Sống đời thương hồ nơi miệt thứ

Thứ Hai, 02/11/2020, 11:35
Từ Rạch Giá muốn đi tới Miệt Thứ quả là hành trình dài, có lẽ ngay cả nhiều người địa phương cũng hơi ngần ngại mỗi khi nghĩ tới, bởi trước khi hoàn thiện những cây cầu bắc ngang qua sông Cái Bé và Cái Lớn, chuyện đi lại vẫn là cảnh "qua sông lụy đò".


Nhưng với ai ưa thích sự lênh đênh, việc đi phà nối từ Tắc Cậu tới Xẻo Rô lại mang một phong vị rất riêng. Về miền Tây đâu chỉ có thăm miệt vườn, chợ nổi hay xưởng làm kẹo ở Mỹ Tho hay Cần Thơ, ở tuốt nơi xa xôi tưởng như cùng trời cuối đất này, đi chơi Miệt Thứ là cái thú vui ít người biết tới nhưng đã biết chắc phải mê.

Sông nước miền Tây luôn có sức hấp dẫn với du khách.

Theo lối nói của người miền Tây, "miệt" là chỉ những vùng xa xôi, khuất nẻo, những chỗ mới nói ra đã khiến người ta tưởng tượng tới cảnh "muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh". Còn "thứ" có nghĩa là ở vùng chằng chịt kênh rạch này, người dân kêu những dòng kênh bằng kênh thứ nhất, thứ nhì, nhiều kênh quá nên gọi luôn cả vùng là Miệt Thứ. Thuộc địa bàn hai huyện An Biên và An Minh, Miệt Thứ nổi danh với Vườn quốc gia U Minh Thượng, nơi xưa kia nhà văn Đoàn Giỏi đã làm say mê bao thế hệ thanh thiếu niên bởi những câu chuyện ly kỳ.

Cuộc sống bây giờ đã khác xưa, điện đã về tới từng ấp xóm xa xôi nhất, đường bê tông liên thôn đã kết nối các khoảng cách xa gần nhưng ghe thuyền vẫn là phương tiện đi lại chủ đạo và nhịp sống của con người vẫn cứ gắn cùng con nước. Dễ gặp nhất là ghe bầu, xà lan chở lúa chạy trên sông, rồi hàng trăm vỏ lãi, xuồng ba lá đưa người đi lại sớm chiều. Người lớn buổi sáng xách giỏ xuống ghe đi chợ, tụi nhóc tụ tập nơi bến quen đợi ghe tới đón vô trường, cánh công nhân lao động cưỡi ghe đi làm, thương gia thuê ghe chở hàng hóa, cứ thế mà tạo nên một nhịp sống rất đỗi lạ lẫm nơi trời nước mênh mông.

Chợ cũng thường họp ven sông, bởi vậy mới sinh ra những sạp hàng phía trước bán cho khách đi trên lộ ghé vào, phía sau để trống vì cần đón hàng hóa từ dưới sông chuyển lên. Các quán mỳ vịt tiềm, bánh mỳ kẹp thịt, hủ tiếu dăng mắc khắp một dải sông và men theo các dòng kênh, ở đó khách tới ăn ngồi ở sạp bắc trên mặt nước, không cẩn thận có khi rớt đũa, muỗng xuống nước là chuyện thường. Thú nhất cái vụ sau vài ly bia cụng cùng anh em, mấy ông đàn ông thường trèo lên chiếc võng, vừa hưởng gió sông thổi vào vừa thả hồn theo tiếng vọng cổ ai bật rả rích nơi góc chợ.

Sản vật miền Tây không nói cũng biết, trên trời dưới đất vô vàn thứ khiến khách phương xa ngỡ ngàng. Từ trái cây đủ loại thơm, bòn bon, dưa hấu, thanh long, chôm chôm, táo, vú sữa, sầu riêng… cho tới các sản vật miền quê như các loại khô cá lóc, khô cá sặc, rồi biết bao nhiêu loại mắm. Có những thứ mắm thuộc dòng quý tộc như mắm cá linh, loại cá theo dòng Mê Kông xuôi về mỗi mùa nước nổi, có những loại mắm bình dân như mắm còng vốn là món mùa mưa của con nhà nghèo… Biết bao nhiêu cần xé tôm, cua, cá bày ngồn ngộn trong từng góc chợ, phả lên mùi tanh khiến các cô gái trẻ nhăn mũi nhưng các chị, các mẹ thích mê.

Đồ ăn ở vùng trời nước này hình như cái gì cũng sẵn, từ thóc lúa tới thịt cá, từ những loài bay trên trời, bơi dưới nước cho tới sản vật của rừng. Không khó để bắt gặp cảnh người ta bán thịt trăn và rắn. Các chuyên gia về công tác bảo tồn cũng không phản đối, bởi đây đích thực là trăn nuôi ở các gia đình, lớn lên mang ra chợ bán chứ không phải săn bắt trong rừng. Rất nhiều sản vật lạ lùng khác như trái dứa dại vốn chuyên để trị bệnh đau xương, những tảng đường thốt nốt chuyên dùng để nấu chè có vị ngọt thanh, rồi các món bánh ú, bánh da heo, bánh bò… bày bán trong các khu chợ ven sông.

Ở đây cũng không khó để gặp tảng mật ong lặc lè hai người khiêng, những đàn vịt được nuôi dưỡng bởi cánh đồng lúa bạt ngàn vào mùa béo mập, hay những chú heo quay đỏ ruộm màu no ấm treo trong tủ kính. Chẳng biết từ bao giờ mà người miền Tây coi heo quay là món không thể thiếu trong các buổi giỗ chạp, tế lễ nên món ăn này hiện diện khắp các vùng quê, ăn cùng cơm trắng hay bánh hỏi đã đành, người ta còn kẹp thịt heo quay vào bánh mỳ và vui hơn nữa là cho vào chè nấu cốt dừa. Món ăn này chắc người miền Bắc chẳng bao giờ nghĩ tới.

Xục xạo vào chợ có cái hay là được nghe những chuyện trao đổi, mua bán bằng âm tiết miền Tây, thật sự khó hiểu với khách từ phương xa tới, nhưng nghe riết thì đâm ghiền vì nó rất dễ thương. Nhất là gặp được các em gái có nước da trắng hồng, mái tóc dài đen mướt vận áo bà ba chèo tam bản đi chợ, nghe các em nói thì cánh mày râu có lẽ quên đường về.

Trời xui đất khiến có thể nên duyên nếu xin em gái cho ngồi cùng tam bản đi lòng vòng trên dòng sông ngắm cảnh, rồi vui lên chạy thẳng về nhà em trong ấp nào đó để gặp những ông già Nam Bộ vui tính khoái nhâm nhi rượu đế và ca vọng cổ mỗi lúc ngồi dưới mái hiên nhà lợp lá dừa nước. Có khách vô chơi là vinh hạnh, mỗi lúc đó cả nhà cứ tíu tít, người lo bắt vịt, người lo nướng miếng khô cá rồi chạy quanh đi kêu thêm chú Hai, chú Ba tới nhậu cùng. Trong làn gió phương Nam, những buổi tao ngộ bất chợt đó rất dễ khiến khách phương xa mềm lòng lưu lại quên cả ngày về.

Đi từ chốn phồn hoa về Miệt Thứ nó có cái phong vị của đời thương hồ lênh đênh như vậy đấy.

Thái A
.
.
.