Sống ở Paris giữa mùa dịch COVID-19

Chủ Nhật, 22/03/2020, 08:55
Những ngày này, trước sự lan rộng và tăng nhanh số bệnh nhân nhiễm COVID-19, Chính phủ Pháp đã tăng độ báo động lên cấp ba và áp dụng các biện pháp hà khắc hơn để đối phó. Cuộc sống của người dân Paris đã thay đổi hoàn toàn vì dịch bệnh.


Những chuyện chưa từng thấy ở Paris

Trong năm ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trực tiếp trên truyền hình hai lần, ông cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng y tế trầm trọng nhất mà nước Pháp trải qua kể từ một thế kỷ nay. Trong bài phát biểu tối 16/3, Tổng thống Pháp nhiều khẳng định: “Chúng ta đang trong cuộc chiến, cuộc chiến đấu y tế. Cuộc chiến đấu không phải chống lại một quân đội, một quốc gia nào, nhưng kẻ thù rõ ràng đang có mặt và chúng đang tấn công”.

Đường phố Paris không còn cảnh nhộn nhịp như trước.

Mọi trường học ở Pháp, từ mẫu giáo đến đại học đã đồng loạt đóng cửa kể từ ngày 16-3. Tổng thống Pháp kêu gọi người dân hạn chế tối đa mọi hoạt động di chuyển và tiếp xúc lẫn nhau, khuyến cáo các cán bộ công nhân viên tận dụng tối đa khả năng làm việc trực tuyến tại nhà, thông qua mạng Internet, chỉ đến công sở khi công việc đòi hỏi sự có mặt. Ông cũng kêu gọi người dân chỉ ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua sắm nhu yếu phẩm.

Bắt đầu từ 12h ngày 17/3, những lời kêu gọi này đã trở thành mệnh lệnh, ai vi phạm sẽ bị phạt tiền. Tất cả mọi cơ sở dịch vụ không thiết yếu cũng nhận được lệnh đóng cửa, người dân ra ngoài phải kèm một tờ giấy tự khai trên danh dự sẽ chỉ làm đúng thứ công việc được ghi trong giấy, nếu không sẽ bị phạt tiền từ 38 đến 135, rồi nâng lên 375 Euro.

Đến các địa điểm mua đồ, người dân phải tuần thủ đứng cách xa nhau ít nhất là 1m. Thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 15 ngày trên toàn lãnh thổ.

Tổng thống tuyên bố đóng cửa biên giới khối EU và Schengen trong 30 ngày kể từ 12h ngày 17/3, chỉ đón các công dân Pháp trở về từ nước ngoài. Sự bùng phát mạnh của dịch đã khiến người Pháp thay đổi nhận thức về dịch COVID-19. Theo số liệu thăm dò dư luận cách đây một tháng, chỉ có hơn 30% dân số Pháp cho rằng COVID-19 là nghiêm trọng thì hiện nay con số này đạt đến hơn 80%.

Những kệ hàng trong siêu thị trống rỗng.

Người dân Paris nhanh chóng thích ứng với các quy định mới. Trước 12h ngày 17/3, đường phố còn nhộn nhịp, các siêu thị rất đông khách, dân chúng ai nấy đều tranh thủ đi mua các mặt hàng  thiết yếu như mì, gạo, bánh khô sữa và bơ… Do vậy các gian hàng trong các cửa hàng cũng bị vơi nhanh chóng, nhưng Tổng thống đã tuyên bố không để dân Pháp thiếu các đồ nhu yếu phẩm.

Sau chưa đầy nửa ngày, Paris như đã khoác lên mình một khuôn mặt khác. Các đường phố vắng tanh, tháp Eiffel đứng đìu hiu ngả bóng xuống sông Seine. Nhà thờ Sacré-Coeur thường ngày đón hàng trăm ngàn khách tham quan, giờ đây cũng không một bóng người. Sông Seine lững lờ trôi khi vắng những con tàu trắng, Vườn Luxembourg bỗng trở nên hiu hắt với những bức tượng trắng đứng trầm ngâm…

Khắp nơi đều đóng cửa. Hơn 20 năm năm sống tại Paris, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này. Đây đó tại tiền sảnh các khu chung cư có dán những tin nhắn: “Chúng tôi là X. ở tầng Y. Chúng tôi ở độ tuổi Z. và khỏe mạnh.

Nếu bạn cần mua đồ hay bất kỳ chuyện gì gấp, hãy gọi cho chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng giúp miễn phí…” hoặc “Tôi là y tá ở tầng N., nếu bạn gặp vấn đề về sức khỏe, hãy gọi cho tôi…” và “Tôi tên S. giáo viên Trung học, môn T., nếu các bạn có con cần giảng bài, tôi sẽ trợ giúp…”. Khi đọc những dòng chữ ấy, phải nói là rất xúc động!

