Sống nhờ bộ óc người khác

Thứ Sáu, 20/11/2020, 16:07
"Và ở đây loài người đối mặt với sự lựa chọn cơ bản nhất của mình: Anh ta chỉ có thể tồn tại được theo một trong hai cách - bằng cách làm việc độc lập với bộ óc của riêng anh ta, hay là trở thành một kẻ ăn bám sống nhờ bộ óc của những người khác. Người sáng tạo chọn cách thứ nhất. Kẻ ăn bám thì chọn cách thứ hai. Người sáng tạo một mình đối mặt với tự nhiên. Kẻ ăn bám đối mặt với tự nhiên thông qua những trung gian".


Tôi rất thích đoạn trích trên trong "Suối nguồn", cuốn tiểu thuyết lớn của nữ văn sĩ Ayn Rand, tác phẩm đã được in hơn 6 triệu bản, gây ảnh hưởng sâu sắc suốt gần một trăm năm qua, đặt ra vấn đề lớn của sự tồn tại, và sứ mệnh của sự tồn tại.

Đoạn trích không chỉ đề cao tri thức, mà còn đề cao sự sáng tạo, thái độ dũng cảm, dấn thân cần có, để tiến hóa và phát triển, chỉ ra vai trò hiếm hoi của những kẻ dấn thân đi đầu, khi dám sáng tạo. Đấy chính là gương mặt đẹp nhất của tri thức, khi tri thức đi liền với những phẩm chất vĩ đại của con người, khi ấy tri thức mang gương mặt của đạo đức.

Rất nhiều người bằng cấp thì có đủ nhưng tri thức thì luôn thiếu.

Tri thức là gì, tri là biết, thức cũng là biết, hiểu giản dị, kẻ tri thức là kẻ biết. Chữ biết cũng thật rộng. Hiểu thông thường thì là có học, nắm giữ kiến thức, làm việc có trí. Hiểu rộng hơn tri thức là kẻ có nhận thức, nhận biết đúng. Vì thế, tri thức thường được đề cao, giáo dục là ưu tiên hàng đầu ở bất cứ dân tộc, quốc gia nào, ở bất cứ thời đại nào. Người có tri thức không chỉ đóng góp vào lĩnh vực mình "biết", mà còn từ sự nhân biết thông tuệ, đóng vai trò lớn trong việc phản biện xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Nhưng "biết"- tri thức, cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Triết học Á Đông tồn tại những quan điểm khác nhau về tri thức, Lão Tử chủ trương vô vi, thuận theo tự nhiên, chủ trương "tuyệt thánh khí tri" tức là đoạn tuyệt với Thánh Hiền, loại bỏ tri thức, bởi "tuyệt học vô tư" (bỏ học hết ưu phiền), bởi "tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri" (kẻ có học vấn không bao giờ nói, kẻ có học này tạm hiểu là kẻ đại giác ngộ, có cái "biết" không tầm thường, không phải cái biết của sự học, kẻ hay nói là kẻ không biết/ thiếu hiểu biết).

Lão Tử cho rằng càng hiểu biết càng nhiều âu lo, càng hiểu biết càng tham hiểu biết, càng tham thì càng dễ bất mãn, càng biết thì càng dễ dao dộng, càng học càng khó đạt đến cảnh giới giác ngộ, càng không thể buông bỏ, càng muốn can thiệp vào việc đời, muốn khẳng định bản thân, không thể vô vi, đi ngược lại lẽ tự nhiên của đất trời.

Trang Tử cùng quan điểm với Lão Tử, đề cao "phản phác quy chân", tức là quay về với lẽ sống thuận tự nhiên, chất phác, giản dị. Mọi tranh cãi biện luận đúng sai chỉ càng khiến xã hội thêm phức tạp, bởi không có đúng có sai, không có tốt có xấu, không có hơn có kém, "vạn vật nhất tề, thục đoản thục trường" (vạn vật ngang hàng nhau, không có hơn có kém), tất cả đều sinh ra từ đạo, kẻ biết là kẻ thấu hiểu đạo, không phải kẻ tri thức luôn phân biệt đúng sai, bị gò trong khuôn tri thức và cả lòng tham tri thức, tham đúng sai mà sinh ra tham chi phối.

