Kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)

Sống mãi những ký ức về Bác

Thứ Ba, 19/05/2015, 08:00
Trong những năm kháng chiến giành độc lập, việc được gặp Bác Hồ là niềm mong ước lớn đối với người dân miền Nam. 6 lần được gặp Bác Hồ, bà Thu cho đó là món ân tình quá lớn mà cuộc đời dành cho bà. Mỗi khi nhắc về Bác, nước mắt bà lại rơi. Suốt cuộc đời này, bà khóc về Bác nhiều hơn tất cả.

Những tấm ảnh đen trắng đã phai màu theo năm tháng được bà trân trọng gìn giữ, coi đó là báu vật quý giá nhất cuộc đời. Bởi ở đó, có hình ảnh Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc mà bà vinh dự được gặp. Dù đã ở tuổi 80 nhưng trong trí nhớ của mình, bà Lê Ngọc Thu, con gái cố Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thập, thì hình ảnh Bác vẫn tươi mới, vẹn nguyên.

Sinh ra trong gia đình truyền thống yêu nước, có cha mẹ đều là cán bộ nòng cốt của Trung ương, bà Lê Ngọc Thu sớm có ý thức cách mạng, thấm nhuần tư tưởng đạo đức của Bác, đặc biệt là qua những lần dạy dỗ của mẹ về tính giản dị, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân của Người.

Nỗi nhớ về Bác luôn thường trực trong trái tim người phụ nữ miền Nam này.

Năm 1954 theo hiệp định Genève, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam còn ở dưới quyền kiểm soát của giặc, Đảng ta chủ trương đưa một số con em cán bộ ra miền Bắc học tập. Họ được gọi bằng cái tên thân thương là: "Học sinh miền Nam". Bà Thu là một trong hai vạn học sinh được chọn ra Bắc học tập. Khi ra tới miền Bắc, đến bến Sầm Sơn thì được đưa về trường học sinh số 2 ở Quảng Sơn (Thanh Hóa). Khoảng một tháng sau bà Thu được chọn trong danh sách 200 học sinh để đưa ra thủ đô Hà Nội dự lễ đón Bác. Tiêu chuẩn chọn là những em còn nhỏ mà trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc là con em của cán bộ trung cao cấp có nhiều thành tích. Tình hình miền Bắc mất mùa đói kém nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tập trung lo cho hàng vạn học sinh miền Nam rất chu đáo, từ nơi ở cho đến cái ăn cái mặc.

Bà Thu nhớ lại: "Trước khi ra Hà Nội, chúng tôi được phát mỗi người một cái chăn bông, một chiếc áo ấm. Miền Nam không có mùa đông, chúng tôi không biết đến cái lạnh thấu xương của miền Bắc. Thế là bảo nhau đi cho những người quen hết. Mùa lạnh đến mới thật sự khủng khiếp, chúng tôi không có chăn ấm đắp, không có áo ấm mặc. Tất cả đều ngơ ngác và thấy ân hận. Nhà nước cấp lại cho chúng tôi. Có người được cấp đến ba lần. Chúng tôi biết ơn vô cùng".

Lần đầu tiên bà Thu được ngồi xe 50 chỗ chạy từ Thanh Hóa ra Hà Nội. Sung sướng quá, cả đoàn say sưa hát. Chiếc xe rẽ vào nhà Bác, nhưng tất cả không biết điều gì sẽ diễn ra phía trước. Cánh cổng lớn mở ra, mọi người vừa xuống xe, bỗng thấy Bác Hồ ở trên nhà đi xuống, thế là tiếng cười bỗng im bặt, không ai bảo ai, tất cả chạy ùa lại phía Bác.

Trước đó, các cô chú có căn dặn, cho các cháu nhỏ đến gần Bác thôi nhưng không được đứng sát vào Bác, sợ Bác mệt. Nhưng trong giờ phút sung sướng đến ngỡ ngàng, Bác ra ôm toàn bộ các em. Sau đó, Bác chia kẹo cho từng người. Thời đó mà được một cái kẹo là mừng lắm, mà kẹo từ chính tay Bác Hồ cho, khoảnh khắc ấy đã theo suốt cuộc đời bà Thu.

Bác hỏi: "Các cháu đi ra ngoài này có nhớ bố mẹ không? Các cháu đi xa bố mẹ ra Bắc cũng là một nhiệm vụ làm cách mạng. Xa bàn tay âu yếm của cha mẹ chăm sóc mỗi ngày. Cha mẹ các cháu đã gửi gắm con em mình cho Đảng, Nhà nước thì Đảng, Nhà nước phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ các cháu chu đáo hơn. Vậy các cháu phải cố gắng học thành người để sau này về báo cáo lại cho cha mẹ thành tích, để sau này trở về Nam xây dựng đất nước. Các cháu có hứa với Bác như vậy không?". Tất cả đều đồng thanh: "Dạ có".

Năm 1965, Bác Hồ và bà Nguyễn Thị Thập tiếp đại biểu phụ nữ các dân tộc ít người (ảnh tư liệu).

