Sống khổ ở phố cổ

Thứ Bảy, 06/07/2019, 10:34
Những năm gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ sập nhà trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ. Nguyên nhân chủ yếu là do nhà xuống cấp, quá niên hạn sử dụng hoặc thi công, sửa chữa không đảm bảo... Chính vì thế, “ứng xử” với những ngôi nhà cũ, cổ tồn tại hàng trăm năm để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân là việc vô cùng cấp bách.


Từ mất an toàn

Không phải bây giờ người dân phố cổ mới phải chứng kiến cảnh những ngôi nhà cũ bị đổ sập. Sau liên tiếp những vụ sập nhà tại phố cổ, nhiều người dân dường như không còn muốn bám trụ nơi được coi là “trung tâm” của Thủ đô nữa. Là người sinh sống tại khu vực phố cổ (phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm), ông Phạm Hữu Chấn bắt đầu cảm thấy bất an.

“Dù hầu hết những ngôi nhà ở khu phố cổ này đều xuống cấp và đã nằm trong kế hoạch bảo tồn nhưng vấn đề xin sửa chữa bảo dưỡng lại gặp rất nhiều khó khăn. Thực sự số lượng người đến Hà Nội ngày một đông hơn, các chủ nhà bắt đầu cho cơi nới, mở rộng để tận dụng chỗ ở, cho thuê… Chính điều này khiến cho các ngôi nhà trở nên quá tải. Không đảm bảo được an toàn, dẫu biết là nơi gắn bó với mình, là trung tâm của thủ đô nhưng vì an toàn, người dân tha thiết nhà nước có biện pháp đền bù, di dời” – ông Chấn cho biết.

Chỉ vì rơi tấm biển quảng cáo mà ngôi nhà số 56 Hàng Bông đã đổ sập hoàn toàn.

Qua tìm hiểu, đa phần những ngôi nhà tại khu phố cổ đều được xây dựng từ trước năm 1954 và thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Những ngôi nhà này đều có chung đặc điểm là nền móng khá thô sơ, chỉ sâu vài chục cm và chỉ đáp ứng được cho một ngôi nhà từ 1 đến 2 tầng. Trải qua nhiều thập niên sử dụng, nền cốt của những ngôi nhà này đều đã xuông cấp, lại chịu thêm áp lực rất lớn, khi chủ nhà bất chấp thực tế tiến hành cải tạo, cơi nới, chồng tầng lên từ 1 đến 2 tầng.

Chính vì thế, “thảm họa” nhà nghiêng, tường đổ có thể xảy ra bất kỳ khi nào. Vụ sập ngôi nhà 2 tầng tại số 56 Hàng Bông sáng 1-7 chính là hậu quả từ sự việc này. Anh Lê Hữu Chính (người dân phố Hàng Gai) cho biết: “Các con ngõ giờ bé tí tẹo, ánh sáng cũng không có nữa, nguyên nhân là do các gia đình cơi nơi, chồng tầng”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia xây dựng, sự thiếu hiểu biết đầy đủ về ảnh hưởng của quá trình cải tạo, xây mới công trình liền kề đã để lại nhiều bài học đau lòng. Các ngôi nhà cũ cỡ 2 đến 3 tầng đều nằm trên các móng nông, sau rất nhiều năm, mất cân bằng giữa khả năng chịu tải của nền và công trình đã ổn định, chỉ cần một tác động hay thao dỡ cũng dẫn tới phá vỡ trạng thái cân bằng này. Thực tế, ngôi nhà số 56 Hàng Bông được xác định nguyên nhân là một tấm biển quảng cáo đè vào gây ra sập đổ.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng phân tích, một biệt thự có vài chục hộ dân chung sống chính là sự chất tải làm biến dạng biệt thự, chưa kể biệt thự lại biến thành nhà hàng. Sau hàng loạt những sự cố, vấn đề đặt ra với Hà Nội lúc này là cần có giải pháp gì để quản lý, bảo tồn và cải tạo quỹ nhà cũ, biệt thự cũ, chung cư nguy hiểm trên toàn thành phố, khi mà quỹ đất nhà này đang rất báo động về chất lượng.

Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) từng cho rằng, giải pháp đầu tiên là phải xác định ai là chủ sở hữu. Từ quyền sở hữu mới xác định rõ ràng trách nhiệm quản lý và trách nhiệm người sử dụng, tránh tình trạng các biệt thự, các nhà cổ, các chung cư cũ có quá nhiều người ở dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp về lâu về dài, các chuyên gia cho rằng Hà Nội phải nhìn nhận vào thực tế việc sử dụng những ngôi nhà cũ, nhà cổ trên địa bàn hiện nay. Những ngôi nhà cũ, cổ không chỉ đang phải oằn mình chịu đựng sự lão hoá của thời gian, mà còn chịu sự “bóc lột” của chính các chủ nhân ngôi nhà, dẫn đến sự quá tải, biến dạng một cách nhanh chóng.

Đến sinh hoạt khó khăn

Người dân phố cổ Hà Nội không chỉ sống trong nỗi sợ hãi, mất an toàn mà họ còn vô cùng khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Hà Nội vừa trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm khiến không khí trong “căn hầm” 6 mét vuông của bố con anh Hoàng Văn Xuân (44 Hàng Buồm, Hà Nội) chẳng khác nào cái lò bát quái.