Người Việt tại Pháp thích ứng với quy định chống dịch

Cộng động Việt tại Pháp nổi tiếng kín đáo, cần cù, ham học và luôn có chí cầu tiến nên rất được lòng dân bản địa. Trong dịch COVID-19, tất cả sắp xếp lại những sinh hoạt đời sống và công việc cho phù hợp với tình hình hiện tại. Đa phần đều có những suy nghĩ tích cực để đối phó với dịch.

Người dân xếp hàng mua bánh mì tuân thủ khoảng cách.

Chị Hồ Thụy Trang, một trong những nữ nghệ sỹ và giáo sư âm nhạc cổ truyền Việt Nam tại Pháp, cho biết cũng lo lắng vì hiện nay chưa có thuốc chủng ngừa nên thật khó khăn ngăn chặn sự bùng nổ lây lan này. “Thật là khủng khiếp khi sống trong chờ đợi, chẳng biết bao giờ đến lượt mình”, chị nói.

Chị cho rằng Chính phủ Pháp đã quá thoáng và hơi chậm trong việc đưa ra biện pháp ngăn ngừa, như việc chậm đóng cửa biên giới. Theo chị, hồi mới xuất hiện dịch, ý thức dân Pháp chưa cao, khuyến cáo của chính phủ chưa đủ sức thuyết phục.

Bởi ngay sau lần phát biểu đầu tiên của Tổng thống trên truyền hình, người dân  Pháp vẫn ồ ạt tắm nắng, tụ họp pique-nique. Chị Trang không ngạc nhiên khi dân Pháp không đeo khẩu trang y tế và trên thực tế loại này chỉ được bán theo đơn bác sỹ.

“Người Pháp không có thói quen đeo khẩu trang để tránh bụi như bà con trong nước. Vì thế, không có khẩu trang bán tự do. Hơn nữa, khẩu trang chỉ để dùng trong bệnh viện và tại những khoa bệnh truyền nhiễm. Hoặc khẩu trang chỉ sử dụng cho người bệnh”. Là nghệ sĩ biểu diễn, dịch bệnh khiến công việc của chị bị ảnh hưởng khi nhiều show diễn trong tháng 3 và tháng 4 của chị đã bị hủy. “Cũng may, với Internet, tôi có thể dạy học trực tuyến cho các học trò của mình”. 

Các quán cà phê đều đã đóng cửa.

Chị Phan Hà, một kiều bào làm việc tại Paris nhưng sinh sống trong một vùng ngoại ô khá xa. Phan Hà cho rằng nếu cứ lo lắng thì không giúp được gì. “Việc của chúng ta là ở yên đó, tự chăm sóc và bảo vệ gia đình mình. Nếu ai cũng làm như vậy, dịch bệnh sẽ không có nguy cơ lây lan và chúng ta sẽ có cuộc sống bình thường trở lại. Cách đây một tuần, chúng tôi rất hoang mang khi số người nhiễm bệnh và chết tăng mạnh. Nhưng Chính phủ Pháp đã mạnh mẽ siết chặt để người dân tạm thời án binh bất động nên tôi đã phần nào yên tâm hơn”.

Hơn nữa chị có hai con còn nhỏ nên chị hoàn toàn đồng ý với quyết định của Tổng thống Macron. “Vợ chồng tôi có 2 con nhỏ, cả hai đều làm việc toàn thời gian. Chính phủ đã hỗ trợ mỗi gia đình có một phụ huynh được chăm con mỗi ngày. Những ngày còn lại chúng tôi làm việc tại nhà. Tôi xem như đây là thời gian đẹp để vợ chồng tôi và các con được quây quần bên nhau nhiều hơn”, chị Hà chia sẻ.

Còn Nguyễn Thúy Nga, một bác sỹ hưu trí, cũng là Chủ tịch Hội Nina Nguyễn, một tổ chức thiện nguyện gồm đa phần các bác sỹ chuyên giúp dỡ trẻ em tật nguyền, cũng đồng ý và ủng hộ các chính sách của Chính phủ Pháp đưa ra để bảo vệ người dân trong đại dịch này.

“Trước những khuyến cáo của Tổng thống Pháp, chúng tôi tạm ngừng những sinh hoạt. Hiện tại, tôi tạm thời đi xa Paris với một tinh thần vững vàng để đối mặt với những biến cố xảy ra và coi đây như một đợt nghỉ ngơi, tu bổ năng lượng, sức khỏe... Các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Pháp là đúng đắn, nhưng phải có một sự cố gắng rất nhiều”.

Chị cũng cho rằng đây là một thử thách rất lớn như trong một chiến tranh không hạn định hơn nữa phải thay đổi cách sống để đáp ứng, khống chế dịch bệnh. “Tôi hy vọng những chiến lược nhà nước Pháp đưa ra sẽ có tác dụng tốt bảo vệ phong tỏa dịch bệnh và sẽ có lối thoát để ảnh hưởng ít nhất tới cách sống xã hội, kinh tế, chính trị... Mỗi người dân cần thực hiện đúng theo quyết định của nhà nước”.

Hiệu Constant (Từ Paris)
.
.
.