Sống có ích là điều quan trọng nhất

Thứ Hai, 28/08/2017, 09:17
Theo quy luật chung, đến một độ tuổi nhất định, con người được nghỉ ngơi sau một quãng đời gánh vác trách nhiệm xã hội và hoàn thành bổn phận gia đình.


Có buồn, có hụt hẫng, mất thăng bằng vì phải từ bỏ một công việc, một thói quen hay hạn chế một số quan hệ…, nhưng sau một thời gian nghỉ dưỡng, họ sớm nhận ra việc nghỉ ngơi cũng có nhiều điều thú vị riêng và không hoàn toàn “bi kịch” như nhiều người từng nghĩ.

Suốt thời gian qua, khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) ban hành dự thảo lần hai Luật Lao động sửa đổi, lấy ý kiến chuyên gia về việc tăng tuổi nghỉ hưu, dư luận đã nóng lên với nhiều quan điểm khác nhau.

Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu được thực hiện theo hai phương án. Một là giữ nguyên như hiện hành: nam 60, nữ 55 tuổi. Phương án hai là tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình, bắt đầu từ ngày 1-1-2021. Mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Minh họa: Lê Tiến Vượng

Luật quy định là thế, tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ nhất định, đó là người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu sớm hơn. Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định.

Sở dĩ Bộ LĐ-TB & XH đưa ra vấn đề nhằm đối phó với tình trạng dân số già và lo sợ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH). Giải pháp này hoàn toàn không mới, rất nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã thực hiện thành công.

Song, với thực tiễn nước ta, khi hiệu quả quản lý lao động chưa tốt, năng suất lao động chưa cao, quản lý Quỹ BHXH còn nhiều yếu kém…, thì rõ ràng giải pháp này cần phải tiếp tục nghiên cứu để thực sự có hiệu lực vào một thời điểm nhất định.

Tuổi nghỉ hưu lại trở thành vấn đề nóng khi mới đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tìm các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH”, trong đó có đề cập tới vấn đề tuổi nghỉ hưu hợp lý.

Tại buổi tọa đàm, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cung cấp thông tin, cơ quan này vừa thực hiện một đợt khảo sát với 5.000 phiếu gửi người lao động tại ba miền Bắc - Trung - Nam về độ tuổi nghỉ hưu mà người lao động mong muốn.

Kết quả, có tới 90% số phiếu khẳng định họ có nguyện vọng Nhà nước giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, không kéo dài thêm tuổi nghỉ hưu.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nếu tăng tuổi hưu và tăng mức đóng để duy trì ổn định Quỹ BHXH thì ngành bảo hiểm phải tính toán thông qua nhiều giải pháp như mở rộng thu hút thêm nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện, không thể bắt người lao động phải làm thêm để “nuôi” Quỹ BHXH.

Bởi trên thực tế, mức thu nhập của người dân dù đã cải thiện nhiều so với chục năm trước, nhưng nếu nhìn trên bình diện chung thì vẫn còn thấp. Đó là chưa kể tình trạng người lao động thất nghiệp mỗi năm khá đông, nhất là những sinh viên tốt nghiệp đại học.

Abraham Lincoln từng nói một câu rất ý nghĩa: “Sống ở đời bao nhiêu năm không quan trọng bằng sống được bao nhiêu “đời” trong những năm ấy”. Vâng, điều chốt lại là sớm hay muộn thì người ta cũng phải nghỉ hưu và tiếp đến là về với cát bụi.

Quan trọng nhất là họ đã sống không uổng phí, mang lại những lợi ích cho xã hội, bản thân và gia đình, nhận được sự tin yêu của mọi người. Còn bám Nhà nước để mưu cầu lợi ích cá nhân thì thật buồn khi bị người đời “quên” ngay cả khi còn sống.

Tuấn Nguyễn
.
.
.