Trở về từ vòng tay của Bác, bà Thu không thể nào quên được nụ cười và giọng nói vô cùng trìu mến, ấm áp mà Bác dành cho học sinh miền Nam. Càng tự hào hơn, khi mọi người kể rằng, người nữ lãnh đạo miền Nam đầu tiên được gặp Bác Hồ chính là mẹ của bà Thu. Trước đó, bà có nghe mẹ kể rằng: "Hôm mẹ đi dự kỳ họp Quốc hội có đề xuất tặng huân chương Sao vàng cho Bác. Bác khóc và nói, khi nào đất nước thống nhất, miền Nam giải phóng, chính tay đồng bào miền Nam tặng thì Bác sẽ nhận". Cái tình nghĩa mà Bác dành cho miền Nam như máu thịt. Lúc nào Người cũng trăn trở và nhớ về miền Nam.

Lần thứ hai gặp Bác khi bà Thu ở bên cạnh mẹ mình đang bệnh nặng. Bà Nguyễn Thị Thập lúc đó là người phụ nữ duy nhất trong Ban chấp hành Trung ương Đảng. Bà ốm, tổ chức rất lo lắng. Người ta báo với Bác là đồng chí Thập bị bệnh rất nặng chuẩn bị đưa qua Cộng hòa dân chủ Đức để mổ. Nghe thế, Bác vào thăm. Khoảng 9h sáng, Bác mặc bộ đồ nâu, đội mũ kín cùng ba người đi cùng cũng mặc đồ nâu giản dị. Giám đốc bệnh viện nói chị Mười (Nguyễn Thị Thập) là có Bác vô thăm nhưng do bệnh nặng, bà miên man đi không biết gì. Ở bên cạnh mẹ, bà Thu nghĩ đến một bác nào đó là đồng chí của mẹ mình, chứ không thể ngờ Bác Hồ lại đến đây thăm mẹ.

Người thư ký bước vào, bà Thu nhận ra ngay, rất quen thuộc trong phủ Chủ tịch. Tim bà Thu như nghẹn lại khi Bác xuất hiện. Bác nhẹ nhàng đến bên giường bệnh, nhìn mẹ bà rồi lại nhìn bà Thu đầy trìu mến. Bác dặn y tá: "Khi nào không ngủ được thì hãy hái lá vông, sắc cho thiệt nhỏ như là sắc thuốc lá rồi nấu canh cho một ít bột ngọt ăn thì cũng tốt. Bác chuyên làm như vậy".

Sau giải phóng, bà Lê Ngọc Thu là giáo viên công tác tại trường Trung học phổ thông Marie Curie, Trường Phú Nhuận, sau chuyển về Sở giáo dục, công tác cho đến ngày nghỉ hưu. 80 tuổi, nhưng bà vẫn tiếp tục tham gia hoạt động địa phương, hăng hái làm từ thiện. 

Đời bà có ba người thầy, đó là Bác Hồ, mẹ và các cô trong cơ quan Phụ nữ Nam bộ. Dù không được bên cạnh mẹ nhiều, nhưng lời mẹ dạy vẫn trở thành mệnh lệnh để bà sống và làm nhiệm vụ sau này. Một đêm nằm bên mẹ, nghe mẹ thủ thỉ: "Mẹ có nghe các cô kể lại con có ý công thần, tự cao, không chịu gần gũi học chung với người lao động. Con thử nghĩ lại mà coi, con đã làm được gì cho dân cho nước mà tự cao, mà công thần? Riêng mẹ, mẹ thấy mình phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân bao nhiêu vẫn chưa đủ. Con suy nghĩ lại đi…".

Những tấm hình về Bác Hồ được bà Thu trân trọng lưu giữ.

Sau này được gặp Bác, những bài học Bác dạy giản dị mà đi sâu vào trong lòng, bà Thu tự uốn nắn, thay đổi suy nghĩ, nhân cách bản thân mình. Hành trang đó đi theo bà vào nghề dạy học sau này, cách đối nhân xử thế với xã hội trên cương vị một đứa con của vị lãnh đạo cao cấp Trung ương.  Khi dạy học, bà xin nhà trường cho chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh cá biệt để thử thách đức tính của mình. Bà không bao giờ đem các em ra để nói trước lớp. Em nào có khuyết điểm, bà viết thư gửi cho em đó. Rồi mỗi ngày lớp trưởng lấy thư đưa cho em đó đọc. Nếu lớp đó mất trật tự thì gửi thư cho cả lớp. Phương pháp rèn các em bằng viết thư là để tôn trọng các em.

46 năm sau ngày Bác mất, bà Thu chưa thôi khắc khoải về hình ảnh Người. Từng lời nói, mỗi cử chỉ của Bác vẫn ấm nồng trong tim. Nhớ ngày bà Thu vô lăng viếng Bác mà nước mắt lưng tròng. Khi quay trở ra, người ta nhắc đến đôi dép cao su của Người đặt phía dưới. Bà vội vàng quay lại để nhìn bằng được đôi dép. Vừa thấy đôi dép sờn rách, bà ôm mặt khóc rưng rức vì thương Bác quá.

Bà bảo rằng, trước khi người mẹ thân yêu qua đời, thì người bà khóc nhiều nhất chính là Bác Hồ. Trong tâm khảm của bà, hình ảnh vị cha già của dân tộc lúc nào cũng hiện lên còn nguyên sự thân thương, trìu mến. Cái viên kẹo Bác cho lần đầu tiên ấy, vị ngọt vẫn còn trọn vẹn và đó là viên kẹo ngon nhất trong cuộc đời của bà.

(Ghi theo lời kể của bà Lê Ngọc Thu, con gái cố Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thập).

Ngọc Thiện - Thanh Trúc
.
.
.