Sông Đà xả lũ đấy... Lên đi!

Thứ Hai, 26/08/2013, 11:53

Trước đây, khi chưa có công trình Thủy điện Sơn La, vào mùa mưa, Thủy điện Hòa Bình thường xuyên xả lũ. Một cửa, hai cửa… có khi lên đến bốn hoặc năm cửa cùng xả. Ngày ấy, việc xả lũ chỉ lạ và hấp dẫn khách tham quan du lịch, chứ còn người ở TP Hòa Bình thì đã quá quen. Khi Nhà máy Thủy điện Sơn La hoàn thành và đưa vào sử dụng, nghĩa là bên trên thượng nguồn có hồ Sơn La thì việc xả lũ của hồ Hòa Bình trở lên hiếm hoi, thậm chí có năm không có đợt xả lũ nào.

Ảnh hưởng cơn bão số 4 cuối tháng 7, mưa lớn trên diện rộng kéo dài cả tuần rồi bầu trời trở lại trong xanh. Tháng 8 sang mang mùa thu tới, không khí đầu thu mát mẻ khơi nguồn cảm xúc và gọi mời những chuyến đi. Chiều mùng một, vừa dắt xe máy ra khỏi cơ quan, gặp anh bạn hồ hởi thông báo: Sông Đà xả lũ đấy… lên đi! Không chần chừ, ngoặt tay lái, tôi ngược hướng lên đập Thủy điện Hòa Bình.

Ngay từ ngã ba Vườn Xanh đã thấy người, xe tấp nập. Không khí mát sâu bởi bụi nước tung cao, choàng rộng và khuấy động cả một khoảng trời. Ôtô, xe máy bấm còi, người đi xe đạp gò lưng vượt dốc. Đông nhất vẫn là từng đoàn người đi bộ… tất cả góp phần làm nên một tưng bừng sông Đà. Tôi nói góp phần bởi nếu thưa vắng sự có mặt của con người thì trong thời khắc này, thời khắc sông Đà xả lũ đã tưng bừng, náo nhiệt lắm rồi. Từng khối nước khổng lồ từ độ cao chục trăm mét phóng xuống từng đụn. Một kho mây trắng khổng lồ bung ra tứ phía. Hạ lưu sông Đà thường ngày phẳng lặng, hiền hòa là thế mà nay như biển động. Những hạt nước li ti dắt nhau nhào lộn rồi bay bổng trong không gian. Những hạt nước nhỏ xinh như sương mây ấy chính là những chiến binh săn lùng, quật cổ, hóa kiếp bụi bặm vốn ít ỏi tại đây để không gian sông Đà thực sự thanh khiết.

Người sống ngay ở TP Hòa Bình lũ lượt kéo nhau lên thưởng lũ và đứng ngay trong không gian xả lũ ấy mà hồ hởi bấm điện thoại thông báo về Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên cho bạn bè, người thân: Sông Đà xả lũ đấy… lên ngay đi! Mà cũng đúng thôi, ai biết Nhà máy Thủy điện đóng cửa xả lúc nào nên việc thông báo cho nhau lên sông Đà khi có lũ xả là một thông tin hấp dẫn, một lời mời quý giá.

Ngay người viết bài này cũng chỉ dám thưởng thức lũ sông Đà khoảng 15 phút rồi phải tạm chia tay cái không gian tuyệt vời này. Chia tay để rồi lại đến với cùng 2 đứa cháu nội bốn tuổi, năm tuổi của mình, bởi chúng chưa bao giờ được nhìn Thủy điện xả lũ. Người lớn đã bao lần ngắm vẻ đẹp khi sông Đà xả lũ mà còn hồi hộp, huống chi những đứa trẻ. Rồi cả 3 thế hệ gia đình tôi hòa trong dòng người ngắm lũ sông Đà – một món quà sang trọng do thiên nhiên kết hợp với trí óc và bàn tay con người tạo lên. Đối với các cháu nhỏ của tôi, điều kỳ diệu nhất là lần đầu tiên chúng nhìn thấy cầu vồng gần thế, rõ thế. Cầu vồng mọc từ dòng sông và ngay trước mắt chúng. Hơn thế, chúng còn nhìn thấy nhau qua bảy sắc cầu vồng.

