"Sống mòn" vì thực phẩm bẩn

Thứ Bảy, 07/05/2016, 16:03
Người rủng rẻng tiền nong, nhà có điều kiện khôn như chấy còn xơi hàng bẩn hàng giả thì thử hỏi công nhân, người lao động, nông dân thu nhập làng nhàng thì tuổi gì mà có thể lựa chọn thực phẩm sạch sẽ tươi ngon? Biết, nhưng bĩu mỏ chê bôi thì khâu mồm, nhịn đói, nói gì chuyện tiêu dùng thông thái cho nó trừu tượng. Tuyên truyền khơi khơi thì mong gì hiệu quả.

Để tránh hiểm họa thực phẩm bẩn, có ông chắc nhà giàu, tuyên bố xanh rờn, đại ý, tôi sẽ từ chối những quán ăn mất vệ sinh. Vâng, muốn sạch và ngon thì kính ông vào nhà hàng, chỉ xin ông phóng tay rủng rẻng đồng xèng giúp chúng em. Tiện thể nhắc ông luôn, sạch đâu chả biết nhưng thực phẩm siêu thị chưa chắc đã sạch ông ạ. Một quán trưng biển hàng sạch thì mười quán chỉ mặt xỉa ngay: Mày trưng biển hàng sạch thì khác gì bảo chúng ông đây hàng bẩn, chúng ông đốt quán mày bây giờ. Thế đấy, muốn sập tiệm thì cứ trưng lên. Nào, liệu ông có ăn hay nhịn luôn nào?

Có người kinh doanh thực phẩm giọng đanh thép, đại ý, lương tâm tôi không cho phép kinh doanh thực phẩm bẩn. Ôi giồi ôi, ông có bưng phản thịt hay mẹt cá ngồi chợ không ông? Có à, có thì móm nặng ông nhá, ông biết vụ các bà hàng thịt ở Sài thành vung dao phay đuổi hàng thịt sạch te tua mất vía mà báo chí đưa tùm lum không? Mọi chuyện không tươi non ngon rẻ như trái tim nhân hậu của ông đâu.

Một mệnh phụ phố phường thánh thót: Tôi sẽ không mua thực phẩm không rõ nguồn gốc. Vầng, ai chả muốn thế bà ơi, nhìn bà biết bà dân thành phố rồi. Nhưng bà quan ơi, bu em ở quê tiền lẻ giắt cạp quần đi chợ, mua tý thịt ba chỉ mà nhắc lên nhắc xuống tính toán, đừng hỏi vì sao bà hàng thịt dao tông đập thớt, bật diêm đốt vía: "Tiên sư, tiền ít đòi hít thịt thơm" không phắn lẹ thì coi chừng mát vong chứ đùa. Bu chúng em ở "làng lúa làng hoa", nói thật  thì cứ rẻ là mua, vài lạng thịt mà còn nhồi đẫy muối vào gọi là mút mát đưa cơm thì làm sao phân biệt nổi sạch với bẩn vốn như ma trận ngoài kia chứ.

“Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.

Rồi đây, lại một ông chăn nuôi thẳng thắn, quyết liệt: Tôi sẽ kiên quyết không dùng hoá chất vào chuyện nuôi với trồng. Dạ, được thế thì còn gì bằng. Ông làm chuẩn thì con vi khuẩn nó cũng gật gù chứ nói gì chúng em người thường mắt thường. Nhưng vấn đề ở chỗ, liệu ông có đủ trình nhìn phát biết luôn cái nào có hoá chất và không hoá chất không? 

Báo cáo ông, hoá chất có khi nó nằm sẵn trong bao cám lợn rồi ông ơi. Dân thường chúng em chả "vinasoy" được đâu, mà các bác quản lý thị trường và ngành chức năng thì còn khuya lắm. Các bác ấy phải xách mẫu về phân tích. Phải chờ đã. Nhưng khổ nỗi đến bữa thì chúng em vẫn cứ phải ăn. Không ăn sao sống, sao làm việc được?

Các bác "nổ" trên truyền thông thì hay lắm, quyết liệt lắm. Nhưng chúng em không tin đâu. Nhìn xung quanh chỗ nào cũng rau bẩn, thịt bẩn, gạo bẩn, tôm bẩn, cá bẩn, chúng em tin làm sao nổi. Nhà đài cũng đã tiện thể chốt hạ rằng, nên chăng chúng ta hãy bỏ câu khẩu hiệu "người tiêu dùng thông thái" đi. Quá phải, quá phải. 

Nói nhanh cho nó ngắn kẻo dài dòng mất thời gian của các bác. Là như thế này: Thực phẩm bẩn, thực phẩm chức năng giả, tân dược giả đến cả thuốc đông y, thuốc nam cũng giả, mỹ phẩm giả... đã tràn lan phổ cập rồi. Mới tháng trước đập lò Hà Nội chục tấn, tháng sau Sài thành lại hốt một kho nào có kém gì, hỏi vì sao giá bột mỳ ngất ngưởng vẫn cháy hàng. 

Bây giờ bệnh tật mở mang tây dược thao túng. Hềy zà, món này khó đỡ nhá, đi ra đường loạng quạng toàn vấp bậc thềm hàng dược. Mấy cháu dưới quê vừa học vu vơ cái bằng trung cấp dược mà hồn nhiên kê toa bát nháo, chỉ định mênh mang, uống thuốc tây mà chả khác đang uống thuốc liều. Một tiệm phở thương hiệu lẫy lừng xứ Bắc thế mà "mở cõi" phương Nam chân ướt chân ráo đã kịp chứa trong nhà bếp nửa tấn thịt bò trôi nổi hôi hoăng phát khiếp. Một tiệm bánh trung thu mấy năm dân tình đặt gạch hóng hàng, đùng một phát nhà hữu trách móc ra cả đống thực phẩm bát nháo chi khươn từ đời tám hoánh. 