Gắn mác Tiến sĩ, Thạc sĩ để lấy "oai" với thiên hạ (Ảnh: tuoitre.vn)

Nhưng đấy là cái biết- tri thức của bậc đại giác ngộ. Nhưng nhân sinh có được mấy bậc đại trí? Còn sống, còn chọn lựa là còn nhập thế, chưa có được con đường vô vi. Nhập thế thì phải có trí. Khổng Tử trong chủ trương nhập thế của mình, đề cao ngũ thường gồm Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín. Trong đó, không có Trí- cái biết từ sự học và nhận thức, thì khó có thể trở thành kẻ quân tử giúp nước cứu đời.

Không thể phủ nhận vai trò của tri thức trong hành trình kỳ diệu của loài người cho tới ngày hôm nay. Không có tri thức, không có văn hóa, không có các nền văn minh, không có tôn giáo, không có sự phát triển, không có nhân loại. Vì thế, bất cứ quốc gia, dân tộc ở bất cứ thời đại nào cũng đều đề cao giáo dục và tự giáo dục, cội nguồn của tri thức. Và tri thức đẹp nhất, như đã đề cập phía trên, khi đi liền với đạo đức, bao gồm sự sáng tạo, sự dấn thân và lòng dũng cảm.

Nhưng như sự tồn tại tất yếu của các mặt đối lập, như một cặp âm dương, như có quân tử ắt có ngụy quân tử, có khoa học lại có ngụy khoa học, có tri thức, ắt có ngụy tri thức. Tri thức đi liền với đạo đức, ngụy tri thức ắt đi liền với phản đạo đức.

Ngụy có nghĩa là giả/ giả tạo, không có thật, không thực chất, không chính nghĩa. Ngụy tri thức là giả tri thức, là tri thức không thực chất, không chính nghĩa, là tri thức không đi kèm với đạo đức.

Ngụy tri thức có nhiều gương mặt.

Tri thức giả, không có thật, có thể tính từ những kẻ mang danh tri thức nhưng thiếu trình độ, nhai lại, nhại lại tri thức mà không hiểu tri thức, tức là không thể sáng tạo, không thể đóng góp cho sự phát triển chung.

Tri thức giả cũng còn là những kẻ chỉ có cái danh tri thức nhờ luận văn giả, bằng cấp giả, có được vị trí như kẻ tri thức không nhờ tri thức mà nhờ những yếu tố ngoài tri thức.

Ngụy trí thức còn là những kẻ có hiểu biết, chuyên môn, kiến thức nhưng không có sự sáng tạo, dấn thân, từ chối thử thách, nhập thế nửa vời.

Nhà văn An Hạ (anhavn85@gmail.com).

Ngụy trí thức nguy hại nhất, lại là những kẻ có tri thức, nhưng thiếu hụt đạo đức, là kẻ ngụy quân tử, sử dụng tri thức chỉ vì lợi ích cá nhân, vì tiền tài danh vọng địa vị, sẵn sàng đi ngược lại những điều mình "biết", có mục đích gây ảnh hưởng đến số đông, đi ngược lại lẽ phải và sự phát triển/ tiến hóa của xã hội, của nhân loại. Khi ấy, kẻ có tri thức không những làm điều trái đạo đức mà còn có khả năng biện hộ, bẻ cong nhận thức, lừa mị nhận thức của kẻ khác, của số đông.

Thế nên, hành trình tiến hóa nhận thức của mỗi con người, ngoài tiếp nhận tri thức, còn cần trở thành một tri thức với cái "biết" của nhận thức. Để không những có thể hiểu tri thức, mà còn có khả năng đánh giá tri thức, đánh giá bản chất lập luận, mục đích, động cơ của kẻ trí, nhận chân bậc trí thức dấn thân và kẻ ngụy trí thức.

An Hạ
.
.
.