Anh Xuân bảo: “Nếu như nhiệt độ ngoài trời là 40 độ thì nhiệt độ trong nhà của bố con tôi còn cao hơn thế. Nói là nhà cho sang chứ thực ra nó giống hệt một căn hầm hay cái bể chứa nước. Bởi diện tích nhà thì người ta tính bằng mét vuông, còn nhà tôi chỉ dám tính bằng mét khối thôi. Bao nhiêu năm sống trong ngôi nhà của mình nhưng có được đứng thẳng bao giờ đâu. Nếu thay áo thì phải ngồi, còn muốn thay quần thì phải nằm ra nhà”.

Sau liên tiếp các vụ sập nhà, người dân tại các khu vực phố cổ đã bắt đầu lo sợ cho tính mạng của mình.

Để lên được căn hầm mà bố con anh Xuân đang ở, chúng tôi phải bám vào những mấu sắt cắm chặt vào một bên tường rồi từng bước trèo lên. Anh Xuân trèo lên trước rồi nhanh tay nhấc tấm gỗ mỏng lên để chúng tôi có thể chui đầu qua cái ô vuông nhỏ xíu ấy mà vào nhà. Không thể tin nổi, cái mà chúng tôi đang nhìn thấy đã từng là nơi ở của ba con người và giờ là 2 bố con anh. Với chiều ngang chỉ vừa 6 viên gạch nên đồ đạc trong nhà anh Xuân rất hiếm hoi.

Thứ to nhất trong "căn hầm" ấy là chiếc tivi 14 inch đời cổ tự thuở nào, một chiếc quạt điện treo tường, vài ba bộ quần áo treo trên mắc và một hộc tủ rất nhỏ đựng sách của con trai anh Xuân. Khi được hỏi hai bố con anh nấu nướng, ăn uống bằng cách nào thì anh Xuân chỉ vào cái nồi cơm điện được giấu kín trong một góc phòng: "Kia kìa, tất cả đồ ăn thức uống đều tống vào một cái nồi đấy hết. Luộc rau, luộc thịt, xào thức ăn cũng vào nồi đấy cả. Khi xong hết thức ăn, tôi lại múc ra để cắm cơm. Nhà chật thì sao mà dám mua nồi này niêu nọ chứ, tất cả trong 1 thế này thôi".

Bố mẹ anh Xuân sinh cả thảy tới 8 người con, 6 trai, 2 gái. Vì điều kiện gia đình kinh tế khó khăn nên ông bà không có nhiều nhà nhiều đất mà chia cho con cái. Thế nên chỉ từ một căn nhà nho nhỏ chừng vài chục mét vuông được chia đều cho 6 người con trai, mỗi người được vài mét vuông. Cũng chính bởi hoàn cảnh sống quá nghiệt ngã khiến vợ anh Xuân đã không đủ sức chịu đựng nên chị đã lặng lẽ bỏ đi, để anh Xuân trong cảnh gà trống nuôi con nhiều năm qua. Anh Xuân chua chát nói: “Mình bất tài, không có được cái nhà tử tế mà ở thì chuyện vợ bỏ đi cũng dễ hiểu thôi. Chẳng trách được cô ấy”.

Cũng với diện tích 6 mét vuông ngụ trên phố Hàng Gà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi ở của gia đình ông Trần Văn Lợi. Ngày xưa ngôi nhà ấy đã từng là nơi cư trú của vợ chồng ông Lợi và 6 người con. Hàng xóm thương cảnh nhà ông đông người nên nhường một góc nhà kho cho gia đình ông bà xây cất để lấy chỗ ngủ cho các con. Hiện tại, không gian đó là nơi sinh sống của gia đình con trai cả.

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ sập nhà tại phố Cửa Bắc.

Hồi đó cứ đêm đến cả nhà ông Lợi nằm ngủ la liệt, san sát nhau thậm chí muốn cựa mình cũng khó. Để nhường chỗ cho vợ và các con, ông Lợi đã phải trải chiếu ngủ gần góc cửa. Bi kịch đến mức, đến giờ ăn cơm, gia đình ông Lợi buộc phải chia thành 2 ca mới có đủ chỗ ngồi hoặc nếu không mấy người con của ông sẽ phải bưng bát ra đầu phố ngồi ăn.

Vài năm trước trong ngõ nhà ông có người chết nhưng vì lối đi quá nhỏ khiến gia đình không thể khiêng quan tài ra ngoài được nên bất đắc dĩ phải phá tạm cầu thang. Nhiều người dân nơi đây cũng lo sợ một ngày không xa mình sẽ rơi vào hoàn cảnh giống người hàng xóm bất hạnh ấy.

Nằm sâu bên trong con ngõ nhỏ 63 Thuốc Bắc là căn nhà của ông Chu Văn Cao, SN 1947. Ông Cao châm biếm về ngôi nhà của mình: “Có lẽ đây là ngôi nhà nhỏ nhất Việt Nam, bởi diện tích của nó chỉ có 2 mét vuông thôi, nó có khác gì cái hầm địa đạo đâu. Vậy mà 2 cha con tôi cũng tồn tại được tận 25 năm rồi đấy”.

Ngôi nhà của ông Cao dường như chưa một lần được đón thứ ánh sáng mặt trời. Nó bí tới mức mà gió không thể lọt qua. Người ở trong ngôi nhà này dường như không có được khái niệm về thời gian, bởi lẽ ban ngày cũng tối như ban đêm. Mùa nóng thì như cái lò bát quái. Thế nhưng với ông Cao thế vẫn còn may mắn chán, vì ngoài kia vẫn còn biết bao người phải cầu bất cầu bơ vì không có nơi để trở về.

Phong Anh
.
.
.