Từ bờ phải sang bờ trái sông Đà theo đường qua chân đập Thủy điện, qua đường hầm – một con đường tuyệt đẹp – một không gian lộng lẫy sơn thủy hữu tình. Hằng ngày tôi đều đi trên con đường ấy. Nhiều lần đưa bạn bè tham quan quần thể du lịch sông Đà bằng con đường ấy. Qua cửa Nhà máy là đến Đài tưởng niệm những người ngã xuống trong quá trình xây dựng công trình Thủy điện Hòa Bình. Tôi đã đi và đang đi như thế. Thế mà những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm nay, khi đi qua Đài tưởng niệm lòng tôi ngổn ngang chẳng kém lũ sông Đà. Ấy chính là một băng rôn căng trước Đài tưởng niệm với dòng chữ: “Tri ân những người hy sinh vì công trình Thủy điện Hòa Bình”.

Sau 3 lần đi qua, nhìn tượng đài, nhìn dòng chữ trên băng rôn, tôi quyết định vào thắp hương và “gặp gỡ” các anh, các chị - những người đã ngã xuống không chỉ vì dòng điện mà cho cả cuộc sống đáng sống của chúng ta hôm nay, trong đó có đặc sản là những thời khắc sông Đà xả lũ mà tôi và con cháu tôi cùng bao người được thưởng thức. Rồi tôi nhận ra cái điều khác lạ tạo cảm xúc trong tôi đó là sông Đà xả lũ đúng dịp chúng ta kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7. Và dịp này xuất hiện băng rôn “Tri ân những người hy sinh vì công trình Thủy điện Hòa Bình” tại Đài tưởng niệm. Hỏi ra mới biết, tối 26/7, mặc trời mưa tầm tã, Đoàn thanh niên Nhà máy Thủy điện Hòa Bình trang nghiêm làm lễ dâng hương, dâng nến tưởng nhớ, tri ân những người ngã xuống vì dòng điện sông Đà.

Cùng cuốn sổ nhỏ và cây bút, tôi run run ghi lại tên tuổi các anh, các chị đang kề vai sát cánh bên nhau trên vòng tròn hình tổ máy nên ai cũng có thể là người đầu tiên trong danh sách tôi ghi. Và tôi bắt đầu bằng cái tên Vũ Thị Hiền (1956 – 1994)… cho đến Phạm Thanh Phượng (1957 – 1991) là 166 anh, chị, 166 bát hương đều nhau, bên nhau. Để có được công trình Thế kỷ của thế kỷ XX, gần hai trăm con người đã ngã xuống. Tôi nói gần hai trăm vì còn có người ngã xuống mà chưa có bát hương ở đây. Nhà máy khánh thành năm 1994 mà đến tháng 12/1994 vẫn còn người ngã xuống. Vì tượng đài xây xong, vòng tròn đặt 166 bát hương đã kín chỗ mà vẫn còn người ngã xuống. Xin tạ lỗi với những anh, những chị “quên mình vì dòng điện ngày mai” không có bát hương tại Đài tưởng niệm này.

Trong tổng số 166 bát hương tại tượng đài hiện nay có 152 người nam, 14 nữ, 11 quân nhân; 155 người Việt Nam và 11 chuyên gia Liên Xô. Và trong đó có đến 98 người dưới 30 tuổi, họ là tuổi trẻ, họ đang và mãi mãi là thanh niên. Từ thực tế này làm chúng ta nhớ lại một thời công trình xây dựng Thủy điện Hòa Bình còn gọi là công trình Thanh niên. Và có lẽ cũng vì thế mà hàng năm, tuổi trẻ Nhà máy Thủy điện, vào dịp lễ, tết... đều trang trọng dâng hương tại tượng đài này.

