của chính sách can thiệp của Mỹ và phương Tây. Ngay từ năm 2002, Mỹ đã đưa ra “Sáng kiến Trung Đông mở rộng” và năm 2005 Quốc hội Mỹ thông qua Luật thúc đẩy dân chủ nhằm chuyển hoá chế độ các nước ở khu vực này theo mô hình dân chủ mà Mỹ mong muốn. Song các cuộc nổi dậy ở Bắc Phi – Trung Đông nổ ra nhanh chóng, bất ngờ, khiến Mỹ và phương Tây lúng túng khi các cuộc biểu tình mới diễn ra và chỉ can thiệp khi tình hình có thể diễn biến bất lợi cho “các lực lượng dân chủ” và lợi ích của họ. Điều này chứng tỏ yếu tố bên ngoài dù đóng vai trò quan trọng nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp tạo nên làn sóng biểu tình tại các nước trong khu vực. Trong khi đó, các cuộc “cách mạng màu” nằm trong ý đồ từ trước của Mỹ và phương Tây, đồng thời được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sự hỗ trợ từ bên ngoài được thể hiện trên mọi mặt liên quan đến “cách mạng màu”. Về tài chính, Mỹ và phương Tây thông qua các tổ chức quốc tế, các loại quỹ quốc tế, và một số tổ chức phi chính phủ để chuyển tiền viện trợ cho phe đối lập, tạo điều kiện vật chất cho các hoạt động chống đối. Mặt khác, nhằm thúc đẩy “tự do, dân chủ” và nền kinh tế tự do, đồng thời “trói tay”, không cho chính quyền nước đối tượng ngăn cản hoạt động của phe đối lập, Mỹ đã có một chiến lược viện trợ thuộc lĩnh vực đối ngoại. Trong số đó phải kể đến “Viện trợ phát triển theo đạo luật hỗ trợ dân chủ ở Đông Âu (SEED)” được triển khai từ năm 1989 và một số khoản của chương trình IMET (Chương trình giáo dục và huấn luyện quân sự) bắt đầu được rót vào Đông Âu từ năm 1990.

Những gì Mỹ và phương Tây đang làm ở Ukraina cũng giống như họ đã làm ở đất nước này năm 2004, đẩy đất nước này vào một giai đoạn bất ổn mới. Có khác chăng chỉ là họ đã kết hợp giữa “cách mạng màu” thông thường với “cách mạng màu trực tuyến” (Revolution  online), nghĩa là sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Twiter và các mạng địa phương như Euromaidan, Glas.org.ua hay Helpmaidan….

Thành Tâm
.
.
.