Thế thì dân thường chúng em hằng ngày cắp giỏ ra chợ, ra đường, ra siêu thị còn biết tin vào đâu nữa. Thực tế là, các cơ quan chức năng không "vồ" thì thôi, chứ "vồ" là tính hàng tấn, hàng chục tấn như bỡn. Mẫu mã, kiểu dáng độ chuẩn thì khỏi bàn. Xin thưa thịt bò tươi rói đỏ au ai dám bảo đấy là lợn sề đóng thế.

Kể ra thì biết bao giờ cho hết đây, mỏi mồm lắm các bác ạ. Đến như các "thánh" thành phố quạt gió như thần biết tuốt chuyện thiên hạ thế mà vẫn nhai thịt bẩn thịt giả rau ráu như ngỗng nhai rau diếp. Cà phê đểu đắng hơn ký ninh mà ngày nào người tiêu dùng vẫn cứ phải hì hục uống vào. Khổ nỗi, những thứ ấy lại toàn "nông thôn" chở lên thành phố phục vụ mới "đau trái cau" chứ. 

Thịt lợn thịt gà, ruốc gà ruốc lợn, một khi đã có "công nghệ" làm bẩn rồi thì qua mắt thượng đế, tức người tiêu dùng chỉ trong nháy mắt. Thịt mốc, thối, thiu ư, chuyện nhỏ, mấy phút là tươi ngon tức thì, thu tiền của người tiêu dùng như máy chém. Lợn chết đem chôn rồi, đêm người ta còn bốc mả xách về, rồi hai ngày sau ruốc bông đóng lọ chễm chệ leo kệ leo quầy siêu thị, rồi chui vào dạ dày hàng triệu đồng bào thì đến giời còn thua, nói gì người tiêu dùng. Ai dám vỗ ngực về sự thông thái của mình nữa chứ.

Những sự thật nhìn thấy mà kinh. Hiện trạng nhức nhối ai cũng biết, nhưng biết mà vẫn phải ăn mới là bi kịch. Thường dân chúng em vốn quen nghĩ, chuyện ăn sạch uống sạch trên đời phải là đương nhiên, là quyền, và phải được pháp luật, Nhà nước bảo vệ. Các bác lãnh đạo được dân bầu ra bằng lá phiếu, các bác phải hành động vì những lẽ "đương nhiên" ấy cho dân. Các bác nổ trên truyền thông thì cũng tốt. Nhưng nói rồi để đấy không giải quyết vấn đề gì. Đề nghị các bác hành động quyết liệt, rốt ráo, để bảo vệ người dân và bảo vệ chính mình khỏi cái chết được báo trước từ thực phẩm bẩn. Giải pháp có thể là cảnh báo công khai, tăng cường kiểm soát và ngăn chặn, tăng nặng chế tài pháp luật ... 

Ngoài ra, còn phải có lực lượng có chuyên môn để tư vấn hướng dẫn người nuôi, người trồng, người chế biến, người tiêu dùng cho thấu đáo. Cung cấp cho họ kiến thức để tạo ra sản phẩm sạch, tiêu thụ sản phẩm sạch và lựa chọn thực phẩm sạch. Rồi các bác hành động ngăn chặn những kẻ "cõng" hàng bẩn từ ngoài nước về, đang nhong nhong xe lớn xe nhỏ hằng ngày ngược xuôi bát nháo mà ai cũng biết cả đấy. Tất nhiên, còn phải hỗ trợ cả người "cõng nhau đi viện" nữa các bác ạ. Cứ nhìn các bệnh viện mà xem, thực phẩm bẩn đã tàn phá sức khỏe dân thường chúng em như thế nào.

Nói thật là trong vấn đề thực phẩm bẩn, nếu cứ đè ông quản lý thị trường, ông thanh tra thực phẩm, ông công an… thì có tăng cả vạn người cũng làm không xuể. Bởi các ông ấy làm sao quản lý đầu nguồn được. Ở đây phải là sự ra tay của chính quyền các cấp. Các cơ quản lý chức năng cấp tỉnh cấp huyện cấp xã phải biết đến từng luống rau, con lợn người ta nuôi, trồng thế nào, đưa ra thị trường ra làm sao. 

Chợ quê, hè phố thực phẩm bẩn, hàng giả bán tưng bừng mà ông tỉnh, huyện, xã vẫn hồn nhiên như không phải việc của mình thì đừng hỏi vì sao năm bô, ngành phối hợp mà vẫn toàn dân ăn bẩn, bệnh viện thiếu giường. Tỉnh nào cũng có Ban An toàn giao thông thì cũng phải có Ban An toàn vệ sinh thực phẩm do quan đầu tỉnh "ẵm" lấy ghế trưởng ban mà điều hành. Nếu để tình trạng thực phẩm bẩn, thực phẩm giả tung hoành thì cách chức béng đi, chứ cứ kiểu như hiện nay thì huề cả làng.

Tỷ lệ người mắc ung thư Việt Nam đứng hàng đầu thế giới, tỷ lệ chết vì ung thư cũng cao gấp chục lần tai nạn giao thông. Các ông lãnh đạo ơi, các ông phải biết sốt ruột chứ. Người dân chúng em đang "sống mòn" vì thực phẩm bẩn đấy ạ.

Trịnh Đình Nghi
.
.
.