Theo thông tin tại tượng đài thì người đầu tiên hy sinh có tên là Lê Xuân Lý, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh sinh năm 1952, mất năm 1972 khi anh tròn 20 tuổi và khi ấy còn trong giai đoạn khảo sát phục vụ thiết kế, thi công. Người trẻ nhất là Phí Hồng Tâm, quê Đông Hoàng, Đông Hưng, Thái Bình, sinh năm 1965, mất 19/12/1983 khi anh mới 18 tuổi. Người lớn tuổi nhất là chuyên gia thuộc Liên bang Nga Tep.AbarAharet, ông sinh năm 1926, mất năm 1983 khi bước vào tuổi 57, nghĩa là tuổi đã có thể nghỉ hưu.

Ngày 24/12/1994, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình khánh thành sau 15 năm thi công. Thế mà trong năm 1994 ấy vẫn còn 5 người ngã xuống nay có bát hương tại Đài tưởng niệm này. Và trong 5 người này thì anh Đậu Tiến Thọ, sinh năm 1959 mất ngày 12/12/1994, là người cuối cùng ngã xuống trước khi khánh thành Nhà máy chỉ 12 ngày.

Linh hồn 166 con người ưu tú đang hòa quyện trong trời mây non nước sông Đà, trong dòng điện tỏa sáng mọi miền, trong luồng gió quạt mát giấc ngủ ngày hè cho tôi, cho bạn; trong ánh sáng cháu tôi học bài, trong lộng lẫy phố phường khi đêm đến, trong rạng rỡ đường làng sáng tỏa đêm đêm… Và nhất là những ngày này, anh linh của các anh, các chị nhẹ nhàng, ẩn hiện trong luồng khí mát rượi tạo bởi sự thanh cao đến tinh khiết của trời nước sông Đà.

Tri ân những người ngã xuống để có dòng điện hôm nay là nhớ đến họ, nghĩ về họ để chúng ta sống thật hơn, sống tốt hơn. Chúng ta hãy biết yêu thương, bảo vệ từng lá cây, ngọn cỏ quanh mình. Hãy bớt đi những rác rưởi, những túi nilon vứt bừa bãi trên đường và những nơi công cộng. Đừng còn ai đứng trên cầu Hòa Bình vô tư thả chất thải, đồ cũ xuống dòng sông. Những giường chiếu, quần áo, chăn đệm của người qua đời đừng có mang ra vứt bừa xuống dòng sông như thế. Hãy dừng tay hủy diệt tôm cá sông Đà bằng nổ mìn, đánh điện. Dòng Đà Giang trong xanh, thơ mộng được tôn lên bởi vẻ đẹp, sự hoành tráng của công trình Thủy điện Hòa Bình phải thực sự là một dòng sông sạch đẹp. TP Hòa Bình – thành phố bên sông Đà vì thế phải là thành phố của màu xanh, của sơn thủy hữu tình.

Bộ mặt của thành phố Hòa Bình không gì có thể thay được dòng Đà Giang và công trình thủy điện. Thiên nhiên hào phóng, con người chung tay kiến tạo thì nay ta phải biết giữ lấy mà hưởng thụ dài lâu. Những con người ưu tú quên mình vì dòng điện để chúng ta được hưởng hôm nay thì chúng ta phải ghi nhớ, phải tri ân. Những ghi nhớ, những tri ân ấy không gì hơn là ra tay bảo vệ môi trường, bảo vệ ngôi nhà chung vô cùng thân yêu của chúng ta.

Ước đến ngày mỗi khi Nhà máy Thủy điện Hòa Bình xả lũ, ta lại gọi bạn: “…Sông Đà xả lũ đấy! Lên đi…” bằng với tất cả sự yên tâm và trọn vẹn tự hào

Lê Va
.
.
.